Ranh giới

Thứ Hai, 07/03/2016, 08:00
Trời nóng bức, về đến nhà là ào ào giội nước giếng khơi tắm táp giữa sân trời. Người nhà quê là thế. Lao động hùng hục, nói oang oang, cười sang sảng, tức giận thì quát tháo, buồn thì rên, khóc. Khóc thì khóc tru tréo. Chuyện gì cũng cứ hồn nhiên mà nói, chả giữ ý, ngượng thẹn. 

Ông bà Lành một điển hình làng xóm. Sáng dắt bò đi, tối đánh bò về, vợ chồng già bảy mươi nói cười rổn rảng, hồn nhiên như đám trẻ.

Nhưng… một ngày… Cậu con trai của ông bà Lành mất ở tuổi hai lăm. Đau đớn đánh sập cái tiếng cười ha hả của ông từ ngã bảy ngã ba, đánh sập luôn cả cái tru tréo tiếng bà từ trong nhà chạy ra sân ra cổng ra đường mỗi khi hai ông bà vui đùa hay xích mích cãi nhau. Ông bà trở nên héo hon, lặng lẽ, lầm lụi.

Lầm lụi và lặng lẽ, ông sinh ra nghiện rượu. Rượu uống thâu đêm. Tu như nước. Ừng ực cả chai. Gật gù, ủ rũ, mềm oặt, đi đứng ngả nghiêng, ngã nhào như bóng cây trong bão.

Trâm - con dâu ông non choẹt, mới hai mươi mà đã goá chồng. Ngày ngày nhìn cảnh con dâu ôm đứa con đỏ hỏn tựa lưng góc giường khóc thương chồng, phận làm cha, ông Lành như đứt từng khúc ruột. Chúng nó mới cưới, mới kịp bện hơi nhau. Cũng may, nó mới có con. Ông nghĩ, vài ba năm nữa nguôi ngoai, ông sẽ tìm đám nào tươm tươm trong làng gả chồng cho con dâu cho nó có đôi đỡ khổ.

Trâm mới hai mươi tuổi. Sự mất mát đau thương đau đáu thờ chồng không thể nào lấn át được sức xuân đang phơi phới như cây mùa xuân nảy lộc đâm chồi trong cơ thể, tâm hồn cô. Bầu sữa căng đầy, da mỏng mọng mỡ màng. Sức xuân đang trỗi dậy và mùa xuân rực rỡ ở xung quanh.

Chồng mất đã được hai năm. Bé Hoàn con gái Trâm, cháu của ông bà Lành cũng đã được hai tuổi. Trâm cho con đi nhà trẻ. Cô sang làng bên làm thợ gốm. Công việc nhẹ nhàng, phù hợp với cô. Hằng tháng tiền lương cũng đủ giúp Trâm nuôi con, dành dụm được ít nhiều. Trâm ngày một đẹp trông thấy. Hơ hớ vô tư.

Bà Lành, mẹ  chồng cô nhắc nhở:

- Chồng chết chưa đoạn tang. Mày cười hơ hớ, nói in ít thôi.

Trâm thản nhiên đáp lại:

- Mẹ muốn con đau khổ đến bao giờ. Con mà ốm ra đấy, ai nuôi dạy con Hoàn.

Con dâu nói có lý. Bà Lành im lặng.

Trâm có người để ý.

- Thôi thì phận đàn bà, cái số hẩm hiu. Giờ rổ rá cạp lại, lấy ai thì lấy, cha mẹ không giữ, nhưng phải tìm cái người người ta thật sự thông cảm với hoàn cảnh của mình, con ạ - Bà Lành ngậm ngùi nói với con dâu.

Trâm giãy nảy:

- Con không lấy chồng đâu. Con ở lại làm con gái của bố mẹ.

- Sư cha mày. Ở là ở thế nào, tí tuổi đầu, phí đời lắm con ạ - Ông Lành lớn tiếng mắng con dâu.

Trâm phân trần:

- Giờ con Hoàn đã đến tuổi đi học, có bạn có bè. Con muốn xin bố mẹ cho con dựng cho cháu cái nhà, bố mẹ cho hai mẹ con con ra ở riêng. Chừng nào cái Hoàn vào đại học. Cái duyên cái số, gặp người con tính sau.

