Giấy báo tử

Thứ Hai, 18/04/2016, 08:00
Trưởng ban Phí của phòng vật tư gần đây bị cách chức, không ít người vỗ tay vui mừng. Lão Phí trong lòng không phục, nhưng ngoài miệng không nói ra, ông biết đây đều là cái họa do cái "Giấy báo tử" gây ra cả.

Chỗ phụ trách vật tư có nhiệm vụ chọn mua các loại thiết bị và vật phẩm cho các đơn vị và bộ môn trong toàn trường, nguyên tắc của lão Phí là "bất cứ việc gì cũng phải để lại đường rút lui", nó thể hiện đầy đủ nhất trong công tác phân công quản lí của ông. Mua bất kì vật liệu, vật tư nào, ông luôn chủ trương mua dư một chút, ví dụ, nếu cần mua một trăm cái bàn, ông sẽ mua đến một trăm hai mươi chiếc, nếu cần mua 1 vạn cái bóng đèn, ông có thể sẽ mua hai ba vạn.

Theo lí luận của ông, mua thừa một chút thì chả có gì xấu, có những vật phẩm dễ bị hao mòn, nên càng cần chuẩn bị nhiều một chút, đề phòng khuyết thiếu. Theo thời gian, nhà kho chất đầy những sản phẩm "mới" của nhiều năm mua thừa, liệt ra một hóa đơn các vật tư bình thường, cũng phải đến vài cuốn vở dày to.

Như: khăn mặt 18 vạn chiếc, xà bông 135 vạn bánh, thuốc diệt chuột 35 vạn tấn, vỉ đập ruồi 08 vạn cái, bồn rửa mặt (nhựa) 135 vạn chiếc, bồn rửa mặt (tráng men) 121 vạn chiếc, găng tay 0753 vạn đôi, ắc quy 07 vạn chiếc (quá thời hạn), ti vi đen trắng 015 vạn chiếc, máy ghi âm đơn thẻ 06 vạn chiếc, đến bàn, ghế, giường, ghế băng, đều chất đống lại như núi. Kho vật tư là nơi chiếm diện tích lớn nhất trong trường học, hơn nữa mỗi năm lại đều mở rộng hơn.

Minh họa: Lê Tâm.

Tuy rằng đồ gửi trong kho mãi mãi không được sử dụng (ngoài lỗi thời ra, thì còn hết hạn sử dụng nữa), nhưng trong thâm tâm, lão Phí vẫn rất đắc ý, dư thừa là giàu có, thừa luôn tốt hơn là thiếu. Vật tư nhiều, nhân viên bảo quản, nhân viên trực ban, nhân viên phòng cháy chữa cháy,... đều tăng lên, thế là ban vật tư từ 3 người lúc mới thành lập, phát triển lên thành hơn 140 người hiện tại. Lão Phí cũng từ nhân viên mua bán lúc đầu, từng bước trở thành phó trưởng khoa, trưởng khoa, phó trưởng ban, và cho đến hôm nay mọi người đều gọi ông là trưởng ban.

Lão Phí cứ nhiều năm tích lũy, đặt mua hàng hóa, nhập kho, đăng kí, phát phóng, trở thành người đạt được rất nhiều danh hiệu vinh dự, lại còn được ca ngợi là "quản gia giỏi" của trường học.

Nếu như không phải vì bệnh viện thiếu "giấy báo tử", vị trí của trưởng ban Phí sẽ vẫn như cũ. Bệnh viện trường học cả trăm năm không gặp trường hợp tử vong nào, trong lúc phải viết thông báo có tử vong mới phát hiện, bệnh viện từ trước đến nay đã không chuẩn bị loại giấy có mẫu cố định này. Theo thể chế phân công quản lí, loại sản phẩm in này do phòng vật tư thống nhất in. Thế là báo cáo đem đến chỗ ban trưởng Phí, ông gạch bút phê chuẩn.

Không đến mấy ngày, xe tải lớn liền chở "giấy báo tử" đã in xong đến trường học, tròn 100 vạn tờ. Mặc dù trưởng ban Phí làm việc xưa nay đều chú ý làm thừa, nhưng do tất cả giáo viên nhân viên và học sinh của trường cộng lại chưa đến một vạn người, 100 vạn tờ giấy báo tử là hơi nhiều một tí. Cho dù giáo viên nhân viên và học sinh toàn trường mỗi năm chết một lần, thì cũng phải mất 100 năm mới dùng hết.

Hơn nữa, chết trong bệnh viện của trường học không biết bao nhiêu năm mới có một người, 100 vạn tờ "giấy báo tử" này có thể dùng cho số người chết trên toàn cầu. Lão Phí trong lòng cũng cảm thấy chướng, nhưng đã in ra rồi, mà lại là lão đích thân phê chuẩn số lượng, lão chỉ có thể thừa nhận. Trưởng ban Phí vừa cho công nhân dỡ hàng vào kho, vừa buồn bực nói: "Thừa một chút là tốt, tránh được lúng túng lúc cần dùng!". Lão còn quát tháo công nhân không được phép nói với bên ngoài.

Thật là không may, lúc dỡ hàng bất chợt có cơn gió to, công nhân trong lúc rối loạn, những chồng giấy buộc lỏng lẻo bị bay lung tung, gió thổi một cái, "giấy báo tử" tung bay khắp toàn trường, hiệu trưởng Quang từ bệ cửa sổ và cửa ra vào nhặt lấy 7, 8 tờ, toàn trường ồ lên, thật là xúi quẩy. Thế là trong cơn phong ba "giấy báo tử", lão Phí bị cách chức, lão tự gọi là nỗi "khổ khó nói thành lời".

Truyện vui của Lao Mã (Trung Quốc)- Minh Thương (dịch)
.
.