Người quê

Thứ Năm, 29/03/2018, 08:45
Bà đẩy khẽ cánh cửa gỗ khép hờ. Như đã chực chờ sẵn, một làn gió chở đầy mùi cá nướng tanh nồng, mùi mồ hôi ngai ngái ập vào gian phòng lờ mờ tối, hối hả. Bà vươn vai đón chào ngày mới. Nhịp sống an nhàn đến mức, hằng ngày, bà chỉ biết làm bận rộn mình bằng câu hỏi: Hôm nay ăn gì?

Buổi mờ đất, sương chưa kịp tan và nắng chưa kịp lan đã nghe những âm thanh, mùi vị thân quen của chợ tỏa ra rộn rịp. Mở màn là tiếng con lợn bị chọc tiết gào ré lên xé toạc cả sự yên bình. Tiếp nối là tiếng xe đạp cà tàng hoen gỉ dây xích nặng nề quay từng vòng lạch xạch. Những tạp âm ấy như hồi chuông báo thức gọi bà dậy.

Bà đẩy khẽ cánh cửa gỗ khép hờ. Như đã chực chờ sẵn, một làn gió chở đầy mùi cá nướng tanh nồng, mùi mồ hôi ngai ngái ập vào gian phòng lờ mờ tối, hối hả. Bà vươn vai đón chào ngày mới. Nhịp sống an nhàn đến mức, hằng ngày, bà chỉ biết làm bận rộn mình bằng câu hỏi: Hôm nay ăn gì?

Nhà gần chợ, kể cũng tiện, muốn ăn món gì thì tập tễnh mấy bước chân mua thứ này một tí, thứ kia một tẹo, về bật bếp ga, bắc chảo, lèo xèo xào nấu mươi lăm phút là xong. Như một cách làm cuộc sống bớt nhàm chán hơn, mỗi bữa, bà sáng tạo một món mới, thật cầu kỳ.

Bà tự cười bản thân, càng hiện đại lại càng hay vẽ chuyện. Rồi bà chợt nhớ đến những ngày đã xa, mình bà nuôi đến bốn đứa con mọn, suốt ngày đầu tắt mặt tối nên bữa cơm bao giờ cũng qua loa rau luộc, nước canh, vừng lạc. Mẹ con nhường nhau gắp gắp, chan chan vẫn ngọt bùi tình cảm. Chứ bây giờ, thịt thà dư thừa mà chẳng buồn đụng đũa, bánh trái ăm ắp mà không muốn thọc tay. Bà nấu thật nhiều, bày biện thật ngay ngắn trên bàn rồi gọi hai đứa nhỏ con chị đồng nát nhà hàng xóm sang ăn cùng.

Hai đứa nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn mà gầy tỏng gầy teo. Mẹ chúng chẳng khác gì bà ngày xưa, vì manh áo, miếng cơm phải lăn lộn, bươn bả nên đôi lúc bỏ bê con cái. Một trưa sang thăm, thấy hai đứa nhỏ đang vục đầu vào nồi cơm nguội lấm tấm bột canh, bà ứa nước mắt. Bao nhiêu chuyện cũ ùa về, nhoi nhói. Thời nào cũng có người khốn khổ.

Tính đến nay, bà đã có sáu đứa cháu. Vào những dịp lễ, Tết, chúng thường được bố mẹ đưa về quê chơi vài hôm rồi lại lon ton leo lên ôtô trở lại thành phố. Bà từng ngỏ ý muốn nuôi một vài đứa cháu cho đỡ cô quạnh tuổi già. Song, tình thương của bà cộng với sự bình lặng của vùng quê này không đủ sức níu giữ đôi chân của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở chốn phồn hoa.

Bà buồn, nhưng không trách chúng. Thôi thì, nay có hai đứa nhỏ con chị hàng xóm suốt ngày ríu rít chuyện trò, trêu đùa bên cạnh, coi như được an ủi phần nào. Từ ngày được chăm sóc bởi bàn tay bà, chúng thay da, đổi thịt, lớn nhanh như thổi. Niềm vui của bà đơn giản là nhìn chúng ăn căng tròn bụng và tấm tắc khen ngon.