Thế là mảnh vườn trước mặt nhà ông Lành dựng lên một ngôi nhà nhìn thẳng ra cổng. Đó là nhà của hai mẹ con Trâm.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Như chim tách đàn, ngày ngày Trâm sành điệu như cô gái chưa chồng điều khiển chiếc xe máy trang nhã, bóng loáng, sang làng gốm Bát Tràng tô vẽ hoa văn trên sản phẩm gốm chưa nung. Trâm mỡ màng, phơi phới, làng trên xóm dưới, đám đàn ông thanh niên, trung niên, có vợ, chưa vợ nhiều người để ý, thích Trâm. Đám con gái chưa chồng, khối đứa kém xa. Có đứa ngu xuẩn ước, góa chồng như Trâm cũng sướng!

Tự do, dần dà Trâm thường đi làm về nhà rất muộn, giờ giấc thất thường. Những lần Trâm về muộn, bé Hoàn ăn ngủ dưới nhà ông bà nội. Lâu dần con bé bện hơi bà hơn mẹ. Cái nỗi nhớ, lo cho mẹ cũng nguội dần vì nó đã quá quen với gương mặt rạng ngời, hớn hở của mẹ nó mỗi khi đi làm về muộn.

Một tối, Trâm về sớm hơn mọi khi, đúng lúc nhà ông Lành đang dọn cơm.

Thấy dáng con dâu, ông Lành gọi với:

- Con Trâm, tiện bữa xuống dưới này ăn cơm.

Cả nhà ngồi bên mâm cơm đợi Trâm tắm rửa. Nhưng, đợi mãi cũng chả thấy  Trâm xuống ăn. Bà Lành bảo con Hoàn:

- Lên gọi mẹ mày xuống ăn cơm. Cơm có bữa, mọi người đợi.

Con Hoàn chạy lên thấy mẹ nằm vật trên giường, nó day day thái dương, đấm lưng cho mẹ, dỗ dành:

 - Mẹ, mẹ dậy xuống ăn cơm đi.

Mẹ nó quát:

- Cút xuống kia, để cho tao yên!

Nghe thấy tiếng con dâu quát cháu, ông Lành chạy sang nhà con dâu, đứng giữa cửa ông nói vọng vào:

- Ơ, cái con này! Xuống ăn nhanh lên. Mày để bố già phải đợi con trẻ à?

Trâm lóp ngóp ngồi dậy, vuốt vuốt tóc, cột lại, uể oải xuống nhà bố mẹ chồng, chẳng nói chẳng rằng, cô ngồi thụp bên mâm cơm như kẻ thất tình bưng bát cơm đã được đơm sẵn đặt lên miệng và.

Bốn người ngồi quanh mâm cơm được dọn giữa hè. Bố chồng, mẹ chồng, Hoàn, đứa con gái bé bỏng của Trâm, ăn, im lặng, mắt ai cũng cụp nhìn xuống bát, xuống mâm. Mâm cơm ánh lên bởi thứ ánh sáng lờ mờ của chiếc đèn tuýp tiết kiệm điện từ trong nhà chườm ra. Bát canh cua lanh lánh sáng tối, nồi cơm nóng hổi mà không nhìn thấy hơi bốc lên như khói. Nghe rất rõ tiếng tóp tép nhai cơm, tiếng soàn soạt húp canh vội vàng của mỗi người, bởi ai cũng muốn ăn nhanh cho xong bữa.

Như thể rất hiểu tâm trạng con dâu, ông Lành chống đũa xuống mâm, xúc động:

- Con an tâm. Bố không để con cô đơn đâu Trâm ạ.

Bà Lành dừng nhai, sững cái bát trên tay, vụt nhìn ông. Bà với tay xuống mâm, vục một bát canh đầy, uống ừng ực. Bà đứng dậy.

Hoàn bé con, trút thức ăn trong bát của mình sang cho mẹ Trâm, rồi cũng đứng dậy theo bà vào nhà mở tivi xem.

Mâm cơm chỉ còn lại hai người. Bố chồng. Cô con dâu góa.

