Mùa sấu

Thứ Hai, 11/07/2016, 08:16
Cây sấu cao nhất mà Ân đã từng trèo là cây nằm trong khuôn viên của UBND thành phố. Ngọn cây ngang với tầng 7 của tòa nhà – là trung tâm hành chính. Ân còn nhớ rất rõ cái cảm giác lần đầu tiên leo lên đến ngọn cây. Khi ngoi lên được qua vòm lá cao nhất, một cảm giác ngây ngất rợn ngợp xâm chiếm...

1. “Rắc… rắc…”. Đó là một thứ âm thanh khiến cho không ít người nghe thấy là sởn da gà.

Bởi sau tiếng kêu khô khốc đó, rất có thể là tiếng “bịch” và sẽ là một thân người nặng nề rơi xuống. Nhẹ thì gãy chân gãy tay, nặng thì nhiều khả năng sẽ phải “đi chầu ông vải”.

Nhưng đó lại là âm thanh bình thường đối với Ân – gã đực rựa mà nếu người đời biết được khả năng trèo me trèo sấu của gã ta thì có lẽ sẽ được mệnh danh là “vua leo trèo” đất Bắc. Thậm chí Ân sẽ được mời lên sân khấu của Game show “Tìm kiếm tài năng Việt”. Hay ít ra, Ân sẽ được Đoàn xiếc của thành phố đề nghị đầu quân cũng nên.

Song Ân gần như là một “người vô danh” ở cái thành phố hơn sáu triệu dân này, trừ mấy bà bán sấu buôn me ở chợ, và ông bảo vệ của một số cơ quan công sở là biết đến “tài năng” của gã. Bao nhiêu mùa hoa sấu nở rồi rụng trắng vỉa hè cái thành phố bé nhỏ xinh đẹp này trôi qua rồi? Chẳng ai còn nhớ nữa. Chỉ biết rằng khi tiếng ve bắt đầu kêu tha thiết trên các cành phượng, vòm me thì cũng là lúc Ân bắt đầu công việc của mình.

Một vỏ bao gạo (loại 50kg), một vỏ bao nhỏ hơn (loại 5kg), một chiếc sào bằng tre dài chừng 5m, đầu có buộc chặt chiếc móc thép cùng vài mét dây chão, chục mét dây thừng – đó là tất cả đồ nghề của Ân. Vỏ bao gạo to đặt dưới gốc cây. Ân lồng dây chão, thừng và vỏ bao nhỏ vào vai rồi quặp chặt chiếc sào, đặng dùng hết sức bám vào thân cây để trèo lên. 

Khi chọn được vị trí thuận lợi để có thể với được quả, Ân dùng dây chão cố định thân mình vào với thân cây, để dù có sự cố gì (như gãy cành) thì vẫn không bị rơi xuống. Dĩ nhiên, kinh nghiệm xương máu này Ân chỉ có được sau kha khá những lần đạp phải cành giòn, ngã chấn thương vai, hông vài năm trước.

Đến được vị trí thuận lợi rồi Ân dùng toàn bộ thân mình, thậm chí cả… răng để “bám” chặt vào cành, còn tay kia bứt trái sấu bỏ vào vỏ bao gạo. Khi bao đầy thì Ân ròng dây thả xuống gốc, leo xuống trút sang bao lớn. Rồi Ân lại trèo lên hái tiếp. 

Cứ như vậy một trăm ba mươi bảy cây sấu to sấu nhỏ ở vỉa hè các con phố, trong các công sở, thậm chí đình chùa… Ân có thể nhớ chính xác vị trí của từng cây. Ân nhớ cả thời gian ra hoa, đậu quả, thời điểm có thể thu hoạch và từng cái mấu trên từng thân cây một. Bởi cây nào Ân cũng đã leo lên tụt xuống cả trăm lần.

Minh họa: Lê Tiến Vượng.

Cây sấu cao nhất mà Ân đã từng trèo là cây nằm trong khuôn viên của UBND thành phố. Ngọn cây ngang với tầng 7 của tòa nhà – là trung tâm hành chính. Ân còn nhớ rất rõ cái cảm giác lần đầu tiên leo lên đến ngọn cây. Khi ngoi lên được qua vòm lá cao nhất, một cảm giác ngây ngất rợn ngợp xâm chiếm. Trên đầu gã là một khoảng trời xanh cao vời vợi. Nó trắng và sáng đến mức khó tả nổi. Như thể người ta trèo lên từ trong một cái hố sâu hun hút. 