*

Những ngày mưa, tranh thủ lúc rỗi việc, chị hàng xóm thường ghé sang nhà bà chơi. Lúc nào chị cũng đảo mắt ngó qua những tivi, tủ lạnh, điều hòa, xe đạp điện... cất gọn trong gian nhà bóng loáng gạch men rồi nói xơi xơi:

- Thôn mình giờ sướng nhất cô!

Sao bà không hãnh diện cho được cơ chứ! Bốn đứa con, xen kẽ thứ tự: Gái, trai, gái, trai. Đứa cả làm bác sỹ. Đứa hai làm giáo viên. Đứa ba làm kế toán. Đứa út làm tổ chức sự kiện. Tất thảy đều đã yên bề gia thất, định cư ở thành phố, đề huề nhà lầu, xe hơi.

Gỡ mấy sợi rác đậu trên vai chị hàng xóm, bà nhẹ giọng:

- Chị chịu khó nuôi hai đứa con nên người. Mai này chúng nó thành đạt, chị khắc sẽ được sung sướng.

Chị hàng xóm nhìn ra khoảng không mênh mang ngoài ô cửa sổ. Từng sợi mưa lất phất bay. Một chút gió làm lay lay mấy cành ổi đào trụi lá. Nền trời xám mỏng như tro tàn giấy vụn. Mùa đông đang sắp sửa chạm bước, thật gần. Gương mặt chị lại in hằn thêm bao nỗi lo toan.

Chồng chị mất cách đây bốn năm, từ khi đứa út còn đỏ hon hỏn trên tay chị. Nhiều lúc tưởng chừng không đứng dậy nổi, nhưng rồi chị cũng phải bíu vào đời mà sống, mà vươn lên như cỏ dại khô gầy. Mủi lòng nhìn chị, chợt đọc được vài ý nghĩ thẳm sâu ẩn kín trong đôi mắt khắc khổ ấy, bà vào buồng lấy tấm chăn phao gói kỹ trong chiếc túi bóng ra, ân cần bảo:

- Đông đến rồi. Mang tấm chăn này về mẹ con đắp thêm cho ấm.

*

Căn nhà đã được cơi nới lại ba năm rồi. Bốn bên tường cao, rào thép kín như bưng. Suốt ngày bà bật điều hòa hai mươi mấy độ C mà vẫn cảm nhận rõ rệt mùa đông năm nay lạnh hơn hẳn mùa đông năm ngoái. Dạo này hai đứa nhỏ con chị hàng xóm bận học thêm, học chính cả ngày ở trường nên chẳng kịp chạy qua đây ăn cơm.

Thân già lủi thủi trong căn nhà khang trang đầy đủ tiện nghi, đêm nằm vắt tay lên trán, bà cứ thao thức quên quên, nhớ nhớ vẩn vơ. Dễ đến ba đêm liền, bà không chợp mắt nổi. Sáng ra nghe thanh âm, mùi vị chợ búa thân quen báo thức, bà uể oải ngồi dậy, ngó qua cửa sổ, chẳng buồn chuẩn bị xách giỏ đi chợ. “Trong tủ lạnh vẫn còn sẵn bó rau muống và mấy bìa đậu. Ăn gì mà chả được!”, nghĩ vậy, bà chưa vội đặt chân xuống nền nhà.

Minh họa: Đào Quốc Huy.

Con cháu thu xếp công việc tề tựu đông đủ làm đám giỗ chồng bà. Mỗi năm chỉ có một vài ngày quây quần đông vui như thế. Thấy mặt mày bà hốc hác, vàng vọt, lũ con cuống quýt. Chiều hôm đó, bốn đứa họp gia đình để bàn chuyện rước mẹ về nuôi. Đứa nào cũng muốn đảm nhận nghĩa vụ cao quý ấy. Thành thử, thằng hai là trưởng nam trong nhà đành đưa ra ý kiến chốt lại, xem như vẹn lòng cả mấy anh chị em:

- Công bằng nhất là cứ để mẹ đến ở nhà mỗi người một vài tuần. Nếu mẹ thấy hợp với ai thì mẹ ở luôn với người đó.

- Thế ai sẽ hương khói cho tổ tiên, ông bà và bố? - Đứa con gái cả hỏi.

Thằng út vò đầu:

- Em cũng nghĩ đến chuyện này nhiều rồi. Thật khó xử.

