Hòn non bộ

Thứ Hai, 03/10/2016, 08:04
Tôi đang chuẩn bị cầm xơ ranh cắm vào bắp tay mình thì lão Phú đột nhiên đi vào cửa. Tôi để cái xơ ranh đầy ứ thuốc xuống miệng cái cốc nước tiêm. Thì thỉnh thoảng, vì đau ốm bệnh tật, tôi vẫn tự điều trị cho mình, có sao đâu.

Lão Phú, mà cả cái phố này gọi là Phú "lỉnh", rất thích lê la trò chuyện ở mấy quán nước đầu phố, sao bỗng nhiên lại chui vào nhà tôi. Tôi chưa kịp hỏi thì lão đã hỏi trước, một câu hỏi độc địa với người đang ốm. Ông mà chết, tôi đố ông biết ai sẽ vuốt mắt cho ông?

Tôi thoáng gai hai bên cánh tay và mí mắt giần giật. Tuy nhiên tôi cũng lấy hết bình tĩnh để mà không nổi cáu, chỉ cười cho xong chuyện. Đúng là lão Phú có hứng gì đó nên nét mặt cứ hơn hớn đắc ý. Tôi lại đố ông, ba con đàn bà kia, đấy đấy, ba đứa độc thân chiều nào cũng rủ nhau đi bộ tìm lại vóc dáng ấy. Đố ông biết đứa nào đang kết ông?

Tôi đâm bực mình vì cái lối trêu chọc vô bổ của lão Phú và cầm cái xơ ranh lên, làm nốt công đoạn cuối. Đợi tôi tiêm xong, lão Phú mới khề khà. Nhà văn mà dốt bỏ mẹ. Có đứa nó thích mình mà không biết. Mà nó thích mình rồi thì bảo nó việc gì nó chả làm. Nghĩa tử là nghĩa tận. Ông chết ở đâu thì tôi không dám chắc, chứ ở cái phố này thì chắc chắn là nó vuốt mắt cho ông rồi. Vì thế ông cứ yên tâm mà ốm, năm nay ông bốn chín đấy.

Tôi lạnh lùng hất toẹt ca nước tiêm ra sân, gói cái xơ ranh lại và bỏ vào xô rác. Lão Phú vẫn không chịu về. Cứ đứng ăn vạ ngoài cửa, mắt thì hay háy hóng ra đường. Mà đường thì chỉ có xe cộ qua lại và bụi mù mịt. Cái phố ở quê thế này cũng là tươm lắm rồi. Lão Phú giở giọng thân mật. Quê mình nghèo thật ông ạ. Nghèo tiền bạc của nả không đâu. Nghèo cả văn hóa nữa. Trâu ỉa đầy đường phố, cỏ ruộng lại mọc hoang.

Tôi chỉ muốn quát một câu cho lão Phú im đi mà ngẫm mình không có quyền bắt thiên hạ phải im, phải kìm nén nỗi bức xúc nên lại thôi. Lão Phú ngồi xuống thềm, chân vắt chéo chân, tay gãi gáy. Bác sỹ cái quái gì cả đời chẳng tiêm cho ai mũi tiêm nào, chỉ thấy đứng ra thầu hết trạm xá này đến trung tâm khác. Giáo mác gì, chửi mẹ đẻ như hát hay lại còn bô bô. Bán mảnh đất hồi môn của bầm chắc đủ mua cái ghế hiệu trưởng không? Thế còn tiền để lấy cái thạc sỹ thì móc đâu ra.

Lão Phú cứ khơi khơi hết chuyện này đến chuyện nọ, cuối cùng thấy tôi không nói gì thì vuốt đít đứng dậy chưng hửng một câu xưa như trái đất. Chán ông bỏ mẹ. Nhà văn gì cái ngữ ông, để chữ cho mối xông, không mang ra mà phục vụ cho dân cho nước.

Hôm sau, lại đúng giờ tôi tiêm, lão Phú bước vào liến thoắng. Ông xem thời sự trưa nay không, đã đời quá, đã đưa vào thời sự, có thằng tù mọt xương. Báo chí, tivi bây giờ cũng mạnh dạn phản ánh lắm. Ừ thôi, ông cũng chẳng cần phải nhai lại của họ đâu. Cứ tìm những cái mới mà viết, trong trẻo mà viết. Chẳng nhẽ cứ để lão Phú độc thoại đến chán ngán rồi về.

