Gai pựt

Thứ Năm, 17/12/2020, 15:34
Bà Pả lại ôm lấy ngực, những chiếc gai pựt ở đâu lại cắm phập vào tim bà. Bà hướng mắt ra ngoài cửa sổ, trong ánh chớp, bà thấy dòng nước khổng lồ đang kéo về, tiếng nước gầm réo đã gần lắm. Lũ về nhanh quá. Dòng nước ầm ầm lao qua gầm sàn.


Đêm đã khuya lắm, giữa giấc ngủ mê mệt bà Pả chợt tỉnh. Bà gồng mình lết ra giữa gian thờ, mặc cho vết thương ở chân lại lên cơn đau dữ dội. Mọi người xúm lại phía gian thờ, nét mặt mỗi người một vẻ. Người háo hức, người tò mò, người suy tư, người đau khổ. 

Ở giữa gian thờ, thầy Pựt(1) đang chuẩn bị khửn tắng(2). Tiếng mác rính(3) rung vang. Thầy Pựt mặt đỏ phừng phừng vừa hát vừa bước đi trên những chiếc gai tua tủa, sắc nhọn, gọi là gai pựt(4). Từ nhỏ, mỗi lần gia đình tổ chức làm lễ Pủ lường(5) cầu sức khỏe, tuổi thọ cho người già, dù buồn ngủ đến mấy bà vẫn cố thức để được xem đoạn thầy Pựt khửn tắng. 

Minh họa: Tô Chiêm

Có lần bà ngây thơ hỏi: “Khửn tắng để làm gì hả bố? Sao người ta cứ phải bước đi trên những chiếc gai?”. Bố bà bảo: “Cuộc đời con người phải trải qua muôn vàn nỗi khổ đau, cực nhọc. Mỗi chiếc gai pựt tượng trưng cho một nỗi khổ đau, cực nhọc ấy. Đây, bố chỉ con xem, chiếc gai này là ốm đau, bệnh tật, tai ương; chiếc này là thói ghen ghét, đố kị, thị phi; chiếc này là chức tước, quyền lực; chiếc này là cái ăn, cái mặc, tiền bạc; chiếc này là vô cảm, chiếc này là tiêu cực, chiếc này là lòng tham… Tất cả, tất cả đều là gai nhọn, cuộc đời ai cũng phải bước qua… Sau này con cũng thế!...”. Khi ấy ánh mắt bố bỗng trở nên thăm thẳm. 

Bà Pả lết ra đến gian thờ, tay vịn vào cột sàn, mắt không rời đôi bàn chân của thầy Pựt và những chiếc gai. Một chiếc gai, hai chiếc gai… một trăm chiếc gai… hai trăm chiếc gai… bà Pả nhẩm đếm. Bà không đếm nổi cuộc đời bà đã bước qua bao nhiêu chiếc gai và còn bao nhiêu chiếc gai như thế ở phía trước. 

Một bước, hai bước, ba bước… thầy Pựt đang khửn tắng. Bà thấy những chiếc gai pựt sắc nhọn, tua tủa không phải đâm vào chân thầy Pựt mà đang đâm phía ngực mình, đau nhói. Bà ôm ngực, thở dốc. Lại những chiếc gai pựt đâm vào chân. Hai vết thương ở chân bà lên cơn đau dữ dội. 

Cũng chính hai vết thương này, hôm nay thằng Tọng mới có cớ làm lễ Pủ lường. Có ai biết được hai vết thương ấy do chính thằng Tọng gây ra ngày hôm qua.

Hôm qua, thằng Tọng bảo: “Con bán quả đồi sau nhà của mình rồi nhé, hôm nay người ta sẽ đến chặt hai cây sẹt già”. Bà Pả giật nảy người, bủn rủn cả chân tay. Bà quả quyết: “Không thể được. Hai cây sẹt ấy không thể chặt”. “Chỗ ấy là đất quặng, đất vàng mẹ ơi, của đống tiền ra đấy!”. 

Của đống tiền ư? Của đống tiền cũng không thể chặt hai cây sẹt đó. Bà nhớ, ngày giặc Mỹ bắn phá ác liệt ra miền Bắc, bà đào một căn hầm dưới hai gốc sẹt. Thằng Tọng sinh ra, lớn lên trong căn hầm ấy. Ngày thằng Tọng đi học, tuần hai phiên chợ, bà chặt vỏ rễ sẹt bán cho các cụ mang về ăn trầu. Quanh vùng, chỉ có vỏ rễ của hai cây sẹt ấy dầy, đỏ au, càng nhai càng ngon nên lần nào bà Pả cũng bán hết số vỏ rễ sẹt mang đi. 

