Hôn nhân

Thứ Hai, 08/08/2016, 08:03
Tôi rất thích ngắm nhìn chồng mình.Đặc biệt khi anh đang ngủ. Hoàn toàn không có chút phòng vệ, trong trạng thái không suy nghĩ, không tương tác, nhưng hiện hữu.

Việc ngắm nhìn diễn ra hàng ngày. Khi vừa mở mắt tỉnh dậy, khi ăn, khi trò chuyện, khi gần gũi, khi anh biết tôi đang nhìn lẫn những lúc anh không hề nhận ra sự quan sát của tôi, và đương nhiên, cả thời điểm yêu thích nhất của tôi, khi anh ngủ.

Chúng tôi yêu nhau hai năm, kết hôn được tám tháng. Tôi hoàn toàn tự tin vào sự hoà hợp của tình yêu đang có với cái nhìn lạc quan một trăm phần trăm cho cuộc sống bên nhau trong tương lai.

Sự tự tin ấy xuất phát từ một niềm tin.

Tôi tin tôi biết rõ anh hơn anh hiểu chính mình.

Ắt hẳn anh chẳng thể biết mũi anh hơi vẹo sang bên trái một góc nhỏ, mà nếu không quan sát thường xuyên và nhìn đúng hướng thì không thể nhận ra. Hay trên trán anh có cả thảy ba vết nhăn dài ngắn khác nhau trong đó có một vết lờ mờ đang trong giai đoạn hình thành. Phía sau tai của anh có một nốt ruồi nho nhỏ rất mờ.

Dĩ nhiên anh không biết, ai mà lại đi soi gương phía sau tai được cơ chứ. Hơi thở của anh đều, thường bắt đầu bằng việc thả hơi ra khá mạnh rồi mượt dần ở đoạn cuối. Tim anh đập 82 nhịp một phút. Cơ thể có mùi hơi ngai ngái mặn. Phía gáy lông tơ mọc rất nhiều, mỏng đến nỗi phải nhìn nghiêng dưới ánh sáng mới có thể nhìn rõ. Anh hay xoè cả bàn tay khi cố thuyết phục một ai đó, nhíu tít lông mày, ngón tay xoa nhẹ lên trán khi cố gắng tập trung, giọng nói chậm hơn tốc độ bình thường mỗi khi nói dối, khi bước đi thường đặt gót chân xuống trước mũi chân, dễ kết thân nhanh chóng trong các mối quan hệ xã giao nhưng ít giữ bên mình những quan hệ thân thiết, trông khá điềm đạm khi ăn và hung hãn khi làm tình.

Trong thời khắc đẹp nhất của chuyện tình, tôi thậm chí có thể nhìn thấy quả tim anh đang đập trong lồng ngực và bộ não của anh dưới cái trán đang nhíu lại mỗi khi suy nghĩ.

Làm sao có thể hiểu một con người hơn như thế nữa?

Minh họa: Tô Chiêm.

Tôi kết luận với vẻ tự mãn.

Nếu không hiểu đến thế chúng tôi đã không kết hôn.

Với niềm tin ấy, chúng tôi sống khá êm đềm. Có lẽ, đôi khi cuộc sống chỉ cần niềm tin để tiếp diễn.

Nhưng thời gian quả thực là nghiệt ngã. Nó làm méo mó ngay cả niềm tin.

Một ngày, trong năm thứ ba của hôn nhân, anh trở về nhà với vẻ mệt mỏi, hầu như không muốn nói chuyện. Có điều gì đó thật lạ lén lút trùm lên buổi tối. Tôi không cất lời hỏi, cố lờ đi sự lén lút sỗ sàng ấy, đợi đến khi anh chìm vào giấc ngủ để bắt đầu quan sát một cách kỹ càng.

Trông anh không có gì lạ. Khuôn mặt vẫn bình yên, những nếp nhăn ở nguyên vị trí như đêm qua, kiểu tóc mới cắt tháng trước đã bắt đầu dài. Nhịp thở đều đặn. Cơ thể không có mùi lạ.