Tôi mới mở lời, ướm hỏi: "Thế theo ông, bây giờ còn những gì trong trẻo?". Lão Phú gật gù, vỗ vỗ đầu như thể trong cái đầu bù xù của lão là cả một hàn lâm viện, rồi bất ngờ xổ ra. Có đấy, có đấy. Thằng cu Đậu suốt ngày đi móc cống, móc rãnh, thông cầu vệ sinh kia chẳng hạn, nhặt được cả chục triệu đồng lại mang lên Công an nộp trong khi mẹ thì ốm rên hừ hừ chưa có tiền đi bệnh viện.

Hay như bố Vải ấy, người ốm teo, đi chả vững mà dám lăn xả vào ôm eo thằng kẻ cướp giữa đường để cho dân quân đến tóm. Nó đấm cho sưng cả mặt lên kia... Thế ông tưởng họ không phải là con người không biết tham tiền tiếc mạng cả hay sao? Cũng phải đấu tranh tư tưởng cả đấy, nhưng rồi cái thiện bao giờ cũng thắng. Ông định chờ đợi cái gì to tát hơn ở họ, trong trẻo hơn ở họ nữa. Viết đi, chán ông quá.

Cả phố, chỉ lão Phú quan tâm đến chuyện viết lách của tôi. Cả phố, chỉ có lão Phú dám nhạo báng tôi. Ấy thế mà tôi đã thấy gánh nặng đè lên ngực mình. Tôi vã mồ hôi ra mỗi khi nghĩ đến cả mấy nghìn dân trong phố nhỏ nghèo khó này tất cả đều lên án tôi. Kẻ ung dung ăn gạo của nhà nước mà đi hết nửa đời người chưa viết được cái gì cho ra hồn, ra món ra tấm cả. May mà dân phố này họ chỉ quan tâm gọi tôi là cán bộ đài thôi đấy.

Những gì mà phát sóng trên đài cho bà con nghe là những gì chúng tôi đã cật lực, dày công chỉnh trang, thêm hoặc bớt, hoặc cắt gọt rồi đấy. Chứ không ai bê nguyên xi, chình ình cả cái cục, cái mảng hiện thực nham nhở ấy vào chương trình đâu. Tôi là người làm biên tập tôi chịu trách nhiệm. Mà tôi có nói việc bếp núc hậu trường với những người dân phố tôi cũng bằng không.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Ngoài việc nhà đài, tôi tranh thủ tí tách làm thơ, viết truyện và dăm lần được in báo Văn nghệ. Lão Phú chăm đọc báo nên mới phát hiện ra cái ông hàng xóm khù khờ, ế vợ là tôi ấy lại giở dói văn chương. Tôi sợ cái miệng bô bô của lão khắp phố huyện này thì tôi làm sao mà lấy được vợ. Lắm khi tôi tự hỏi, tại sao tôi lại phải giấu tên giấu tuổi mình? Tại sao tôi lại sợ mọi người biết tôi làm thơ, viết văn?

Tại sao ba mươi năm hí hoáy, vui buồn với văn chương tôi lại phải mượn một cái bút danh mà không dám đề tên họ. Tôi còn nhút nhát, còn muốn lẩn tránh thì làm sao nhân vật của tôi có thể sống đàng hoàng trong ký ức độc giả được?

Thì đấy, cuốn tiểu thuyết đầu tay "Cốm mới" của tôi đấy. Tôi viết một  mạch nửa năm trời theo cái mạch của anh chàng buôn bè xuôi dòng, sau khi đút tiền lời lãi vào túi rồi lên bờ phởn phơ xả hơi. Tôi tái mặt khi ông bạn nhà văn cố tỷ đọc xong đưa cho tôi mấy cái gạch đầu dòng đỏ chót. Đại khái viết về bộ máy chính quyền như vậy chưa ổn. Không thấy nhân tố tích cực, chỉ thấy tiêu cực, quan liêu, bè cánh.

