Đời công chức

Thứ Hai, 31/10/2016, 08:03
Tôi có cảm tình với lão ngay lần đầu gặp mặt. Lão trẻ hơn nhiều so với tuổi năm mươi tám, nói năng vừa đủ, dễ nghe, phù hợp với vị thế của người đi xin việc. Lạ là lão bỏ béng chân công chức Sở Nông nghiệp tỉnh nọ xin ra ngoài làm...

Tròn sáu giờ, chuông điện thoại reo vang. Đêm tôi xem bóng đá muộn, định ngủ chút nữa nhưng cái tiếng chuông chết tiệt cứ xoáy thẳng vào tai, muốn nằm nữa cũng không được, đành bấm máy nghe.

- Có phải… chú Hoàng không ạ?...- Một giọng thanh niên trẻ ngắc ngứ vẻ xúc động.

- Phải, tôi đây.

- Cháu là cháu bác Công ở cơ quan chú… Bác cháu vừa… mất rồi ạ.

- Ôi trời! - Tôi bật lên. Có lúc tôi cũng đã thoáng nghĩ đến chuyện này - Bác cháu khỏe thế cơ mà?

- Vâng… Tối qua bác cháu uống chút rượu rồi kêu đau đầu đi nằm sớm, dặn bác gái năm rưỡi sáng gọi dậy có việc. Đúng giờ bác gái gọi thì bác cháu lạnh rồi. Có lẽ bác “đi” từ nửa đêm… Nhà bác cháu đang rất bối rối. Anh con bác cháu cho số máy của chú bảo cháu điện báo cho chú biết.

Tôi nói vài câu chia buồn cùng gia đình rồi làm mấy việc lặt vặt cá nhân, ăn sáng qua loa và vội vàng ra công ty. Mấy câu hỏi lởn vởn trong đầu tôi.

Cậu kế toán công ty đã đứng ở cửa phòng như có ý đợi tôi. “Cậu biết rồi à?”. “Biết gì ạ?”. “Ông Công vừa mất ở quê rồi”. “Thế à! - Cậu ta há hốc mồm - Em chưa biết. Ông ấy chỉ dặn sáng nay em phải đưa cho anh cái này - Cậu ta giơ ra một hộp giấy, thoáng qua cũng thấy nó được bao gói rất cẩn thận - Ông ấy bảo việc rất quan trọng và gần như van lạy em bằng mọi cách phải đưa cho anh vào đầu giờ sáng”.

Tôi hoang mang cầm cái hộp, nhắc cậu kế toán lấy ít tiền, gọi thêm ông văn phòng nữa, chuẩn bị độ nửa buổi thì đi viếng.

Tôi ngạc nhiên thấy trong hộp có một xấp tiền dày, được chằng buộc phẳng phiu dưới tờ giấy trắng tinh bọc bên ngoài, và một lá thư khá dài.

“Anh Hoàng kính mến!” - Tôi mở lá thư đọc dòng đầu tiên, chữ viết tay, không khỏi khâm phục tài viết chữ của chủ nó. Những hàng chữ bằng nhau chằn chặn, đều tăm tắp chứng tỏ lúc viết những dòng này lão rất tập trung. Giờ ít thấy ai chữ đẹp thế này.

“Tôi nghĩ rằng lá thư này sẽ đến tay anh trước bảy rưỡi”, tôi liếc nhanh đồng hồ. Đúng bảy rưỡi. Quái quỷ! Lão âm mưu gì chăng?

“Tôi biết anh sẽ nhận được cú điện báo tôi đã mất lúc khoảng sáu giờ. Tôi đoán anh sẽ nhanh chóng vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi ra công ty, sắp xếp để nửa buổi đi viếng tôi. Anh là người chu đáo mà tôi rất quý mến, kính trọng. Đó cũng là lý do tôi viết cho anh lá thư này và có việc nhờ anh”.

“Anh còn nhớ cuộc nói chuyện tối hôm kia trước khi tôi về không? Có lẽ anh nghĩ tôi say nên không để ý. Những gì tôi nói với anh hôm ấy đều là sự thực. Đó là bi kịch của cá nhân tôi và tôi không có lối thoát…”.

*

Tôi phải dụi mắt và lau kính. Rõ ràng mọi chuyện lão đã tính toán kỹ lưỡng. Cái chết của lão như vậy là có uẩn khúc, hay ít ra cũng không được bình thường.

