Khất chữ

Thứ Năm, 24/01/2019, 09:17
Mấy bữa nay, thằng Bộc cứ ra ngẩn vào ngơ. Lúc thì bồn chồn, lúc thì sốt sắng, nhưng rốt cuộc nó vẫn cứ như người ngồi trên đống lửa, bởi… Cậu nó bất an. Nó biết, phận nó tôi đòi, lo chén cơm, miếng nước và giấc ngủ cho Cậu trong những ngày này với bổn phận trung thành, tận tụy đã quá khó.

Cậu nó bất an cũng là điều dễ hiểu. Cá chép chuẩn bị vượt Vũ môn mà. Nó chỉ lờ mờ hiểu được, nếu khoa thi này Cậu nó đỗ đạt (nó đâu có biết các tước quan ngũ phẩm, tam phẩm là thế nào) thì nó cũng được… thơm lây.

Mấy bữa nay, Cậu nó biếng ăn, chỉ uống trà suông. Nó đã cố tình pha loãng để Cậu nó có thể nuốt trôi lưng chén cơm vào dạ cho khỏi lả. Nhưng nó đã kịp nhận ra đó là một sai lầm. Trà càng loãng, Cậu nó càng uống nhiều nên có những bữa chỉ dùng vài muỗng cơm rồi buông đũa. Ngày tới trường thi đã tới gần, nó chưa biết đường về trường thi gần xa thế nào, nhưng cái hiện tình, hiện trạng như bây giờ, sức Cậu nó chắc không đi qua nổi lũy tre làng.

Thằng Bộc cứ ra ngẩn vào ngơ, thi thoảng lại ra mở cổng đứng ngóng như chờ đợi có một ai giúp sức. Ngõ vắng hoe. Tiếng ve râm ran trên những tán sấu và tán muỗm cổ thụ. Hè đã sang tự khi nào Bộc đâu có biết? Bộc chỉ biết chiếc quạt mo những đêm đứng gió liên tục phe phẩy và chỉ dừng lại khi những giọt mồ hôi rịn ra đã khô lại trên vầng trán trắng xanh của Cậu trong giấc ngủ chập chờn, vật vã.

- Nam mô A Di Đà Phật.

Như một thói quen giao tiếp, Bộc đáp trôi chảy:

- A Di Đà Phật!

Rồi Bộc vội vàng vào nhà xúc lưng đấu gạo mang ra.

Bộc ngỡ ngàng khi nghe lời từ chối:

- Nam mô A Di Đà Phật! Xin thí chủ lượng thứ, bữa nay bần tăng không đi khất thực mà chỉ đi khất chữ.

Khất chữ? Bộc một chữ bẻ làm đôi không biết, nhưng trong giao tiếp, nó hiểu được khất có nghĩa là đi xin, được bố thí. Thực là đồ ăn. Khất thực là đi xin ăn, được bố thí đồ ăn. Nhưng khất chữ thì quả thật nó chưa hề nghe tới bao giờ. Nó làm gì có chữ mà cho. Việc này thì chỉ có thể là Cậu nó. Mà phải chờ mãi, Cậu nó mới đang thiu thiu ngủ trên chiếc võng mắc qua hai gốc xoan đào ở vườn nhà. Bằng một cử chỉ quyết đoán, Bộc nhỏ nhẹ:

- Xin chờ cho một lát.

Bộc vào thư phòng, nhìn lên giá sách chật cứng những gáy sách. Lấy một quyển nào đây? Mấy năm theo hầu Cậu, nó biết Cậu quý những quyển sách này hơn cả cơm ăn, áo mặc hàng ngày. Không thể. Nhìn xuống án thư, một chồng sách xếp ngay ngắn, một xấp giấy mà Cậu nó thức viết gần như cả đêm qua. Bộc gãi đầu lưỡng lự và chợt hiểu ra một nhẽ: Cái gì mình không có thì không thể có cái mà mang cho người ta, ngoài Cậu nó bây giờ.

Gió. Gió bỗng dưng ào ạt như một trận cuồng phong. Mây đen vần vũ. Đang nắng chang chang mà trời bỗng tối xẫm. Bộc chạy vội ra vườn đón Cậu và thu võng. Đưa Cậu vào nhà thì những viên đá như những viên kim cương lấp lánh đã giội xuống mái ngói âm dương chí chát. Gió bỗng lạnh buốt, Bộc giục cậu choàng thêm một cánh áo dài rồi vội vàng nhóm một lư than nhỏ. Đặt lư than bên cạnh Cậu, Bộc mới thưa:

- Bẩm Cậu, có nhà sư vẫn đứng chờ ngoài cổng.

