Ngôi nhà trên dốc gió

Thứ Năm, 10/05/2018, 09:04
Cáy nhìn Chớ cũng thấy ghét. Bố mẹ giận, chả biết nói cái gì cho hay ho, cho mềm lòng người già, lại chực khóc. Khóc thì bố mẹ có thôi dằn dỗi, thôi mắng nhiếc đâu. Vì bênh Chớ mà Cáy khổ với bố mẹ lắm rồi...

Đúng lúc những bông hoa cải trong thung lũng Tà Chảng nở bung rực rỡ thì Chớ trở về bản Sủ Thèn Pả.

Cái tin Chớ về bản lao nhanh như cơn lũ quét giữa thế kỉ trước. Cơn lũ ấy người già bảo từ thời tổ tiên người Mông đến thung lũng Tà Chảng này mới có một việc kinh hoàng như thế. Chỉ sau tiếng nổ tựa sấm rền, nước như được tháo từ cống nhà trời lao từ đỉnh Sa Pả xuống, san phẳng cả bản Lủ Hồ Nhì hai mươi lăm hộ. Già trẻ lớn bé không một mống sống sót. Tiếng than khóc rền rĩ của những người họ hàng quanh vùng làm núi rừng ngập trong không khí tang thương suốt mùa xuân cho đến cuối mùa thu. 

Tin Chớ trở về khiến vợ của Cáy là Mua vừa nghe được thì quả tim đã như muốn nổ tung khỏi bộ ngực ninh ních được giấu kĩ sau hai lần áo; tay nọ đã băm vào tay kia làm máu phun thành tia, tưới đẫm lên mớ rau lợn đang băm. Mua rụng rời chân tay, không còn biết bịt lại vết thương. Thằng con trai lớn phải lao nhanh vào nhà lấy thuốc lào của bố dịt cho  mẹ.

Còn Cáy đang ở vai chủ trì thì làm rơi quyển sổ nghị quyết trong cuộc họp chi bộ bản Sủ Thèn Pả. Sổ rơi thì người cũng kịp rơi phịch xuống ghế như bị rút xương, làm chiếc ghế choãi ra, suýt gãy mất một chân. Cái miệng nói hay hơn tivi của Bí thư Vàng Chiến Cáy giờ như bị ai bắt vía. Cái lời, cái tiếng bay biến đi đâu sạch. Thế là cuộc họp đành bỏ dở. Trên đường từ Nhà Văn hóa về nhà, Bí thư Cáy vấp mấy cái liền. Đoạn đường sao mà xa. Mà những kí ức xưa cũ sao cứ như một bát rượu đắng thấm ngược vào lòng.

*

- Con dâu à, canh cải mặn chát thế? Đã không biết đẻ, nấu ăn ngày càng vụng là sao thế hả?

Bà Chua dằn cái bát làm nước canh tung tóe khắp mặt bàn gỗ rồi rũ váy đứng dậy. 

Ông Lèn thì làu bàu:

- Chả biết lấy cho quả ớt, nhạt mồm, lạnh người quá!

Ông húp tí nước rồi bỏ dở bát mèn mén chan canh, đứng dậy nốt.

Cáy nhìn Chớ cũng thấy ghét. Bố mẹ giận, chả biết nói cái gì cho hay ho, cho mềm lòng người già, lại chực khóc. Khóc thì bố mẹ có thôi dằn dỗi, thôi mắng nhiếc đâu. Vì bênh Chớ mà Cáy khổ với bố mẹ lắm rồi. Mấy lần bà Chua bảo tìm vợ mới cho, Cáy không chịu, bà rền rĩ: “Sao lại đẻ ra cái thằng đàn ông họ Vàng muốn đội váy vợ lên đầu thế? Khổ quá mà!”. Lại còn cả họ Vàng nhà Cáy nữa, ai cũng bảo: “Cái thằng Cáy có mỗi việc làm cho vợ đẻ mà không được, thì làm được gì chứ!”. Nghe vậy cơn tức muốn làm cho gan ruột Cáy bục ra.

