Cuộc giải cứu nghẹn lòng
Thằng da trắng quan sát kỹ, sát tai vào cửa kính:
- Mày ơi, trong ca bin có một thằng bé.
- Ủa, nó làm gì mà im lìm vậy?
- Hình như nó rên…
- Để tao xem nào.
- Nó rên thật mày ạ. Đi báo cảnh sát thôi!
Hai đứa vừa quay ra, thì thấy một viên cảnh sát đang đi đến. Chúng chạy tới và nói nhỏ:
- Chú ơi, đằng kia có chuyện lạ…
Viên cảnh sát bước nhanh tới chiếc xe mà anh biết chủ của nó đang ở chỗ nào. Anh rút chùm chìa khoá trong túi quần rộng. Cửa mở liền. Anh bế thằng bé chừng năm tuổi lên, rồi khẽ đặt xuống chỗ cũ. Anh vội vã cởi bộ đồng phục đen của mình, cuộn lại, bảo thằng da đen chạy giấu vào dưới gầm một chiếc ghế đá vườn hoa cách đấy chừng trăm mét.
Thằng bé đang sốt nặng. Phải cứu nó đã. Viên cảnh sát bế nó đi thật nhanh. Hai kẻ ăn cắp hối hả chạy theo cho kịp. Đến trước nhà vị bác sỹ tư có tiếng trong vùng, anh bấm chuông cửa và bảo hai đứa trẻ đứng ngay hai bên:
- Hai cháu đưa nó vào, nhờ ông ấy khám và xin cứ giữ nó lại đây. Đừng nói chú biết việc này.
Viên cảnh sát loáng cái đã mất hút. Bà già vợ ông bác sỹ xuất hiện trước cánh cổng hé mở:
- Có gì khẩn lắm phải không. Trời đã sáng đâu?
- Dạ thưa bà, em bé này bị sốt ghê lắm.
- Em các cháu ư. Thôi, đưa bà bế cho.
Bà nhanh nhẹn đỡ lấy đứa nhỏ từ tay thằng da trắng dáng lơi lòng khòng. Thằng da đen bé nhỏ hơn thì cứ nép vào người nó. Nó chưa bao giờ được đặt chân tới một nơi sạch sẽ, thoáng đãng và yên tĩnh như trong mơ thế này.
- Ôi cháu tôi, nóng hầm hập, nóng như chảo lửa.
Bà vừa quay vào, viên bác sỹ cao lớn đã đứng ngay trước mặt. Hai ông bà đưa thằng bé vào căn phòng vừa bật đèn sáng rực. Con gái ông bà đã chờ sẵn để giúp bố. Bác sỹ quay về phía cô gái cũng ăn vận trắng toát một màu như bố mẹ: “Ca này không phức tạp. Mẹ đỡ ba là được. Con chuẩn bị rồi đi học đi con!”. “Dạ…”. Cô nhắc hai chiếc ghế ở phía xa lại:
- Mời hai em ngồi… Cậu bé là em em à? - Cô hỏi thằng da đen.
- Dạ không, chúng em thấy nó ở...
Thằng da trắng đỡ lời:
-… ở vườn hoa ngoài kia ạ…
*
Thị trấn lâu nay thường yên bình. Xe cộ di chuyển không đông đúc. Người qua lại có vẻ khoan thai và nhàn hạ. Song hôm nay, từ sáng sớm đã nhộn nhịp khác lạ. Dân chúng đi thành từng cụm từ dăm ba người tới vài chục người, lời qua tiếng lại to nhỏ với nhau sôi nổi. Khoảng chín giờ, nhiều đám đông hàng trăm người hình thành ở hầu hết các phố. Đông nhất là ở trước Toà Thị chính và Trụ sở Cảnh sát trung tâm, có lẽ cả chục ngàn người. Hầu như ai cũng đeo hoặc giăng ra trước ngực, không ít người chăng ngang trên đầu một tấm vải lớn, với chữ viết đủ kiểu. “Phản đối kỳ thị người nhập cư!”. “Đả đảo những kẻ táng tận lương tâm và ích kỷ!”; “Đả đảo phân biệt chủng tộc!”.
Đây đó có người diễn thuyết trước đám đông nín lặng. Không ít ánh mắt căm hờn bốc lửa. Không ít khoé mắt đẫm lệ. Thỉnh thoảng lại vang lên phẫn uất những lời như vừa ghi trên. Nhiều nhà báo ngoại quốc sửng sốt trước những màn hình dài rộng trên các ôtô tải cao lừng lững. Những màn hình nhỏ hơn thì có vô số. Cảnh sát khá đông, song không động tĩnh gì.
Một chuyện được ai đó ghi lại và liên tục phát đi phát lại trên các màn hình lớn nhỏ. Ấy là vào chập tối qua, một xe tắc xi bảy chỗ (chở khách và chở hàng) đỗ lại bên cạnh công viên thị trấn này. Đỗ như thế là sai luật. Mươi phút sáu, một xe cảnh sát đến đó. Bước xuống là tám cảnh sát. Họ xúm lại quanh chiếc tắc xi, yêu cầu tài xế xuống xe và xuất trình giấy tờ.