- Anh tính rồi - Sau một lát phân vân, thằng hai đáp - Trước mắt, chúng ta sẽ nhờ chú Duyệt giúp. Lâu dài, khắc sẽ có cách chu toàn.

*

Căn nhà ba tầng của đứa con gái cả nằm ở một khu phố khá sầm uất. Trên tầng thượng ngổn ngang những chiếc hộp xốp màu trắng trồng đủ thức rau. Vợ chồng nó bận rộn liên miên nên chẳng kịp vun xới, bón chăm. Thành ra, rau leo lét mọc lên cây còn, cây mất rồi dần dần chìm khuất trong màu xanh ngùn ngụt của cỏ dại. Hôm đầu tiên lên đây, bà đã lầm lụi nhổ cỏ hết nửa ngày ròng.

Tiếp nữa, bà phải đi nhặt nhạnh từng khúc vòi nhựa vứt lăn lóc khắp nơi nối lại để bơm nước tưới. Ở thành phố đất chật người đông này mà có một mảnh vườn nhân tạo như thế xem ra khá thú vị. Nếu không, hẳn bà đã phát chán mất.

Bà thích ăn món xào, nhưng gia đình đứa con gái cả nấu cái gì cũng luộc. Lục tung cả gian bếp chẳng tìm được một hũ mỡ hay chai dầu ăn. Nó là bác sỹ nên khẩu phần dinh dưỡng phải tuân theo chế độ khoa học. Chả biết đúng sai thế nào chứ cứ thèm mà phải kiêng khem như đang mang bệnh thế này thì thật khổ. Nó nói:

- Mẹ ạ, dầu mỡ nhiều không tốt cho tim mạch.

- Biết thế, nhưng lâu lâu cũng phải đổi món chứ.

- Cả nhà con đều quen ăn đồ luộc.

Thảo nào mà hai vợ chồng với đứa con trai gầy nhẳng như con cá lẹp. Những vạt rau nhỏ trên sân thượng đã hái rụi tận gốc. Mấy bụi muống khô vừa ló chồi chưa tày gang tay đã bị hớt ngang ngọn ngay không thương tiếc. Tủ lạnh chủ yếu dùng làm đá. Ngăn dưới luôn trong tình trạng trống trơn. Một lần bà bảo, hai vợ chồng lương tháng mấy chục triệu, việc gì phải sống kham khổ vậy?

Con gái cả phải mất nửa tiếng để giải thích cho bà hiểu rằng, không phải vợ chồng nó bủn xỉn, mà bởi ở cái thành phố này, giờ thực phẩm bẩn - sạch lẫn lộn, chẳng biết đâu mà lần. Nó làm ở bệnh viện, hàng ngày tiếp nhận cả chục ca ngộ độc thức ăn nên lâu dần bị ám ảnh và sinh tâm lý đề phòng. Thành phố, ngỡ chẳng thiếu thứ gì mà hóa ra thứ gì cũng thiếu.

Những hộp rau trên sân thượng bé tẹo như cái lỗ mũi. Cỏ, bà nhổ mãi rồi cũng hết sạch. Ngày ở quê, niềm vui mỗi ngày của bà là câu hỏi: “Hôm nay ăn gì?”. Bà thích sáng tạo cùng những lọ gia vị. Bà thèm nghe tiếng mỡ rán xì xèo. Bà muốn ngửi mùi tỏi hành thơm nức.

Ao ước đơn giản vậy mà đôi khi khó thực hiện quá. Căn nhà rộng rãi, vắng vẻ. Vợ chồng con gái cả suốt ngày đi sớm, về muộn. Đứa cháu sắp bước vào kỳ thi chuyển cấp bù đầu sách vở. Ngoảnh trước, ngó sau sang nhà hàng xóm, thấy chiếc ổ khóa gài chặt suốt ngày. Thành phố là thế, ai cũng bận rộn...

Một hôm, vợ chồng con gái cả đi dự tiệc cưới đồng nghiệp, bà hỏi đứa cháu đang lom khom dắt chiếc xe đạp qua tán sung cảnh rợp bóng trước sân:

- Về rồi à con?

- Vâng, cháu mới đi học về ạ?

- Bố mẹ con không về ăn cơm đâu. Hôm nay con thích ăn gì nào?