… Nhiều đêm Cáy nghĩ mung lung. Giận vợ giận cả mình. Cáy nằm úp mặt vào tường nhà, chả thèm quay lại. Bờ tường trình đất dày hơn tấm lưng lực lưỡng của Cáy, thế mà vẫn nghe tiếng gió rít từng cơn ngoài rừng xa. Mênh mang. Khắc khoải. Nhưng rồi, khi Chớ phả hơi thở vừa ấm vừa thơm vào sau gáy, hai tay mềm mại luồn ôm ngang bụng thì Cáy lại quên hết. Không còn lời đay nghiến nào. Chẳng có gió rét. Chẳng cần ngày mai. Chỉ có lúc này… Tấm thân trắng lốp chắc mẩy hôi hổi như bắp ngô nếp luộc đang chờ. Cáy lại đằm vào vợ. Cuống cuồng. Ngấu nghiến. Như lần đầu tiên hai người thuộc về nhau bên bờ suối Chin Sao. Biết bao đêm Cáy cứ làm nữa… làm nữa… làm nữa mong bỏ được thằng trẻ con vào bụng vợ. Thế mà mấy năm rồi bụng Chớ vẫn phẳng lì.

*

Bữa tối chỉ có mèn mén, canh cải luộc và mấy miếng thịt sóc rang mặn. Năm người chả ai nói với ai câu nào. Mua húp từng ngụm nước canh rồi buông tiếng thở dài. Thi thoảng liếc mắt nhìn chồng. Suốt từ lúc nghe cái tin ấy, đầu óc Mua chả nghĩ được gì nữa. Đã mấy ngày, mọi thứ cứ lộn lên như vạc cám lợn bị đảo trong lúc đang sôi.

Hình như suốt bao năm qua, Mua chỉ là người mượn tạm của Sùng Thị Chớ thôi. Ngôi nhà này. Người chồng đang ngồi trước mặt đây. Và có thể cả những đứa con do chính Mua sinh ra nữa… Mua biết hết. Biết từ những ngày Mua còn là một đứa con gái. Trái tim Mua thổn thức gửi nhịp đập về nơi có ngôi nhà hoa mận nở trắng như tuyết phủ suốt mùa xuân. Nơi ấy có người trai đẹp thạo việc lam làm. Nhưng người đó như con suối Chin Sao chỉ chảy một hướng. Hướng ấy là Sùng Thị Chớ, đứa con gái đẹp mồ côi ở cuối bản Sủ Thèn Pả.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Cáy lại định với chai rượu rót nữa vào bát, Mua nhanh tay hơn cầm nó giấu sau cột nhà. Cáy vằn mắt lên nhìn vợ, quát:

- Có đưa ra không thì bảo?

- Không đưa! Uống rượu để hành cái thân à? Sao phải khổ thế! - Mua đưa tay áo lau những giọt nước mắt nhòa nhện.

- Đưa đây! Đánh cho bây giờ…

Ngay lập tức, vợ quăng chai rượu về chỗ cũ, khóc tu tu, rồi nhao ra ngoài, bảo:

- Thích uống để chết cứ uống. Đi chết trước đây!

Có mà dám! Nghĩ thế rồi cầm bát rót tiếp. Uống cho quên hết đi. Nhưng sao càng uống càng tỉnh thế này? Lòng dạ chứa cả đám dây rừng rối bời, nhằng nhịt. Chả biết làm sao mà gỡ ra được.

Thế mà người ta còn cứ muốn làm cho nó rối thêm là sao? Bực quá mà! Đấy là trong đám cưới con nhà Khái ba hôm trước. Lúc Cáy mới ngồi vào mâm, cái thằng mặt gà chọi cầm chén sang mời cả mâm, rồi lại chúc riêng Cáy. Uống xong nó nói: “Chúc mừng Bí thư Vàng Chiến Cáy. Vợ già về, vợ già đã về! Vợ già, vợ nhà, cả hai vợ cùng già… ha ha”. 

