Một ngày không được chấm công

Thứ Năm, 10/03/2016, 08:51
Đêm qua thức khuya nên sáng nay tận 6 giờ 30 mới thức giấc. Vệ sinh cá nhân xong đã 7 giờ. Tuy vậy, ông Thảnh vẫn ung dung vì vừa ăn sáng vừa dự tính: 7 giờ 30 sẽ ra khỏi nhà và đạp xe đủng đỉnh bốn cây số cứ cho là mất 45 phút, kể cả tắc đường, thì đến cơ quan cũng mới có 8 giờ 15. Nghĩa là còn dư những 15 phút trước giờ tầm!

Dự tính thế vì lâu nay vẫn là thế. Vợ con dịp này về quê cả. Sống một mình có cái nhẹ nhõm của nó. Bận chăng là mỗi ngày cho đám cá cảnh ăn một lần. Và gần tuần lễ nay thì thêm việc ngày ba bữa cho Cún con ăn. Cún con là tặng vật của ông Quang bạn bè hàng xóm. Mẹ Cún đẻ hai con. Anh Cún hiện vẫn ở với mẹ. Cún mũm mĩm màu cà phê sữa, rất thích được vuốt ve, yêu chiều. Cũng phải thôi, Cún mới được ba tháng tuổi, miệng còn hoi hoi mùi sữa, hẳn còn nhớ mẹ.

- Ở nhà Cún nhé. Trưa, ông lại về mà!

Cúi xuống vỗ về Cún, ngẩng lên, ông Thảnh nhìn đồng hồ thấy đúng 7 giờ rưỡi, tự khen mình dự tính chính xác. Nhưng vừa định quài tay mở cửa dắt xe ra đi làm thì cánh cửa như có gió đẩy, kẹt nhè nhẹ một hơi. Và qua khe cửa vừa hé, lọt vào một chó mẹ lông trắng pha vàng, bầu vú lúc lỉu căng nức.

Ôi, mẹ Cún! Đúng là mẹ Cún ở bên nhà ông Quang hàng xóm. Từ ngày Cún xa mẹ, mẹ vẫn thường qua lại. Và cũng lại như mọi lần, mẹ con Cún lập tức quấn lấy nhau, chằm bặp, mừng rỡ, hí hớn vui đùa với nhau, rồi thoáng cái, mẹ Cún loay hoay một vòng và nằm ệch ra, để Cún vừa nức nưởi, vừa háo hức rúc vú mẹ!

Trời! Nghe tiếng Cún nấc nghẹn nuốt ừng ực từng ngụm sữa mẹ và nhìn cảnh mẹ Cún rối rít liếm láp đứa con xa mà rưng rưng nước mắt! Lòng dạ nào mà nỡ làm hỏng cảnh huống ân tình mẫu tử cảm động này.

- Thôi, mẹ Cún cứ cho con bú đi! Còn Cún thì cứ thong thả bú tí ngọt của mẹ đi. Đừng vội, kẻo lại sặc sữa đấy, cháu à! Ông còn chờ được!

May, Cún mẹ cho con bú xong, nhìn đồng hồ vẫn còn 30 phút mới phải có mặt ở nhiệm sở. Thế là ông Thảnh vội vàng dắt xe ra cửa.

Minh họa: Lê Tâm.

Đường phố đang cữ đông. Dắt xe sang bên kia dải phân cách, đang định ngồi lên đạp thì ông bỗng giật mình vì thoảng qua bên tai một hiệp âm xè xè bay lượn qua khoảng không trước mặt. Thì ra một chú dế từ búi cỏ bên dệ đường vừa đạp càng bay ra và rơi đánh tạch xuống ngay mặt đường phía trước. Chà! Chắc mới chỉ vài ngày tuổi thôi. Thành ra trên mình chú đôi cánh còn mỏng tang và đầu chú còn hồng hồng màu da thịt non bấy, chứ chưa hoá sừng nâu bóng. Thêm nữa, trông chân chú thì biết, chú bò rất chậm, thậm chí còn run rẩy. Và đôi càng của chú, vốn là vũ khí lợi hại của loài dế, cao hứng lắm thì cũng chỉ có thể đạp đất vọt lên cao hơn gang tay rồi rơi xuống ngay tại chỗ thôi.

