Đầu trâu mặt ngựa

Thứ Hai, 26/11/2012, 08:00

Khu tập thể nọ có bốn hộ gồm các gia đình họ Trương, họ Lý, họ Vương và họ Ngưu cùng sinh sống. Quan hệ hằâng ngày giữa họ cũng bình thường, không có gì đáng nói, chỉ có một tật nhỏ là: Hễ gặp dịp có việc gì là họ rất thích so bì hơn thua với nhau.

Các cậu con trai của bốn nhà lần lượt lấy vợ, bốn cô con dâu kẻ trước, người sau đều sinh được bốn chú nhóc bụ bẫm. Đương nhiên, các chú nhóc mới sinh đều cần phải có một cái tên. Người đầu tiên đi đặt tên cho cháu trai là lão Trương. Lão lên thẳng thị trấn, tìm đến một quán chuyên làm dịch vụ đặt tên, tiêu tốn hai trăm tệ mới đặt được cho cháu cái tên Trương Đầu Đẳng. "Đầu Đẳng" có nghĩa là số một. Lão Trương muốn cháu mình đứng số một trong số bốn chú nhóc trong khu tập thể.

Lão Lý cũng không cam chịu lép vế. Sau khi thằng cháu được sinh ra, lão bỏ ra ba trăm tệ để thuê chọn được cái tên rất chuẩn - Lý Thiên Mã. Lão Trương muốn cháu mình đứng số một ư? Đừng hòng! Thằng cháu nhà lão Lý sẽ là một chú Thiên Mã (Ngựa trời). Nó sẽ tung vó một hồi rồi cất cánh bay cao. Đầu Đẳng - cháu lão Trương muốn đuổi theo ư? Hãy đợi đấy!

Thấy hàng xóm như thế, lão Vương cũng rất sốt ruột. Thằng cháu vừa cất tiếng khóc chào đời, lão liền đặt hẳn năm trăm tệ ở quán đặt tên để thuê tìm một cái tên cốt sao cho vừa thật kêu, vừa có ý nghĩa, hơn hẳn tên của cháu hai nhà hàng xóm. Vị tiên sinh chuyên nghề đặt tên nọ cầm năm trăm tệ, đóng cửa mất ba ngày, trầm ngâm suy tính, cuối cùng chọn được một cái tên lấn át hẳn cả "Đầu Đẳng" lẫn "Thiên Mã". Đó là Vương Diện Nam.

"Diện Nam" đúng là một cái tên thật lợi hại, "Diện Nam Bối Bắc" (mặt quay về hướng Nam, lưng quay về hướng Bắc), đây chẳng phải là số sẽ đăng cơ làm hoàng đế sao? Ở Trung Quốc, nghĩ ra được cái tên này thật quá siêu phàm!

Tận mắt thấy ba nhà hàng xóm lần lượt vượt mặt như vậy, lão Ngưu - Ngưu Nhị Hổ buồn rầu đến nỗi bạc hết cả râu. Một hôm, trong bữa cơm trưa nhạt nhẽo chẳng có mùi vị gì, chương trình tin tức của đài truyền hình bỗng có một đoạn tin hút hồn lão. Có một ông chủ lớn người Nhật Bản tên là Phong Điền… gì gì đó phải lên tiếng xin lỗi khách hàng bốn phương vì đã bán ra loạt xe ôtô mắc một cái lỗi nào đó. Ngưu Nhị Hổ vỗ trán đánh bộp một cái, thốt lên: "Ầy dà! Có rồi!".

Lão nghĩ, muốn lấn át cả ba cái tên kia, chỉ có một chiêu, đó là đặt cho cháu mình một cái tên na ná tên ngoại quốc. Hiện tại, kiểu đặt tên có bốn chữ đang là một trào lưu phổ biến.

Thế nhưng, đặt một cái tên có bốn chữ cũng không phải là việc dễ dàng đối với lão. Làm thế nào đây? "Đầu Đẳng", "Thiên Mã", "Diện Nam", ba cái tên này hàng xóm của lão đều phải mất tiền mới có được, bình quân mỗi một chữ đã tiêu tốn mất gần hai trăm tệ chứ đâu có ít! Con cháu nhà lão Ngưu thì đương nhiên là họ Ngưu rồi, còn lại ba chữ thì chỉ việc đem tên của ba đứa trẻ kia tách ra làm sáu chữ, sau đó viết sáu chữ đó vào sáu cái thăm rồi rút lấy ba, được chữ nào, lão sẽ lấy chữ ấy. Thế là sẽ được một cái tên có bốn chữ mà lại chẳng phải mất xu nào!

Nghĩ là làm ngay, Ngưu Nhị Hổ làm sáu cái thăm bằng gỗ, múc một chậu nước sạch, nhắm mắt rút lấy ba cái rồi dùng xà phòng thơm rửa sạch sẽ, sau đó xếp ra mặt đất. Nhìn kỹ các chữ viết trên ba cái thăm, mắt lão Ngưu trố ra.

Cái tên lão vừa chọn được, mới đọc lên đã đủ thấy ngang ngược, chẳng hay ho gì: Ngưu Đầu Mã Diện (Đầu Trâu Mặt Ngựa)!

Trần Dân Phong (dịch)
.
.