Của trời

Thứ Bảy, 20/06/2020, 08:14
Ông Tiếp nặng nhọc lê từng bậc cầu thang xuống tầng một nơi chị giúp việc đang canh bát yến súp vi cá mập, ngồi đợi. Thấy ông xuống, chị vội đứng lên có ý đưa tay cho ông vịn, nhưng ông khẽ ẩy ra nên chị lại nem nép đứng sang bên và chạy lại phía bàn ăn, kéo sẵn cái ghế cho ông ngồi...

- Ông ăn đi kẻo nguội hết rồi, hay là để cháu hâm cho nóng.

- Thôi, khỏi cần, chị cứ đi làm việc của chị.

 Người giúp việc khẽ gập người và bước vào gian bếp. Ở ngoài bàn ăn, mình ông ngồi bất động, kệ cho làn hơi nóng từ bát yến bốc lên mỏng dần rồi bay hết. Mươi phút sau, chị giúp việc trở ra. Ông chỉ tay về phía tủ rượu:

- Chị lấy cho tôi chai rượu.

Chưa bao giờ ông uống rượu vào buổi sáng, lẽ ra mọi khi thì giờ này ông cùng với Thiên Dung và hai thằng con trai đang ăn sáng, chuyện trò rôm rả rồi bàn bạc hôm nay đi chơi đâu, mua sắm những gì mà thông thường ông là người phải tuân lệnh, chấp hành ý kiến của ba mẹ con họ. Đi đâu, làm gì, mua gì cũng được, miễn cho vợ vui con thích là ông thấy hạnh phúc. 

Tự nhiên ông thèm nghe tiếng của hai thằng con trai trứng gà trứng vịt, anh lớp 6 em lớp 4 chành chọe nhau trong bữa ăn, rồi tiếng vợ mắng yêu hai thằng quỷ sứ đều tên Bảo. Thằng lớn là Thiên Bảo, nhỏ là Ngọc Bảo. Rồi những cử chỉ của vợ ép ông phải ăn thêm một hai thìa súp yến để giữ gìn phong độ. "Dạo này tóc ông đã đốm bạc rồi, mỗi khi cười lại thấy chân chim, chân cò". Biết vợ nịnh yêu vậy thôi, ông cũng tự thấy mình đã ở cái tuổi ngoại ngũ tuần thì họa có thuốc trường sinh bất lão may ra, chứ còn đã là người thì mọi thứ phải thuận theo lẽ tự nhiên.

Chai Chivas 38 vơi non nửa.

Ông Tiếp cũng đã say khật khừ vì chưa khi nào uống nhiều quá thế.

Khi ở cơ quan phải đi tiếp khách bao giờ cũng có cậu thư ký ngồi cạnh. Mỗi lần ông cụng ly chỉ lấy lệ rồi lại trút sang cho đệ tử uống hộ. Ông lảo đảo đứng dậy, chị giúp việc chạy tới dìu ông lên phòng và vắt cho ông cốc nước cam và ra ngoài cửa phòng ngồi canh chừng rồi chị gà gật, thiếp đi lúc nào không biết.

Trong phòng ngủ, ông Tiếp cũng đang mộng mị trong cơn men bã bời…

*

14 năm về trước khi Trần Tiếp còn đang làm Phó Giám đốc Sở Tài chính của tỉnh ở độ tuổi 42, thuộc loại cán bộ trẻ và có nhiều triển vọng. Vợ ông, bà Cải hơn ông hai tuổi, lấy nhau từ hồi hai người mới rời đất Bắc đi kinh tế mới. Ông cưới bà Cải chẳng phải yêu đương gì mà do vào khu kinh tế mới heo hút buồn tẻ, gặp đồng hương rồi trót có thai nên ông miễn cưỡng phải lấy bà thôi. 