Ông Lành rót thêm một chén rượu:

- Ăn đi, ăn đi Trâm. Bố biết, bố hiểu con lắm chứ. Bố không để con cô đơn đâu.

Trâm im lặng, nhai cơm như nhai rơm.

Ông Lành ân cần gắp thức ăn cho con dâu:

- Ăn đi. Ăn đi. Mày buồn, bố khổ tâm lắm.

Trâm vẫn im lặng. Ánh sáng đèn điện không đủ rõ gương mặt cô.

Ăn xong, ông Lành đứng dậy, xách theo nồi cơm điện đi vào nhà.

Trâm bê mâm bát ra giếng khơi, đặt bịch xuống sân. Cô thả gầu thùm thụp vục xuống giếng nước sâu. Chiếc gầu ngoan cố cứ ngửa miệng lên trời. Cô giật giật điên cuồng, tiếng miệng gầu xoang xoảng va vào thành giếng.

Ông Lành đang châm đóm trong nhà, ánh lửa vừa lóe lên chưa kịp rít điếu thuốc lào, ông dừng lại, lắng nghe. Đóm lửa cháy xém cả vào tay, ông rụi tàn, ném bỏ vào thùng điếu. Ông đứng phắt dậy, vút nhanh ra giếng cầm chiếc dây gầu trên tay Trâm, ông vục gầu múc nước. Gầu nước được kéo lên từ sâu đáy giếng, lóng lánh nước đầy không rơi một giọt nào xuống giếng. Ông dội tràn lên mâm cơm đầy bát và đũa. Trâm đứng nhìn ông. Nước tràn lên chân Trâm mát rượi.

Ông khẽ giục:

- Rửa đi Trâm.

Và rồi ông lại thả dây, vục miệng gầu xuống đáy giếng, múc lên những gầu nước sóng sánh, đổ đầy chậu, tràn lên tay Trâm đang rửa. Gầu nước cuối cùng, ông bưng lên cao, ghé miệng, uống từng hơi ừng ực. 

Trăng đã lẫn vào mây. Trâm nhón gót lên viền sân giếng, kéo gấu quần cao gần lên đầu gối, cô ngồi xuống, đổ một chút dung dịch rửa bát vào cái giẻ. Cô rửa bát.

Ông Lành lùi lại, ngồi thụp phía sau. Giống như một cái cối đá xay, ông ôm ngang lưng Trâm: "Thương lắm thương lắm".

Trâm cần mẫn xoay xoay tròn từng cái bát. Bọt xà phòng xốp trắng sủi trên tay.

*

Dạo này Trâm đi làm về rất đúng giờ. Nấu cơm xong, Trâm phóng xe đến trường đón con gái tan học. Ăn cơm tối xong, con Hoàn ngồi học bài. Trâm xuống nhà bố mẹ chồng xem tivi. Trâm bảo, xem chung với ông bà cho đỡ tốn điện, cho con Hoàn yên tĩnh học bài.

Mùa hè, Trâm phơi phới quần cộc, áo hai dây không xu chiêng, trưa, tối, xuống nhà xem phim cùng bố chồng. Mẹ chồng tối nào cơm nước xong cũng săm soi chuồng lợn, chuồng bò nấu nồi cám lợn đến khuya muộn hết chương trình phim truyện mới rời cái bếp lên nhà đi ngủ. Mặc kệ hai bố con xem tivi chuyện như ngang hàng phải lứa, tranh luận nhân vật trong phim, cười hơ hớ.

Một đêm tình cờ, Ủy ban xã có cuộc họp về việc bồi thường giải phóng mặt bằng khu đất của địa phương. Cuộc họp kéo dài quá, khuya muộn mới tan. Bà Lành đi họp về, thấy ngoài sân giếng chỗ nhà tắm có cái gì sột soạt. Bà tưởng con bò khát nước, sổng chuồng. Bà soi đèn pin về hướng ấy. Trời ơi, gặp ngay mắt ông Lành đờ đẫn dưới vầng trán hói bóng nhẫy, gương mặt nhem nhuốc tro đêm. Một bóng đen vút qua, rất nhanh, loáng như một bóng ma. Không hiểu sao bà nghĩ ngay đến con dâu. Bà giật giọng:

- Con Trâm đâu?

