Ma người

Thứ Hai, 21/05/2018, 18:24
Tự dưng hắn cảm thấy lạnh lạnh nơi sống lưng. Chả nhẽ phải ra về. Hắn nghi ngại trước cánh cửa đang khép hờ… Dù táo tợn nhưng hắn vẫn đắn đo có nên mở cửa không. Nếu mình tự tiện mở cửa thì biết đâu sẽ có một cái gậy hoặc một mũi dao chờ sẵn… và nhẹ nhất cũng là một tiếng tri hô bớ làng nước ôi có trộm...

Tháng ba mà trời rét độc. Năm nay rét nàng Bân về muộn, mới sáng ra bầu trời xám xịt, cây cối sũng nước, người đi đường bọc kín trong áo mưa cúi mặt lầm lũi di chuyển như không biết có ai bên cạnh. Phố xá vẫn kín cửa, trầm mặc trong giấc ngủ muộn vì trời rét. Chỉ mấy cột đèn hiệu như thể cái chuồng chim để dọc nơi ngã tư vẫn nhấp nháy cần mẫn đếm lùi, những con số cứ lùi dần đến số 00 rồi một cửa đỏ hoặc vàng bật sáng và lại xuất hiện con số mới và cứ nhảy lùi như không biết mệt.

Hắn dừng xe, sốt ruột nhìn bảng số. Hình như hôm nay nó nhảy chậm hơn mọi khi.

Rồi cũng đến số 00. Hắn rồ ga, chiếc xe cà tàng rướn lên rồi lao trên đường như không kể gì đến quy tắc hạn chế tốc độ trong thành phố. Bởi vì hắn biết sáng sớm thế này thì những người bảo vệ trật tự thường chưa đến nơi làm việc. Vậy thì hắn phải tranh thủ.

Ra khỏi thành phố thì hắn tăng tốc. Nhưng phải ghìm tay ga lại vì cái lạnh luồn qua áo lạnh thốc vào ngực vào lưng. Tối qua còn nực trời mà đêm qua trời trở lạnh. Đợt gió lạnh đêm qua mới về nên hắn không để ý. Sáng ra đường vẫn phong phanh áo mỏng.

Mấy mẹ bán bánh mỳ đang chổng mông sắp hàng bên lề đường, nghe tiếng xe từ xa liền đứng thẳng lên bước ra giữa đường vẫy vẫy, tay dẻo như múa: "Bánh mỳ, bánh mỳ lóng đây". Hằn gằm mặt chửi "Lóng cái con kẹc, tránh ra cho bố đi", rồi sát sạt lao vút qua. Mấy bà hoảng hồn thụt vào mé đường, miệng chửi: "Mới sáng ra đã gặp phải vía thằng khốn lạn!".

Kệ! Hắn cứ phóng. 

Là vì hắn thấy trong ngực, trong đầu nóng phừng phừng. Nóng đến phát điên. Mẹ nó chứ. Ông sẽ đốt nhà nó. Lừa ông à. Thằng này không lừa thiên hạ thì thôi chứ nó lại dám lừa ông à. Máu trong người hắn sôi sùng sục. Đúng là chó cắn áo rách.

Hắn bị quả lừa. Ai lừa được hắn? Một người đàn bà. Thế mới đau! Lúc nào? Ngay đêm hôm qua.

*

Cả ngày hôm qua đen như chó mực. Ra ngõ gặp gái hay sao ấy, sáng sớm hắn đã cùng với cái xe cà tàng ra bến xe để hành nghiệp xe ôm. Đứng nhăn mặt suốt cả ngày, gặp ai cũng chèo kéo. Nhưng tịnh không một ai chịu để cho hắn có cơ hội được phục vụ. Đợi đến tận 10 giờ tối mà vẫn không kiếm được cuốc nào. Phen này về thì mụ vợ lại mặt du mày duỗi đây. Nào là chui vào chỗ nào ngồi hay là rúc vào đám bạc nên có đồng nào nướng hết, hay là tiền nong làm cả ngày đưa cho con đĩ nào rồi cũng nên. Nhớ tới vẻ mặt đanh lại của vợ mà hắn rùng mình. Thôi cố chờ tý nữa.