- Mẹ cháu nhắc trưa nay bà cháu mình ăn cơm với rau muống luộc chấm nước mắm.

- Ngày nào cũng ăn món đấy mà cháu không chán à?

- Có chứ. Nhưng... cháu sợ mẹ nên phải ăn thôi.

Bà lật đật vào phòng, lật chiếu lấy chỗ tiền tiêu vặt con gái cả dúi cho mỗi sớm, chạy ra khu chợ xép đầu ngõ mua tôm, thịt bò, trứng vịt về chế biến một bữa ăn thịnh soạn. Rồi hai bà cháu cùng quây quần bên nhau, ấm cúng. Đứa cháu gắp món nào cũng luôn miệng khen ngon làm bà nhớ đến hai cu cậu con chị đồng nát quá chừng. Giá chúng đang ở đây, chúng sẽ tíu tít thi ăn với đứa cháu cưng của bà. Tưởng tượng đến đấy, lòng bà cứ nôn nao, rạo rực. Khi nghe nó nói “Cháu nói chân thành là cháu chưa thấy ai nấu ăn ngon như bà”, mắt bà chợt ngân ngấn nước...

Chiều hôm ấy, đứa cháu đau bụng vật vã. Bà luýnh quýnh nhấc chiếc máy điện thoại bàn gọi cho mẹ thằng bé. Mười phút sau, mẹ nó đã đánh xe ôtô về đến cổng, chở nó tới bệnh viện ngay. Bà ngồi hàng ghế sau, ruột gan nóng như nung lửa. Suốt quãng đường đi, đứa con gái cả cứ cấm cảu:

- Con đã nhắc mẹ bao nhiêu lần rồi. Thực phẩm ở chợ toàn không rõ nguồn gốc. Vậy mà mẹ cứ...

- Mẹ... Mẹ..

Con rể từ cơ quan cũng đến nơi khi hai mẹ con con gái cả vừa bước vào phòng khám. Ngồi ngoài hàng ghế chờ của phòng khám, bà khóc rưng rức. Thằng con rể buột miệng:

- Sao hai bà cháu cùng ăn mà mẹ lại không việc gì nhỉ?

Câu nói ngỡ bình thường mà sắc lẹm như một mũi dao phóng xuyên tâm can bà. Bà úp mặt vào đôi tay gầy guộc, nước mắt chảy tràn theo từng vết nứt nẻ. Một lát sau, con gái cả bước ra, đấu dịu:

- Cháu không sao rồi mẹ. Cháu nó bị đau bụng do uống phải sữa đậu nành thiu ở cổng trường. Chứ mẹ không có lỗi gì trong chuyện này hết.

*

Vợ thằng hai là người miền Trung. Cái chất giọng nằng nặng bà nghe câu được, câu mất. Chồng đi dạy học ở trung tâm. Vợ ở nhà quán xuyến nội trợ. Bảnh mắt đã thấy con dâu mặc tạp dề lục cục nấu nướng. Chỉ một bữa sáng thôi cũng cầu kỳ bao nhiêu là món. Chả bù cho nhà đứa con gái cả! Thằng cháu đích tôn nhìn bà nội một lượt từ đầu xuống chân rồi ngộ nghĩnh nói:

- Trông bà gầy như xe đạp điện. Sang đây mẹ cháu tẩm bổ cho một tuần có mà thành xe lu.

Bà khẽ cốc nhẹ lên đầu nó, mắng yêu:

- Tiên sư nhà anh. Thế nếu bà ở đây một tháng thì sẽ thành xe gì nào?

- Xe tăng! - Thằng bé nhanh nhảu.

Bữa cơm ở nhà thằng hai luôn rôm rả điệu cười, tiếng nói. Và đã trở thành quy luật, đúng sáu giờ mười lăm phút, thằng hai chải chuốt lại tóc tai, chỉnh đốn trang phục cho thằng cu rồi hai bố con cùng đến trường. Con dâu lại loay hoay vào những thứ việc tủn mủn lặng thầm. Bà quan tâm hỏi:

- Có việc gì cho mẹ làm giúp với!

Con dâu đang giặt khăn lau chùi mặt bếp ga quay ra nhìn bà, lí nhí:

- Dạ, không ạ. Mẹ cứ ngồi nghỉ ngơi. Con làm quen tay rồi.