- Bà điên rồi, làm gì có Trâm nào ở đây!

- Ông làm gì ở đấy hả?

- Tôi đi rửa chân, bà hỏi để làm gì?

Bà la lớn:

- Đồ khốn nạn. Cứt lộn lên đầu. Không biết nhục.

Bà soi đèn khắp các ngóc ngách trong khuôn viên nhà mình tìm bóng con dâu:

- Con Trâm đâu rồi, con Trâm đâu rồi! Mày dạc dài ngoài đường chưa đã à, về nhà còn tí tớn. Không sợ trời vật à?

Ông Lành khom lưng, thõng tay đan ra đàng sau tiến về phía bà Lành, ông hững hờ:

- Tôi đóng cửa chuồng bò giúp bà. Bóng con bò bà lại bảo bóng con Trâm. Con Trâm nó ngủ trên nhà nó kia kìa. Trâm với chả Trâm.

Thất thểu từng bước bước vào nhà, ông lẩm bẩm:

- Con mẹ này điên nặng. Nó điên nặng lắm! Nó không muốn cho mình sống.

Vừa tới đầu giường, ông nằm vật ra, la lớn:

- Tôi chán đời quá! Trời đất ơi, sao mà tôi chán đời thế.

Ngoài sân, bà Lành vẫn hừng hực lùng sục tìm:

- Con Trâm đâu rồi, con Trâm đâu rồi, mày muốn tao chết phải không! Mày muốn tao chết phải không, Trâm!

Từ trên nhà riêng, tiếng Trâm vọng ra:

- Con đã tránh nhiều rồi đấy!

Trời ơi cái mồm nó! Hàng xóm mà nghe thấy…! Sợ quá, bà hấp tấp soi đèn pin xộc vào nhà Trâm. Bà rít qua kẽ răng:

- Đàn bà con gái, như người ta mày nói với tao một câu, mẹ ơi bố con như thế như thế, mẹ giúp con. Nhưng đây, mày không. Mày còn khơi gợi. Không có lửa làm sao có khói. Hai bố con nằm song song hai giường xem tivi tối ngày. Bên này bố cởi trần, quần đùi rộng hoác hở cả ra. Bên này giường, con dâu cũng quần đùi, áo hai dây tốc ngược lên. Hai bố con vờ xem tivi ngắm nhau, nói ra thì xấu hổ, mày bảo tao lạc hậu soi mói. Nhưng tao không nói, nhỡ chẳng may ai vào có dơ cái mặt chúng mày không. Mày tha hóa quá. Tao tưởng mỗi tuổi mỗi khác, ai ngờ càng ngày chúng mày càng đổ đốn. Loạn không để đâu cho hết.

Đoán biết bà Lành đang mắng nhiếc con dâu, ông Lành bật dậy băm băm lên nhà con dâu, lôi xềnh xệch bà Lành ra sân. Ông kéo bà lại gần bể nước mưa đầy, dúi đầu bà vào miệng bể:

- Mày chết đi, mày chết đi cho tao nhờ!

Mỗi cái "mày chết, mày chết đi" là một cái ông dúi mặt bà ngập sâu trong bể. Mỗi lần sằng sặc tưởng là tắc thở, bộ mặt bà lại được ông nhấc lên để lấy đà ấn trọn cái đầu cái mặt bà xuống sâu nữa.

Mỗi lần được nhấc mặt lên khỏi mặt nước, bà Lành tranh thủ hét lên một tiếng:

- Làng nước ơi!

- Con Trâm nó…

- Giết

- Tôi!

Và ông Lành, mỗi lần dúi mặt bà Lành chìm trong bể nước là mỗi lần ông Lành nghiến từng câu:

- Mày chết đi này!

- Mày chết đi

- Mày chết đi cho tao nhờ!

Bà Lành thấy mình đã kiệt sức. Bà cảm thấy cái chết đang đến rất gần. Bản năng khát sống đã giúp bà gồng lên, cố hết sức mình. Bà tì ngực vào thành bể, hai tay áp chặt vào tường bể, bà lấy chân đạp ngược vào háng ông. Bà hét lớn:

- Làng nước ơi cứu tôi! Lão già dâm dê nó giết tôi!