Thêm nửa giờ nữa vẫn không có ai ngó ngàng. Giờ này hết khách rồi. Hắn uể oải lên xe nổ máy về nhà.

Đến chỗ nhà chờ xe buýt bên đường hắn thấy dưới cái mái tôn xam xám là một người đàn bà đang ngồi ôm con, đầu rũ xuống, hình như đang ngủ gật. Hắn trờ xe đến trước mặt hất hàm:

- Về đâu? Sao giờ còn ngồi đây. Làm gì có xe buýt mà chờ.

Người đàn bà giật mình ngẩng lên, giọng nói run run khê khàn như người ngạt mũi:

- Dạ cháu về… về… Cao Lạc.

- Cao Lạc có gần Cao Chương không?

- Dạ từ Cao Chương rẽ vào nhà cháu khoảng ba cây ạ.

Hắn gật gù:

- Xa đấy. Đây đến đấy dễ cũng phải gần ba chục cây. Có đi xe ôm không? Đằng này chở.

- Người đàn bà mừng rỡ:

- Có ạ. Hết bằng nào ạ.

- Hắn cũng thấy mừng. Ơn giời vậy ra ngày hôm nay chắc không đến nỗi móm. Hắn ra giá:

- Hai trăm.

- Người đàn bà ngần ngừ một tý rồi vẫn cái giọng nghẹt nghẹt bả:

-  Hai trăm đắt quá. Trăm rưởi có được không?

- Hắn nghĩ thầm: Trăm rưởi kể cũng được, nhưng cứ thử làm căng một tý:

- Không. Hai trăm thì chơi ngay. Không thì cứ ngồi đấy.

- Người đàn bà lại cúi xuống. Một cơn gió lạnh lùa vào cái mái che trống trơn như cảnh báo rằng đêm nay sẽ rét lắm. Có lẽ nghĩ vậy nên chị ta ngẩng đầu quả quyết:

- Vâng cũng được. Ông cho mẹ con cháu về ạ.

Minh họa Lê Tiến Vượng.

Đấy. Làm nghề cứ phải cứng như thế. Chứ cứ như bọn đồng nghiệp thì ăn thua gì. Không chơi thì thôi chứ chơi là phải quả đậm. Ngày vài ba cuốc, mỗi cuốc vài chục bạc thì bõ bèn gì. Đây mình làm nhát hai trăm, trừ xăng cũng còn già trăm rưỡi.

- Lên xe - Hắn nói như ra lệnh - Hành lý đâu?

-  Dạ không có, chỉ hai mẹ con cháu thôi ạ.

- Hắn dạng chân chống đất hai tay giữ lái chờ cho người phụ nữ bế con lên xe. Đợi đến vài phút mà chả thấy đâu. Hắn nhìn sang nhà chờ chỗ chị ta vừa ngồi cũng không thấy. Hắn gọi:

- Ơ… chạy đâu rồi.

- Ngay sau lưng là tiếng nói nghèn nghẹt:

- Lên rồi ạ.

Con mẹ này trông vậy mà nhanh gớm. Mà nó cũng nhẹ cân… nó lên xe ngồi rồi mà xe cứ như không.

Hắn nổ máy phóng đi. Chiếc xe tênh tênh lao vào bóng tối.

Xe cà tàng nên đèn cũng nhập nhoạng. Đèn chỉ đủ cho hắn nhìn vạch sơn trên mặt đường nhựa. May mà đường nhẵn và đêm muộn nên chỉ thỉnh thoảng mới có chiếc ô tô bật đèn pha sáng rực chiếu ngược vào mắt. Lúc ấy hắn phải giảm ga đi sát vào mép đường để tránh lóa.