Nhưng bé thế mà chú đã nhiễm phải máu phiêu lưu của nhân vật chính trong tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” của ông Tô Hoài đấy. Biết chú rồi. Thế đấy, vuông cỏ ven hồ, quê hương chú là nơi sáng sáng ông thường tới tập thể dục, tối tối ông thường đi dạo, thở hít khí hậu trong lành và ngồi thư giãn trong yên bình, nghe chú gáy ran ran. ''Tiếng con dế gáy ran bờ cỏ. Xâu thời gian thành chuỗi hạt cườm''. - . Thơ Băng Sơn.

Đang ngâm nga thú vị vậy thì bỗng có một tiếng còi xe máy vừa gắt lên ở ngoài đường. Và ông Thảnh liền giật thót người vì nhận ra bóng một chiếc xe máy vừa phóng qua,  hai vòng bánh xe của nó chỉ cách chú dế non chừng gang tay. Hú vía! Ta phải chạy ra, bắt cái con dế bỏ nhà đi chơi này về mới được, không thì nguy hiểm lắm! Nghĩ vậy, nhưng vừa từ bãi cỏ bước xuống đường ông đã vội rụt chân giật người trở lại. Một chiếc ôtô buýt sơn vàng vừa sượt qua mặt. Mắt hoa hoa. Ông đã sắp sáu mươi rồi. Thần kinh đã yếu, rất hay bị choáng. Mà lúc này, từ ngã tư phía khách sạn Daewoo, đèn xanh vừa bật cho con lộ này. Và thế là dòng dòng nối nhau, chen huých nhau, ôtô, xe máy các loại rú còi inh ỏi, sầm sập như một đàn thú dữ xổng chuồng vùn vụt gầm gào vượt qua trước mắt ông.

Cuộc sống mỗi ngày một khác lạ, một ồn ào. Trước kia, nơi đây làm gì có đường. Trước kia, nơi đây chỉ có đầm hồ và cây cỏ. Còn từ ngày có con lộ hai chiều, ở giữa đặt dải phân cách là một luống hoa chạy dài thì xe cộ ở đâu dồn về nhiều quá. Còn con đường thì gần như suốt ngày sôi réo dưới bánh những xe lăn. Đến mức, nhiều hôm ông phải tìm đến vuông cỏ ven hồ may chưa mất đi này để tìm sự yên tĩnh, để hít thở không khí trong lành, để tĩnh tâm trong tiếng dế kêu và tiếng cá quẫy.

Hoa mắt vì dòng ôtô, xe máy như thú dữ, như nước lũ chảy qua, ông Thảnh đứng lặng, mà rộn rực nỗi lo. Ông lo cho số phận chú dế. Nhưng, may thay, cái gì cũng có hạn. Xe cộ như nước chảy mãi cũng phải kiệt. Ấy là vì đèn đỏ ở đầu đường đã bật. Đường không còn một bóng xe. Và ông thì mừng đến toát mồ hôi khi nhận ra chú dế nọ vẫn là một chấm nhỏ ti đang bò. Trời! Hàng trăm bánh xe tử thần đã chạy qua khúc đường này và chú đã thoát chết thì thật là một sự kỳ diệu chưa từng thấy!

Tuy vậy mừng vui sung sướng chưa được nửa phút, ông đã lại thót tim sợ hãi. Kìa,  chú dế con. Bò lên luống hoa ở dải phân cách đi! Ở đấy có cỏ, có nơi để cháu sinh sống đấy. Nhưng, rõ ràng là chú dế còn non nớt quá, chú không hiểu nỗi lo của ông, không biết đâu là sự an toàn, đâu là sự nguy hiểm. Thành ra, đáng lẽ phải bò lên luống hoa ở dải phân cách lúc này ở cách chú chỉ chừng một mét, thì chú lại quay đầu, hướng về phía bên này đường, nơi ôngThảnh đang đứng, nơi có vuông cỏ từ đó chú đã ra đi. Cả một khoảng cách mênh mông! 