- Người tu hành thường lấy sự khổ hạnh làm sơ khởi cho đường tu tập. Sao không mang quả, thực ra giúp, đặng bòn lấy chút ít công quả?

- Bẩm Cậu, con đã mang gạo ra bố thí, nhưng nhà sư bảo bữa nay chỉ đi khất chữ.

- Khất chữ? Ngươi có nghe nhầm không đấy!

- Dạ đúng vậy.

- Sao không nói ngay từ ban nãy. Khất thực là để duy trì sự sống tạm thời, còn khất chữ là để nuôi chí lớn dài lâu hay ôm mộng tang bồng. Mau ra mời nhà sư vào để ta gặp.

Minh họa: Lê Tâm

Cụ Đồ Nghệ lấy cụ bà cũng là một mối lương duyên kỳ ngộ. Trong một chiều mưa rét, kẻ hàn sỹ gầy gò xứ Nghệ run rẩy bước vào quán cơm chị Bảy mua mấy xu cơm rồi bỏ cá nướng ra ăn. Mới được vài đũa mà chàng hàn sỹ đã không nuốt nổi vì lạt muối.

Lưỡng lự mãi rồi cũng đành xin chị chủ quán chút nước mắm để ăn kèm với cá. Chị Bảy mang bát cá vào bếp toan chắt nước mắm rồi bỗng như bị thôi miên. Chị dán mắt vào con cá mà lòng dạ cứ dấy lên nỗi  trắc ẩn. Chị nghe loáng thoáng về chuyện người ta nói về con cá gỗ đem đốt xém giống hệt con cá thật đã nướng trên lửa với thái độ khinh thường, miệt thị.

Ai trong đoạn trường nào mới thấu hiểu được hoàn cảnh ấy… Gắp một khúc cá to kho với cà muối trong chiếc niêu đất vừa cạn nước mang ra, chị bắt gặp chút bối rối trên gương mặt trắng xanh, thanh tú của chàng hàn sỹ.

- Trời lạnh thế này, cá không đun nóng ăn sao đặng. Cậu cứ ăn tạm, còn con cá kia thì dành để đến mai.

Đến mai.

Chị lại xôi đùm, cơm nắm và dúi vào tay chàng hàn sỹ mấy hào bạc lẻ: 

- Cậu cứ mang theo phòng khi lỡ độ đường.

…Mãi sau này nhớ lại, cụ Đồ Nghệ vẫn đinh ninh nhờ được học chữ Thánh hiền mà giữ được trọn vẹn ngũ thường trong Nho đạo. Sau khi bước ra khỏi trường thi đã biết mình giẫm vào “vỏ chuối”. Bao nhiêu công lao đèn sách cuối cùng vẫn chỉ là cái anh “mặt trắng”. Toan về thẳng xứ Nghệ cho đỡ hổ ngươi, nhưng đời người liệu có còn kiếp sau mà hành điều tín nghĩa? Thôi thì cũng một lần đến cảm tạ chị hàng cơm cho phải đạo và nhân tiện xin lại con cá gỗ. Cụ đâu ngờ đến việc giữ nghĩa mà lại nên duyên. Chị Bảy bảo:

- Nếu ai đi thi cũng đỗ Đình nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa thì xứ này còn đâu đất để làm quan. Biết nửa chữ thì giúp đời nửa chữ. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư cũng đã là rạng rỡ lắm rồi. Chi bằng cậu cứ ở đây mà dạy chữ cho trẻ con hàng tổng.

Chị Bảy hơn chàng hàn sỹ dễ phải đến nửa giáp. Nhưng cái duyên của chị đúng như lời ông thầy tướng số bảo: Số chị tuy đường tình duyên có muộn mằn, trắc trở nhưng rồi sẽ lấy được hạng văn nhân. Thầy bảo vậy thì biết vậy chứ thực tình, chị chỉ tin vào chính lòng mình.

…Nghe tin có thầy đồ từ xứ Nghệ ra mở lớp, làng trên tổng dưới nô nức đưa con đến xin thầy được học chữ Thánh hiền. Vốn tư chất thông minh, Cậu cũng là một trong những Nho sinh theo học thầy Đồ Nghệ. Mười tuổi đã làu làu Sử học vấn tân, Tam tự kinh, Ấu học ngũ ngôn thi cùng Minh tâm bảo giám và Minh đạo gia huấn. Mười lăm tuổi thì thông thuộc Tứ Thư, Ngũ Kinh cùng sáu bộ trong Bách gia Chư Tử và các thể văn biền ngẫu như sớ, sách, chiếu, biểu và đối, phú…

Sống với ông Đồ mười mấy năm mà bà chỉ sinh được cho ông được mỗi một mụn con gái. Bà vẫn cứ day dứt vì không thể giúp ông thoát ra khỏi tội bất hiếu khi không có người nối dõi tông đường. Càng day dứt bao nhiêu bà lại dồn hết cho ông và cho con gái tấm lòng của người vợ và người mẹ bằng sự chân, nhẫn.

