Một sắc vàng hoa mai
Thật tình là thoạt đầu cô giáo Thoa có ngỡ ngàng thật. Ấy là vì một chiều tháng Chạp, trời mới chuyển sang đông, đi dạy học về, mở cổng thì cô nhìn thấy nó. Nó! Một cái chậu sứ men xanh, trong đó trên cái nền đất tơi xốp xám như tro trấu là cái gốc cây nho nhỏ bằng cái chuôi liềm, dông lên cao chừng gang tay thì chẻ cành, rồi đâm ra những chiếc đầu tăm, tịnh không một phiến lá, nhưng tua tủa những mầm nụ bụ bẫm chum chủm như ngòi bút lông, nụ thì lấm tấm như hạt đậu xanh, hăm hở một dáng vẻ đua chen.
Cây gì thế này? Cây gì mà lạ mắt quá và chính nó cũng ngơ ngác như một người khách từ phương xa lạ lẫm đang tìm đến chơi nhà Thoa vậy?
Khu tập thể gồm những dãy nhà dài thượt nằm song song năm hàng. Mỗi hàng là một đơn nguyên gồm chín căn hộ. Mỗi hộ ba chục mét vuông diện tích. Hộ nào cũng giống nhà nào. Nhận ra hộ nhà mình nhờ số biển gắn ở cổng. Nhà Thoa số 8. Nhà thầy giáo Cần góa vợ sống độc thân số 9. Nghe tiếng reo kinh ngạc của Thoa, thầy giáo Cần mũ len nâu chụp qua mang tai, trong tấm áo bông dài màu ghi xám lụng thụng như áo của nhà văn Lỗ Tấn người Trung Hoa, nhanh nhẹn mở cửa bước ra.
Chào hoa mai! Thế nào, em từ đâu đến nhà cô giáo Thoa của tôi thế? - Thầy giáo Cần cúi xuống vừa dí dỏm vừa ân cần trịnh trọng. Và nhìn cây mai trơ cành, không một phiến lá, lướt qua gương mặt mảnh mai đang đăm đăm khó hiểu của Thoa, thầy liền tủm tỉm, gật gù:
- Mai vàng đất phương Nam quý lắm đó, Thoa à. Mà cô giáo có hiểu vì sao người ta lại tuốt hết lá, chỉ để lại những cành trơ không? Đó là cái thuật giục hoa nở vào tuần trăng sau của người thưởng mai sành điệu đó, Thoa.
Ngừng một lát, người thầy giáo nghiêng mái đầu lấm tấm sợi bạc, tặc tặc lưỡi:
- Dáng cây yểu điệu thục nữ, đẹp tự nhiên mà công sức bỏ ra kỳ khu lắm đấy, Thoa. Nghĩa là người trồng mai trước hết phải lặn lội vào tít tịt các vùng rừng sâu, lục tung cả tầng lâm hạ lên để tìm cho được một gốc mai vừa ý đã. Tiếp đó là tỉa hết rễ nổi của nó đi, rồi bứng gốc đó về dâm trong chậu và hằng ngày đón mầm nó nẩy mà uốn nắn, tạo dáng tạo hình, nghĩa là phải tỉ mỉ công phu nhiều ngày nhiều tháng lắm, cô giáo. Nhưng thôi, bây giờ quan trọng là khâu chăm sóc để đúng Tết hoa nở mãn khai, Thoa à.
*
Quả thật đối với người miền Bắc thì cây mai còn lạ mắt quá. Chưa kể, với Thoa lần này, mai vừa là một tin sứ của cái Tết cổ truyền, lại vừa là một món quà quá bất ngờ, thậm chí là một ngẫu sự lạ lùng chưa hề biết tới nguồn cội. Thầy giáo Cần, con người từng trải, nhìn gương mặt thoáng chút tần ngần của Thoa thì nhận ra ngay cô giáo đang ở trong trạng thái có phần sửng sốt, chưa tỏ tường. Ai là tác giả của cây mai, biểu trưng cho cái Tết phương Nam này đây?