 Tôi gấp quyển sách đang đọc dở đặt lên bụng, khẽ gối đầu lên vai trái của anh.

Nhưng có điều gì đấy không ổn. Tôi nhỏm hẳn dậy, cố gắng xác nhận điều mình vừa nhận ra bằng cách áp đầu vào ngực anh. Căng thẳng khiến tôi nín hơi thở lại vài chục giây.

Có điều thực sự không ổn, tôi không còn nghe thấy tiếng tim chồng mình đập.

Tôi ngồi hẳn dậy, nhìn chăm chú vào lồng ngực. Hơi thở vẫn đều đặn, nhưng quả thực nơi lồng ngực trái tôi không còn nhìn thấy trái tim anh đang đập nữa.

- Điều này có kỳ dị không?

Tôi nhắn tin hỏi người bạn gái thân của mình qua hộp thư của Facebook. Đã lâu tôi không còn gặp cô. Việc nhìn thấy nhau và nói chuyện qua tin nhắn được xem như vừa đủ cho tình bạn trong thời đại này.

- Chẳng có gì đáng nói ở vụ tim phổi này cả.

Bạn tôi trả lời, đi kèm với một biểu tượng cảm xúc đang cười to.

- Vì sao?- Tôi bối rối gõ.

- Khi sống với nhau đủ lâu, người ta không còn cần dùng đến tim nữa. Đa số các cặp vợ chồng hiện nay đều sống thế cả.

Thì ra là vậy.

Việc tôi không còn nghe thấy hay nhìn thấy tim của một người còn đập nữa có vẻ không gây ảnh hưởng lắm đến bản thân cuộc sống của người đó. Trái tim của chồng tôi có thể vẫn ở nguyên vị trí ấy, vẫn co bóp đẩy máu đi nuôi cơ thể với 82 nhịp đập một phút.

Chỉ có tôi là người không còn nghe hay nhìn thấy nó.

Thế nên, nhịp sống thường nhật vẫn tiếp diễn. Anh vẫn đi làm và trở về nhà vào một giờ cố định, chúng tôi vẫn cùng ăn tối, cùng xem phim, cùng ra ngoài vào những dịp cuối tuần, vẫn cùng lên giường ngủ cùng lúc. Điều khác biệt duy nhất là những cuộc nói chuyện trở nên ngắn đến mức tối giản. Chúng tôi chỉ trao đổi thông tin, không hề bộc lộ cảm xúc.

Đôi lúc tôi nghĩ, nếu có thể, tôi muốn bổ sung vào những cuộc nói chuyện với chồng những biểu tượng cảm xúc cười, khóc, mếu như tôi vẫn dùng khi nhắn tin trên Facebook thì dễ dàng biết mấy. Nhưng cuộc trò chuyện thông thường không thể có những tiện ích ấy.

Và về cơ bản thì, ta biết dùng loại cảm xúc nào để nói chuyện khi không còn nghe hay nhìn thấy tim của nhau đập nữa nhỉ?

Tôi sống trong hôn nhân không mấy hạnh phúc trong hai năm tiếp theo như cách người ta vẫn duy trì những cuộc hôn nhân thiếu vắng cảm xúc khác.

Người khác làm được cớ gì mình không làm được?

Sống với một người chồng không tim không phải chuyện quá khó, ngoài việc phải chấp nhận sự cô đơn khốn khổ của chính mình.

Mà chẳng phải cả thiên hạ vẫn cho rằng vượt qua cô đơn khốn khổ là chuyện đương nhiên đấy hay sao?

Vào cuối năm thứ năm của hôn nhân, điều bất thường kế tiếp xảy ra, vẫn theo cách bình thường nhất. Chồng tôi trở về nhà mang theo gương mặt xa cách nhất mà tôi từng thấy. Suốt buổi tối, anh luôn đặt ngón tay lên trán, xoa nhẹ, đôi lông mày nhíu lại. Tôi không đặt bất cứ câu hỏi nào, đã từ lâu những câu hỏi liên quan đến trạng thái cảm xúc đã không còn được dùng đến. Tôi lặng lẽ rửa bát đúng vào giờ đã rửa bát hôm qua, lên giường đi ngủ sớm khi phát hiện ra, mình không còn nhìn thấy bộ não của chồng dưới cái trán đang nhăn tít nữa.