*

- Chào bác Thảnh! 

- Chào! Có chuyện gì mà các vị túm tụm vui vẻ  thế!  

- Bậc huynh trưởng có tham gia  trò đố vui với bọn này không?

- Xin lỗi! Mình... đến chậm.

Một  đám sáu, bảy ông trung tuổi đang ngồi quanh một chiếc bàn tròn ở giữa phòng uống trà, nghe tiếng ông Thảnh đều nghển cả  dậy cất tiếng à ới. Giữa chiếc bàn tròn là một lẵng hoa lớn. Trong đó có hoa păng xê xanh mơ màng. Có hoa đồng tiền đỏ chót. Có hoa hồng Đà Lạt chúm chím bảy cánh ấp iu. Lại như các buổi sáng. Đứng bên rìa bàn, ông Ngải, Phó phòng Tổng hợp, kẻ hoạt ngôn luôn đầu têu các chiêu trò giải trí, đầu hói bóng, mũi gồ, vừa lên tiếng thách đố mọi người rằng thử đoán xem, hoa trong lẵng kia là giả hay là thật? Với lời hứa ai nói đúng xin tặng một chầu cà phê Trung Nguyên sáng cùng bánh Pizza ăn  trưa. Và giờ là lúc đám các ông đã chia thành hai. Phe bảo hoa đó là hoa  giả. Phe bảo hoa đó là tiền tươi thóc thật.  Và ông chủ trò cười rung nọng thịt ở cằm, nói rằng: Xin cho các chư vị tha hồ xờ... em... xem!

Ôi cái trò vui đùa tào lao của mấy anh công chức quen nếp sớm chẳng vừa trưa chẳng vội! Ngồi xuống ghế, mở cặp tài liệu, ông Thảnh tủm tỉm cười. Nhưng  ngước nhìn  chiếc đồng hồ treo tường, ông liền giật thột  mình. Ông đã đến trễ gần nửa giờ đồng hồ. Mà sáng nay, theo kế hoạch, ông  phải thảo xong cái báo cáo công tác quý ba cho giám đốc; và lúc này, không hiểu  phòng kế toán đã có đủ số liệu như đã hẹn cho ông chưa đây. Tặc tặc lưỡi, ông Thảnh thoảng nhớ tới cảnh Cún con bú mẹ và cười thầm,  nhưng mà khởi nguồn mọi sự rắc rối đâu có phải chỉ là do Cún.  

-  Bác Thảnh này!

-  Trưởng phòng Thân đấy hả? Có chuyện gì đấy?

-  Chuyện  gì thì bác biết thừa rồi còn gì!

Trưởng phòng Thân bốn mươi lăm tuổi, ria mép đen sì, mũi diều quằm quặp, đuôi mắt nhọn  hoăn hoắt, từ buồng bên đi ra, tay cầm một xấp giấy, ghé xuống.

- Tôi hỏi thật mà, anh Thân?

- Bác chưa biết thật hay bác giả vờ chưa biết?

- Nói thật với cậu là hồi này tuổi cao rồi, tôi cứ lẫn việc to với việc nhỏ, việc chính với việc phụ, tôi cứ nhớ nhớ quên quên. Như sáng nay đấy. Sắp sửa đi thì...