Viết về bà hiệu phó trường tiểu học là phải xây dựng một nữ liệt lồng lộng trong thời đổi mới, thì cậu lại cho bà ấy kinh doanh nghề tay trái và dám cầm chổi phang học trò, dù đó là trò cá biệt. Viết về ông tổ trưởng dân phố. Ai cho cậu viết là cô con dâu thay bố chồng chủ trì cuộc họp dân phố với cái bụng chửa vượt mặt? Thật đến mấy thì cũng phải loại ra, tránh ra...

Ban đầu tôi tự ái và còn ra sức bênh vực đứa con tinh thần. Rằng là văn chương là để phản ánh hiện thực, hành động, suy nghĩ của nhân vật phải là hiện thực. Rằng là viết mà cứ sợ động, sợ chạm thì viết thế nào được. Trách nhiệm của kẻ phu chữ là lương tâm chứ không phải cái gì có thể cầm nắm. Tôi yêu thương, nâng niu và chiều chuộng đứa con tinh thần của tôi bao nhiêu thì họ lại hắt hủi nó bấy nhiêu. Họ là những người có quyền, có gu văn chương đổi mới và giống như ông bạn tôi, họ là người nhạy bén với thời cuộc.

Đứa con cưng của tôi chào đời đã mười năm mà không ai chịu làm khai sinh cho nó, cho nó một cái tên, cái tuổi. Tôi thấm thía câu nói của một chị làm trong nhà xuất bản X. Anh xem hòn non bộ ý, một tý núi đá, một tý rừng, một tý sông, một tý tiều phu, một tý ngư phủ, một tý hoa lá, một tý rong rêu, cái gì cũng một tý nhưng nó giúp con người ta thư giãn thảnh thơi, chứ có làm ai bực mình cả đâu? Mà sao văn của anh, cứ chạm vào chỗ nào là nổi da gà, là hoảng hốt, là ghê khiếp... Văn hay là văn phải đẹp và trong trẻo.

Sau bài giáo huấn chân thành ấy, tôi ôm con về, ngậm ngùi xếp nó vào một nơi mà tôi cũng không thể thường xuyên nhìn thấy. Tôi đau vì nó lắm. Nó là nỗi đau thứ hai của tôi sau nỗi đau đầu đời.

Năm ấy, vừa về đài, đài của huyện thiếu thốn đủ bề. Tôi tong tả làm thêm đủ thứ việc, đã thế ông anh thương binh của tôi lại đi bệnh viện như đi chợ. Một lần tôi vào bệnh viện nuôi anh thay cho chị dâu hai ngày nghỉ. Ở đó tôi gặp một cô gái tuổi mười chín, hai mươi cũng đi nuôi người ốm.

Tôi yêu người con gái ấy từ cái nhìn đầu tiên. Tôi yêu từ bàn tay em cầm thìa múc cháo bón cho bố, đến dáng đi nhẹ nhàng rón rén sợ kinh động đến giấc ngủ trưa của tám bệnh nhân nhồi nhét trong một phòng bốn cái giường bệnh. Anh trai tôi, trạc tuổi bố em và hai người nằm tráo đầu nhau.

Ngày nghỉ thứ hai, đang lim dim gà gật trên chiếc ghế băng cũ ọp ẹp ngoài hành lang bệnh viện, tôi nghe tiếng sụt sịt. Tôi choàng mắt. Em đang ngồi bên cạnh tôi, úp mặt vào bàn tay khóc. Tôi sốt sắng hỏi han sự tình. Em bảo, bố em bệnh viện trả về, phải đi Hà Nội mới có may mắn cứu được. Nhìn cách em ăn mặc và nhìn nước mắt của em, tôi biết em đang gặp khó khăn về tiền bạc. Mẹ em và người thân của em đâu mà chỉ thấy em một thân một mình. Tôi hỏi, còn em thì cứ lắc đầu, nghẹn ngào khóc.