Hắn lặng im giữ lái căng mắt nhìn đường. Người phụ nữ ngồi đằng sau cũng im lặng. Chỉ thằng bé con thỉnh thoảng lại giãy giãy một tý rồi lại thấy im. Hắn đoán chắc thằng bé này ngủ mệt.

- Đến Cao Chương hắn quay lại hỏi:

- Đến chỗ rẽ thì bảo nhé.

Người phụ nữ vẫn lặng im không nói gì. Gần hết địa phận Cao Chương, ánh đèn xe quét trên mặt đường đầy những cánh hoa gạo bầm dập nát bét như những vệt máu đọng… Loại này trơn lắm, không cẩn thận ngã vỡ mặt chứ không đùa. Hắn giảm ga cho xe chạy chậm lại thì chợt nghe người phụ nữ lên tiếng.

- Rẽ phải ạ.

Lại đi tiếp qua một cái làng, rồi quanh co đường đồng đến vài cây số gặp chơ vơ một đám tối om, hiện lên nền trời là mấy ngọn cau phơ phất và một mái nhà đen sẫm.

- Nhà cháu đây rồi ạ. Ông cho cháu xuống.

- Vậy là đã tới nơi. Người đàn bà xuống xe rồi đưa cho hắn tờ hai trăm - Hắn biết chắc là tờ hai trăm vì nhìn qua ánh sáng mờ mờ của cái đèn pha và đột nhiên thấy nó lạnh lạnh mềm mềm, hình như chị ta đã chuẩn bị khi còn ngồi trên xe.

- Cảm ơn ông ạ - Chị ta nói rồi te tái bế đứa con đi theo cái ngõ nhỏ.

Hắn cầm tiền đút túi và vội phóng xe đi ngay khi cái bóng mờ mờ người phụ nữ vào đến hiên nhà. Phải đi ngay thôi chứ "công-tơ-mét" chỉ hơn chục cây mà chém con người ta hai trăm, nhỡ người nhà nó kéo ra mè nheo thì mệt lắm. Lúc đấy lại phải cãi lý nào là giời tối khuya tối muộn, nào là đã thỏa thuận. Với lại một thân một mình ở giữa đồng không khuya khoắt thế này… Bất giác hắn rợn người. Thôi phắn! Dù muộn nhưng vẫn không đến nỗi thất thực. Vậy là tốt rồi.

Khi về quốc lộ đã vắng tanh. Dễ hơn mười một giờ đêm. Hứng khởi đến quên cả lạnh, hắn kéo ga cho xe chạy vù vù nên chỉ hai chục phút sau đã có mặt ở nhà.

Vợ hắn ra mở cửa giọng bực bội vì ngái ngủ:

- Chết dẫm ở đâu mà nửa đêm mới vác mặt về?

Hắn nghẹn ứ cổ. Mọi lần cũng vậy. Nếu không đưa được tiền về thì hắn đành nuốt cục nghẹn vào trong bụng mà im thin thít. Nhưng lần này, chẳng gì thì mình cũng không đến nỗi là thằng ăn nhờ cơm vợ. Vậy nên hắn cao giọng để nói với vợ bằng giọng kẻ cả:

- Đi đâu! Đi làm chứ đi đâu. Hỏi vớ vẩn.

- Đi làm! Vậy tiền đâu?

Đức ông chồng dềnh dàng một tý để ra vẻ, rồi không thèm nhìn mặt vợ, hắn khuỳnh tay kiêu hãnh moi túi ra tờ tiền dúi cho người đàn bà đang sốt ruột đứng chờ.

Người vợ chộp ngay lấy tờ tiền và giữ chặt trong tay như sợ chồng đòi lại. Ông chồng kiêu hãnh nhìn vợ đắc thắng. Khuôn mặt người vợ dãn ra tươi lên như thể cái cây được tưới nước kịp thời.