Lúc này Trâm mới chạy ra hè. Như một bà lớn, Trâm quát ông Lành:

- Bố! Bố làm gì thế! Bố dám giết mẹ con thật đấy à!

Ông Lành nhả túm tóc bà Lành ra khỏi tay, như thể quẳng một viên gạch.

Bà Lành ướt như chuột lột. Tóc tai xũ xượi, mắt đỏ hoe, mũi cay xè vì sặc nước. Bà thoi thóp mò vào buồng. Không dám bật điện, tiếng thở như bò, bà lọ mọ lần mò tìm quần áo thay.

Bà lặng lẽ lên giường, kéo chiếc chăn mỏng đắp lên người. Bà ngồi thu lu dưới cuối giường, nước mắt tứa như mưa. Tủi thân, uất hận, bà gọi tên con trai xấu số trong tiếng khóc ri rỉ như tiếng dế của bà. Nước mắt nước mũi tắc nghẹn làm bà nghẹt thở. Bà ngửa cổ lên cố hít hơi cho dễ chịu.

Đêm thanh xóm vắng, trăng muộn đã xuống thấp, lọt qua khe cửa rơi lên chiếc chăn mỏng đắp cao đến ngực bà. Bà vươn người, đẩy cái cánh cửa sổ cho không khí vào nhà dễ thở. Dưới ánh trăng, bà nhận thấy có một vật gì nhỏ như chiếc khăn tay vắt trên nắm đấm cửa ra vào buồng ngủ của bà. Chiếc khăn tay hay miếng vải nhỏ ánh lên cái gì nhỏ như hai hạt tấm, long lanh như mũi kim thêu của con Hoàn. Bà nhận ra không phải cái khăn hay miếng vải của con Hoàn, mà là con bướm nâu với đôi mắt long lanh như kim loại dưới ánh trăng.

Bà nghĩ tới bố con Hoàn, đứa con trai xấu số của bà.

Bà cất tiếng gọi trong lòng:

- Vịnh, con đấy phải không?

Con bướm sậm màu vẫn lặng thinh, chớp chớp.

Bà rón rén tìm bật lửa, thắp nén hương:

- Con ơi, con sống khôn chết thiêng…

Ông Lành nằm một mình trên giường ngoài, thấy vậy, lên tiếng:

- Bà làm cái trò ma quỉ gì thế!

Bà Lành như không để ý đến ông Lành:

- Con biết cả rồi. Con buồn lắm phải không con...

Ông Lành ngồi dậy tự lúc nào, hướng về phía di ảnh con trai, ông quát nạt:

- Tổ cha mày, cứ ngồi lù lù đấy mà giữ vợ. Ông giới thiệu con Trâm cho thằng Quyết anh họ mày chứ cho mày à. Mày cướp con Trâm của thằng Quyết anh họ mày đấy chứ! Thế ông với con Trâm thủ thỉ thì thầm với nhau không được sao? Mày còn sống đâu mà mày giữ! Con mẹ mày già rồi, còn đẻ với đái cái gì nữa! Mày bất hiếu, mày để lại đứa con gái, mày muốn ông tiệt giống phải không!

Không cần bật công tắc điện, ông Lành vẫn với chính xác chai rượu chực sẵn dưới gầm giường. Ông tu rượu. Mỗi một lần tu rượu, một lần ông cất giọng chửi vong hồn cậu con trai xấu số của ông.

- Mày bất hiếu. Mày làm khổ nó. Mày ác chứ!

Hương trầm thấm đượm quyện vào đêm. Ba chấm đỏ đầu hương không soi rõ hình hài. Đôi con mắt người sống như thủy tinh đọng hơi nước, giọt lệ ròng ròng lăn trên má nhăn nheo của mẹ. Mọi vật vô hình. Bà Lành bấu víu vào con bướm, vong linh con trai của bà:

- Con ơi con, con sống khôn chết thiêng, con can ngăn vợ con, chứ thế này sẽ có ngày bố con giết mẹ chết mất...