Bà thấy mình như một cục thịt thừa. Xem tivi riết cũng chán. Đi dạo ngoài đường thì bụi bặm, xe cộ ầm ào đến phát sợ. Đọc sách, báo thì mắt tèm nhèm không nhìn rõ mặt chữ. Con dâu là đứa ít nói. Có bầu tâm sự, bà chẳng biết giãi bày cùng ai. Những hoài niệm về cái ngôi làng thanh bình dâng lên trong lòng bà, ngồn ngộn. Nơi đó, quê nhà...

Vợ thằng hai thương bà, rất thương là đằng khác. Bà đến, nó đã sắm sanh lại toàn bộ chăn gối mới. Bởi nó lo bà nằm chăn gối cũ không quen hơi sẽ sinh chứng mất ngủ. Mấy hôm sau, nó dẫn bà ra hiệu may đặt ngay một bộ áo dài nhung sang trọng. Nó còn nhớ bà thích màu tím đậm. Thực sự cảm động, bà muốn nói một câu cảm ơn mà cứ lần lữa mãi. Sự chu đáo của nó vừa khiến lòng bà được sưởi ấm, vừa gợi nên chút gì đó khách sáo giữa mẹ chồng - nàng dâu.

Ở đến ngày thứ tư thì bà tin rằng trên đời này không ai kỹ tính hơn con dâu bà. Một con chuột nhắt chạy qua sàn nhà, nó cũng phải lấy giẻ cọ chùi cho kỳ được. Một vết mực xíu xiu bằng hạt đỗ dính trên chiếc áo sơ mi trắng của thằng con trai, nó mua Javen tẩy cho bằng sạch sành sanh.

Góc bếp có hai cái xô sơn để phân loại rác vô cơ và hữu cơ. Nồi, niêu, xong, chảo trên giá inox được xếp theo thứ tự từ to xuống nhỏ. Vì lẽ đó mà bà luôn cảm giác ánh mắt con dâu rất nghiêm nghị. Đứng đâu, ngồi đâu trong ngôi nhà này, bà đều mường tượng ra ánh mắt ấy đang lén lút theo dõi nhất cử nhất động của bà xem gót chân bà đã sạch bụi chưa khi đặt lên nền gạch men bóng loáng, bàn tay bà đã khô chưa khi cầm vào cái điều khiển tivi.

Nhiều lần vứt rác vào thùng, bà phải bật điện nhà bếp để nhìn cho rõ thùng nào đựng rác hữu cơ, thùng nào đựng rác vô cơ. Không ít lần đi vệ sinh xong xuôi từ lâu, bà phải quay lại ngó bồn cầu một lần nữa vì sợ nhỡ đâu quên xả nước. Con dâu chưa một lần trách cứ hay tỏ thái độ gì quá đáng với bà cả. Là tự bà thấy thế, thấy mình như đang chấp hành một án phạt tù...

*

Con ba là con gái ruột của bà mà chẳng bói ra một nét giống bà. Nó hậu đậu, bầy hầy. Bạ đâu, quên đấy. Nhà cửa luộm thuộm. Tủ quần áo bừa bộn. Trên bàn làm việc, giấy tờ vứt lung tung. Bà thở dài:

- Cái tính của mày mà làm kế toán thì sớm muộn gì cũng bán nhà trả nợ thôi con ạ.

Nó bỗ bã:

- Thế mà con cũng có thâm niên chục năm rồi đấy mẹ.

Đã vậy còn gặp đúng thằng chồng dễ tính kiểu thế nào cũng được. Bà ngao ngán lắc đầu. Đứa con bốn tháng tuổi tỉnh giấc khóc ré, con ba lắc lắc chiếc nôi, hát ru the thé như mèo kêu. Càng ru, đứa bé càng khóc tợn. Bà xẵng giọng:

- Hát ru như mắng thế nó khóc là phải rồi.

- Nó khóc mỏi mồm rồi nó nín. Con còn bao nhiêu sổ sách chưa thống kê xong đây này.

- Để đấy tao ru cho, đi làm cho xong đi.