Để đứng ở đó, Ân phải bám chặt vào cành cây, hệt như con tắc kè ôm chặt con mồi của nó. Bởi mỗi khi có cơn gió thổi qua, ngọn cây sẽ bị dao động với biên độ cả mét.

Cảm giác ngây ngất ấy giống như thể lần đầu tiên được ôm, được hôn người mình yêu. Nhiều nhiều năm sau vẫn không quên được.

Còn cây sấu lớn nhất thì ở trong một Bộ nọ. Cái gốc của nó lớn bằng hai vòng tay ôm của người lớn. Từ gốc này mọc ra 9 nhánh lớn, mà nhánh nào cũng to bằng thân một cây sấu thường. Để hái hết quả của nó thì phải mất non một tháng trời.

2. Thực ra đối với một người bình thường, một thằng con trai tầm 10-15 tuổi thì việc trèo lên cây sấu để hái quả cũng không phải là điều gì quá ghê gớm. Nhưng với Ân thì khác…

Ân được sinh ra dường như không phải là điều được bậc sinh thành chờ đợi. Có lẽ vì thế mà nó cứ còi cọc, yếu ớt như cái cây bị cớm nắng. Rồi sau một cơn sốt hồi 6 tuổi, cái chân phải và tay trái của Ân tự nhiên cứ teo lại. Ân không đi lại chạy nhảy được nhanh nhẹn như chúng bạn đã đành một nhẽ, mà não bộ của Ân cũng có vấn đề. 

Ân chỉ nhớ được hết bảng chữ cái, và làm được phép toán trong phạm vi 10. Vì thế mà Ân chỉ học xong lớp một, cố mấy cũng không lên được lớp hai. Càng lớn bệnh thần kinh càng nặng, Ân trở nên ngơ ngơ ngẩn ngẩn như một người mất trí. Ân không biết vui, biết buồn hay yêu ghét. Nói gì Ân cũng chỉ nghênh mặt, cười cười.

Bà mẹ vô cùng thất vọng với đứa con. Cũng vì thế mà bà gần như bỏ bê, mặc nó sống kiểu gì thì sống. Đến một ngày bà bỏ đi biệt tích. Người chị gái của bà thương tình, nhặt nó về nuôi… Bà ta không chồng, không con, tính tình cũng có phần “dị” nên cưu mang được thằng cu Ân.

Buổi chiều nọ, bà bác tìm mãi không thấy Ân đâu. Dù không hy vọng gì ở đứa cháu đã què quặt lại ngẩn ngơ này, song ít ra bà vẫn còn thấy có chút trách nhiệm với thằng cháu ruột. Bà chạy đôn chạy đáo khắp nơi, bể nước bờ ao nào cũng lùng sục một cách để tìm Ân. Nhưng tuyệt nhiên không thấy.

Mãi cho đến khi trời gần sập tối, người ta mới thấy đôi dép của Ân ở dưới gốc một cây hồng xiêm. Té ra, gã bé đã trèo lên ngọn cây từ lúc nào. Cũng chẳng ai hiểu được với một cái tay và cái chân gần như không sử dụng được thì Ân leo trèo kiểu gì. Thế mà Ân vẫn cứ trèo, lại trèo rất giỏi. 

Tất cả những cây to cây nhỏ trong xóm Ân đều trèo qua cả. Cơ thể Ân với cây cối dường như là hai cực của một thỏi nam châm. Mỗi khi đến gần là nó hút chặt với nhau. Và với một chân, một tay lành lặn Ân cứ leo thoăn thoắt, thậm chí còn chuyền từ cành nọ sang cành kia như một loài vượn.

Một bữa bà bác chỉ lên ngọn cây sấu ở vỉa hè phố Trần Phú bảo: “Mày có trèo được lên ngọn cây kia hái quả không?”. Thật đúng sở trường, Ân leo thoăn thoắt lên rồi bẻ một chùm quả mang xuống cho bà. Bà mừng lắm, vội sắm một bộ đồ nghề rồi khuyến khích Ân trèo lên hái quả cho bà, càng nhiều càng tốt. Cứ chỗ nào có cây sấu là bà mò đến. Trừ những chỗ vỉa hè đường phố, còn chỗ công sở thì đặt vấn đề với người bảo vệ, lính gác cho bà hái quả. Cuối buổi bà sẽ “lại quả” cho họ.