Cô con gái rượu của ông, chấy rận của bà được thừa hưởng vóc dáng, trí tuệ của cha và đức tính nhu mì, hiền dịu của mẹ. Sáu tuổi đã giúp cha mài mực, quét dọn lớp học. Đến mười tuổi dù không ngồi trong lớp học ngày nào nhưng vượt xa những nho sinh đã qua ấu học.

Có một chuyện mà ông Đồ không biết, một nho sinh khi đọc Tam tự kinh với câu: “Nhân chi sơ, Tính bản thiện. Tính tương cận, Tập tương viễn” chỉ đọc được ba câu đầu “Nhân chi sơ” rồi ngắc ngứ như gà mắc tóc trong cổ họng. Từ ngoài phên vách, con gái rượu của cụ đã gà bài: “Nhân chi sơ, Sờ nhũ mẫu”. Như đang chết đuối vớ được cọc, cậu ta đọc lại: “Nhân chi sơ, Sờ nhũ mẫu”.

Ông Đồ hỏi lại “Sờ nhũ mẫu” nghĩa là gì thì cậu ta không trả lời được, rồi cúi gằm mặt, xấu hổ khi thầy giảng: Sờ nhũ mẫu là sờ vú mẹ hiểu không? Từ hôm đó, cậu ta vẫn đi học nhưng không vào lớp, dúi sách vào gốc duối, bụi tre rồi chơi đáo, đánh khăng với lũ trẻ chăn trâu, đợi giờ tan học mới cắp sách về nhà.

Đôi khi cụ Đồ Nghệ buông tiếng thở dài. Giá như nó là một đấng nam nhi.

*

Thầy mới bước chân lên bậc thềm thư phòng, Cậu đã chắp tay cung kính. Cả phủ này, không chỉ những người theo đòi nghiên bút đều biết Thầy là bậc cao tăng và cũng là bậc túc nho. Các quan tuần, quan phủ cũng đều phải kính nể.

Cậu đặt lư than trước mặt Thầy rồi sai Bộc dâng trà nóng. Thầy nhìn lư than rồi nhìn vào Cậu bảo:

- Xưa nay cái sự nóng, lạnh của trời đất khi tuần hoàn, lúc đột hiện. Con người sống trong trời đất đã biết dung hòa mà tiếp nhận và thích ứng. Nhưng sự nóng lạnh của tâm can thì thật khó lắm thay!

- Dạ! Bạch Thầy.

- Khi nãy, ta nói với chú nhỏ là đi khất chữ, cốt có ý muốn gặp anh Khóa.

- Học trò xin đội ơn Thầy và xin được Thầy chỉ giáo.

- Ta nhìn thần thái của anh Khóa biết là anh còn nặng gánh với Nho học. Mới hỏng hai khoa thi Hương xem ra chí thì chưa nhụt, nhưng tâm thì cũng đã nhược. Khoa thi này phần Hán văn thì ta thấy yên tâm. Ba quyển Kinh Nghĩa, Thơ Phú và Văn Sách lúc nào anh cũng có thể nộp trước giờ mà không lo ngoại hạn. Nhưng…

Các khoa thi từ trước tới nay đều được chi phối bởi thời thế. Các tiên đế ngày xưa lấy chữ viết của ngoại bang xâm lược để làm thuyền chở Đạo. Vừa học cái văn minh của người ta, lại vừa làm mộc khiên để chống lại sự nô dịch của họ. Năm nay là khoa thi cuối cùng, lại đưa thêm cả Toán học, Luận Quốc ngữ (hệ chữ tân học a, b, c) bởi người Pháp sẽ không chịu dừng lại ở lục tỉnh Nam kỳ. Âu đó cũng là noi theo con đường của các tiên đế ngày xưa. Liệu cái bàn tính cùng ngọn bút lông của anh Khóa có nhanh hơn những sĩ tử cầm bút sắt?

Nghe Thầy nói vậy, trên vầng trán Cậu bỗng rìn rịn mồ hôi. Cậu không hề biết khoa thi này là cơ hội vượt biển cuối cùng. Có vượt được sóng cả trùng khơi hay đắm thuyền là một ranh giới rất mong manh, khó có thể trông chờ vào phúc phận. Rồi Cậu nhìn Thầy với ánh mắt khẩn cầu.