Nói xong vác cái mặt đểu đi thẳng sang mâm khác. Cáy chỉ muốn hắt cả chén rượu vào mặt nó. Nhưng làm thế thì nói được ai. Thằng này là trưởng họ Giàng, họ to nhất bản Sủ Thèn Pả. Nó không thích người họ khác làm cán bộ, dù cán bộ bé tí là Bí thư Chi bộ như Cáy. Cáy vừa được đi học lớp Quản lý Nhà nước tại thị trấn huyện, năm tới sẽ được bầu vào Hội đồng Nhân dân xã, rồi sẽ được làm cán bộ xã. Họ Giàng biết thế, ức lắm. Nên cứ hay chọc ngoáy, chả để cho yên mà làm việc của Chi bộ. Đấy là sáng hôm qua, hai vợ chồng quát, dọa thế nào con Dua cũng không chịu đi học. Hỏi làm sao, nó bảo đến trường các bạn cứ trêu: “Đón mẹ già về chưa? Bố mày có hai vợ đấy”. 

Chiều qua, Cáy phải xuống tận trường, nhờ cô giáo nhắc các bạn không trêu con Dua. Hôm nay nó mới chịu đi học. Đấy là tối hôm qua, hỏi thế nào vợ cũng cứ vùi mặt vào đống chăn gối khóc dấm dứt. Mãi mới bảo: “Mấy người họ Giàng bảo tôi cướp chồng. Giờ người ta về rồi, tôi phải trả. Đi với vợ cũ đi…”. Thế có bực không! Ai đã gặp lại người ta đâu. Chuyện xưa thì cũng đã thành dòng suối ngầm chìm sâu dần dưới lòng đất rồi.

… Uống hết chai rượu, Cáy thấy đầu óc quay quay. Thế là say được rồi đấy. Sẽ quên hết, không cái đầu nổ tung mất. Cáy loạng choạng bước vào buồng. Sao hôm nay cái giường lại rộng thế này? Cáy lăn qua lăn lại. Cáy quờ tay mấy lần chả thấy gì. “Đi chết trước đây” - Giọng nói nghẹn ngào của vợ lúc quăng lại chai rượu xẹt qua óc Cáy thành liều thuốc giải rượu. Cáy nhào ra giường ba đứa con. Bật điện. Thằng lớn nằm ngoẹo đầu sang bên. Con bé rúc đầu vào bụng anh. Đứa bé nhất nằm co ro như chú khỉ con trong bụng mẹ. 

Không có vợ! Lùng sục khắp nhà chẳng thấy vợ đâu, Cáy lao đi. Trong đầu hiện lên hình ảnh vợ thằng Giàng Mí Ly tím bầm dưới vạt hoa vàng, hai con mắt bị chuột khoét chỉ còn trơ hai cái hố sâu hoắm. Mà nào chuyện có gì, chỉ là mua được cái xe máy, chồng lái xe uống rượu say. Ngã. Xe hỏng. Vợ cằn nhằn. Chồng chửi. Thế là ăn lá ngón…

Tim đập thình thịch, chân thì run không còn đứng vững được nữa, nhưng Cáy vẫn chạy. Trăng đã lên cao, con đường mòn trườn dưới ánh trăng sương như một con rắn dài vô tận. Thi thoảng Cáy vấp ngã, lại vùng lên chạy. Kia rồi! Dưới vạt hoa giết người, Mua đang gục đầu lên gối khóc, trên tay nắm lá đẫm sương.

- Vợ à, cái đầu nghĩ sai rồi. Về đi! - Cáy giằng lấy nắm lá trên tay vợ vứt đi.

-…

- Chết thì ai nuôi con?