Mình không còn có thể hiểu chồng mình có những suy nghĩ gì trong đầu nữa. Trước đây, không nghe hay nhìn thấy tim đập có thể là một vấn đề lớn, nhưng không thể lớn bằng việc không thể nhìn thấy não của nhau nữa được.

Hôm sau, tôi quyết định nói chuyện với anh về tình trạng khủng khiếp tôi đang trải qua. Nhưng không hiểu bằng cách nào, anh hoàn toàn không hiểu những điều tôi nói. Chồng của tôi mắt trợn ngược theo cách tôi chưa bao giờ nhìn thấy, những ngón tay xoè rộng ra khi nói những câu tôi không thể hiểu nổi.

Chúng tôi cãi nhau rất to, trong những năm tháng tiếp theo của cuộc hôn nhân bắt đầu bằng rất nhiều niềm tin.

Nhưng mà vợ chồng nào mà chẳng cãi nhau. Thêm nữa, người ta vẫn có thể sống bên nhau khi không còn nghe thấy tim đập, không nhìn thấy não hoạt động, không còn hiểu đối phương nói gì và cãi nhau như ăn cơm hàng ngày cơ mà.

Người khác làm được tại sao mình không làm được.

Vậy là tôi có thêm ba năm hôn nhân với nếp sinh hoạt đều đặn được bổ sung thêm mục cãi nhau vào buổi tối, ngay sau bữa ăn, trước lúc rửa bát.

Trong chuỗi ngày cãi vã mệt mỏi ấy, đôi lúc tôi bị nỗi cô đơn đánh gục đến mức muốn chấm dứt cuộc hôn nhân rất bình thường của mình. Nhưng tôi có một câu thần chú - không biết được lưu truyền từ bao giờ, vô cùng hiệu nghiệm mà bạn bè rỉ tai. Mỗi khi suy sụp, tôi lại lẩm bẩm nó, như cách bạn bè tôi vẫn làm:

 “Con cái mình sẽ tự hào giới thiệu với mọi người về hôn nhân của cha mẹ nó, hay cãi nhau nhưng vẫn sống bên nhau đến già”.

“Con cái mình sẽ tự hào giới thiệu với mọi người về hôn nhân của cha mẹ nó, ở riêng phòng nhưng vẫn sống bên nhau đến già”.

“Con cái mình sẽ tự hào giới thiệu với mọi người về hôn nhân của cha mẹ nó, không hợp nhau nhưng vẫn sống bên nhau đến già”.

Và thế là hôn nhân sống sót, dù tôi đã không còn có thể nhận ra người chồng có trái tim đập 82 lần một phút của những ngày cũ nữa.

Đến năm thứ mười của hôn nhân, tôi không biết mình nên biết ơn hay nguyền rủa câu thần chú được truyền miệng kia. Tôi cũng không rõ nó có còn hiệu nghiệm không bởi giờ đây tôi chỉ có thể lẩm nhẩm câu thần chú ấy trong đầu.

Từ năm thứ mười, mọi âm thanh được phát ra từ khuôn miệng tôi đều nhanh chóng teo tóp, chìm nghỉm trong câm lặng. Tôi không còn nghe thấy tiếng nói của chính mình. Giọng nói của tôi biến mất cùng lúc với giọng nói của chồng tôi. Âm thanh đã rời bỏ chúng tôi trong một lần cãi nhau kịch liệt.

Nhưng mà có sao, người ta vẫn có thể sống với nhau trong một cuộc hôn nhân không tim, không não, vắng âm thanh bình thường phổ biến như thế cơ mà. Hà cớ gì tôi không làm được? 

Truyện ngắn của An Hạ
.
.