Tôi có cảm tình với lão ngay lần đầu gặp mặt. Lão trẻ hơn nhiều so với tuổi năm mươi tám, nói năng vừa đủ, dễ nghe, phù hợp với vị thế của người đi xin việc. Lạ là lão bỏ béng chân công chức Sở Nông nghiệp tỉnh nọ xin ra ngoài làm.

Dạo ấy tôi đang có ý tìm một người đứng tuổi làm công tác văn phòng, chủ yếu là phải đi làm tương đối sớm. Tuần vài lần khoảng sáu rưỡi, bảy giờ sáng có xe xuất nhập hàng, tôi cần người mở cửa, ghi chép số liệu, là việc mấy cô cậu trẻ mải chơi, mải tán tỉnh yêu đương nói thế nào cũng vẫn quên.

Ngoài ra, nếu có thể sẽ sắp đặt bàn ghế, tài liệu cho gọn gàng, và tuyệt hơn là biết sử dụng vi tính, thảo được một số văn bản hành chính. Lương thì không thành vấn đề, tôi sẵn sàng trả hơn mức lão từng hưởng của Nhà nước.

Minh họa: Thành Chương.

Lão đáp ứng tốt những điều kiện ấy, thậm chí còn tốt hơn mong đợi. Ngày nào cũng như ngày nào, nắng cũng như mưa, mùa đông cũng như mùa hè, phải xuất nhập hàng hay không, đúng sáu giờ lão đến cơ quan. Mở cửa, đun nước, dọn dẹp đâu ra đấy, ngăn nắp, tinh tươm. Và dù làm việc hay nghỉ ngơi, lúc nào lão cũng chỉn chu, quần áo, đầu tóc sạch sẽ, gọn gàng, chỉ có điều sơ vin hơi cao một chút. “Sơ vin gì đến tận ngực” - Cô thủ quỹ có lần mỉa sau lưng lão.

“Hôm nào xuất nhập hàng anh hẵng đi sớm” - một lần tôi góp ý, hơi ái ngại vì sự tận tụy thái quá của lão. “Tôi quen rồi” - Lão tỉnh bơ. “Bao nhiêu năm nay, từ ngày làm công chức, ở đâu tôi cũng đi sớm nhất cơ quan” - Lão cười tự hào.

Sau lần về nhà tuần trước, có điều gì làm lão nghĩ ngợi, đến nỗi có hôm lão quên không cạo mấy sợi ria mọc chân xanh trên mép. Mắt lão hơi trũng xuống như người mất ngủ. Hôm kia tôi quở thì lão so vai thụt vào trong chiếc ghế, mặt bệch ra, trông xọm hẳn đi. Lần đầu tiên tôi thấy lão đánh mất tư thế. “Hình như anh có điều gì suy nghĩ?” - Tôi hỏi.

Có vẻ tôi đã chạm vào miền sâu kín nào đó trong lão. Lão nói nhanh: “Chiều nay anh có rỗi không, ta đi ngồi uống với nhau vài chén?”. Tôi đồng ý dù thấy lạ lùng. Lão không nghiện bất cứ thứ gì. Liên hoan, hội hè lão chỉ uống coca, ép lắm thì nhấp nửa ly rượu vang. “Rượu không tốt cho gan anh ạ”, lão nháy mắt giải thích. Thuốc lá thì lão đặc biệt ghét, trong khi mấy cậu nhân viên của tôi nhả khói như cái bếp than vừa dụi lửa. “Có chỉ thị cấm hút thuốc rồi, các cậu bỏ thuốc đi chứ”. Mấy lần bị lão nhắc, cậu kế toán văng tục: “Ông lắm chuyện bỏ mẹ. Kệ chúng tôi”.

Lão chọn một chỗ ngồi kín đáo trong cái quán rộng rãi, ăn đồ hải sản. Gọi một chai rượu Nga, lão giao hẹn: “Hôm nay cho tôi uống say nhé, tôi say quá thì anh gọi giúp cái taxi”. “Anh tiến bộ nhỉ, có tâm sự gì sao?” - Tôi thăm dò, một phần cũng ngại nghe chuyện con cà con kê. “Vâng, vâng” - Lão có vẻ bối rối: “Nhân viên làm việc cả năm mà chưa kể chuyện gia cảnh với sếp cũng là thiếu sót”. “Thế thì anh kể đi” - Tôi khuyến khích.