-  Vậy đã ăn uống gì chưa? Đi rửa ráy đi, em hâm thức ăn cho nóng - Người vợ dịu dàng bảo hắn.

Hắn nhìn vợ tự bảo: Nếu không cau có thì nàng trông xinh phết. Giá lúc nào cũng có tiền như bây giờ. Tự nhiên thấy lòng rao rực muốn yêu thương.

Nhưng cái sự rạo rực ngập tràn ấy chỉ diễn ra chừng hơn phút. Hắn chợt giật bắn người khi người vợ hét lên từ trong bếp:

- Cái gì thế này? Ối giời ôi.

- Hắn lao vào bếp. Vợ hắn từ trong bếp lao ra với vẻ mặt dữ dằn như phù thủy. Thị rít răng ném đồng tiền xuống đất:

- Tiền đểu. Tiền âm phủ!

- Hắn nhặt tờ giấy tiền lên nhìn kỹ. Mà cũng chẳng cần nhìn kỹ cũng biết đó là tiền âm phủ, loại tiền dùng để đốt cho người chết! Choáng. Mặt hắn đờ ra thất vọng. Im lặng đến một phút mới thốt lên được hai tiếng:

-  Khốn nạn!

Vợ hắn không nói gì nữa lịch bịch lên giường ngủ. Hắn nghe tiếng bước chân của vợ mà tưởng như mái nhà sắp đổ ập xuống đầu. Cũng may là vợ hắn đã leo lên giường rồi với tay tắt đèn. Căn nhà tối om như thể không hề có sự hiện diện của hắn.

Hắn ngồi phịch xuống ghế ôm đầu.

Mình bị lừa. Nhục. Nỗi nhục đeo đẳng cả đêm làm hắn chập chờn không ra ngủ chẳng ra thức. Đối với mọi người thì hai trăm nghìn chẳng đáng là bao. Nhưng đối với hắn là cả một giá trị… nó đủ nuôi sống tất tần tật cả gia đình năm miệng ăn trong vài ngày. Nhưng đau hơn nữa vì số tiền ấy không bị mất do nhãng ý đánh rơi - có tiếc đấy nhưng cũng đành chép miệng cầm lòng vậy. Đằng này do bị lừa mà mất. Mua hớ một mớ rau để phải chịu đắt thêm một nghìn đồng đã đau, đã có cảm giác như nhìn thấy đứa bán rau bĩu môi chửi sau lưng: đồ gà công nghiệp, đồ ngu… sau khi nó đã cho tiền vào túi. Lại mất bởi một con đàn bà, bị con đàn bà nó lừa thì đau gấp cả vài trăm lần.

Nhưng có thể do trời tối con mẹ ấy nó đưa nhầm. Ừ cũng có thể lắm chứ.

Vậy phải đi đến nhà nó làm cho ra nhẽ.

Sáng ra, nghe ngoài phố rậm rịch người đi lại là hắn đã vùng dậy. Vệ sinh cá nhân qua loa, xỏ vội vào bộ quần áo mặc tối hôm qua rồi hắn nhảy lên xe phóng về cái nơi mà đêm qua mình đã có mặt.

*

Đây rồi, cái lối rẽ đầy những bông hoa gạo rụng bầm giập đỏ nhoe nhoét mặt đường, hắn từ từ giảm ga để phòng bị trượt bánh xe. Qua khúc ngoặt là con đường làng rộng rãi, xe chay bon bon. Hắn đưa tay vào túi áo kiểm tra. Ngón tay chạm vào tờ tiền âm phủ mềm mềm và lạnh lạnh nơi đáy túi. Không hiểu sao đồng tiền giả lại lạnh đến thế. Cái lạnh lẽo của tờ giấy truyền qua bàn tay lan đến tận sống lưng khiến toàn thân hắn ớn lạnh. Gì thế nhỉ. Sao có cảm giác lạnh gai người thế nhỉ. Rồi hắn bật cười nhận ra trời đang rét.