Bà bế đứa cháu lên, vỗ về một lát nó đã ngủ tròn giấc. Rồi bà tranh thủ cầm chiếc chổi đót chui hết gầm giường, gầm ghế, gầm bàn, gầm tủ quét ra hằng mấy bao tải rác rưởi, đồ chơi, vỏ kẹo bánh, quần áo cũ... Đúng là giàu sang sinh lãng phí. Người nghèo ở quê bốn, năm năm mặc một vài bộ quần áo đến sờn màu, sứt chỉ. Ở đây thì... Bà thành Ô - sin cho nhà nó. Ừ thì thiệt vào đâu mà sợ! Bà không đụng tay, nó thuê người giúp việc theo giờ chỉ tổ phí thêm khoản tiền. Nhưng bà cứ hì hụi thế này, nó sẽ sinh tính ỷ lại mất. Bà phải dạy lại nó.

Đầu tuần, bà nội thằng cu dưới quê lên quê thăm cháu. Con dâu - mẹ chồng gặp nhau mà quấn quýt hơn con gái - mẹ đẻ! Vụng về chẳng kém con bà, bà mẹ chồng cắt tiết một con gà trống thiến quà quê mà cứ lóng nga lóng ngóng mãi. Bà nội không làm được nên bà ngoại đành xoắn tay áo! Thoăn thoắt mài con dao mấy phát, bà cứa xoẹt một nhát sắc ngọt, con gà giãy đành đạch rồi chết đứ đử.

Hai bà sui gia có vẻ không hợp nhau. Một bà chuyên quét dọn, một bà chuyên bày bừa. Một bà lụi cụi hay lam hay làm, một bà thong thả ngồi chơi xơi nước. Nghe đâu bà nội cũng tính ở đây lâu dài. Thế là bà ngoại đành rút lui sang nhà thằng út.

*

Nhà thằng út ở tầng ba mươi mốt của khu chung cư cao chót vót. Bà, vợ chồng nó và ba đứa cháu chen chúc nhau trong “chiếc hộp diêm” vỏn vẹn 30m2. Xung quanh, những tòa cao ốc khác đã che chắn hết cả khoảng trời thành phố. Ngày cũng như đêm, ngoảnh mặt bốn phía chỉ thấy những bức tường sặc mùi vôi vữa.

Tầm bảy giờ tối, ánh đèn nhấp nhánh phủ trùm lên cả khu chung cư như một chiếc đèn tháp khổng lồ. Mọi thứ đều đẹp nhưng thiếu tự nhiên. Bỗng dưng, bà thèm trông trăng. Bà bấm đốt ngón tay. Mười sáu. Hẳn trăng sẽ tròn lắm! Nhưng thành phố không đủ chỗ cho trăng nán lại. Trăng như kẻ hành khất lặng lẽ đến, rồi buồn bã ra đi theo sự tuần hoàn khuyết - tròn, tròn - khuyết.

Cách sống nhà thằng út thật dị biệt. Cái lần nhìn thằng út hặm hụi rửa bát, trong khi vợ nó ngồi chễm chệ xem thời sự, bà càu nhàu:

- Đàn ông đàn ang gì lại rúc đầu vào bếp để con vợ ngồi rung đùi kia?

- Mẹ à, con quen rồi. Chúng con phân chia công việc rõ ràng, bình đẳng. Ai cũng phải có trách nhiệm với gia đình.

- Ở quê mà thế sẽ bị gọi là “râu quặp” đó con.

Lâu dần, bà cũng quen với cảnh đó. Việc nhỏ, việc to, tự vợ chồng nó thu xếp, thỏa thuận với nhau. Bà tuyệt nhiên không cần phải mó tay vào việc gì. Con vợ thằng út trông hơi đanh đá mà hóa ra lại vui tính, mặn chuyện. Tối tối, hai mẹ con thường hàn huyên đủ thứ trên đời. Mẹ kể chuyện quá khứ, chuyện nông thôn. Con kể chuyện tương lai, chuyện thành phố. Thứ bảy, chủ nhật, nó đèo bà đi chơi khắp nơi mở mang tầm mắt. Bà nhận ra, thành phố này cũng đẹp đấy chứ!