Cái thằng tôi ba mươi tuổi lúc đó, lần đầu tiên nếm trải cảm giác buồn vì một người con gái. Quên mất ông anh đang kêu rên về mảnh đạn trong đầu không được gắp ra. Tôi đạp xe như bay về nhà, rồi đến cơ quan xin tạm ứng lương rồi vay mượn tất cả được một số tiền kha khá, tôi vội vàng đến bệnh viện dúi vào tay em. Những ngày sau đó tôi sống trong thấp thỏm, chờ đợi. Tôi thấy nhớ em vô cùng. Rồi như không cưỡng lại được, tôi lần mò theo dòng địa chỉ mà bác sỹ trực ở bệnh viện đêm ấy đưa cho tôi. Một tháng, vừa vặn một tháng, chắc là em chưa quên tôi.

Làng em ở ngay cạnh dòng sông đỏ quánh mùa mưa lũ. Tôi ngập ngừng bước vào cổng. Bố em vừa ra viện đang nằm trên giường, dáng vẻ còn yếu ớt lắm. Tôi còn đang loay hoay tìm cách xưng hô nào cho tiện nhất thì người đàn ông đã nói. Cậu ngồi xuống đi, nhà tôi nhắc cậu mãi, chúng tôi ơn cậu nhiều lắm. Nhà tôi nào? Tôi nghe có nhầm không? Hay là có người đàn bà nào nữa mà tôi không được biết.

Thấy tôi ngơ ngác, người đàn ông khẽ thở dài. Vợ tôi đấy, cô ấy kém tôi hai chục tuổi, ở bệnh viện, sợ các bác sỹ không thương, không nhiệt tình, cô ấy khai là con gái. Đất dưới chân tôi như sụp xuống toang hoác. Tôi cố mãi mà không trèo lên được cái hố buồn thăm thẳm ấy. Và đúng lúc ấy em về. Đôi mắt biết nói của em nhìn tôi như van xin, như khẩn cầu. Thế là tôi đi như chạy khỏi cái làng ấy.

Tôi viết "Cốm mới" để quên đi người đàn bà ấy. Người đàn bà trong cùng một huyện mà mười năm tôi không hề gặp lại một lần. Sau nỗi đau về "Cốm mới" tôi bắt đầu với sự cải cách từ chính bản thân và văn chương. Tôi tích cực tìm cách vào vai nhập cuộc, bắt đầu từ giọng điệu và đề tài.

Lớp trẻ và thị trường sách lúc bấy giờ sôi sục về tình ái. Nhìn đâu cũng thấy chuyện không mặc gì và chăn gối ướt át. Cả những tác giả măng tơ, chưa một lần sống cuộc sống gia đình chồng vợ cũng tỏ ra rất nhuyễn và sành trong việc phóng bút viết về tình ái. Kinh nghiệm và sự trải đời của họ có bao nhiêu mà phung phí vào những trang hoan lạc sởn gai ốc.

Những người thuộc thế hệ tôi quá ư cổ lỗ sỹ, lỗi thời rồi sao? Tôi nằm yên không dám cựa quậy trong cái vỏ cán bộ đài. Cho đến một ngày thu năm ấy, khi vừa đến sinh nhật lần thứ bốn lăm của tôi, nàng tặng thơ cho tôi trời đất ạ. Nàng là một giáo viên dạy văn có tâm hồn và trí tưởng tượng vô cùng phong phú bay bổng. Lần thứ hai con tim tôi rung động, nhảy múa và lạc nhịp...

Tôi đã tặng nàng cả mấy chục bài thơ. Và một chiều, những bài thơ tình của tôi bị nàng đem đến tận nhà riêng để trả. Nàng đã có chồng. Dù chồng nàng có đi tù vì tội tham ô công quỹ, thì nàng vẫn là gái có chồng.

Sao đời tôi lại cơ cực tới hai lần vì yêu người đã có chồng? Bạn tôi đùa. Vì mày độc thân nên truyện của mày mới là con hoang, chẳng ai chịu in cho. Tôi gạt phắt ngay cái lý do này đi và chỉn chu hơn. Có lẽ tôi thử viết về luyến ái. Nhưng ngòi bút của tôi chỉ dừng lại ở giọt nước mắt buồn tủi của em, người con gái đầu tiên, một cái nắm tay còn chưa có.