Chớp chớp hai con mắt, ông Thảnh ngơ ngơ nhìn Trưởng phòng Thân, định nói về chuyện  mẹ con Cún và chú dế con, rồi lại thôi. Vì hai con mắt Thân đang hau háu săm soi, móc máy. Chuyện gì thì cũng thừa biết đi rồi. Thì có còn gì là lạ nữa, cả tháng nay rồi, cả năm nay rồi! Nó là cái trò đơn từ tố cáo đòi hạ bệ ông Vinh giám đốc, chuyện thường thấy ở các đơn vị nội bộ vào lúc mạt vận suy vi. Công việc thì chểnh mảng, bê trễ. Nội bộ thì lủng củng, ông chẳng bà chuộc, ba bè bẩy mối. Ngày  ngày chỉ mỗi một việc là rình mò, bới móc sơ hở của nhau, hết nói xấu sau lưng lại đặt ca dao hò vè, dựng chuyện, giăng bẫy đưa nhau vào tròng. Mà đầu trò là cái  anh chàng trưởng phòng Thân mũi gồ, mắt nhọn, lắm mưu ma chước quỷ này chứ còn ai!  Trong khi giám đốc Vinh thì cũng là tay chẳng vừa, đã vô tài bất tướng,  lại quen nghề ăn bẩn, gian ngoan có hạng cả chục năm nay rồi ai còn lạ!

-  Bác Thảnh này! Tôi nghĩ, Trưởng phòng Thân rít khe khẽ qua kẽ răng, bác là người cao niên nhất trong cơ quan. Chữ ký trong đơn tố cáo của bác có ý nghĩa quyết định đấy!

- Chữ ký của tôi?

- Thôi, khỏi phải dài dòng! Bác đọc xấp đơn này đi thì khác rõ hết tội lỗi có hệ thống của ông Vinh.

- Nhưng mà cả xấp đơn dầy thế?

- Thì là của cả tập thể cơ mà! Bác nhìn kia kìa, đám các ông đang chơi trò đố hoa ấy, họ ký cả rồi đấy! Mà bác Thảnh này.

- Cậu  bảo gì?

Nhấc cánh tay trái nhìn đồng hồ, mặt trưởng phòng Thân bỗng đổi sang nghiêm lạnh:

-  Bác Thảnh! Sáng nay, bác đến chậm cả tiếng đồng hồ. Lẽ ra  hôm nay tôi không chấm công cho bác. Nhưng nếu sáng nay bác dành thời giờ để đọc rồi ký vào xấp đơn tố cáo ông Vinh. Thì tôi coi như bác vẫn làm việc! Coi như một ngày làm việc bình  thường!

Không đáp, ông Thảnh cúi xuống ngó vào ngăn bàn, rồi bỗng phắt dậy, sờ sờ nắn nắn hai túi quần. Cuối cùng vỗ đánh bộp vào hai túi áo dưới, rồi ngước lên nhìn Trưởng phòng Thân, kêu thất thanh: “Thôi chết! Mình để quên hai con mắt ở nhà rồi!”.  Rồi  đứng ngẩn và trượt qua vành môi một tiếng thở phào. Hừ! Sẩm vào cuội ra, tuổi cao lú lẫn nhớ nhớ quên quên vốn dĩ, hay là lúc đó mải  ngắm mẹ con Cún quấn quýt,  nên quên bẵng đi không bỏ cặp kính lão vào cặp nhỉ? Mà vào tuổi này không có chiếc kính viễn thì cầm cuốn sách tờ báo lên, dẫu có để xa hàng mét, cũng chỉ như nhìn vào bức tường.

- Xin lỗi, để  tôi  lên phòng ông giám đốc. Ông ấy cũng đeo kính số 5  giống tôi mà.

Ông Thảnh nói, rồi thản nhiên lách qua khe hẹp giữa trưởng phòng Thân và chiếc bàn, đi ra. 

Vừa lúc, trò đố hoa thật giả đang vào hồi  sôi nổi. Giữa đám các ông trung tuổi ngồi quanh chiếc bàn tròn ở giữa phòng, ông Ngải hói nghển cổ, nhìn ông Thảnh, huơ huơ tay: “Bác Thảnh. Sáng nay ông Vinh giám đốc đi họp trên Cục  thì phải. Bác có lại tham gia trò đố hoa thật hay hoa giả với chúng tôi thì đến đi! Vui chơi có thưởng đấy!”.

- Xin lỗi! Tôi không hiểu.

