Lên chùa

Thứ Năm, 11/03/2021, 19:10
Tôi lên chùa và gặp nhà sư Hồng Thương ở đó. Cửa chùa hướng phía hồ, bát ngát trời mây. Mọi nét ở nhà sư nữ này đều xa thẳm. Được biết nhà sư còn trẻ nhưng đã có chức sắc trong giới Phật. Không phải là hoạt ngôn như một số sư giỏi giang khác, mà cảm ngôn. Tức là lời nói làm cho người ta cảm, người ta thương.


Khi tôi cúi xuống, chắp tay chào một tiếng “Thầy” nhỏ lí nhí, chỉ đủ hai người nghe, thì gương mặt nhà sư cũng đổi sắc một chút, đôi mắt càng thăm thẳm hơn. Còn có nét gì đó ngượng ngùng, rất thiếu nữ, lại có cái tự cảm rất mạnh, vốn là chất Phật pháp. Vốn trần thế, tôi yêu mà sợ. 

Tôi nói: "Vườn chùa nhiều hoa quả, bạch thầy”. Nhà sư chắp hai tay: "Vâng, thưa ông". Nói tiếp: "Chắc đất sát mép hồ, hợp, bạch thầy". Trả lời tiếp: "Vâng, thưa ông”. "Chắc có nhiều hương quả lạ, bạch thầy”. "Vâng, thưa ông". Cứ thế, buồn thăm thẳm.

Tôi chỉ chú ý nói về quả, nhà sư lại cứ nói về nhân quả. Thú thực, tôi không muốn nói người vào đây. Không có lợi, chỉ rối rắm thêm. Nhưng đất chùa là vậy, biết nói sao. Trên cái chiếu nhỏ, dài như một dải mây, nhà sư và tôi ngồi hai đầu xa tít. 

Ở giữa là giỏ tích nước nhỏ xíu, cô đơn. Giỏ tích cũng đen huyền, như màu mắt và tóc nhà sư. Tôi biết, nhân quả là một vấn đề muôn trùng, đến Thích Ca cũng khó nói thấu. Nhà sư trẻ quá, chưa nói được. Nhiều điều bí ẩn, tôi nghe không ra. Tôi đành chào nhà sư, ra về.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Nếu có giải hoa hậu thì nhất định hồi đó nhà sư đã là hoa hậu của một vùng. Vùng quê đầy núi non mỹ lệ, nhìn thoải ra biển. Trường cấp III ở lưng chừng núi. Nghe đâu nhà sư đã làm đến chân bí thư Đoàn trường. Đẹp, thông minh và hiền hậu. Nhân ấy là tuyệt. Nhưng chẳng hiểu tình ái có theo luật nhân quả không? 

Mối tình đầu của cô gái đã bị phản bội. Một đêm trên bãi biển, cuối mùa thi. Chàng ấy cao chạy xa bay, nghe đâu hiện thành đạt. Cô gái phải tẩy giọt máu trong bụng. Mà hồi ấy làm việc này, tức là xóa một người, từ thai nhi, còn khó khăn lắm chứ không phải như bây giờ. Cô đau đớn, đi tu trong một ngôi chùa ven núi...

Tôi lại đến, chuyện đã quen quen. Gió hồ rời rợi mà trang nghiêm. Không phải là ngọn gió lẳng lơ. Tôi chắp tay chào tiếng “thầy", vắn hơn. Nhà sư đáp tiếng "ông", gần hơn. Chiếc chiếu như một dải mây hồng. Giỏ tích màu đen, đơn côi. Các tiểu đi làm vắng cả chỉ thầy và tôi ở nhà. Nhà sư đã hé cười, đẹp tuyệt vời. Môi hồng, hàm răng trắng trong. 

Tôi đánh bạo nhìn vào từng sợi tóc của nhà sư. Nhìn tóc, biết khối chuyện, nhất là nét cảm nét yêu. Từng sợi tóc đen huyền, từ chân tóc. Nhà sư không cạo trọc, cũng không phải để tóc hoặc phi dê ngắn. Chiếc khăn nâu hơi thoảng xuống. Những chân tóc như không chịu nổi, chực lan tỏa ra. Chỉ đôi mắt nhà sư hiểu điều đó.

Bây giờ câu chuyện đã tự nhiên, dễ chịu hơn. Không phải là câu chuyện nhân quả Phật pháp, mà là chuyện hoa quả của tự nhiên, cuộc đời hẳn hoi. Đôi mắt nhà sư nhìn ra một quả gì đó ngoài vườn, đang buồn bỗng vui lên. "Hồi em đi tu có giấu theo một quả, thưa ông”. Tôi xúc động: "Quả gì vậy, thưa thầy". "À không phải, mà là hạt. Mẹ em gói vào khăn mùi xoa cho em". "Hạt gì vậy, thưa thầy". "Nhưng lạ lắm, ông ạ. Em gieo vào đất chùa, chờ mãi, hạt chẳng mọc lên”. 