Minh họa: Đặng Tiến |
Ai là người gửi mai cho Thoa vào đúng những ngày Hà Nội sửa soạn đón Tết này? Thoa dạy học đã mười năm. Thoa yêu nghề. Thoa tận tụy với nghề. Thoa hết lòng với các em học sinh. Học trò của Thoa giờ có em người Bắc kẻ Nam. Vậy thì có thể là một em học sinh nào đó thành đạt đã nhớ đến Thoa. Thầy Cần đinh ninh vậy. Nhưng nheo nheo hai con mắt đầy thiện ý và hóm hỉnh nhìn người phụ nữ trẻ đồng nghiệp, thầy thân mật nói:
- Thoa này. Bây giờ thì chẳng cần biết ai là người gửi gốc mai này cho em đâu. Vì Thoa biết rồi đấy, Bertol Brecht, kịch tác gia nổi tiếng người Đức trong tác phẩm "Vòng phấn Kavkaz" đã nói câu này: "Đất đai thuộc về người nào làm cho nó tươi tốt lên". Vậy thì…
Chia sẻ thân thiết với Thoa, thầy giáo Cần nói vậy và cười hà hà, thú vị về sự phát hiện vừa thâm sâu vừa ngồ ngộ của mình.
Và như vậy Thoa xinh đẹp lập tức bắt tay vào việc chăm sóc cây mai.
May thay, mọi việc đã có thầy giáo Cần tư vấn và trực tiếp bắt tay vào giúp đỡ. Thầy giáo Cần nói: "Thoa à. Sau năm 1975, được đi biệt phái vào Nam, anh đã dạy học năm năm ở vùng có giống mai này. Nói để em biết thêm nhé, mai vàng là giống hoa đặc sản có nhiều nhất từ Thuận Hải đổ vào đến Tây Ninh, miền Đông Nam Bộ. Đặc biệt ở Huế, trong vườn Thượng uyển của các vua nhà Nguyễn có cây lão mai gốc to bằng bắp chân, hoa nở không phải năm sáu cánh như thông thường mà là những chín cánh và thơm lừng kia".
Thầy kể, năm ngoái thầy vào Thuận Hải thăm bạn, lúc về đem theo một gốc mai lớn. Thầy chăm sóc cẩn thận kỹ lưỡng lắm. Vì cây mai có đặc điểm là gốc nó thì ưa ẩm trong khi ngọn nó lại cần nắng. Nên đất trồng trong chậu phải trộn với trấu đã đốt thành than, xốp nhẹ để giữ được nước. Nhưng cả cây mai lại phải để ở gác thượng để lá và toàn thân nó được rãi nắng. Cẩn trọng lắm! Động nghe gió lạnh về là thầy vội vã ôm mai chạy vào nhà tránh rét để mai khỏi táp lá. Tiếc thay, mấy ngày tháng 10, thầy về quê dự hội làng thì trời bất ngờ giáng xuống một trận mưa đá. Vắng thầy, mai không kịp trốn chạy vào hàng hiên trên gác thượng nên bị nhiễm lạnh, thui chột rụng hết lá và Tết đó buồn quá, mai không nẩy một nụ hoa nào!
Còn bây giờ thì Thoa đã biết cách chăm sóc mai rồi. Thoa sẽ không để xảy ra một sơ suất đáng tiếc nào đâu. Đã là những ngày Hà Nội nằm trọn trong khối không khí lạnh liên tiếp từ phương Bắc tràn xuống, từ miền Tây phả sang. Giữa ban ngày có lúc phố xá tụt xuống 5 độ, 7 độ. Đã vậy lại lăn phăn mưa phùn và thi thoảng sương muối riết nghiệt lại giăng phủ khắp nội ngoại thành vào ban đêm. Đã rét lại còn cóng buốt. Trẻ con tiểu học nghỉ học suốt. Cây cỏ hoa mầu chết rét từng vùng đỏ thui gỉ sét. Người ta bảo: 100 năm nay mới có đợt rét đậm rét hại rét dai cả tháng trời như thế! Nhưng vào những ngày này, trời ra tai rét thế chứ rét nữa, mai cũng đã có Thoa bảo trợ chăm nom rồi.