Rồi đến nàng, những câu thơ như xui như giục của nàng đã biến tình yêu của tôi trở thành ảo ảnh. Hai người đàn bà là hai dòng sông, cả hai dòng sông mà tôi chỉ đứng trên bờ ao ước và tiếc, để cho cả đời tiếng sóng cứ dập dềnh vỗ về ký ức. Tôi không thể viết về luyến ái. Hiện thực cũng không. Nghe lão Phú xui và kích bẩy.

Ừ nhỉ văn chương bây giờ phải tìm những gì trong trẻo mà viết, mà không viết thì tự tôi cũng sẽ lãng quên tôi chứ nói gì đến độc giả. Chưa kịp viết thì ốm lên, ốm xuống. Trong lúc đầu tôi mụ mị vì sốt thì cái cô nọ ở nhà xuất bản hồi xưa đã chê văn tôi không bằng hòn non bộ lại gọi điện. Có kế hoạch in "Cốm mới" rồi, mang về ngay cho em. Tôi mừng quá, thằng con hoang lên mười của tôi, thế là cuối cùng cũng được khai sinh...

Tôi phải nhờ đích thân lão Phú mang "Cốm mới" về nhà xuất bản thì mới yên tâm mà vào bệnh viện lãnh cái hạn bốn chín. Bác sỹ mắng tôi một trận vì cái tội tự ý mua thuốc về điều trị. Ông anh tôi, giờ lại khoẻ như vâm lại ra chăm sóc tôi, anh đã có cháu nội lên bốn tuổi rồi. Thằng cu con cứ cưỡi lên lưng tôi mà bi bô. Ông trẻ làm ngựa, ông phải phi thật khoẻ cơ. Mấy chị cùng phố vào thăm tôi, ôm bụng cười rũ rượi. Có chị còn cả gan chọc tôi. Ngựa này không phi được nữa rồi, chỉ đi nước kiệu thôi.

Đúng là đàn bà độc thân cũng độc luôn cả miệng. Họ chỉ tầm tầm trên dưới bốn nhăm thôi. Lão Phú cố ý gán ghép tôi với một trong số họ đây. Nhưng mà cái thằng tôi bảo thủ lại cứ cố truội ra khỏi sự gán ghép để ngóng ngỏi và trông chờ vào cái điều mà tôi cũng còn thấy không thể trông đợi.

Thế mà cái trò phi ngựa của thằng cháu gọi tôi bằng ông trẻ lại có sự nhiệm mầu kỳ lạ. Tôi thấy cơ bắp mình gồng lên chắc khoẻ hẳn, tâm trí thì phơi phới vui sướng. Tôi lên gặp bác sỹ xin ra viện. Tự tôi sẽ về nhà trong nỗi bất ngờ của mọi người. Chị dâu tôi sau bao phen mối mai trượt cho tôi giờ đã chán ngán rồi.

Tôi vừa bước chân ra khỏi cổng bệnh viện và đang để mắt tìm một anh xe ôm thì có người phụ nữ chạy xe máy chầm chậm đến trước mắt tôi rồi dừng lại. Giọng em trong trẻo nguyên xi như trong ký ức của tôi về em: Anh ngồi lên đi, em đưa anh về. Tôi cứng họng không nói được lời nào, cứ ngoan ngoãn ngồi yên ở phía sau xe.

Em cố ý chạy thật chậm, mà con đường chúng tôi qua cứ vun vút, vun vút. Em cho xe vào sân nhà tôi, thành thục như chủ nhân mỗi buổi đi làm về. Thế ra em đã biết nơi ở của tôi. Hai mươi năm mới gặp lại mà em dường như vẫn chẳng thay đổi gì cả. Vẫn bẽn lén, vẫn rón rén. Chị dâu tôi gật gù vơ vào. Chú thím đừng để chúng tôi kiệt sức vì mong mỏi đấy nhé, thầy mẹ dưới suối vàng cũng chẳng ngủ ngon đâu.

Sau lời ấy, họ về nhà và tản mát hết. Chỉ còn tôi và em với ba gian nhà. Một gian làm phòng khách, một gian làm bếp và một gian để tôi ngủ và viết lách. Em trùm chăn lên ngực tôi rồi ra sức dọn dẹp phòng khách và bếp.