Tôi im lặng, dịch gần sang mé chiếu của thầy, lòng thanh khiết. Thầy và tôi đưa tay chạm vào nhau, chỉ ở mé ngoài. Tôi không dám xoay bàn tay lại. Xoay lòng bàn tay lại, dễ phạm. 

Thầy nói, giọng nhỏ và trong lạ lùng: "Thưa ông, cho tận đến nay, em vẫn chưa hiểu là cái hạt kia vì sao lại không mọc. Em chỉ hiểu rằng, vì sao khi em bước vào đời tu hành, mẹ em lại trao em cái hạt ấy. Đó là hạt gấc, ông ạ. Quả gấc đỏ như máu. Hình như đó là giọt máu của trời rỏ xuống. Ý mẹ em dặn đừng quên giọt máu đào của mẹ em". 

Mắt thầy rớm đỏ. Tôi đánh bạo kiểu điên khùng đưa tay vén một góc chiếc khăn màu Phật, xoa nhẹ vào từng sợi tóc còn lại. Thầy ngồi lặng như pho tượng ngọc mỹ nhân. Thầy khóc.

Tôi về. Đi lối cửa sau của chùa để ra đường lối xóm. Đến một cửa vòm đầy rêu, gặp một tiểu đang vun gốc cây. Tiểu vẫy tôi lại, nói giọng buồn buồn: "Ông này, hồi nãy qua lối cửa, em vô tình thấy ông đang vén trộm tóc thầy em. Không được đâu. Nguy hiểm lắm. Nói theo luật vạc dầu thì rất dễ bị chặt đứt cánh tay. Sao ông điên vậy. Nhưng chắc thầy thương ông. Em biết. Thầy thương thì thầy sẽ kêu xá cho. Ông yên tâm, về đi…”.

Tôi trở về xứ sở của mình. Đời trần, tức là cơ quan. Không sợ, nhưng buồn thương. Đêm ấy, thú thực tôi nằm mơ. Tôi kêu thầy. Thầy để tôi hôn, bên gốc cây bồ đề. Tiếng xưng em nơi cửa Phật. Thầy hơi ngơ ngác: “Ông hôn em đấy ư?”. Cái hôn nơi cửa Phật không mặn chát như cái hôn trần thế. Nó không chất thịt thà, tức da thịt. Nó cũng chay tịnh. Nó không phải là tiền đề của dục vọng.

*

Hân và tôi ít về nhà, đêm thường nằm lại cơ quan, ngay trên bàn làm việc. Nằm kiểu ấy, gần một đời người. Trần thế sóng đôi cùng cửa Phật. Xin Thích Ca đừng buồn. Không chỉ Người khởi xướng tu hành. Người cũng không cô đơn. Đời trần đầy những quái nhân.

Tính Hân ngang ngược, hình như không cần tĩnh lại để nghĩ đến những chuyện vĩnh hằng như nhân quả. Tôi cũng vậy, cũng ngang ngược và cẩu thả không kém. Nói chuyện dài, chuyện lớn ấy làm gì, mỗi sự việc, mỗi ngày đang diễn ra ngổn ngang, loạn xì ngầu. Nên nói những chuyện khác, nhỡn tiền hơn.

Bây giờ Hân là cán bộ lãnh đạo. Những con đường đến các cõi khác nhau. Chắc Hân ít oan nghiệt như "thầy của tôi”. Duy vật là vậy. Trước Hân cũng đã đi nhiều đến các xứ sở quê hương nhà sư, những dãy nhà nằm chon von bên núi, nhìn ra biển cả. Chính Hân từng nghe nhiều cuộc tình oái oăm. Anh có nghĩ đến cửa Phật, theo kiểu Côn Sơn. Tóc Hân bạc nhanh mà rất lạ như kiểu mây trời mưa nắng vần vụ, đan nhau.

Hễ gặp, tôi và Hân chìa hai ngón tay ra ngoéo vào nhau, thế là đủ. Cần gì cả bàn tay. Đêm nay tôi và Hân lại nói về cây quả. Hân nói: "Ông ở trên ấy gần hồ, đất tốt, trồng lấy đám cây cho vui”. Tôi nghe, ứng ý. Không thích Phật giáo nói về nhân quả, cũng không thích duy vật nói về tư tưởng. Cả hai có thể còn nhiều sơ hở và khiên cưỡng. Cần hồn nhiên hơn, nhưng phải kinh nghiệm, như trồng cây. Trực giác như trồng cây và ăn quả. Tôi nói: "Đúng, nên trồng”. Hân nói: "Nên trồng mấy cây ớt trong chậu và một cây gấc. Chín, đẹp lắm. Mình thích quả gấc vì nó đỏ tươi".