Ông Thảnh nói. Ông Ngải nhay nháy mắt:

- Đơn giản thôi, bậc huynh trưởng à. Thật - giả. Vàng - thau. Câu chuyện thế sự, thời sự. Có cái gì mà không hiểu. Được chấp nhận một cách công khai, có tư cách hẳn hoi là đồ giả da; là hoa giả bằng lụa, bằng giấy, bằng  đất, bằng nilon; là mâm ngũ quả giả; là tranh sao chép; là món thịt giả cày... Còn các đồ giả để lừa người kiếm lợi? Như tiền giả, như mạo nhận chức danh, tiểu nhân giả quân tử.

-  Rắc rối nhỉ!

Ông Ngải cười phô hàm răng ám khói thuốc:

- Kính lão đắc thọ. Bác cho có ý kiến đi. Hoa này thật hay giả?

- Có biết mô tê gì mà nói bây giờ. Tôi xin ở ngoài cuộc. Không có nhẽ ông Vinh đi vắng. Cứ để tôi lên xem thế nào hẵng.   

Ông Ngải quay lại nhóm các ông trung tuổi:

- Thôi, đàn em không dám nài ép bậc cao niên. Còn bây giờ, thưa các liệt vị đồng nghiệp. Thầy giáo Khanh hàng xóm của tôi, một nhà giáo dạy văn cổ, cả đời mô phạm, mẫu mực vừa rồi tổng kết năm ở Tổ dân phố, không được nhận bằng Gia đình có văn hoá. Lý do, ông bị dân phố chê: Cả đời chả thấy cầm cái chổi quét ngõ và khi thấy ô tô con đi vào ngõ cấm không ra đấu tranh ngăn cản, chỉ đứng nhìn, lắc đầu chép miệng. Còn ông Liếng lão thành cách mạng, người cơ quan vợ tôi, 70 tuổi tìm mọi lý do, kể cả khai gian năm sinh hai ba lần, chưa chịu về hưu, đang dính dáng  một vụ thất thoát hai tỷ bạc, lại chiếm dụng đất công làm nhà ở hơn năm chục mét vuông, cũng đợt này, nhận danh hiệu: Đảng viên  hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao! Tổ dân phó nhận xét: Tính tình vui vẻ hòa nhã. Tham gia vệ sinh ngõ phố tích cực. Nhiệt tình nhắc nhở bà con  treo cờ Tổ quốc ngày lễ hội...

Có tiếng vỗ tay lộp độp. Ông Ngải cao giọng:

- Thầy giáo Khanh bảo tôi: Thông thường Quân tử trưởng thì tiểu nhân tiêu. Nhưng một khi đã loạn chuẩn thì ngược lại. Vả, từ  xưa  đến nay mới chỉ thấy tiểu nhân đóng giả quân tử; chứ có thấy quân tử đóng giả tiểu nhân bao giờ đâu!

Trưởng phòng Thân đã quay lại. Thấy ông Thảnh từ trên phòng giám đốc vừa đi xuống, đang ngồi trước bàn làm việc, cầm cây bút  hí hoáy viết.

- Bác viết gì đấy, bác Thảnh?

- Xin lỗi.

- Bác ký vào xấp đơn rồi chứ!

- Không! Tôi để quên mắt ở nhà. Cố gắng lắm cũng chỉ có thể nguệch ngoạc mấy câu viết giấy xin nghỉ. Với lại tôi đến chậm giờ. Tôi xin không được chấm công.

Dúi  lá đơn xin nghỉ việc vào tay Trưởng phòng Thân, ông Thảnh chụp chiếc  mũ  vải lên đầu, xách cặp định rảo bước đi qua đám các ông ngồi quanh chiếc bàn tròn đang vào hồi kết trong trò thách đố thật giả thì bị ông Ngải quài tay ra giữ lại.

- Xin lỗi bác, cho em  hỏi bác một câu. Ông Vinh đi  họp trên Cục, bác  biết  thừa rồi, sao cứ nhất quyết lên ông ấy mượn kính?

- Tôi... tôi...

- Vậy em có bài thơ tặng bác trước khi bác ra về.

- Thơ tặng tôi?