Làm nghề xe ôm lâu năm nên hắn được giời ban cho khả năng đặc biệt, đoạn đường nào đã đi qua một lần thì lần sau nhớ ra ngay mà không bao giờ bị lạc. Sau khi đi hết đoạn đường làng, hắn tự tin rẽ vào con đường bờ ruộng. Đi một đoạn thì thấy một ốc đảo giữa cánh đồng hiện ra trước mặt cách vài trăm mét, một ngôi nhà dưới lùm cây um tùm, vài cây cau giương ngọn phất phơ. Đúng là cái nhà hôm qua mà hắn đã tới.

Có mà chạy đằng giời! Hắn phi thẳng xe vào sân nhà. Gạt cái chân chống dựng xe, hắn tắt máy rút chìa khóa bỏ túi quần. Kinh nghiệm cho biết đi đâu dừng xe là phải rút chìa khóa ngay, nhất là trong trường hợp này càng phải cẩn trọng.

Tiếng máy nổ xe ằng ặc rồi tắt ngúm, trả lại không gian tĩnh lặng cho ốc đảo giữa đồng không mông quạnh. Hắn nhìn quanh.

Một ngôi nhà ba gian cửa khép hờ… Sân đầy rác rưởi, lá khô lẫn lộn với mảnh túi nilon. Một cơn gió lướt qua, bụi bốc mù mịt… Không gian xáo động bởi tiếng lá xào xạc trên nền sân xi măng nham nhở rồi lại im lặng đến rợn người.

- Có ai ở nhà không đấy?- Hắn gọi to.

Không có tiếng trả lời.

Quái… như thể nhà hoang. Hắn gọi thêm hai lần nữa. Vẫn im lặng.

Tự dưng hắn cảm thấy lạnh lạnh nơi sống lưng. Chả nhẽ phải ra về. Hắn nghi ngại trước cánh cửa đang khép hờ… Dù táo tợn nhưng hắn vẫn đắn đo có nên mở cửa không. Nếu mình tự tiện mở cửa thì biết đâu sẽ có một cái gậy hoặc một mũi dao chờ sẵn… và nhẹ nhất cũng là một tiếng tri hô bớ làng nước ôi có trộm.

- Có ai ở…

Câu gọi bỗng đứt nửa chừng vì trước mặt hắn cánh cửa từ từ mở ra như thể phép mầu. Hắn há hốc mồm kinh ngạc. Khi cánh cửa mở hết cỡ thì trước mặt hắn là một hình hài dựng đứng của một thằng người gầy ngẳng như xác chết khô được gói sơ sài bằng quần đùi và áo may ô. Hai má hóp, hai mắt đầy nhoèn dử… chỉ có hàm răng ám vàng khói thuốc là ra vẻ còn khỏe mạnh.

Hắn bất giác lùi lại thủ thế. Hình nhân bước thêm một bước để chắn dọc khung cửa, cái miệng đầy răng khàn khàn cất tiếng:

- Ông hỏi ai?

Là chủ nhà… Ngữ này thì mình chả sợ - Tay xe ôm đã trấn tĩnh lại được nên tự tin hơn. Vậy con mẹ lừa đảo đêm hôm qua là vợ tay này.

- Cho tôi hỏi chị nhà!

Chủ nhà như không nghe rõ:

-  Ông hỏi ai?

Khách phát lại câu vừa trả lời một cách chậm rãi như thể cassette yếu pin.

- Chị nào? - Tay chủ nhà hỏi lại.

Ơ vậy là sao nhỉ? Tuy đã hơi bừng bực nhưng hắn vẫn trấn tĩnh:

- Đêm qua, lúc mười một giờ tôi chở chị ấy với cháu về nhà đây mà.

- Chủ nhà thoáng ngỡ ngàng rồi bảo:

-  Chắc có lẽ ông nhầm nhà.