Bà như nghe thấy tiếng con trai an ủi:

- Mẹ, mẹ đi nghỉ đi mẹ.

- Con có thấy chuyện tày trời người ta làm không con!

- Con biết cả. Con biết hết mọi chuyện. Nhưng âm dương cách biệt, con không thể làm gì được. Con nhờ cậy ở mẹ.

Bà Lành nghẹn nấc:

- Con ơi. Mẹ cũng không biết làm thế nào. Mẹ thương cái Hoàn, nó là đứa con duy nhất của con, nó còn bé quá, nếu không mẹ cũng muốn chết xuống dưới ấy có mẹ có con…    

Bướm nâu rời chỗ, bay sà lên vai mẹ. Bà Lành rưng rưng, bàn tay run rẩy đỡ đứa con yêu, nhè nhẹ nâng niu, đưa gần về phía ngực nơi trái tim. Nước mắt bà nhỏ trên cánh bướm. "Con ơi! khổ thân con, con chết cũng không yên...".

Bướm nâu bò lên ngực áo, chạm đôi cánh mỏng lên má mẹ như thể đứa con yêu thể hiện tình thương yêu với mẹ.

Cánh bướm mỏng manh. Mẹ nín khóc. Mẹ muốn được ôm con, được ấp bàn tay lên con vỗ về, nhưng con của mẹ yếu ớt quá, mẹ sợ làm con đau. Mẹ sợ con bay đi mất.

- Con quanh quẩn ở đây với mẹ, con đừng bỏ đi đâu con nhé, mai mẹ sẽ kiếm một cái lồng... 

Mắt bướm nâu tròn xoe, lóng lánh như ánh sao trên gương mặt mẹ. Tình mẹ con mẫu tử, mẹ không còn nghe thấy âm thanh của con quỷ dữ từ ông Lành.

Ông Lành nhỏ thó ngồi cong queo như cành củi khô, cái trán dô ánh lên màu sỏi đá. Hai con mắt giận dữ của ông tóe lửa xé tình thiêng. Chỉ tay về phía bàn thờ, ông quát lớn:

- Cút, cút cho rảnh mắt ông!

Bướm nâu loạng choạng, ngập ngừng, bay, rời vai mẹ. Bướm nâu đậu trên tay cửa ra vào, chỗ cũ, lúc ban đầu bướm đậu.

Tiếng ông Lành man dại:

- Mẹ bố mày!

Bướm nâu đập cánh, lần này, bướm nâu cất cánh bay, bay xa, ra đến tận ngoài trời, nhưng đôi mắt vẫn lấp lánh như hai mũi kim vẫn không thôi ngoảnh lại nhìn mẹ.

Ông Lành bật đèn tuýp, lao ra cửa.

Bà Lành chạy theo, gọi:

-  Con ơi! - Bà ngã khuỵu trước cửa nhà.

Không phải ông Lành đuổi theo bướm nâu. Ông Lành xuống bếp kiếm con dao phay, con dao chuyên để pha thịt bò, thịt lợn trong làng những ngày tết. Một tay cầm con dao, một tay ông kéo bà Lành vào nhà, dúi bà ngồi xuống mép giường của ông:

- Ông sẽ giết mày. Ông sẽ giết mày, mày làm ông sống cũng như không!

Bà Lành run cầm cập, mặt xám ngoét không còn một giọt máu. Trong khi ông cài then sập cửa, bà chui tọt xuống gầm bàn. Lăm lăm con dao trong tay, ông Lành dứ dứ đuổi bà chạy vòng quanh khắp nhà. Bà thục mạng chui được vào gậm giường, vãi đái, ướt sũng quần.

Ông Lành dài tay thò con dao phay vào gậm giường. Mặt ghếch vào vai giường, ông khua khua dao.

Trong gậm giường có cái đòn gánh. Đòn gánh dài hơn con dao. Bà cầm cái đòn gánh, đập một nhát vào con dao. Bất ngờ, tay ông rời ra. Bà khều con dao lại gần. Bà cướp được con dao.