- Xin Thầy giúp con!

- Ta cũng đã một thời là nho sinh, sỹ tử. Nhưng cái thời của ta nó khác, chí ít thì đã cách anh Khóa hơn một chục khoa thi. Phần Toán học và Luận Quốc ngữ thì ở thời ta chưa có. Ta không thể giúp gì được cho anh Khóa.

- Con xin đội ơn Thầy đã giúp con biết đường trù liệu.

- Anh có còn nhớ trong Dịch có câu: Trong sắc có không; trong không có sắc? Học Kinh Dịch thì nên vận dụng sự ứng biến của Dịch.

- Dạ! Bạch Thầy. Con hiểu ý của Thầy. Con sẽ sớm đi thỉnh giáo thầy Đồ Nghệ.

- Anh nói phải, cố đi càng sớm càng tốt, thời gian sẽ không đợi chờ ai.

Lúc tiễn Thầy, sân nắng lại chang chang, vàng rực. Những viên đá như những viên kim cương lóng lánh trong bảy sắc cầu vồng, trước khi hóa thể đã bốc hơi nghi ngút, tạo ra một màn sương mỏng thực thực hư hư. Tà áo nâu của Thầy lướt nhẹ, cuốn theo một dòng sương mỏng như một dải voan trong suốt.

Cậu bàng hoàng như vừa sực tỉnh sau một cơn mê giữa thanh thiên bạch nhật.

*

Dễ đã mấy năm, anh Khóa mới có dịp tới thăm Thầy. Vẫn mái tranh xưa nép mình dưới những hàng tre, vẫn dậu cúc tần mướt xanh được tô điểm bằng  những dây tơ vàng óng mắc giăng, quấn quýt.

Nhấp một hớp rượu cúc từ tay thầy Đồ Nghệ vừa rót, anh Khóa cảm nhận được cái hương vị thanh cao, tao nhã của thứ rượu được các thi nhân, mặc khách gọi là Hoàng hoa tửu. Thứ rượu được trưng từ loại cúc chi, mỗi năm chỉ nở một lần khi trời đất chuyển giao từ nhiệt sang hàn, lúc “dương tiêu âm trưởng”, như có thể cảm nhận được cảnh sắc của bốn mùa. Trước gia cảnh đạm bạc, chẳng khấm khá gì so với những nông phu và phong thái của thầy Đồ Nghệ như được toát lên, đọng lại từ dư hương rượu cúc.

Thầy bảo:

- Uống rượu cúc dưới trăng thì tâm sẽ tĩnh, thần sẽ định.

Gặp lại anh Khóa, người học trò mà thầy rất mực yêu thương, Thầy xem như gặp lại người tri kỷ. Hương vị thanh cao, tao nhã của Hoàng hoa tửu đã khiến Thầy cao hứng, xem người học trò như người bạn vong niên mà ngâm một khúc cổ văn: “Xuân du phương thảo địa/ Hạ thưởng lục hà trì/ Thu ẩm hoàng hoa tửu/ Đông ngâm bạch tuyết thi” (Mùa xuân thì đi chơi ngắm hoa cỏ đất trời, mùa hạ thì thưởng sen trong hồ, mùa thu uống rượu cúc, mùa đông ngâm thơ ngắm tuyết trắng).

Cứ ngỡ người học trò, người tri kỷ, người bạn vong niên sẽ đồng cảm, đồng điệu, đồng tình… Ai ngờ, người diện kiến lại trĩu nặng những ưu tư.

Hóa ra…

Thầy ngồi xếp bằng trên chiếu trải giữa sân như bất động. Chỉ có cái bóng gầy gò, xiên xiên như đang ngắn lại dưới trăng thu.

Ở chiếc bàn cuối trong lớp học, con gái rượu của thầy đang cắm cúi viết dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu lạc. Trong đêm quê yên tĩnh, tiếng ngòi bút sắt mài, miết trên giấy xạo soạt, thứ âm thanh hoàn toàn mới lạ như tiếng lưỡi cày đang vỡ đất trên một cánh đồng hoang. Một cánh đồng mà từ lâu chỉ in dấu những nét chổi.

Trên bức vách, bóng người con gái như đang lay động, múa vờn và bay lên trên phông nền là một khổ giấy chỉ dành cho những bức đại tự.