Cạch với nhau chén đầu xong, lão lịch sự xin phép tôi rồi từ tốn uống liền ba ly “cho nó khí thế”. Chúng tôi trao đổi vài câu xã giao tẻ nhạt, quê quán, vợ con, thời sự, thời tiết, tình hình Nga, Mỹ, Trung… Một lúc, chừng ngấm rượu, mặt lão hơi đỏ lên, lão có vẻ bắt đầu hứng, cả can đảm nữa.

“Tôi kể nhé, có thể hơi dài - Lão nói, mắt nhìn thẳng vào tôi - Tôi làm thuê cho anh, chứ ở quê, tôi là đấng bậc đấy - Ngực lão ưỡn ra - Bố tôi làm cán bộ xã, ông cho tôi ăn học hết cấp ba rồi xin cho tôi vào làm văn phòng tại một nông trường cách nhà độ mươi cây số.

Hồi ấy ở vùng tôi cái nông trường coi như thiên đường. Cán bộ, công nhân đặc một vị thương binh hạng nhẹ, bộ đội xuất ngũ con nhà có công lao. Thanh niên quê có đâm đơn chờ dài cổ cũng chẳng đến lượt. Cả xã duy nhất có một mình tôi được làm ở đấy, mà lại làm văn phòng, tiền tuy không nhiều, nhưng vẫn hơn đám thanh niên nông dân.

Ấy, anh ăn đi - Lão ân cần gắp vào bát tôi một miếng đầu cá - Anh biết rồi đấy, dân văn phòng thì ăn trắng mặc trơn, hề hề, là áo trắng cổ cồn ấy… Tôi tích cóp mua được cái xe phaphôrít, ngày ngày đạp đi đạp về.

Tết, được nghỉ tôi cũng chẳng nghỉ, mờ sáng đã đạp xe sang nông trường. Anh bảo hai chín ba mươi tết, nông trường thì có cóc khô ai đến làm việc. Nhưng tôi vẫn đến sớm, mở cửa, pha chè. Hề hề, nó oách lắm anh ạ. Bà con làng xóm thấy mình quan trọng, bận rộn, người nhà nước có khác! Thú vị lắm! Nghĩ về thời ấy tôi vẫn tiếc…”.

Có vẻ lão đã chếnh choáng hơi men nên lắm lời hơn mọi ngày. Rượu làm lão nói thẳng tuột những điều xưa nay vẫn nằm trong gan ruột lão. “Cùng học cấp hai với tôi có thằng Minh học giỏi lắm. Chết nỗi, nó con nhà địa chủ, nên không đi đâu được. Chính cái nhà bố tôi là nhà nó ngày xưa, được đội cải cách phân cho. Bố tôi là thành phần cơ bản, bần cố nông mà. Làng có cái Hoa xinh lắm, tôi muốn tia, hề hề, yêu đương thì xưa hay nay cũng như nhau thôi nhỉ? Anh gắp đi chứ.

Nào, đưa bát đây tôi lấy miếng bụng cho. Ăn cá ngon nhất là cái đầu và cái bụng. Lườn liếc thì chỉ đẹp, cúng cụ thôi. Anh cứ nhẩn nha ăn, tôi còn kể dài đấy… Hôm nào đi làm tôi cũng đạp xe qua nhà Hoa, thể nào cũng “kính coong” một cái.

Cái “anh” phaphôrít thì chuông là hạng nhất. Chắc mẩm em Hoa rồi sẽ về làm vợ mình, thế mà… - Lão ngần ngừ - Trót kể với anh rồi tôi cũng chả giấu nữa… Đùng một cái, thằng Minh cưới cái Hoa. Chúng nó tán tỉnh yêu đương nhau lúc nào tôi không biết, mà cưới ngay trước mũi tôi!

Hay cái Hoa phải lấy ai chứ, ông Phó Giám đốc nông trường chỗ tôi, một tay thương binh chẳng hạn? Tay ấy cũng giả đò sang nhà tôi chơi mấy lần, kỳ thực là để tia em Hoa kia, tôi còn lạ… Sao nó lại đi lấy thằng Minh, cái thằng khố rách áo ôm con nhà địa chủ mạt hạng không tương lai gì sất?… Mà thôi, anh ăn đi không nguội hết… Chuyện ấy không kể nữa.