Bình tĩnh và rắn rỏi, bà cứng cỏi nói từ trong gậm giường vọng ra:

- Ông muốn lấy con Trâm. Tôi đồng ý. Ông mở cửa ngay cho tôi để tôi sang bên nhà ông bà thông gia, mời ông bà ấy sang đây thưa chuyện xin ông bà ấy nhận ông làm con rể của ông bà ấy.

Bà Lành nhắc đi nhắc lại, nặng trịch từng câu chữ:

- Ông thông gia bây giờ muốn làm con rể. 

Ông Lành im lặng.

Không thấy ông trả lời.

Không thấy ông chửi bới.

Bà Lành như con rùa, thò cổ ra ngoài, quan sát.

Bà thấy ông quì gối dưới đất, mặt úp xuống giường.

Bà rụt cổ lại, chui vào gầm giường, ngửa mặt lên, hiếu thắng:

- Rõ khổ thân ông. Giải thích với làng xóm thế nào đây. Đang ngang hàng phải lứa với người ta. Giờ lại xuống hạng làm con rể. Lấy mẹ nó, không biết con Hoàn nó gọi ông nội nó bằng gì đây!

Ông Lành đổ vật xuống giường, ôm mặt khóc:

- Tôi sai rồi! Trời ơi tôi u mê! Tôi say, tôi sai, tôi không làm chủ được tôi. Bà phải giúp tôi. Bà phải giúp tôi chứ.

Bà Lành im lặng, lóp ngóp chui ra khỏi gầm giường.

 Nhớ tới con bướm nâu, bà chạy ra sân, ra vườn tìm con.

*

Cả tháng trời không thấy Trâm bén mảng xuống nhà. Bữa cơm tối, bà vẫn để dành một bát canh cho cái Hoàn mang về cho mẹ nó, bà bảo: Nấu luôn thể, hai mẹ con nó ăn đỡ phải nấu.

Nhưng vết rạn trong gia đình khó mà trở lại bình thường ngay được.

Đấu tranh, phân vân cả tháng trời, bà Lành mới quyết định giấu chồng, một mình sang nhà thông gia kể hết lại sự tình. Bà chỉ kể riêng với bà thông gia. Bà bắt bà thông gia hứa, không kể lại với ông nhà.

Bà thông gia xấu hổ, khóc kêu trời, xin lỗi bà Lành vì đã không dạy được con gái đến nơi đến chốn, giờ để nó hư đốn.

Bà thông gia xin phép bà Lành cho Trâm về bên này ở, để lại con Hoàn cho ông bà nội đỡ buồn.

Là người mẹ, từng mất con, bà Lành thấu hiểu tình mẹ con như cá với nước. Cá không nước cá làm sao sống được! Hai mẹ con nó đang yên ổn có nhau, giờ mỗi đứa một nơi. Con Hoàn mất cha, giờ lại phải xa mẹ, bà khổ tâm dứt ruột.

Bữa ấy Trâm về nhà chơi với con Hoàn. Trâm báo cáo với ông bà Lành, Trâm sắp lấy chồng.

Trâm về nhà mẹ đẻ rồi, con Hoàn nằm bẹp trên giường, âm thầm khóc.

Tối, bà Lành gọi cháu xuống ăn cơm.

Bà Lành thăm dò ý cháu:

- Sắp tới mẹ con đi lấy chồng, con ở hẳn với ông bà, con có đồng ý không?

Con bé lặng đi không nói năng gì.

Ông Lành gắp thức ăn vào bát cháu:

- Con này ăn đi. Còm nhom thế này, ăn nhiều vào cho chóng lớn.

Con bé tức giận, hất thức ăn của ông ra khỏi bát. Nó quát:

- Tại sao ông không yêu bà? Tại sao ông lại yêu mẹ cháu? Tại sao! Cháu ghét ông!

Nói rồi con bé bỏ cơm, chạy vào buồng bà, nức nở.

Bà Lành trố mắt nhìn ông. Bà cũng bỏ cơm vào buồng với cháu. Hai bà cháu nằm bên nhau không ai nói với ai một điều gì. Không ai nghe thấy tiếng khóc của ai nhưng ai cũng thấy gối của ai cũng ướt đẫm. 

Truyện ngắn của Lê Hồng Nguyên
.
.