Tôi đợi mãi, đợi đến sốt ruột mới thấy em đứng ở cửa phòng ngủ của tôi và lý nhí chào về. Tôi biết em là gái có chồng. Tôi biết chồng em già yếu em phải chăm sóc. Cho dù vì bất cứ lý do nào để có cuộc hôn nhân ấy thì em cũng là gái có chồng rồi. Tôi không có quyền mơ tưởng, níu kéo.

Thế mà, tôi chẳng kiềm chế được, tôi tung chăn, bước xuống đất, chạy đến và ôm chặt lấy em. Em không gỡ tay tôi ra, mà vòng tay xiết lưng tôi thật chặt. Tôi và em cứ ôm chặt lấy nhau ngay trong phòng ngủ của tôi, cách cái giường của tôi chỉ trong gang tấc. Đã có lúc lưng em dường như quay về phía ấy mà tôi chỉ cần đẩy nhẹ là em ngã xuống, mà tôi lại không dám. Khi những giọt nước mắt của em đẫm ướt vai tôi thì tôi chủ động gỡ tay em ra, rồi ngượng nghịu xin lỗi.

Lần đầu tiên tôi gọi tên em, gọi tên một loài hoa chỉ nở vào mùa thu. Lần đầu tiên, kể cả trong giấc mơ, tôi thấy em cười. Đôi vết chân chim trên khoé mắt khiến nụ cười như đọng nước. Em líu ríu chào về. Tôi chôn chân ở cổng, miên man nhìn dòng người hối hả vừa hút, vừa cuốn em vào.

*

Vào đi, vào nhà đi, đứng ăn vạ ở đấy à, đã yếu còn ra gió... lão Phú cầm tay tôi lôi vào nhà. Giọng lão tự tin đến lạ. Bây giờ là đến vận của cậu rồi. "Cốm mới" bắt đầu in, tháng sau là xong hết, ba nghìn cuốn nghe chưa. Đến lúc ấy thiếu mẹ gì đàn bà, khổ thân cậu.

Lão bùi ngùi bỏ lửng câu chia sẻ làm tôi hụt hẫng, chỉ muốn khóc như trẻ thơ, tôi ngồi xuống giường, nhìn lão Phú sốt sắng dọn dẹp cái bàn làm việc của tôi, vừa làm, lão vừa an ủi. Tôi cá là thế nào nàng cũng quay lại, nếu không có bụng có dạ với nhau, sao hai mươi năm rồi còn tìm cậu? Mà cậu cứ dốt, là dốt hết phần thiên hạ, giời mang gạo, mang củi đến tận nơi rồi mà còn không thổi. Khoẻ lên mà đi xem gia cảnh người ta thế nào. Không khéo người ta chờ cậu cả chục năm rồi cũng nên. Lỡ yêu gái có chồng thì phải vất vả một tý chứ. Viết truyện thì hay thế mà truyện mình thì bí tị ra. Tôi cười khẽ. Lão Phú hiểu tôi hơn ai hết.

Lão Phú về rồi, tôi gọi điện cho ông anh cả và bảo cho thằng cháu sang chơi. Làm bạn với trẻ con cũng thích. Ấy thế mà ông anh cả chối khéo: Bố mẹ nó đưa nó đi xem xiếc rồi. Tôi phì cười. Họ tưởng em ở lại với tôi đây mà. Tự nhiên tôi thấy mình khoẻ mạnh, không có gì là ốm yếu cả. Đoạn đường ngày xưa tôi phải đạp xe một giờ thì bây giờ đi xe máy chỉ vài chục phút. Tôi cẩn thận dắt xe ra tận ngõ rồi nổ máy. Vừa chạy xe vừa nghĩ xem sẽ như thế nào, nếu phải đứng ngoài cổng mà nhìn vào thì tôi cũng sẽ đứng nhìn.