Vợ chồng nó đẻ một lèo năm đứa con, hai trai ba gái, mãi sau còn tòi ra một thằng út nữa. Quê tôi, đất chó ăn đá, gà ăn sỏi, đẻ một lũ thì chỉ có nước đi ăn mày. Nhưng cái thằng ấy nó giỏi anh ạ! Nó được học hành, đi đó đi đây thì phải biết, có khi phải thành đạt như anh cũng nên. Nó nuôi lợn, chăn gà, trồng cấy, cái gì cũng hơn người.

Ai đời, nó đắp đất trồng sắn dây mà thu mấy tạ củ một gốc. Nhưng cũng chỉ đủ nuôi lũ con học hết cấp hai. Thời buổi này anh bảo không học, không có bằng cấp thì có mà đi… xin lỗi anh! Chỉ mỗi thằng con út học giỏi có tiếng ở huyện. Thằng này đói rét thế nào cũng học, nhất định học, cứ học, không bỏ. Cái chí của nó có kinh không? Nó vừa đỗ thủ khoa Học viện Quân y, tuần sau nó nhập trường…”.

 Mặt lão hơi nghệt ra, như ngạc nhiên, hay đúng ra là kinh ngạc vì cái thằng bé nào đấy con tình nhân của lão năm xưa. “Thế cũng mừng cho nó anh ạ” - Tôi chen vào, không có cảm xúc gì, dù nếu có thể mừng cho một thằng bé nào đấy ở đẩu đâu cũng được.

Nhưng lão bỗng trợn mắt lên, vẻ lịch thiệp, mực thước hằng ngày biến mất. Lão sừng sộ: “Mừng à? Sao lại mừng? Mà anh mừng thì được chứ tôi sao lại mừng? Tôi bầm gan tím ruột muốn chết đây, có khi còn chết thật ấy, là vì nó đấy…”.

Tôi lặng thinh vì có vẻ lão đã mất kiểm soát. Lão lại uống thêm ly nữa, hóa ra tửu lượng của lão rất khá, chỉ là bình thường lão không uống thôi. “Còn tôi - Lão tiếp - Tôi cũng lấy vợ, một cô không đẹp không xấu cùng làng. Sau nông trường làm ăn lận đận, người ta cho công nhân thuê đất, khoán sản lượng, gần như là giải tán. Tôi được phân cùng anh Bí thư Chi bộ chăn đàn bò.

Mất điểm quá! Xưa nay đường đường mình cán bộ cán dạng, đi sớm về khuya, quan trọng thế mà giờ lại thành thằng chăn bò thì còn mặt mũi nào về làng, mặt mũi nào nhìn thằng Minh với cái Hoa? Tôi thà đâm đầu vào đâu chết còn hơn. Thế là tôi chạy vạy, chạy vạy, mãi, à không, cũng không lâu, rồi tôi xin được về Sở Nông nghiệp, giữ một chân loong toong.

Tôi lại đàng hoàng đi đi về về, lại bận rộn, quan trọng như ai. Anh bảo khối người có ghen với tôi không, có chết xanh chết xám tiếc tôi không? Dần dần tôi mua được cả xe máy. Giờ thì không “kính coong” nữa mà “pim pim, pim pim”, hề hề… Mọi sự cứ tuần tự như thế, tôi sắp được hạ cánh an toàn thì vướng “cái đận” giảm biên chế năm ngoái.

Cái trò giảm biên chế ác thật - Lão thở hắt ra rồi tiếp - Theo chế độ, tôi về sẽ được lĩnh mấy chục. Nhưng về thì về đâu? Giá nhà ở phố đông, không ai để ý đến ai, chứ ở quê, nhà ai ăn sắn ăn khoai mọi người biết hết. Về để làm bia miệng thế gian, làm cái mõ cho xóm làng gõ ư?

Người ta sẽ kháo nhau: Tưởng cái ông Công kia là công thật, về là đáp xuống đàn gà, ai ngờ lại bị giảm biên chế. Mà giảm biên chế là gì, là dốt nát, không có trình độ chứ sao. Ví thử tôi đau ốm một tí, mình bịa ra là không đủ sức khỏe còn vênh váo được với xóm làng.