- Vâng! Trong thiên hạ có anh giả điếc/ Khéo ngơ ngơ ngác ngác, ngỡ là ngây/ Chẳng ai ngờ, sáng tai họ, điếc tai cầy/ Lối điếc ấy sau này em muốn học. Chắc bác đã biết: họ là tiếng người cày bảo con trâu đứng lại

- Ờ ờ..

- Dạ  thưa... chắc  huynh trưởng thừa biết, đó là  trích đoạn bài thơ  Anh giả điếc của   Nguyễn Khuyến. Cụ Tam nguyên Yên Đổ làm bài thơ này để tặng ông đồ ở huyện Cự Lộc, tỉnh Nam Định. Ông này đỗ cử nhân, vua Tự Đức mời ra làm quan, ông liền  giả điếc, khước từ  việc đó. Giờ, em xin đọc tiếp đoạn sau bài thơ để hầu bác ạ:“Khi  vườn sau, khi ao trước/ Khi điếu thuốc, khi miếng trầu/ Khi chè chuyên năm bảy chén/ Khi Kiểu lẩy một đôi câu/ Sáng một chốc, lâu lâu rồi  lại điếc/ Điếc như  thế ai không muốn điếc/ Điếc như anh dễ bắt chước, ru mà”.

- Hừ, cái cậu này. Nói cái gì  mà  rắc rối, khó hiểu thế. Nhưng mà thôi, tớ về nhé! 

Bye! Bye!

Đầu gật gật, ông Thảnh chìa tay bắt tay ông Ngải. Xung quanh ông, đuổi theo ông là chuỗi tiếng cười ồ ồ như nước chẩy của đám các ông trung tuổi quanh chiếc bàn tròn ở giữa là một chậu hoa đang trong cuộc phân định  thật - giả.

*

Chiếc xe bon bon được một quãng thì ông Thảnh đột ngột bóp phanh dừng lại. Đó là  đoạn đường ông phát hiện ra chú dế non trong tình thế số phận ngàn cân treo trên sợi tóc. Trời đang ngả trưa. Một buổi trưa mùa thu, bầu trời ngẩn ngơ không biết đang đi về đâu. Xe cộ các loại vẫn nườm nượp lướt qua mặt đường. Ông Thảnh nhìn quanh.  Con dế non dại ngu ngốc đâu rồi? Xót xa quá nếu nó đã biến thành một bụm bụi đường đang bốc lên mờ mờ trên dải đường  này. Lạy giời cho nó an toàn may mắn trở về vuông cỏ quê hương để cất tiếng gáy rền rã mỗi sáng ông đến đó tập bài thể dục dưỡng sinh và đêm đêm ở đó ông được  hưởng sự thanh tĩnh yên bình. Mở cặp, ông lấy cặp kính viễn đeo lên mắt, mắc lên tai. Bọn ông Ngải đều là các quái nhân cả. Thế đấy! Tất cả  đều biết và đều vờ như không biết các chiêu trò đang diễn ra trong cuộc sống này. Biết cả nhưng vẫn cứ đóng vai những kẻ tích cực tham gia, tham gia một cách hồn nhiên vô tư lự. Buồn thay. Trớ trêu thay. Nhưng mà thôi, với ông lúc này tất cả đã chẳng còn đáng quan tâm nữa. Lúc này, tất cả đã lùi về phía sau. Lúc này, hai con mắt ông sau làn kính viễn đang chú mục săm soi từng tấc đất trên mặt đường với hy vọng tràn trề là sẽ tìm được con dế non ngây dại ưa thích phiêu lưu nọ.  

Một ngày không được chấm công chả lẽ là một ngày vô ích. Chẳng lẽ là một ngày nhạt nhẽo, chẳng đem lại lợi ích gì cho ai! Chẳng lẽ chỉ là một ngày góp phần thỏa mãn tình mẫu tử của mẹ con Cún. Một ngày chỉ là để sẻ chia nỗi lo toan cho sinh mệnh chú dế non tơ dại dột, để chú lại được gáy ran tối tối chiều chiều, biến thời gian thành chuỗi hạt cườm. 

Truyện ngắn của Ma Văn Kháng
.
.