Tôi tái mặt. May Hân không nhìn thấy. Cuộc sống có những trùng lặp lạ lùng. Điều này có thật hơn ma quỷ. Rất dễ nghi kỵ, quy oan, cho là cuộc sống đầy những mách lẻo. Tôi bình tâm hỏi: "Vậy trồng gấc thế nào? Sao có nơi trồng mãi không lên?". 

Hân cười điềm tĩnh bảo: "Nếu không biết cách thì trồng đến hết đời cũng không lên cây được. Phải đồ quả gấc, tức là phải luộc quả gấc đi, sau đó lấy hạt gấc đem gieo thì hạt mới nảy mầm được, ông ạ...”. Hân ngang ngược nhưng chẳng hiểu sao khi nói xong chuyện này anh không chấm dứt một cách ráo hoảnh. Gương mặt anh tự dưng có một điều gì đó xa thẳm.

Tự dưng xót xa. Tôi những muốn băng ngay lên phía hồ nước, như một lối đi Tây Trúc, để nói với "thầy của tôi" và "em của tôi" điều đó. Nếu gặp nhà sư tôi sẽ chắp tay mà thưa: "Bạch thầy. Phật pháp thì cao siêu. Duy vật thì quyết liệt. Chỉ có trái tim này ngây thơ và vụng dại. Đời thực dạy rằng: Phải luộc quả gấc lên, tức là phải đưa mầm sống vào nước sôi thì mới được một mầm sống khác. Thầy hiểu tôi đi. Chắc thầy chưa hay điều ấy...".

Đêm ấy tôi nằm mơ thấy thầy. Thầy đã để tóc, đôi mắt vẫn thăm thẳm. Trông thầy lúc này giống công chúa kiều diễm, thắt ngang lưng ong bằng một chiếc khăn màu thiên lý. Thầy làm một túp nhà tre cạnh góc chùa. Thầy bảo: "Cán bộ xã không đồng ý, nhưng em cứ làm". Sau đó chẳng hiểu sao tôi và thầy cùng dựng một căn nhà ngay giữa hồ nước mênh mang. Chúng tôi trồng cả giàn gấc đỏ ối. Tôi nói: “Bạch thầy, vậy là gấc đã chín". Thầy cúi xuống, e lệ: "Em thấy những giọt máu đào của Trời rỏ xuống…".

Chuyện dài nữa. Nhưng tôi không dám viết dài. Dễ loãng. Sáng sau lúc tỉnh giấc tôi lại đến thăm một người bạn làm Giám đốc một nhà xuất bản sách, tên là Hoàng. Anh Hoàng quê ở vùng biển Sầm Sơn, đầy những núi non truyền thuyết. Một con đường đời, chẳng hiểu có đúng luật nhân quả không. Tôi cho là được. Anh Hoàng lại nói về một loại quả khác xa xôi tận mảnh đất phương Nam kia. “Quả sầu riêng lạ lắm ông ạ. Nó không bao giờ rụng ban ngày. Chỉ rụng vào ban đêm".

Anh Hoàng nói câu mơ hồ mà cũng xa thẳm đằng sau đầy những sách. Bao nhiêu rơi rụng ở trong những pho sách kia. Có thể cái sự rơi của quả sầu riêng chưa có trong những pho sách ấy.

Đêm ấy thì tôi không mơ thấy gì. Mấy đêm sau tôi lại nằm mơ thấy "thầy của tôi". Tôi kể lại với thầy mấy mẩu chuyện về người, về quả, chuyện nào cũng nhân hậu, tử tế.

Cuộc đời này là: bí ẩn, lạ lùng và lắm cái mới, cái vui. Ma quỷ là do người xô lấn nhau, dựng lên thôi. Theo Phật pháp thì tôi phải khoanh hai tay và hỏi: "Bạch thầy, đúng vậy không ạ?". Nhưng, với cuộc đời tôi đã đủ hiểu để nói với đôi mắt thăm thẳm kia: "Em ạ, cuộc sống đầy bi ai và phi lý. Nhưng chắc nó chưa đến nỗi nào đâu. Hay em trở lại với đời lần nữa chăng?".

Truyện ngắn của Phan Cung Việt
.
.