Khổ, tôi lại khỏe như vâm. Chính anh chả nhiều lần còn bảo trông tôi trẻ như mới năm mươi tuổi nhỉ? Thế mà đột nhiên lại vác xác về làng, trưa trật trưa lòi vẫn thấy lù lù ở nhà, hết ngày nọ đến ngày kia, không pim pim cũng chẳng bận rộn nữa. Giấu mãi sao được? Người ta sẽ dò hỏi, mình có thể nói dối quanh, nhưng làm sao giấu được mãi. Lại còn người nọ người kia ở chỗ nọ chỗ kia chứ có phải không ai biết mình đâu?

Cuối cùng sự thật lộ ra… Chỉ nghĩ thôi tôi đã muốn cắn lưỡi chết rồi. Người ta sẽ nói bóng nói gió, có người sẽ chửi thẳng vào mặt mình. Thế còn ra cái thể thống gì nữa? Rồi còn họp làng, họp xã, còn đám cưới đám xin, còn ma chay, lễ lạt, thù tạc… Bao nhiêu con người, bấy nhiêu cái miệng. Cả đời mình đẹp đẽ thế rồi, bỗng nhiên hóa ra chả đâu vào đâu. Thế có chết không? Nhỉ! Thế thì chết hẳn chứ còn gì…”.

Bây giờ tôi bắt đầu lờ mờ hiểu được nguồn cơn mối tâm sự âm u trong lòng lão. Tôi không thể khuyên nhủ hay an ủi lão được. “Hệ” của lão khác tôi. Tín niệm của lão đã ăn sâu vào xương tủy lão và đầu độc lão, tôi không chia sẻ được. Cái sĩ hão của lão từng nuôi sống cả đời lão, làm cho lão cảm thấy không đớn hèn, thậm chí oai phong, giờ vì say nên lão nói ra, chắc lúc tỉnh lão vẫn cảm thấy nó vững như bàn thạch. Lão đã lẩn tránh số phận, và tránh cũng khéo. Nhưng sao lão phải lo âu?

- Từ hôm anh về xuống tuần vừa rồi, tôi thấy anh khác lắm. Anh lo gì thế? - Tôi hỏi. Lần này tôi hỏi vì sự quan tâm thành thực, không còn là những câu xã giao vu vơ.

- Đấy, chính là lần tôi về tuần rồi… Nhưng từ từ, để tôi kể cho có đầu có cuối. Tôi ăn đủ rồi đấy. Anh cũng thôi hẳn? Ta làm ấm trà nhé. Nhà hàng, cho ấm trà đây - Lão vẫy cô tiếp viên, đoạn kể tiếp - Lại nói lúc tôi đang ở Sở Nông nghiệp, ông Trưởng phòng Tổ chức một hôm rỉ tai tôi: “Sắp có đợt tinh giản biên chế, xét theo tiêu chí thì anh là đối tượng đợt này”.

Tôi giãy nảy lên: “Anh xem thế nào cứu tôi chứ. Hay phải chạy ở đâu thì chỉ cho tôi chạy”. Lão ấy cười buồn: “Khó lắm ông ạ. Cơ quan mình phải giảm một suất, mà ông là người duy nhất không có bằng cấp ở đây, tuổi xêm xêm trong khung hướng dẫn. Để ông ở lại, cho anh em khác về, ai người ta chịu”.

Lão trưởng phòng nói thế thì tôi tin, vì lão quý tôi. Chả là tôi hay biếu lão ít quà quê mỗi lần về nhà. Khi thì mấy lạng chè, khi dăm cân gạo nếp, lúc lại con cá... Anh em trạc tuổi nhau. Hằng ngày lão cũng đi làm sớm lắm, chỉ sau tôi; cũng không nghiện ngập gì, sắn vắn, ngăn nắp. Cái bằng thạc sĩ của lão ấy thì do chạy chọt này nọ, chứ trình độ hơn gì tôi.