-…

Cáy ngồi xuống luồn tay ôm ngang bụng vợ định kéo đứng dậy. Mua quay lại gào lên:

- Sống khổ quá mà! Để vợ chết đi…

Tay Mua đấm thùm thụp vào ngực Cáy. Hàm răng cắn vào vai Cáy bật máu.

 Sao nước mắt đàn bà, sao cái cách đàn bà trút giận vào chồng giống nhau thế? Vết răng năm xưa giờ đau thêm lần nữa.

*

- Đừng cố làm gì! Tôi không đẻ được con đâu chồng à?

Cáy lần cởi cúc áo thì Chớ nắm lấy tay chồng đặt ra chỗ khác. Suốt một tuần trăng, đêm nào Cáy cũng đòi yêu vợ. Cứ mỗi lần lên giường là những lời đay nghiến của bố mẹ lại ong ong trong đầu. Rồi lời giễu cợt cay độc của họ hàng thấm vào gan ruột. Rồi hình ảnh những người đàn bà còm nhom, gầy nhẳng vẫn vác cái bụng nặng nề xuống chợ. Cáy cao lớn lừng lững có thể vật được cả một con trâu đương sức. Còn Chớ căng mọng như một con nai tơ mùa gọi bạn tình. Không đẻ được là sao?... Cáy phải yêu vợ nhiều hơn, yêu suốt đêm. Rồi vợ chồng Cáy sẽ đẻ năm mười đứa con cho cả cái họ Vàng này, cả bản Sủ Thèn Pả này sáng mắt ra. Những đêm hừng hực, hùng hục, bã bời. Sáng ra, đôi chân muốn khuỵu xuống, chẳng bước đi nổi. Cái đầu nặng trình trịch. Đôi mắt thì trũng sâu.

Biết vợ chưa ngủ, Cáy lại lăn sang phía vợ, luồn tay vào bụng Chớ. Cái bụng săn chắc, phẳng lì. Chớ quay lại, đấm thùm thụp vào ngực chồng. Hai hàm răng bập vào vòm ngực săn chắc bật máu. Cáy thấy những giọt nước mắt hôi hổi thấm ướt ngực. Hai cánh tay mềm mại xoắn xuýt. Cáy chồm lên, cái giường lắc rung bần bật… Nhưng một tiếng ho mơ hồ, rồi tiếng “èm” rõ hơn từ gian nhà ngoài dội vào. Cáy khựng lại, bên dưới Chớ đuội đơ như một cây gỗ mục.

Gió ngoài xa vẫn quất vào cây rừng từng chặp…

- Cây chuối đực thì đến chết già cũng không có quả được đâu - Sáng ra, vừa thấy Cáy ra khỏi buồng, bà Chua đã bảo.

Ông Lèn ngồi bên bếp, vừa nhả khói thuốc vừa nói:

- Cả đêm đấy à? Thế thì chết mất thôi… - Nói rồi lại ho khùng khục.

Thì ra, hai cái người già còn canh chừng hai người trẻ. Thế có tức không! Cáy vùng vằng bỏ đi.

- Đấy, còn chả thèm nói câu gì. Đứa con dâu làm thằng con trai này không bảo được rồi. Chán quá mà…

Cáy đi khuất phía chuồng bò, lời bà Chua vẫn đuổi theo, bám riết.

Tối hôm ấy Cáy ngủ trên chòi canh nương, không về nhà.

*

Trên dốc gió cuối bản Sủ Thèn Pả đã mọc lên một ngôi nhà bé tí. Nhìn từ dưới dốc lên, ngôi nhà chỉ bằng cái chuồng chim. Ai đi qua con đường dưới dốc cũng ngước lên nhìn. Mà chỉ thấy nhà, chả mấy khi thấy người. Nhà ấy là nhà của Chớ, do bà Chúa là chị gái đã lấy chồng bên Há Chảng và mấy đứa cháu dựng cho. Vô tình gặp được Chớ ở chợ bên kia biên giới, bà Chúa ôm em cả buổi, khóc cạn nước mắt. Thì đành về. Sao cái đời Chớ, cái đời chị Chúa khổ quá! 