Thoa bưng mai vào nhà, đặt nó trong buồng kín gió. Thoa tưới nước ấm cho mai. Thoa cho nó ăn thêm B1 để tăng thêm sức đề kháng. Và một ngày nọ, thầy giáo Cần gõ cửa nhà Thoa, đem cho Thoa hai cây đèn bàn. Hai cây đèn rọi hai bóng 45W tạo nên một vùng sáng ấm quanh mai. Vẫn chưa yên tâm, Thoa còn xuất tiền mua một chiếc lò sưởi chạy bằng dầu giá hơn hai triệu đồng để sưởi ấm cho mai.
Chao ôi! Biết mấy là công phu tâm huyết. Đêm, Thoa nằm cạnh mai, thao thức cùng mai. Có đêm Thoa nằm mơ thấy mai nở bừng sáng cả căn phòng. Vì lúc này, khi cái Tết đang chầm chậm đến từng ngày thì một niềm vui lấp ló đâu đó đang lặng lẽ tràn ra ngầm ngập cả không gian. Và gương mặt Thoa như hòa nhập với ngoại cảnh đã như biến đổi mỗi ngày một sáng bừng tươi tắn. Đôi môi Thoa mỗi ngày như một thêm thắm đỏ. Con tim Thoa mỗi ngày thêm một rộn ràng nhịp đập. Và người phát hiện ra điều đó không phải ai khác lại chính là thầy giáo Cần.
Nghe giọng nói vang vổng trẻ trung của Thoa, nhìn cặp mắt Thoa mỗi ngày thêm long lanh, thấy giáo Cần có lúc ngẩn ngơ như ngộ ra điều gì đó khác thường! Khi người con gái đang yêu thì họ không giấu mình được. Thầy nghĩ trong e dè và không khỏi băn khoăn. Gần một năm nay, chuyển về dạy cùng trường với Thoa, sống cùng khu tập thể với Thoa, thầy đã thầm yêu Thoa.
*
Cuối cùng thì chẳng còn phải chờ đợi nữa, cũng chẳng có ai thúc giục cả, thú vị thay, tự nhiên chẳng hề là kẻ vô tình lãnh cảm trước mong đợi của con người, mai đã hé nở những nụ hoa đầu tiên. Mai đã nở lứa hoa đầu tiên vào đúng đêm Ba mươi Tết!
Không kìm được ngọn triều sung sướng trào dâng, Thoa đã bật tiếng reo và gọi điện báo tin ngay cho thầy Cần và đánh thức cả cha dậy. Cha Thoa đã tám mươi, nhưng ông cụ yêu hoa và yêu chiều cô gái rượu thì không ai bằng.
Trời! Bây giờ thì hơn cả Thoa, cha Thoa ngây ngất như lạc vào chốn thiên thai khi ông cụ đứng trước mai. Mai đã nở! Từ những nụ hoa căng phồng, phổng phao, những cánh hoa đã từ từ tách ra, bứt khỏi khuôn khổ kích thước, xòe tỏa năm cánh vàng tươi, rực rỡ mà tương hợp với làn không khí thuần khiết và thanh xuân. Mai đã nở trên từng cành nhánh, vàng rực tươi ngát, mỏng mảnh như luạ tơ tằm, như vàng mười dát mỏng, cong cong ấp iu những cọng nhụy sắc nâu pha vàng, kiêu sa mà gần gụi, chân thật, hương thơm quanh quất mà đậm đà quấn quyến.
Ôi! Mai đang diễn đạt sự hoàn mỹ trọn vẹn của một chu kỳ thực vật, như một hình mẫu của sự sống, của nghệ thuật tự nhiên, phi nhân tạo tuyệt vời!
Náo nức chen đua trên các nhành cành, mai đang tự giãi bày, biểu thị sự viên mãn lạ kỳ của cái đẹp vĩnh cửu trong một hình nét thường quy. Mai đã nở như một ngày hội của hư cấu, của trí tưởng tượng, một tổng hợp tinh thần và năng lực, mai đang tạo nên một trạng thái thiên đường nơi trần thế trong cảm nghĩ của Thoa và của cha Thoa - Người cha già vô cùng cảm động vì bỗng nhận ra có điều gì đó rất đỗi lạ lùng và thật sâu xa trong niềm vui của cô con gái khi mai ra hoa. Thoa, con gái của cụ, bấy lâu như hoa phong nhụ, nay vẻ như hoa đã đến kỳ hàm tiếu.