Có văn bản lão ấy đếch biết soạn còn phải nhờ tôi soạn hộ. Vậy nhưng làm tổ chức lâu lão cũng cáo, lão trù tính rồi xui tôi: “Anh với tôi tuổi này mà mang tiếng giảm biên về quê thì chó nó ngửi! Hay anh liệu đường chuồn đi, đi cho thật xa. Giờ mới là chủ trương chung, chưa triển khai cụ thể, chưa có danh sách chính thức, nếu anh đi được thì tôi ủng hộ, tạo điều kiện cho. Thành công thì coi như anh chuyển đi thôi, xin lỗi, đây chuyển chứ không phải giảm biên giảm biếc gì nhá…”.

Có người mách, tôi đến gặp anh tròn một năm về trước, anh còn nhớ chứ? Tôi thừa hiểu là không thể xin làm công chức ở đâu được, cũng không thể xin làm tư nhân ở thành phố quê hương. Thành phố nó bé, người quen thì nhiều. Giấu đến mấy rồi người ta cũng biết.

Tai tiếng bị nhà nước thải, đâm đầu đi kiếm cắc bạc lẻ của mấy ông tư bản mới phất thì anh bảo tôi sống sao nổi. Có thế tôi mới gặp anh, mới phải về tận Hà Nội. Coi như tôi cũng có duyên với anh… Xã tôi nay cũng ấm bụng rồi, có người có thể gọi là giàu. Nhưng đường học hành thì vẫn teo tóp. Đám trẻ chả đứa nào muốn học, học làm gì nếu học chán ra vẫn chẳng kiếm được tiền, chẳng bằng cái thằng ở nhà đi trát vữa, xây thuê. Anh thấy đám trẻ ranh có ngô nghê không? Có ngộ không?

Chúng nó không thấy, không biết cái vẻ vang của đời người công chức. Tôi có đứa con như thế tôi từ mặt. Nên Hà Nội với chúng nghe xa như Hàn Quốc. Tôi ở đây ung dung, khỏi lo đứa nào rách chuyện mò ra mình. Anh bảo tiền làm gì, hùng hục kiếm tiền làm gì? Đã giàu bằng ai? Mà dám đánh đổi cái vinh quang, cái danh dự, cái tự hào của người công chức?

Tuần trước tôi về… À mà anh chưa biết tôi ở nhà thế nào nhỉ? Tôi là ông hoàng, thủ trưởng, giám đốc của vợ của con tôi. Tôi vẫn nói với vợ con, dân làng là tôi làm ở cục Y, thuộc bộ X. Trước tôi cũng kiếm được ít tiền nhờ mấy lần mua bán đất nên tiền nong không quá bí, nó đủ bảo lãnh cho hành vi ông công chức cấp cục ở bộ X của tôi. Tôi về, vợ con phải… phải gì nhỉ… nói như bây giờ là đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên.

Tôi làm ở cục Y, bộ X chứ bỡn… Nhà nào đám xá mời được tôi hạ cố thì sung sướng mấy ngày âm ỉ. Lại khối các ông các bà đến lân la, nào là anh cho nhận xét về tình hình thế giới, nào là theo anh tại sao thời tiết thất thường năm lũ năm hạn; thậm chí, chắc anh biết vì lẽ gì trẻ con bây giờ ăn đủ vẫn bị còi xương, và tại sao các ông rửng mỡ chăng mà lại sinh ra lắm thứ như bệnh gút với đái tháo đường…

Cái vinh hạnh, cái sáng láng của người công chức ở chỗ đó, đồ ngu ạ… Ấy, tôi xin lỗi. Là tôi đang rủa mấy đứa trẻ ranh, anh ạ… Lão bỗng thở hổn hển như đến đoạn đau đớn, ức chế nhất - Vợ tôi đang quét sân thì tái mặt chạy vào, thẽ thọt: “Có anh Chức sang chơi ông ạ”. Một cậu trai trẻ độ mười tám hai mươi bước vào.

Mẹ kiếp! Trông nó đến là kháu! Vợ tôi sùng kính nghiêng người chào. Tôi nhã nhặn hỏi: “Cậu con nhà ai, tôi thấy có nét ngờ ngợ?”. Thằng bé thưa: “Cháu con út của bố Minh mẹ Hoa ạ”. Tôi điếng người! Cái mắt, cái mũi kia lẫn đi đâu được…

Thằng bé lễ độ, từ tốn đúng mực, không khép nép, sợ sệt như đám trai làng khi tiếp xúc với tôi. Thấy bảo nhà nó suốt ngày cười. Bố cười, mẹ cười, con cười; no cười mà đói cũng cười. Thế có mà loạn! Cá mè một lứa! Tôi hơi phong kiến, chồng phải ra chồng, con phải ra con, tất nhiên là bố phải ra bố. Không tơ lơ mơ được!