Giá mà nhà thằng út rộng hơn một chút, bà sẽ quyết định ở hẳn với nó. Nhưng giờ điều kiện chưa cho phép. Vì sự xuất hiện của bà trong ngôi nhà này mà ba đứa cháu phải dồn lại vào một chiếc phòng bé tẹo teo, nhường lại căn phòng thoáng nhất cho bà. Vì sự xuất hiện của bà mà hai vợ chồng thằng út chẳng nỡ đi làm tăng ca vào những dịp cuối tuần, nghỉ lễ. Vả lại, bà không quen đi thang máy, sẽ rất bất tiện.

*

Sau hai tháng mười ba ngày trải nghiệm cuộc sống thành phố, bà xin các con được về thăm nhà. Rồi bà đột nhiên ốm nặng. Gia đình bốn đứa con thay phiên nhau hằng tuần về quê chăm nom, túc trực bên bà. Bà biết chúng sống có trách nhiệm. Nhưng nghĩ cũng khó xử. Mỗi lần về quê, chúng lại lỡ bao nhiêu việc quan trọng. Mà bà thì dù có chết cũng sẽ chết ở quê nhà chứ nhất quyết không chịu quay lại thị thành. May có chị hàng xóm thường xuyên sang giúp đỡ bà. Chị bỏ luôn cả công việc đồng nát. Thấy thế, bà áy náy:

- Chị cứ để mặc tôi.

- Cô giúp cháu nhiều rồi, giờ cháu giúp lại cô thì có sao đâu ạ.

Chị thường xuyên sang nhà, tỉ mẩn quét dọn, nấu ăn, thay quần áo giúp bà. Mấy đứa con chị cũng theo sang, rồi ở lại đây luôn. Bà thấy lồng ngực xốn xang niềm vui. Trong bà, một nguồn sống mới đang cựa mình trỗi dậy. Những ngón chân dần được cử động. Hai đứa con chị hàng xóm đã lớn hơn nhiều. Chúng ngoan ngoãn, lành hiền, dễ bảo. Đi học về là chúng nhắng nhít chạy vào bóp chân cho bà, rúc rích kể chuyện cho bà nghe. Mẹ chúng soạn sửa mâm cơm lâu lâu cũng góp vui bằng đôi câu phụ họa. Bà nghĩ thầm, người nhà quê luôn chất phác, thật thà. Cuộc sống đơn giản nên tình người cũng không vướng phải những bon chen, hẹp hòi, toan tính.

Dần dà, bà có thể đi cà nhắc từng bước nhỏ. Bác sỹ bảo, sự hồi phục của bà như có một phép nhiệm màu kỳ diệu. Bà đưa tay mình đặt vào lòng bàn tay chị hàng xóm, bao nhiêu cảm xúc ùa về. Người dưng nước lã còn có thể xích lại gần nhau cơ mà. Bà thấy hạnh phúc! Rồi bà thấy tủi thân! Bà chẳng biết tâm trạng của mình lúc này là vui hay buồn nữa? Nếu không có chị hàng xóm tốt bụng, chắc bà chỉ còn nước nằm im đợi chết.

Bà đặt chân xuống đất. Chị hàng xóm dìu bà ra đường. Ngày mới ở vùng quê này lại được khởi động bằng tiếng gà kêu quang quác, tiếng lợn thống thiết gào, tiếng nói cười lao xao và mùi hoa quả, mùi rau, mùi cá nướng lan dần, lan dần ra theo từng gợn gió. Bà muốn ra chợ. Bà sẽ mua thật nhiều thứ.

- Hôm nay, mẹ con chị thích ăn gì nào?

- Ôi, quan trọng là bác chứ mẹ con cháu gì mà chả được hả bác.

- Trưa nay, tôi sẽ vào bếp nấu ăn nhé.

*

Đàn con bà trên thành phố hẹn nhau về thăm bà vào một ngày se se lạnh. Nghe bà kể về chị hàng xóm, chúng xúc động cảm tạ vị ân nhân bằng những lời có cánh. Hôm ấy, chúng tổ chức một bữa liên hoan nhẹ. Sau bữa ăn, thằng hai nháy mắt ra hiệu cho chị hàng xóm ra sau nhà, thậm thụt đặt xấp tiền polymer mới cứng vào tay chị. Chị giật thót người như tay vừa chạm phải lửa. 
Truyện ngắn của Phan Đức Lộc (Công an tỉnh Điện Biên)
.
.