Lật đật chạy sang nhà Thoa, thầy giáo Cần sững lại trước cây mai đã xòe nở những cánh hoa tươi vàng. Cả một mùa Xuân đang tụ lại, ẩn náu và bừng nở trong sắc vàng của mai. Nhìn sắc mai, thầy nhận ra cái nắng vàng nhấp nhánh dằng dặc của đất trời phương Nam còn lưu lại trong ký ức thầy.
Và trong buổi sáng tinh khôi của một ngày đầu năm mới, nhìn gương mặt ửng hồng vừa e lệ vừa cởi mở của Thoa, thầy bỗng thấy điều ngờ ngợ ít lâu nay dường như đã chẳng còn là lạ lẫm. Quả thật, gương mặt tươi đẹp rạng ngời hạnh phúc của Thoa đã hé mở những điều bấy lâu nay thầy dự đoán trong mập mờ đã lần lần sáng tỏ. Vậy là ở trên đời này đã có một tình yêu được giấu kín như hoa kết nụ ấp ủ bao lâu, giờ mới kỳ thịnh khai?
Kìm nén bồi hồi, thầy Cần khe khẽ reo:
- Ôi, mai vàng kiều diễm đẹp tươi! Thật đúng là "Huy hoàng một cõi trời tươi thắm. Phúc lộc tràn trề khắp thế gian".
Ông cụ thân sinh ra Thoa vỗ tay, hào hứng:
- Thế là nhờ hoa mai mà ta có thêm một thi sỹ!
Thầy giáo Cần ngập ngừng và cảm động:
- Thưa bác, cháu chỉ là kẻ tập tọng ghép vần thôi ạ. Còn lúc này, thật sự là cháu đến để chúc mừng năm mới bác và chúc mừng hạnh phúc của em Thoa!
- Gì thì thầy cũng ngồi xuống đây, uống chén trà xuân với cha con chúng tôi dưới bóng cây mai này đã.
- Vâng. Bác cho con nói thêm ý này với Thoa. Thoa à, mai là loài hoa nở rất bền. Kể từ lúc hoa mãn khai rồi đến kỳ linh lạc rụng xuống là mai vừa đi trọn một tháng trong Xuân đó, Thoa à.
Thoa nghĩ: Vâng. Em cảm ơn thầy. Vậy là em còn đủ thời gian để chờ đợi rồi!
*
Cuối cùng thì tất cả đã rõ ràng. Người yêu của Thoa công tác ở ngành Công an. Nhiệm vụ của anh trong việc phá vụ án này ở phương Nam quá nghiêm trọng đến mức cả anh và cô giáo Thoa phải tuyệt đối giữ kín mối liên hệ. Giữ kín mối liên hệ với nhau trong năm năm liền.
Như vậy nghĩa là cuộc tình của họ bắt đầu từ cách đây năm năm, phải làm như chìm vào quên lãng. Nhưng mà cuối cùng thì có sao đâu! Vì giống như hoa, tình yêu biết chắt chiu để bừng nở. Vì tình yêu đã có hoa nói hộ. Tình yêu chỉ cần lưu giữ trong con tim và như thế là đủ. Còn bây giờ thì ngoài họ ra đã có thêm người cha già. Khỏi phải nói, cha Thoa vui mừng đến thế nào. Còn thầy giáo Cần?
Thầy giáo Cần trong chiếc mũ len nâu và tấm áo bông dài màu ghi như áo của văn hào Lỗ Tấn người Trung Hoa nhìn Thoa, trịnh trọng và chân thành:
- Thoa à, cuối cùng thì Bertol Brecht đã rất đúng. Cây mai vàng đã thuộc về các bạn, những người làm cho nó tốt tươi. Tôi thật sự khâm phục tình yêu của Thoa và người yêu của em!
Hà Nội 2020