Minh họa: Hà Trí Hiếu |
Người lái tắc xi, da đen, khoảng ba mươi tuổi, vẻ mất bình tĩnh, tay hơi run, khoá cửa buồng lái, rồi mới trình những loại giấy theo yêu cầu của các vị thi hành công vụ. “Anh không phải người Nam Phi hả?” - Viên cảnh sát cao to nhất bọn gay gắt hỏi. “Dạ, tôi là người nước láng giềng…”, (tức Môdămbich). “Ai cho phép anh đột nhập vào Nam Phi?”. “Thưa từ lâu, công dân hai nước vẫn được tự do qua lại…”. “Giờ thì các anh bị cấm rồi…”.
Viên chỉ huy đưa chiếc giấy phép lái xe quốc tế cho một cấp dưới của mình. Người lái tắc xi nhào đến nài nỉ: “Thưa các ông, nếu tôi sai, xin cứ phạt, nhưng đừng giữ giấy phép…”. Bị một cú giáng mạnh vào gáy từ phía sau, người ấy đổ xuống. Lập tức anh ta bị trói gô lại. Toán cảnh sát leo nhanh lên chiếc xe mui trần. Một cảnh sát túm lấy đôi chân anh đã bị cột chặt. Đầu và vai anh nằm ngửa dưới đường. Chiếc xe chuyển bánh. Đầu tài xế tắc xi bị quăng quật hai bên.
“Ô, sao lại hành hạ người ta như thế?”. Vài tiếng người qua lại la lên. Chiếc xe phóng bạt mạng. Nạn nhân bị quăng toàn thân xuống và bị lôi đi trên đường, cho tới Trụ sở Cảnh sát của thị trấn vốn im ắng như một ngôi chùa thơ mộng.
*
Đoạn phim ấy được tung lên mạng. Cả nước Nam Phi bất bình. Biểu tình phản đối nổi lên ở mọi tỉnh. Chuyện này diễn ra sau chuyện hai trẻ ăn cắp và một cảnh sát ẩn danh cứu mạng sống cho một em nhỏ, như đã kể ở đầu truyện. Ba ngày sau, gần nửa đêm, một chiếc xe bảy chỗ lặng lẽ đỗ lại gần nhà vị bác sỹ. Con gái bác sỹ bế em nhỏ ra xe. Em đã khỏi bệnh và đang ngủ ngon lành.
Một phụ nữ da đen xấp xỉ ba mươi tuổi đón lấy nó, nước mắt lưng tròng. “Cảm ơn em. Và cho gửi lời cảm ơn vạn lần ba mẹ em”. “Chị ơi, nhanh lên. Nhất là thật bình tĩnh!”. Chiếc xe lao đi trong tiếng nức nở cố nén của người mẹ trẻ. Như trong phim trinh thám, hai xe máy phóng theo, đi gần song song chiếc xe lẩn tránh. Cầm lái là hai cảnh sát trùm kín đầu. Dĩ nhiên, một là viên cảnh sát sáng hôm nọ. Ngồi sau mỗi vị là một trong hai trẻ vị thành niên ăn cắp mà ta đã biết.
Thằng da trắng nở nụ cười khoái trá mãn nguyện. Nó tưởng mình đang như một nhân vật anh hùng trong phim hình sự. Thế chứ, không thể cứ thích là muốn làm càn gì cũng được. Thằng da đen thì cố tự ghìm không khóc. Nó cứ thì thầm mãi: “Chao ôi, cũng là người mà sao ác với nhau đến vậy. Không giúp được nhau thì thôi. Lòng nào hành hạ nhau như con vật… Ông ơi, cháu không ngờ mấy năm sau khi ông mất, chuyện đau lòng như thế lại diễn ra ở xứ này…”.
Sáng đó, viên cảnh sát đã quay lại, bí mật lái xe giấu vào rừng sâu. Nhờ hành lý của nạn nhân còn lại, ông liên lạc được với người vợ của chàng trai Môdămbích đã chết vì chảy máu trong sau hai giờ bị hạ nhục. Ông chỉ dẫn đường đi nước bước cho chị này. Và cuộc “đào tẩu” đã được thực hiện đúng kế hoạch. Chiếc xe bất hạnh đến nơi ít bị canh phòng nhất ở biên giới hai nước có nguy cơ trở thành đối địch, vì Nam Phi bỗng rộ lên phong trào kết tội bất cứ người Môdămbích nào vào làm ăn đều là nhập cư trái phép. Hai xe máy áp sát chiếc ôtô.
Khi chia tay, viên cảnh sát hôm nọ nói nhỏ với người vợ goá: “Tám tên tội đồ sắp bị bắt rồi. Chúc hai mẹ con bình yên vô sự !”. Chị toan nói gì đó, viên cảnh sát xua tay và ra hiệu chạy gấp. Chiếc xe lao vút đi. Tiếng bật khóc nghẹn ngào cứ trở lại, trở lại hoài…
Trương Ái Thi (dịch)