Tay xe ôm quả quyết:

- Tôi không thể nhầm. Rõ ràng chị ấy đã mở cửa đi vào trong nhà. Không thể có chuyện nhầm nhọt gì ở đây cả.

- Chủ nhà bối rối một tý rồi đờ mặt ra như đang suy nghĩ tính toán điều gì. Anh ta lẩm bẩm:

-  Chả có nhẽ. Chả có nhẽ…

Khách cũng ngạc nhiên. Chả có nhẽ làm sao. Thằng này đang tìm cách bao biện. Phải nói thêm cho rõ:

- Chị ấy nho nhỏ người… bế đứa bé.

- Ối giời ơi!

Chủ nhà thất thần rồi thõng tay đổ người như muốn khuỵu xuống. Khách vội đỡ lấy thân hình còm cõi của anh ta. Cũng may là việc đỡ một thân hình mảnh mai như con nghiện cũng chả đến mức khó khăn. Tay xe ôm càng ngạc nhiên khi trên khuôn mặt bàng bạc của chủ nhà có những giọt nước mắt trong khi cái miệng anh ta lẩm bẩm: "Em ơi con ơi… về nhà mà sao không báo cho anh biết".

- Rồi chủ nhà bảo tay xe ôm:

- Ông vào nhà đi.

Nhà tuềnh toàng chả có thứ gì đáng giá. Ba gian nhà bốc mùi ẩm lạnh và thoáng có cả mùi khai của nước giải đã lưu cữu. Một cái giường đôi bề bộn chiếu chăn, quần áo. Phủ lên đống hổ lốn đó là một cái màn trắng đã ngả sang màu cháo lòng được treo trên bốn cây gậy như thể chiếc vó đang phơi trong chiều nước cạn. Góc nhà là một chạn bát. Gian giữa là một cái bàn thờ được che bằng mấy bức trướng đám ma đã bạc phếch…

Tay chủ nhà kệ khách vào nhà, anh ta đi vội đến bàn thờ vén bức trướng treo vào móc rồi rút mấy que hương châm lửa, anh ta lầm rầm khấn vái trước tấm ảnh của một người đàn bà còn khá trẻ.

Động tác của chủ nhà làm tay xe ôm sốt ruột. Hắn biết trong những giây phút này thì tốt nhất là đứng đợi xem sẽ xảy ra việc gì.

Chủ nhà lẩm bẩm khấn khứa hồi lâu xong quay ra với nét mặt thành kính và buồn bã khác hẳn lúc nãy, anh ta chỉ vào tấm ảnh trên bàn thờ:

- Đấy. Người hôm qua đi nhờ xe ông đấy. Cô ấy chết vì tai nạn giao thông đã hơn bốn năm nay. Ông không nhận ra à.

Tay xe ôm lạnh gáy rùng mình sởn da gà toàn thân. Làm sao mà có thể nhận ra mặt mũi người đi xe đêm qua được cơ chứ vì chị ta bịt kín mặt…

- Bốn năm trước cô ấy đi thăm quê ngoại. Lúc chuyển xe ở ngã ba để đón xe về nhà… chả biết vẫy xe kiểu gì mà không để ý, bị một cái "đầu ngang" phía sau đâm vào. Chết luôn tức thì.

- Ối giời ơi - Tay xe ôm hoảng hồn: Đêm qua mình chở ma!

Rồi hắn nhớ lại cảm giác lạnh dọc sống lưng từ khi cô ta lên xe. Có nhẽ thế thật, chả vậy mà suốt dọc đường cô ta không nói gì, mà lúc cần phải nói thì giọng như ở tận đẩu tận đâu vọng đến, xe thì nhẹ tênh tênh như chẳng chở ai. Lúc lên xe dù phải bế đứa con mà chỉ nhoáng một phát như thể tiên cưỡi mây. À mà có chỗ này hình như không phải… Đúng rồi. Cô ta còn bế đứa bé nữa. Ma mà lại có con à. Vô lý!