Trời vừa tối thì tôi vừa đến cổng nhà em. Thay vào căn nhà tường đất lợp lá cọ hai mươi năm trước là một căn nhà xây cấp bốn nhỏ gọn gàng, sạch sẽ. Cửa cổng mở, tôi phóng luôn xe vào sân, ra sao thì ra. Tôi dựng xe, bước lên hè, rồi bước vào nhà, rồi ngồi xuống ghế. Nhà vắng vẻ quá. Nhìn sang ban thờ ở gian giữa, tôi nhận ra bức ảnh người đàn ông đó. Trong lúc trí nhớ tôi lặn lội trở về quãng thời gian ấy, thì em nhẹ nhàng đến, đứng sau lưng tôi.

Tôi cứ mê đi trong cuộc tình muộn mằn và bắt đầu nghĩ tới việc làm đám cưới. Trước đám cưới của tôi và em chỉ một tháng thì "Cốm mới" được ra mắt công chúng. Tôi chờ đợi sự phản hồi đến nghẹt thở. Có vẻ sách bán chậm, sự phản hồi thưa thớt, rời rạc. Tôi tự an ủi mình, như thế cũng có người đọc là cũng may rồi. Ngần ngại mãi, cuối cùng tôi cũng dám gọi điện cho chị nọ. Giọng chị thận trọng. Sách bán tốt anh ạ, văn chương là phải ngấm vào con người ta từ từ, rỉ rả như mưa dầm ấy chứ. Làm sao nổ ngay như pháo châm ngòi được. Gớm chết, tôi viết từng ấy năm mà lại không sớm ngộ ra cái điều cốt lõi đơn giản này chứ.

Trước đám cưới một ngày, lão Phú ở đâu đó chạy về mang theo tờ báo tỉnh với cái tít "Cốm mới - Tư tưởng cũ lỗi thời còn rơi rớt..." của một cái bút danh lạ hoắc. Cái tít gí vào sát mắt tôi kèm câu chửi thề rất tục của lão Phú. Tôi ngậm ngùi. Ông bạn cố tỷ của tôi gọi điện đến mắng sa sả. Đã biết thân chưa, tôi đã nhắc ông rồi mà còn cố đấm ăn xôi, viết văn như ông là ngồi lên lưng ngựa không cương đấy, ngã rồi, có đau không? Tôi vớt vát. Dù sao sách cũng được duyệt in và được độc giả mua về đọc. Bạn tôi tức quá. Ừ họ đọc rồi họ chẳng tha cho cậu đâu, khối kẻ chỉ chờ cơ hội để đánh ngã ngựa thôi, không in những "Cốm mới" thì lấy đâu ra việc cho họ làm.

Trước giờ đón dâu. Tức là giờ thìn, lại cũng là lão Phú, sộc vào tận buồng cưới của tôi hề hề. Quà cưới đây, quà cưới đây. Lại là một tờ báo nhưng tờ báo này có uy to đùng trong lãnh địa văn nghệ. Lại cái tít "Cốm mới - Chiếc roi của tráng sỹ". Tôi đọc qua mà chảy nước mắt vì được cổ vũ an ủi. Bà chị dâu tôi ở đâu bước vào lườm một cái. Gớm, năm chục tuổi đầu rồi, lấy vợ còn khóc. Cả nhà cười ồ lên, bạn tôi chưa buông tha, rỉ tai. Cậu là văn nghệ sỹ địa phương, đất có thổ công, hiểu chưa. Nhũn nhặn dần đi là vừa, ở đây trong mắt họ, cậu sắp biến thành cái gai rồi đấy. Tôi gật gù hiểu thiện ý của bạn. Và một thoáng xót xa cho người con gái tôi yêu dâng lên.

Tôi dấn bước lên phía đầu đoàn người đón dâu làm bao kẻ che miệng cười. Tôi tự thấy mình hiên ngang như một dáng tùng chốn đầu sóng ngọn gió. Đưa mắt lại phía sau, tôi bắt gặp những cặp mắt tiều phu đang vác búa nhăm nhăm tiến về phía mình. Nếu không có em là cái đích phía trước thì có lẽ tôi đã bị những cặp mắt ấy rước đi đến mê mệt trong cái ảo cung hòn non bộ cuộc đời.

Truyện ngắn của Tống Ngọc Hân
.
.