Người ta bảo thời trẻ chị em Chớ đẹp rực rỡ, đẹp hơn những bông pằng nảng mùa xuân. Lâu lắm rồi không có hai đứa con gái nào đẹp như thế. Nhưng đẹp để mà làm gì. Chị Chúa lấy phải cái thằng chồng suốt ngày rượu chè. Năm ngày mười trận, say là gã đánh vợ, mà lúc say nhiều hơn lúc tỉnh. Gã chỉ không còn đánh được vợ khi tay không còn cầm được chai rượu và chịu nằm yên trong cỗ áo quan cho họ hàng nhà gã khiêng đi. Gã chết lúc ấy đâu mới ngoài ba mươi tuổi. Tài sản gã để lại cho vợ là sáu đứa con lít nhít gà vịt và ngôi nhà rách như tổ đỉa ngoài suối. Còn Chớ...

*

Bố chồng thích ăn thịt dúi. Mẹ chồng thích ăn thịt sóc. Cả hai cùng thích ăn măng ngọt. Chị em Chớ mồ côi, Chớ phải làm mọi việc đàn ông. Bắt cá dưới suối. Đặt bẫy trên rừng. Việc gì cũng giỏi. Thế nên mùa nào thứ ấy, đi nương là Chớ cố kiếm được những thứ ngon cho vừa lòng bố mẹ chồng. Từ ngày Chớ làm dâu họ Vàng, chưa tối nào bố mẹ chồng lên giường mà không có hai cái chậu ngọc am đổ đầy nước gừng khói bốc nghi ngút đặt bên dưới. Nhưng dúi béo, sóc thơm, măng ngọt, nước gừng khói nghi ngút sướng từ gót chân sướng lên tận đỉnh đầu cũng không bằng đứa cháu trai được. Vì đứa con dâu này mà thằng con trai chẳng chịu lấy vợ mới. Nó mắng cả mấy ông mối, làm ông bà mất mặt với người ta quá. Thế là chửi. Chửi cho đứa con dâu đi khỏi cái nhà họ Vàng này. Ba ngày Cáy sang bên Mẻo Vản giúp việc làm ma khô cho ông chú họ là ba ngày Chớ nước mắt ướt mặt ướt tay.

Bữa ăn cuối cùng.

- Con dâu à, ăn miếng thịt sóc này cho cái chân thêm nhanh thêm khỏe - Bà Chua gắp miếng thịt sóc khô nướng thơm lừng vào bát con dâu. Lạ quá! Lần đầu tiên đứa con dâu được mẹ chồng gắp cho miếng thịt vào bát. Chả biết là mẹ chồng đang nghĩ gì, sẽ làm gì? Miếng thịt sóc cứ nằm trơ trên bát mèn mèn, như thể ăn vào thì sẽ nghẹn, chả nói được gì nữa.

Tiếng bà Chua lại xe xé:

- Con dâu à, bố mẹ chồng chết không nhắm mắt, nếu không có thằng cháu trai đấy!

- …

- Hôm qua ông mối đã đến nhà họ Hùng rồi, cái Mua nó ưng thằng Cáy lắm mà. Con dâu à, bố mẹ trả con bò béo nhất, thêm ít bạc trắng mà làm ăn. Thương hai cái người già này, thương họ Vàng thì cầm lấy đi…

Mấy đồng bạc trắng bà Chua dúi vào tay làm Chớ rùng mình ớn lạnh. Từ lúc sinh ra, giờ Chớ mới nhìn thấy những đồng bạc. Nhưng sao nó lạnh thế? Lạnh từ tay, lạnh thấm vào máu, lạnh thấu tim gan. Đau nhói. Tê dại. Nước mắt thoi thót rơi trên những đồng bạc.