Tiền bán rễ sẹt bà dành dụm nuôi thằng Tọng cho đến khi nó học xong đại học. Cũng bên hai gốc sẹt ấy, một mảnh bom đã găm vào ngực bố thằng Tọng. Máu của bố nó đã rơi; mồ hôi nước mắt của bà cũng thấm từng hạt đất ấy; tuổi thơ của nó; ân nhân nuôi nó, vậy mà hôm nay nó định bán hết chỉ vì “của đống tiền”. Lòng bà quặn thắt như gai pựt đâm. 

Từ ngày thằng Tọng có tí chức, không phải to nhưng chừng ấy quyền lực đủ để Tọng tìm được cách bán rừng và bán hơn chục quả đồi cho người ta khai thác vàng và quặng. Tiền về túi thằng Tọng và một vài người, còn bản thì vẫn nghèo xơ xác. Lũ về mỗi năm một to hơn, mùa màng thất bát nhiều hơn. Nhà ông Sung, ông Cát, ông Hinh, bọn thằng Chài, thằng Lường, thằng Kha ngày ngày đi làm thuê ngay trên mảnh đất của mình. 

Đã bao nhiêu lần bà Pả can ngăn, khuyên bảo, thằng Tọng không nghe, nhưng lần này bà nhất quyết phải can bằng được. Bà Pả leo đến chỗ hai cây sẹt, đã thấy bốn tay thanh niên lực lưỡng cầm máy cưa chuẩn bị giật nổ. Bà lao đến, dang hai tay ôm lấy gốc sẹt già: “Không được! Không ai được chặt hạ hai cây sẹt này!”. Một thanh niên giọng lạnh tanh: “Tiền giao cháo múc, hai cây sẹt này và cả quả đồi này có phải của bà nữa đâu mà bà giữ”. 

“Không được chặt!”. Bà Pả ôm chặt gốc sẹt, mùi vỏ sẹt già sộc lên vừa cay vừa đắng. Thằng Tọng chạy theo sau, kéo tay, mặt nhăn nhó: “Về đi mẹ ơi, của đống tiền ra đấy, mẹ về cho con nhờ”. “Không được đâu con ơi! Giờ mà chặt hai cây sẹt đó, các cụ già ở cả vùng này sẽ không còn rễ sẹt để ăn…”. 

“Lo cái thân mình chưa xong, lo gì việc của thiên hạ, kệ họ. Mẹ về cho con nhờ…”. Thằng Tọng cầm tay bà Pả kéo mạnh. Tay bà tuột khỏi thân cây, bấu chặt vào cục đá chênh vênh cạnh đó. Bỗng cạch! Bà Pả trượt chân, ngã và hòn đá sập xuống, đè qua hai ống chân…

Nhờ có vết thương ấy, hôm nay thằng Tọng có cớ làm lễ Pủ lường. Thầy Pựt đã khửn tắng xong. Thầy rút cái đọt chuối non trên lầu váng(6) ra xem. Đôi lông mày thầy Pựt cau lại, có vẻ trầm tư, nghĩ ngợi ghê lắm. Một lúc, thầy cười xì ra đằng mũi. Có lẽ thầy đã biết mọi thứ. 

Bà Pả lết đến trước mặt thầy Pựt, khẩn khoản: “Thầy cho con xin những cành gai pựt!”. Mọi người nhìn bà đầy ngạc nhiên. Thầy Pựt lưỡng lự: “Đó là những thứ tội lỗi, xong thì bỏ đi, chứ ai giữ để làm gì”. “Con biết thế, nhưng thầy cứ để con xin”. Trước vẻ khẩn khoản của bà Pả, thầy Pựt đành đưa cho bà những cành gai pựt. Bà Pả đưa hai tay, sung sướng nâng những cành gai pựt, lết về gian ngủ. 

Bà phải nâng niu, trân trọng những chiếc gai ấy vì bà đã phải trải biết bao buồn đau, khổ cực để vượt qua nó. Bà giữ lại những chiếc gai pựt còn vì một lý do khác nữa, là để chỉ cho thằng Tọng, con trai bà biết chiếc gai này là gì, chiếc gai kia là gì.