Giống như các cụ bảo, con gái lấy chồng thì sống làm dâu nhà chồng, chết làm ma nhà chồng; tôi làm thằng công chức thì sống làm công chức nhà nước, chết vẫn phải là anh công chức nhà nước… Ấy, tôi hơi lạc đề rồi. Vợ tôi hãi nó vì nó học quá giỏi, vì nó đỗ thủ khoa Học viện Quân y. Người đầu tiên ở xã tôi từ cổ chí kim đỗ một trường đại học ở Hà Nội.

Ừ thì nó giỏi, nhưng thi Quân y thì là để được miễn học phí mới cả khỏi lo xin việc sau này chứ báu gì. Nó bảo nó ngưỡng mộ tôi, muốn học tập tôi; rằng tôi chính là cảm hứng lớn nhất để nó theo đuổi con đường học hành. Mẹ nó, cứ xoen xoét! Đỗ thủ khoa Học viện Quân y rồi nói gì chẳng được. Nó nói muốn hỏi kinh nghiệm tôi về cuộc sống ở thành phố lớn.

Tôi nghe tai nọ lọt sang tai kia, không để tâm. Rồi đùng một cái, đúng là đùng một cái, hay độp một nhát, hay bỗng nhiên… như lúc anh thấy trời lóe lên tia sét và anh chết lặng đi mấy giây, nó bảo nhất định sẽ tìm thăm tôi ở cơ quan… Hô hô… Cơ quan cái mả mẹ nó! Tôi chết điếng đi! Bấy giờ tôi mới ngớ ra tôi như con thú cùng đường, còn nó là thằng thợ săn đã đánh hơi thấy mồi. Tôi đã trốn chạy số phận, đã ẩn náu tận thủ đô này, tưởng yên thân, mà có lâu nữa đâu! Một năm nữa tôi đủ tuổi nghỉ hưu, nó muốn học cái mả bố nó ở đâu thì học. Sao nó lại đi học lúc này, ngay năm nay?

*

Tôi mở lá thư đọc tiếp.

“Tôi gửi anh ít tiền, nhờ anh làm giúp cái vòng hoa thật hoành tráng, kẻ dòng chữ bắt mắt cho nổi bật, ghi rõ giúp tôi “Cán bộ, công chức Cục Y, Bộ X kính viếng”. Và đóng cho tôi cái phong bì tiền phúng (chắc tầm cỡ Cục phải tương đối anh nhỉ); còn lại nhờ anh thuê cho một hai chiếc xe loại sang. Anh cũng phải làm thế nào để anh em người ta giữ miệng.

Thế thôi, anh giúp tôi nhé. Cắn rơm cắn cỏ lạy anh! Ngàn vạn lần cảm ơn anh! Tôi sẽ phù hộ độ trì cho anh, cho công ty từ thế giới bên kia!

 Người mang ơn anh: Công!”.

Tôi sững sờ đến mười phút. Sự việc đến nước này thì chỉ còn cách giúp cho lão toại nguyện. Tôi ghi vội mấy dòng lên tờ giấy thì cậu kế toán bước vào. “Em đã báo cho ông văn phòng và anh em rồi anh ạ. Ta có làm vòng hoa vòng hiếc gì không?”. “Có. Cậu tìm thuê lấy một chiếc xe bảy chỗ loại đẹp, cùng xe của tôi, chúng ta sẽ đi viếng hai xe. Còn đây” - Tôi đưa mẩu giấy vừa viết cho cậu ta: “Cậu đi đặt một vòng hoa, loại sang nhất, đắt nhất, bảo họ bắn cho dòng chữ này”. Cậu kế toán bẩm bẩm đọc, ngạc nhiên: “Sao lại cục Y, bộ X hả anh?”. Đột nhiên tôi thấy mệt rũ người, khẽ gắt: “Cậu cứ làm cho tôi. Có người tôi quen ở cơ quan ấy nhờ đặt hộ…”. 

Truyện ngắn của Dương Quốc Hải
.
.