- Đừng khóc! Rồi sẽ quen thôi. Con dâu đến từ đâu sẽ về lại chỗ ấy. Rồi sẽ có người tốt hơn cái thằng Cáy mà - Giọng bố chồng lào khào do hút thuốc nhiều, nhưng đầy quyền uy. Suốt từ đầu bữa ăn chỉ mẹ chồng nói, giờ bố chồng mới nói. Nhưng lời nói này cũng là quyết định rồi.

Chớ đứng dậy lử lả đi vào buồng. Mỗi bước chân nặng trĩu, mà đất dưới chân thì sâu ngút như dưới đó là một cái huyệt mộ.

*

Cáy đang đi trên đường, bà Chúa đứng chắn trước xe máy, bảo:

- Em rể cũ à, con bò của cái Chớ còn chứ? Nó về rồi, cho nó xin lại đi!

- Nhà tôi còn nợ Chớ một con bò. Bò của Chớ thì vẫn là của Chớ thôi.

- Thế thì tốt quá rồi! - Bà Chúa nói, vẫn không thôi nhìn chằm chằm vào mặt em rể cũ xem phản ứng thế nào.

- Tôi sẽ trả! Tôi phải đi xuống xã lấy ngô giống bây giờ - Cáy nói rồi tránh xe phóng thẳng đi. Cái áo khoác cũ như cháy một miếng sau lưng bởi ánh mắt của bà Chúa vẫn bám theo.

Xe lượn vèo vèo trên đường mà đầu thì không thôi nghĩ về con bò, về nương, về rừng. Đúng là Cáy còn nợ vợ cũ một con bò. Bò đấy là tài sản chung của hai chị em, lúc Chớ về làm dâu họ Vàng thì dắt theo về. Từ hôm Chớ về mấy lần Cáy định nói với vợ về con bò của vợ cũ nhưng thấy khó quá, chưa biết mở lời thế nào. 

Sau mấy ngày Chớ về, trong cuộc họp lại Chi bộ, ông Sùng Chính Lử bảo: “Chị Chớ là người của bản, giờ quay về bản, lại dựng được nhà thì là một hộ trong bản rồi. Chi bộ, chính quyền và các đoàn thể phải có trách nhiệm giúp đỡ”. Giúp đỡ ở đây là vận động xem nhà nào bán cho một mảnh nương, nhà nào nhượng lại cho một ít rừng đã được kiểm lâm huyện giao mấy năm trước. Việc ấy là của Trưởng bản, nhưng Trưởng bản đi viện tận Hà Nội chữa ung thư một tháng chưa thấy về. Nên Bí thư Chi bộ phải làm. Cáy đi vận động mấy nhà có nhiều nương, chả hộ nào chịu bán. 

Lại còn bảo: “Vợ cũ của Bí thư thì Bí thư nhượng cho một mảnh là hay nhất!”, “Nhà bí thư cũng nhiều nương mà ít người làm quá, thôi đón luôn vợ cũ về cùng làm cho vui, khỏi phải đi vận động”. Bảo thế rồi cứ cười hề hề. Cục tức trong cổ họng Cáy chả trôi đi được, nên chẳng nói gì nữa, về nằm vật ra giường. Vợ từ đâu cũng về nằm vật ra giường, mặt trông lạ lắm. Cáy hỏi: “Lại chuyện gì thế?”. Vợ bảo: “Tính thế nào? Chuyện con bò. Người họ Sùng đòi bò cho vợ cũ đấy”. Đã bực lại thêm bực, Cáy gắt: “Tính thế nào là tính thế nào? Cứ để đấy!”.

Hôm trước nghe vợ nói vậy chả biết là ai đòi, nhưng hôm nay thì rõ rồi.

Đầu bảo tránh, tay chân như của ai nên suýt nữa xe đâm phải tảng đá lớn. Cáy phải dừng xe, bỏ thuốc ra hút. Hút cũng chẳng dứt ra được, chuyện xưa vẫn cứ chờn vờn sau làn khói.