Như đoán được thắc mắc của hắn, chủ nhà bảo:

- Tôi khổ lắm ông ạ. Lúc nhà tôi mất đang có thai được ba tháng. Có ai khổ như tôi không, một lúc mất cả vợ cả con…

Tay xe ôm vã mồ hôi mặc dù trời đang lạnh. Nhẽ thế thật. Đứa bé hôm qua cô ta bế áng chừng hơn ba tuổi chứ mấy. Lạy cô sống khôn thác thiêng tha tội cho tôi về việc đã nghĩ sai về cô. Hắn lẩm bẩm khấn khứa rồi tay run run móc đồng tiền âm phủ trong túi ra, đồng tiền giả bây giờ nhàu nhĩ và mềm mềm như thể mẩu giấy vệ sinh. Hắn run run vuốt lại cho thẳng thớm rồi cung kính đặt lên bàn thờ: "Hôm qua cô đã đưa tôi tờ giấy tiền này. Giờ xin trả lại cho cô".

Chủ nhà thản nhiên cầm đồng tiền đặt vào cái đĩa ngay trước bát hương. Tờ giấy không chịu nằm yên mà bay ra khỏi cái đĩa. Chủ nhà nhặt vào đĩa, lần nữa nó lại bay ra… cứ vậy đến ba bốn lần.

Có lẽ cô ấy không đồng ý nhận lại - Tay xe ôm thầm nghĩ trong khi vẫn còn đang hoang mang về cái chuyện đêm qua mình đã chở ma.

- Cảm ơn ông vì đã chở vợ con tôi về. Vậy ra mấy năm qua vong hồn cô ấy vất vưởng đầu đường xó chợ. Khổ thân quá. May mà nhờ được ông đưa về nhà. Cảm ơn ông lắm lắm.

Tay xe ôm "cảm động" đến phát run phát rét. Sao cô ta không chọn người khác mà nhờ lại chọn mình? Chợt nhớ đến câu "sơn ăn tùy mặt ma bắt từng người" hắn lại rùng mình. Phải chăng vía mình hợp vía ma. Thế này thì nguy to rồi. Có ngày cô ta bắt mình đi theo... Giời ạ… sao lại trớ trêu đến thế. Mình còn vợ còn con…

Nghĩ đến đây hắn vội lùi lại và ra ngoài sân nhảy lên xe chạy biến. Vừa chạy vừa thở, chạy như thể ma đuổi…

Nhưng chỉ chạy được dăm trăm mét thì hắn chợt thấy nghi ngại. Ma nó đi mây về gió… Nó cần người trần hợp vía để đưa nó về nhà… Nhưng nhỡ nó về nhà mà thấy thằng chồng không chăm chỉ hương khói thì nó tức, hoặc ngày còn sống nó chẳng yêu mến gì chồng, mà cái thằng cầm tinh con nghiện ấy thì làm sao mà có thể yêu… bây giờ mình đến có khi nó lại theo mình, đang ngồi sau xe của mình…

Nghĩ đến đây lại cảm giác lạnh lạnh nơi sống lưng, hắn vội ngoảnh lại, không thấy gì. Ngoảnh đi ngoảnh lại mấy lần vì cái sống lưng cứ có cảm giác lạnh lạnh. Suýt nữa thì xe đâm xuống ruộng. Hú hồn. Hắn quệt trán thấy đẫm nước. Không biết là mồ hôi hay nước mưa.

Không thể trốn chạy thế này được. Có lẽ mình phải mua cái lễ để xin người ta buông tha. Đúng rồi. Phải mua cái lễ xin người ta. Nghĩ là làm, hắn ra cái quán chỗ gốc gạo mua cân cam, năm buộc giấy tiền và một thẻ hương. Tất cả cho vào cái túi nilon treo vào xe và chạy ngược trở lại nơi hắn vừa trốn chạy.