Bà Pả cẩn thận đặt những cành gai pựt cạnh gối. Cơn mệt mỏi và buồn ngủ làm bà thiếp đi. Giữa giấc ngủ mê man, bà thấy hai cây sẹt già như hai vị thần hộ mệnh của bản bay lên, bên dưới chỉ còn trơ lại những quả đồi trọc lốc bị đào bới nham nhở. Rồi mưa ở đâu ầm ầm kéo đến. Nước mưa từ các quả đồi đục ngầu chảy xuống khe, nước từ khe dồn vào khe lớn, ùng ục chảy xuống bản. 

Tiếng sấm nổ vang kèm theo sét chói lóa làm bà choàng tỉnh. Ngoài cửa sổ mưa quất ràn rạt, hắt cả vào chỗ bà ngủ. Bà hoảng hốt nhìn quanh. Vợ chồng thằng Tọng đang bình thản dốc ngược lầu váng, đám phong bì của khách đến dự lễ Pủ lường đầy ú ụ đổ tràn ra chiếu. Vợ chồng thằng Tọng người xé phong bì, người đếm, vẻ hớn hở, sung sướng hiện rõ trên nét mặt. 

Bà Pả lết ra khỏi chỗ ngủ, cố lên tiếng: “Lũ ống về đấy!”. Thằng Tọng vẫn bình thản đếm tiền như không có chuyện gì, quay ra làu bàu: “Mẹ già rồi, lẩm cẩm cũng nên, từ trước tới nay bản ta đã bao giờ có lũ ống”. “Mày xem đồi núi bản này còn có cái cây nào để giữ nước không? Có nhân có quả con ạ, liệu mà tránh”. “Mẹ lại nhân nhân, quả quả. Bao nhiêu thằng đè đầu cưỡi cổ người khác, vơ vét gấp trăm, gấp vạn lần mình vẫn sống nhơn nhơn ra đấy…”. 

Bà Pả lại ôm lấy ngực, những chiếc gai pựt ở đâu lại cắm phập vào tim bà. Bà hướng mắt ra ngoài cửa sổ, trong ánh chớp, bà thấy dòng nước khổng lồ đang kéo về, tiếng nước gầm réo đã gần lắm. Lũ về nhanh quá. Dòng nước ầm ầm lao qua gầm sàn. Cái nhà sàn vừa được thằng Tọng cho làm lại kiên cố bằng gỗ lim và táu rung lên. Lúc này vợ chồng Tọng mới hoảng hốt nhìn ra. Dòng nước mỗi ngày một lớn, cuốn phăng cái ôtô và bộ bàn đá quý của Tọng để ở gầm sàn. 

Mặt Tọng tái dại, vừa đau khổ vừa sợ hãi. “Chạy thôi!”. Tọng xốc bà Pả lên lưng, vợ Tọng ôm đứa con nhỏ cùng chạy lên đồi. Xung quanh là màn nước trắng xóa. Bà Pả nhìn về phía hai gốc sẹt già, dòng nước gầm réo xung quanh gốc làm lộ ra bộ rễ khỏe khoắn đã cắm sâu vào lòng đất. 

Giọng thằng Tọng gắt gỏng: “Sắp chết đến nơi rồi mẹ còn đem cái đám gai pựt ấy đi làm gì?!”. Một tay bà Pả ôm cổ con, một tay vẫn khư khư giữ đám gai pựt, mặc cho những chiếc gai đâm vào tay tứa máu. Giữa màn nước trắng xóa, bà như thấy sau lưng mình tua tủa những chiếc gai và mẹ con bà đang bước trên những chiếc gai pựt.

--------

(1): Còn gọi là thầy Bụt, giống như thầy cúng hay thầy tạo. (2): Một phần nghi thức trong lễ cầu trường thọ của dân tộc Tày. (3): Một loại nhạc cụ dùng trong hát pựt. (4): Một loại gai cứng, sắc, nhọn, dài, mọc thành búi trên rừng. (5): Là những lễ chính trong lễ cầu trường thọ của dân tộc Tày. (6): Một dụng cụ làm bằng nứa, dán giấy xung quanh dùng để đựng đồ lễ của khách đến dự lễ cầu trường thọ.

Truyện ngắn của Nông Quang Khiêm
.
.