Vậy là Ân bắt đầu hành nghề trèo sấu từ đó.

Mỗi ngày, Ân hái được chừng 3 tới 5 yến quả tươi. Hôm đầu tiên bán sấu về, Ân được bà ta thưởng cho một chiếc áo mới cùng một chiếc mũ phớt. Và cứ thế, suốt từ tháng 6 đến tháng 9, Ân trèo hết cây này đến cây khác, hái hết bao này đến bao khác cho bà. Quần áo da thịt Ân lúc nào cũng “ướp” mùi vỏ cây.

Lần đầu tiên hái sấu, sau khi tụt xuống trút hết bao sấu cuối cùng vào vỏ bao gạo lớn hơn người, Ân giấu được một quả to. Đến đêm Ân mới lấy ra ngắm nghía, rồi cắn một miếng thật mạnh. Chao ôi… chua quá. Nhưng Ân vẫn cố ăn hết quả sấu, để đến hai hôm sau vẫn chưa ăn được gì vì bị ghê răng. Ân đã được sống quãng đời sung sướng, khi ngày trèo cây hái quả, tối về được ăn uống đầy đủ, và đánh một giấc đến sáng. Nhưng những ngày hạnh phúc cũng không được bao lâu. Bà bác trong một lần chở sấu đi bán, đã bị xe ôtô cán chết. Vậy là Ân bơ vơ. Ân chẳng có gì ăn, cũng không biết đi ăn xin. Cả tuần liền Ân chỉ biết ra vòi nước công cộng uống khi khát, rồi nhặt được hoa quả rau củ thối người ta vứt đi thì ăn cho qua cơn đói… Cũng từ đó mà Ân có biệt danh là Ân “khùng”.

Mấy lần Ân đang nhặt quả thối ăn thì có một mụ đàn bà trông bẩn thỉu rách rưới, khuôn mặt ngơ ngơ xông vào tranh. Ân cũng chẳng lấy làm phiền, lấy hết những thứ quả mình vừa kiếm được đưa cho bà ta. Bẵng đi một thời gian chẳng thấy mụ ấy quay lại nữa. Ân cũng chẳng quan tâm. Có lẽ Ân sẽ cứ tồn tại bằng việc ăn quả thối uống nước lã như thế nếu như không có một ngày, Ân đang nằm ngủ dưới gốc sấu thì một quả sấu chín rụng nước vào đầu.

Ân nhớ lại những ngày tháng cũ liền tìm lại bộ đồ nghề rồi trèo thoăn thoắt lên cây hái quả. Được chừng vài ký, Ân tụt xuống rồi theo con đường quen mà mang ra chợ bán. Chẳng ngờ sấu chín cũng đắt hàng chẳng kém gì sấu xanh. Ân đủ tiền để ăn một suất cơm bụi no căng.

Thế là Ân lại trở về với nghề trèo sấu.

Dân chợ rất thích mua sấu của Ân. Vì không như bà bác, Ân cứ trải sấu ra tấm vỏ bao gạo trên nền đất. Ân để cái mũ phớt đã ngả cháo lòng bên cạnh. Khách đến mua sấu cứ việc bốc bao nhiêu tùy thích, rồi bỏ tiền vào mũ. Một ngàn, năm ngày, bảy ngàn… bao nhiêu Ân cũng gật đầu cười cười. Có kẻ gian, bốc xong sấu liền lủi mất, Ân mặc kệ. Gã chỉ cần lúc bao sấu đã hết nhẵn thì gom được vài tờ giấy bạc, đủ để ăn hai suất cơm trưa, tối là thỏa mãn. Thừa bao nhiêu Ân lại cho đám trẻ ăn xin ngoài chợ. Tối về Ân lấy một gốc sấu già làm chỗ nương náu. Ân nhặt được cái bạt rách người ta vứt ngoài bãi rác, rồi buộc vào thân cây. Đầu kia căng vào cột điện, thế là trở thành nơi che mưa che nắng cho gã.