Chủ nhà đang đứng ngoài sân, hình như anh ta ngóng theo hắn thì phải. Khi thấy hắn trở lại thì anh ta bước vội vào nhà. Hắn xuống xe gạt mồ hôi trán rồi xách cái dúm đồ lễ đi rón rén vào theo. Lần này thì thái độ của hắn nhún nhường cung kính như thể đang đi vào hành lễ ở chốn linh thiêng.

Hắn sắp lễ thắp hương rồi lầm rầm khấn vái. Thôi thì "em" có lỗi, cầu mong "chị' cho chữ đại xá. "Chị" đã về đến nhà thì ở lại nhà để gia đình hương khói. Cắn rơm cắn cỏ cầu "chị" phù hộ cho "em" được bình yên, làm ra kiếm thấy, gặp sự lành tránh mọi sự dữ.

Khấn xong hắn nhìn lại bàn thờ chợt nhận thấy cái lễ của mình sơ sài quá. Lễ mọn thế này thì chắc gì người ta đã đồng ý buông tha. Móc hết các túi còn được hai chục ngàn với mấy ngàn bạc lẻ, hắn xếp lại để lên trên mấy buộc giấy tiền âm phủ. Thôi thì của ít lòng nhiều. "Em" chỉ có bằng này mong "chị" thông cảm mà nhận lấy rồi phù hộ cho em được yên lành.

Vái ba vái thật dài, hắn cung kính đi lùi ra khỏi cửa rồi mới dám chào ông chủ nhà. Lên xe ra về mà hắn vẫn cứ băn khoăn không biết "bà ấy" có buông tha cho mình hay không. Đúng là cái số mình khốn nạn. Mà kim báo xăng đã gần vạch đỏ, liệu có đủ xăng để về đến nhà không đây, kiểu này dễ phải dắt bộ lắm. Giời ơi là giời.

Đến gốc cây gạo bên đường quốc lộ hắn đứng ngẩn người ngẫm nghĩ. Tự nhiên lại có một ông khách vẫy xe ôm của hắn về thành phố. Trên đường về thành phố lòng hắn thấy lâng lâng phấn chấn. Kỳ lạ thật! Đúng là tâm động quỷ thần linh. Vậy ra "bà" ấy đã thấu tấm lòng thành của mình mà chấp nhận phù hộ cho được mọi sự hanh thông.

*

Khi tay xe ôm ra khỏi nhà được một quãng xa thì ông chủ nhà lẻo khoẻo mở cửa sau gọi to:

- Về đi. Ngủ ở đấy à.

Một người đàn bà đầu tóc bù xù quần áo xộc xệch từ trong chuồng lợn đằng sau nhà bước ra trên tay là đứa bé đang ngủ:

- Nó về rồi à?

- Về rồi! - Tay chủ nhà trả lời. Rồi y hất hàm ra lệnh:

- Đưa thằng bé đây cho tôi rồi chạy ù ra chợ mua vài chục bạc lòng về uống rượu. Giấc này chợ còn lòng lợn đấy.

Người vợ cong cớn:

- Lúc nào cũng rượu! Cơ mà tiền đâu ra để mua lòng? Được đồng nào đổ vào rượu hết. Hôm qua hai mẹ con suýt chết rét ở bến xe. May vớ được lão xe ôm mắt mũi cập bờ lờ…

Tay chồng nhăn nhở:

- Thấy tớ giỏi không? Làm cho thằng cha khiếp vãi đái. Mà mình cũng giỏi… ma ạ!  Đây tiền đây - Hắn chìa ra tờ hai chục ngàn cùng mấy đồng một nghìn tiền lẻ…

Chị vợ rũ ra cười. Tay chồng trợn mắt quát:

- Cười cái gì! Tóc tai bù xù như con ma. Còn đứng đấy mà cười à. Không nhanh lên kẻo ngoài chợ hết bố nó lòng lợn bây giờ…
Truyện ngắn của Mai Tiến Nghị
.
.