*

Từ đám ma khô bên Mẻo Vản về, Cáy chỉ thấy bố ngồi bên bếp hút thuốc, mẹ ngồi ngoài sân tẽ ngô, chả thấy vợ đâu. Cáy vào nhà hỏi bố. Bố bảo: “Đi rồi”. Ra sân hỏi mẹ. Mẹ bảo: “Cả người cả bò đi rồi. Không phải tìm nữa. Mai khắc có vợ mới thôi”. Thế là đã rõ.

Suốt một tuần, Cáy lật tung thung lũng Tà Chảng, sang cả bên Há Chảng, Mẻo Vản mà người lẫn bò cũng chẳng thấy đâu.

Hai hôm sau thì bò về. Người không về.

Mười năm trước cả người và bò cùng về nhà họ Vàng. Nay chỉ có bò quay lại, người thì đi thật rồi. Nhìn con bò béo mập, mỗi năm đẻ một con bê to, Cáy khóc ồ ồ. Vừa khóc vừa nghĩ giá mà người cũng đẻ được như bò thì không khổ thế này.

Ba năm. Bàn chân Cáy không biết bao vết cứa của đá núi. Dễ cũng đến mươi lần Cáy sang bên kia biên giới tìm vợ. Mỗi lần sang là một con bò dắt theo. Gần hết cả đàn bò mà người vẫn không thấy. Bố không chờ được, đã đi với tổ tiên. Mẹ ốm lăn lóc, ốm đến không dậy được, phải nằm một chỗ.

Một hôm, bà Chua gọi Cáy vào, bảo:

- Biết thế này không để con dâu đi. Đi rồi, sẽ không về đâu. Mẹ thấy ông bà tổ tiên về gọi rồi… Nhưng chưa thấy con dâu mới… chưa… đi được.

-…

- Ông mối lại sang nói với nhà họ Hùng, cái Mua nó vẫn đợi đấy… Con trai à,… con trai có thương mẹ già sắp chết không?

Nói rồi nước mắt cứ thế chảy từ hai hõm mắt trũng sâu.

 Từ ngày Chớ bỏ đi lòng Cáy là lòng suối cạn mất rồi. Mua còn định bơi vào làm gì? Rồi lại khổ thôi. Nhưng mẹ sắp chết. Cáy thấy đau tim gan lắm khi nhìn vào hai hõm mắt ấy. Cáy lùi lũi đi sang nhà ông mối.

*

- Bố, nhà thiếu mất một con bò rồi! - Thằng con lớn trên tay cầm chiếc đèn pin hớt hải chạy vào nhà nói với Cáy.

- Mất là mất thế nào, đếm kĩ chưa?

- Đếm ba lượt rồi!

- Mất con nào?

- Con bò cái to nhất đàn - Nói xong, khóc tu tu. Hôm nay nó được bố giao đi lùa đàn bò trên rừng về chuồng cho ăn muối. Không biết khóc vì tiếc của hay vì sợ. Con bò cái này đẹp lắm, bộ lông óng ánh tơ vàng. Trên trán có cái đốm trắng như  một bông hoa. Thằng lớn rất thích sờ tay vào bông hoa ấy. Con bò lại ngoan lắm, chẳng phá phách bao giờ.

Cáy quát:

- Còn đứng đấy mà khóc, vào buồng lấy thêm cái đèn ra đây!

- Không phải đi nữa, bò tôi trả người ta rồi - Mua từ ngoài chuồng gà đi vào, mặt cứ như không có chuyện gì.

- Trả ai?

- Vợ cũ chứ ai nữa!

Ầy dà, đàn bà nhà này muốn làm bò đực đầu đàn đây. Dắt cả con bò đẹp nhất đi, không thèm nói với ai một câu.