Mùa sấu xanh chỉ có từ tháng 6 đến tháng 8, còn từ tháng 11 đến tháng 12 là sấu chín. Khi mà những quả sấu cuối cùng đã rụng hết, Ân lại lâm vào cảnh đói. Ân lại đi nhặt rau quả thối người ta vứt ngoài chợ ăn tạm cầm hơi. Ông trời có lẽ chưa để Ân chết, khi bà chủ quán cơm bụi cho Ân “ăn chịu” cho đến mùa sấu mới.

3. Một tối nọ, sau bữa cơm bụi về tự nhiên Ân thấy có người “chiếm mất” cái gốc sấu của gã. Một người đàn bà, chẳng rõ già hay trẻ đang nằm ngủ ngon lành trong đống chăn màn hôi rình của Ân. Trong tay bà ta ôm chặt một đứa trẻ còn bé tý, xanh rớt.

Ân ngẩn người ra một lúc.

Rồi Ân đành ngồi thu lu bên cạnh, cứ gà gật đến sáng.

Khi Ân mở mắt thì thấy người đàn bà cũng đã dậy, và đang vạch ti cho con bú. Ân lại ngây người nhìn chằm chằm vào hai cái người đã chiếm mất cái ổ của mình. Người đàn bà thấy Ân nhìn mình, đôi mắt ánh lên sự sợ hãi. Bà ta ôm chặt đứa bé, nhỏm dậy định chạy. Ân nhanh tay túm lại, ấn ngồi xuống. Hai kẻ ngơ ngơ nhìn nhau chăm chăm, rồi nhoẻn miệng cười. Ồ, Ân nhận ra người này rồi. Hóa ra là con mụ ngày trước tranh nhặt hoa quả thối với mình. Đứa bé chừng như đã bú no, rời vú mẹ quay sang nhìn Ân rồi cũng nhoẻn miệng cười. Ân cũng cười lại với nó. Sực nhớ ra công việc hằng ngày, Ân với tay ôm cái bao, cái sào lại lên đường hái sấu.

Tối hôm ấy Ân về “nhà” thì thấy đứa bé không ngủ mà khóc ngằn ngặt, có lẽ chị ta không có đủ sữa. Ân ngoắc ngoắc tay, dẫn hai mẹ con ra quán cơm bụi và ra hiệu cho bà chủ quán cho thêm một suất. Chị ta ăn xong một lúc thì sữa bắt đầu tiết ra…

Từ đấy, Ân tự nhiên phải nuôi thêm hai miệng ăn.

Ân chẳng lo gì, vì số tiền bán sấu vẫn thừa đủ để Ân trả thêm một suất cơm bụi nữa. Có lần, sau bữa cơm bụi Ân thấy người đàn bà đặt đứa bé nằm một góc, rồi lấy trong gói giấy bọc kỹ ra mấy quả sấu chín ủng rồi rụt rè đưa cho Ân (có lẽ khi Ân đi làm thì bà ta vẫn quen thói đi nhặt hoa quả thối về ăn). Ân cười cười, lắc đầu không nhận. Hôm sau, khi hái sấu Ân chọn lấy chục quả to nhất, chín vàng rồi cất kỹ trong cái vỏ bao gạo nhỏ. Về đến nhà, Ân mang ra đưa cho người đàn bà. Mụ ta nhìn Ân lạ lắm. Từ hôm về ở với Ân đến giờ mụ mới nhìn Ân một cách âu yếm như thế…

4. Một đêm nọ, tự nhiên Ân bị mất ngủ, điều mà chưa bao giờ Ân gặp phải.

Người Ân cứ nóng hầm hập. Người đàn bà kia quýnh quáng lấy khăn dấp nước đắp lên trán cho Ân. Nhưng Ân vẫn mệt lắm. Ân cảm thấy đầu đau như bị búa bổ, tim mình như bị bóp nghẹt, không thở nổi…

Chẳng đợi trời sáng, Ân vùng dậy chạy một mạch đến cây sấu cao nhất thành phố. Trước mắt Ân là một khung cảnh thật tang thương. Cây đã bị người ta dùng cưa máy cưa đến tận gốc. Chín cành to cũng đã bị hạ, nằm ngổn ngang. Cành lá rụng tơi bời… Ân lao vào ôm lấy gốc cây, rồi gục xuống. Mấy công nhân thấy thế liền xốc nách đuổi Ân ra ngoài.