Bây giờ thì không phải là người học trò, người tri kỷ, người bạn vong niên mà… chính Thầy cũng đang trĩu nặng những ưu tư. Hai chén rượu cúc vẫn tràn đầy ánh trăng thu vời vợi. Thứ tiên tửu ấy bây giờ đã không giúp cho họ tĩnh được tâm, định được thần nữa.

Thầy nhìn sâu vào đáy chén đang lấp lánh ánh trăng và chợt nhận ra đó là một thứ hào quang quá khứ.

- Ta đồ rằng: Cái sự học rồi đây sẽ có nhiều biến cải.

- Con nghĩ rằng…

- Anh nghĩ sao?

- Con nghĩ là Thầy đã tiên liệu trước nên mới cho kiều nữ đi theo con đường tân học.

Thầy cười chua chát:

…Ta có một học trò cũ rất giỏi Hán văn rồi qua Pháp quốc du học. Mấy năm gần đây về mở trường dạy quốc ngũ trên phủ. Ta với bà Đồ nên nghĩa nên duyên là từ cái quán cơm của bà ấy. Thấy gia cảnh ta như rày, trò ấy đã nhiều lần mang tiền đến giúp nhưng ta không nhận. Nên đã giúp ta bằng cách đưa bà Đồ lên phủ nấu cơm cho đám học sinh tân học. Con gái ta theo lên phụ giúp cho mẹ. Nó học quốc ngữ theo cái cách học Hán văn mà chính ta làm thầy nhưng chưa hề dạy con đẻ của mình lấy một ngày.

Anh Khóa lặng đi vì cảm phục cái thiên tư của con gái thầy Đồ Nghệ, lặng đi khi nghe Thầy dốc bầu tâm sự:

- Ta cứ nghiệm từ mình, cái đích trong khoa bảng xưa nay không mấy người thực sự có chí lớn để hộ quốc an dân, mà chỉ cốt thay đổi được phận người. Ta cũng vậy. Mặc dù hỏng thi, nhưng ta còn có cơ duyên, còn có may mắn là gặp được bà Đồ. Người đã khởi nguyện từ tâm nên mới khuyên ta: “Biết nửa chữ thì giúp đời nửa chữ”. Ta chỉ tiếc là mình không chỉ tài thô, trí thiển mà đã như mặt trời sắp gác núi… Còn anh Khóa, nếu chỉ vì cái đích cho khoa thi sắp tới mà muốn học thêm thuật toán, ngữ văn tân học thì ta e sẽ không kịp.

*

Sau bao nhiêu năm đèn sách, đấy là một đêm dài nhất trong cuộc đời anh Khóa sau khi từ nhà thầy Đồ Nghệ trở về. Anh đã thức trắng đêm và kịp nhận ra vào những đêm cuối tháng chính là những đêm nguyệt chưa kịp lặn, nhật đã rạng ngời. Tạo hóa, thế thời rốt cuộc đều có một quy luật chung là cái mới được sinh ra, tiếp nối từ sự cáo chung của cái cũ.

Bấy nhiêu năm, những tưởng gom góp được chút vốn liếng từ Nho học, không ngờ thời thế đổi thay mà thoắt bỗng trắng tay. Trắng tay thành kẻ ăn mày. Ngẫm lại cái câu thán: “Ăn mày là ai? Ăn mày là ta!” đem vận vào mình quả chẳng sai. Thì đời vẫn còn dài. Ta đi ăn mày chữ nghĩa thì có gì phải hổ thẹn. Chợt nghĩ tới hôm rồi, không nhẽ một bậc túc nho lại tới cổng nhà ta để khất chữ? Trời đang nắng nỏ bỗng tràn đầy gió lạnh. Tấm áo của cao tăng lướt nhẹ rồi biến mất trong sương. Phải chăng đó là một điềm báo ứng?

…Ta phải đi khất chữ.

Thằng Bộc hoảng hốt khi thấy Cậu có những biểu hiện bất thường. Nó cứ gặng hỏi mãi là Cậu đi khất chữ ở đâu? Để con còn chuẩn bị các thứ và theo hầu Cậu.

Anh Khóa bảo:

- Người đi khất còn có kẻ theo hầu thì sao gọi là khất được. Mà đã đi khất thì làm sao biết rằng sẽ khất ở đâu. Bộc khỏi phải bận tâm, ta sẽ tự lo liệu được.

Nói xong, anh Khóa ngửa mặt lên trời mà cười lớn. Tiếng cười mới đầu còn thưa, trầm. Sau dồn dập hơn, thanh hơn như một dàn khánh đá nối nhau, tạo thành những âm thanh vi diệu của một sự đốn ngộ.
Truyện ngắn của Triệu Văn Đồi
.
.