Thấy mặt chồng bắt đầu giống cái thớt nghiến vẫn băm rau lợn thì vợ phải nói với chồng. Vợ bảo dù sao đấy cũng là vợ cũ của chồng. Thấy người ta về mà chả có gì để làm ăn nên không đành lòng. Có nợ thì phải trả thôi… Nghe xong, chồng thở dài, nghĩ thế cũng là phải. Vậy cho xong một việc, từ nay sẽ nhẹ đầu đi. Những câu định mắng vợ trong đầu chồng cũng trôi tuột từ lúc nào, mặt đỡ nặng hơn.

Nhưng vợ chỉ nói một nửa thôi, còn một nửa như thế này. Lần đầu vợ dắt bò đến nhà vợ cũ, nói thế nào vợ cũ cũng không nhận. Vợ cũ nghĩ trước đây người còn chả giữ được, thì giờ giữ lấy bò làm gì. Thực lòng từ hôm vợ cũ về cũng chỉ mong nhìn thấy mặt chồng cũ một lần. Thế mà người không đến, bò lại đến… Lần thứ hai vợ dắt bò đến trên tay cầm thêm nắm lá ngón. Vợ nói với vợ cũ chị không nhận tôi chết luôn ở đây, rồi chị về với chồng tôi. Chồng, con, nhà, cả đàn bò tôi trả hết cho chị. Dứt lời, cho luôn nắm lá vào mồm. Vợ cũ phải lấy tay móc mãi trong mồm vợ mới lấy được nắm lá ra. Vợ cũ đành phải cầm lấy cái thừng bò. Nước mắt ướt hết tay. Nhận bò cũng có nghĩa là phải đi khỏi bản Sủ Thèn Pả này rồi. Chẳng ở đây được. Nhưng vợ cũ biết đi đâu. Vợ cũ lại nghĩ đến ba lượt bị bán đi bán lại qua ba đời chồng ở bên kia biên giới mà chân muốn rơi tay muốn rụng. 

*

Một hôm, Cáy đang ngồi đẽo mấy cái thìa gỗ, con Dua đi học về, hồn nhiên bảo:

- Vợ cũ của bố bỏ đi rồi!

Lần này thì Cáy không còn ngại ánh mắt của Mua, cũng chả ngại những lời chọc ngoáy của người họ Giàng nữa, chạy thẳng một mạch ra dốc gió. Cửa không khóa, Cáy lao thẳng vào trong nhà. Căn nhà hoang lạnh, như từ lâu lắm không có bóng người. Cáy thấy mình tệ quá, tay đấm vào ngực thùm thụp. Nước mắt cứ thề trào ra.

Hết mùa xuân.

Hè sang. Thu đến…

Rồi mùa đông sầm sập tới, cũng chẳng thấy Chớ trở về.

Mỗi lần đi qua dốc gió, Cáy lại nhìn lên ngôi nhà, nơi Chớ từng ở. Ngôi nhà đã sụt mất một mái, cây mận trước hiên bị chết khô tự bao giờ.

*

Đêm ấy lạnh lắm, có tuyết rơi trên đỉnh núi. Cáy không ngủ được. Không phải vì lạnh, mà từ ngày Chớ về rồi lại bỏ đi, Cáy không thôi nghĩ không biết hơn mười năm qua trông vợ cũ như thế nào.

Có tiếng lịch kịch ngoài cửa nhà. Mỗi lúc tiếng động thêm dập dồn. Cáy vùng dậy, bật điện. Trước mắt Cáy là con bò đốm hoa, theo nó là con bê chừng một tháng tuổi. Thấy Cáy, nó đứng ngẩn ra, rồi cả hai mẹ con rống lên thê thiết.

Và rồi Cáy không còn thấy hai con bò nữa, trước mắt Cáy là ngôi nhà sụt mái có cây mận chết khô đứng trơ trơ trên dốc gió.

Truyện ngắn của Nguyễn Phú
.
.