Ân thất thểu về nhà.

Cả ngày hôm ấy Ân không đi làm nữa. Ân nằm lỳ một chỗ, chẳng thiết ăn uống gì. Có lẽ Ân sẽ nằm như thế mãi, nếu như không thấy đứa trẻ khóc oe oe. Ân đành gượng dậy…

Một tuần sau, Ân lại lên cơn sốt. Những cơn sốt nối tiếp nhau, tỷ lệ thuận với những cây sấu bị chặt đi để người ta xây cao ốc, xây bể bơi, xây sân quần vợt… Rồi đến một hôm, chính gốc sấu mà Ân và người đàn bà đang trú ngụ cũng bị sờ đến. Mấy người dân phòng xông đến tháo tung cái lều của Ân ra, rồi vứt tất cả những thứ chổi cùn rế rách của gia đình này lên xe ôtô của công an phường. Rồi họ lập một hàng rào ngăn không cho ai bước vào. Tiếp đến là một đội thợ chuyên nghiệp lăm lăm cưa máy. Sau những tiếng “rè rè roẹt roẹt” - như thể những nhát dao cứa vào tim Ân - là một cành sấu rơi xuống.

Đứng bên, nước mắt Ân cứ rơi lã chã.

Từ sáng đến trưa, những tán cây đã bị cưa trụi, chỉ còn trơ lại một cái gốc. Một đội thợ khác với những chiếc cưa to hơn được đưa đến. Họ nhanh nhẹn triển khai làm ba tốp, mỗi tốp cưa một phía. Kỳ lạ thay, chỉ cưa được mấy giây là tự nhiên lưỡi cưa hoặc bị xoắn lại, hoặc bị gãy lìa không thể cưa được.

Người đàn bà thấy vậy liền kéo Ân ra chỉ trỏ. Ân ngừng khóc, mắt hấp háy niềm vui. Nhưng rồi một tốp thợ khác được đưa đến, họ cùng những chiếc rìu to bản sáng loáng bổ vào thân cây. Cho đến chiều thì gốc cây đã bị phạt đến ½ đường kính, những dòng nhựa ứa ra trắng như sữa. Chứng kiến cảnh ấy, Ân như phát rồ phát dại. Sau rốt những chiếc cưa điện tại được đưa tới. Khi mà gốc cây đã bị cưa đến 90% đường kính đám thợ mới buộc một dây chão to bản vào ngọn cây, rồi nối vào chiếc xe lu và nổ máy.  Chiếc xe rùng mình mấy lần, rồi thắng được lực cản. Nó kéo gốc cây nghiêng nghiêng và đổ dần. Khi mà chiếc xe lu sắp hoàn thành nhiệm vụ của nó, những tiếng la hét thất thanh rộ lên. Một bóng người từ đâu vọt tới, ôm chặt gốc cây và níu lại. Có người nhận ra là Ân khùng. Nhân lúc mọi người không để ý, Ân đã lao vào băng qua lớp hàng rào bảo vệ để tiếp cận thân cây.

Nhưng sức người sao thắng được máy móc. Trong khoảnh khắc cả cái cây đổ ập vào người đó. Một dòng máu tươi từ ngực trái Ân chảy ra, loang lổ cả thân cây. Những tiếng hô hoán, kêu la rầm rĩ. Người đàn bà ngẩn ngơ lao đến đỡ lấy Ân khùng, khóc nấc…

5. Chẳng biết cái chết của Ân khùng có khiến người ta suy nghĩ lại hay không, chỉ biết rằng việc xây cao ốc tại gốc cây sấu già đã bị đình hoãn vô thời hạn. Công trường được quây lại, và bỏ hoang cho cỏ mọc um tùm.

Một năm sau cái chết của Ân, người đàn bà ngẩn ngơ dắt đứa con trở lại gốc cây sấu già. Mắt bà ta bỗng sáng lên khi thấy một mầm non đang nhú, cạnh mấy quả sấu già nằm lăn lóc.

Phúc Lợi, tháng 4 năm 2016

Truyện ngắn của Nguyễn Minh Tiến
.
.