Bà Cải sinh cho ông hai cô con gái. Từ khi ông được bổ nhiệm Phó giám đốc Sở thì bà Cải xin nghỉ hưu non ở nhà cơm nước vì sức khỏe bà không được tốt vả lại thu nhập của ông dư sức nuôi cả nhà. Cũng chính từ đấy mà chuyện tình cảm giữa ông bà bắt đầu trục trặc vì bà suốt ngày quanh quẩn góc nhà nên chả chú ý gì đến hình thức, ăn mặc mà vốn xưa nay bà xuề xòa. Cái ống quần lúc nào cũng xoăn tít như lò so cũng kệ, góp ý thì bà bảo suốt ngày ru rú trong nhà, đi đâu mà phải trưng diện. 

Trái với bà, ông Tiếp đang tuổi tứ tuần, độ tuổi chín nhất trong đời người đàn ông, lại đang có chức có quyền. Mỗi lần ông bước lên con xe Camry đến công sở làm việc là như bước vào một thế giới hoàn toàn khác. Xung quanh ông bao kẻ chỉ chực chờ ông ngỏ lời việc này việc kia là giành làm để ghi điểm hòng lọt mắt xanh của ông mỗi khi bổ nhiệm, tăng lương hay đề bạt cấp phòng, ban.

 Mỗi lần đi công cán, giao dịch trong và ngoài nước, rồi thăm thú, tiệc tùng... ông như vua muốn gì được nấy trong cái tỉnh xa hút này. Trên các diễn đàn, hội nghị ông tựa người hùng, một lãnh đạo trẻ có năng lực, quyết đoán, một tấm gương để đám trẻ noi theo. Còn mặt kia ông lại hăm hở trở về không sai một ly với đúng con người bản năng của ông. Lúc đầu ông kiềm chế ngại ngùng, nhưng mưa dần thấm lâu. Cái đám đệ tử của ông lại quá nhiều chiêu trò dẫn dụ… thế là ông thả mình lúc nào chính ông cũng không hay. 

Ông không nhớ đã có bao nhiêu "người tình một đêm",… thậm chí cả các cô gái trong quán karaoke, làm tóc, gội đầu rồi đến nhân viên nữ dưới quyền muốn tiếp cận ông để "đổi đất lấy hòa bình". Lâu dần, sinh hoạt của ông thành chứng… nghiện, và ông lãnh cảm với bà Cải đã bước sang tuổi xế chiều đàn bà. Ông sống với vợ chỉ còn là gá nghĩa, vì hai đứa con gái. 

Cứ thế, tuy sống cùng một nhà nhưng hai người trở thành hai cái bóng lạnh lẽo xa cách trong căn biệt thự, không mấy khi vợ chồng nói với nhau được dăm câu. Bà Cải cũng mơ hồ nhận thấy điều gì bất an, mong manh trong tình cảm vợ chồng. Cũng chỉ biết gọi điện tâm sự với hai cô con gái, nhưng chúng nó còn mải làm ăn, mải học. 

Bà Cải lạc lõng cô đơn ngay trong chính căn nhà của mình. Nhiều đêm chồng không về, bà một mình vò võ trong căn phòng hoang lạnh, bà khóc, khóc cạn nước mắt lại đứng dậy đi xuống nhà bật tất cả đèn lên cho đỡ lạnh lẽo u tịch. Khi ông Tiếp được bổ nhiệm Giám đốc Sở Tài chính thì cũng là lúc cuộc đời ông rẽ sang ngả khác. Nhiều người thì cho là phúc, nhưng cũng có người lúc ấy đã nghĩ là mầm họa nhưng sợ ông, không dám nói ra, ấy là khi ông gặp Thiên Dung, sau này là vợ kế của ông.

Minh họa: Lê Trí Dũng

…Năm ấy Sở Tài chính đón một đoàn sinh viên đại học ở thành phố về thực tập để làm luận văn tốt nghiệp, bốn người, hai nam hai nữ. Hôm đầu tiên gặp mặt mấy sinh viên tới trình giấy giới thiệu, liếc nhìn cái tên Thiên Dung và bắt gặp ánh mắt vừa e thẹn, vừa như dạn dĩ trên khuôn mặt xinh xắn và thân hình với những đường cong tuyệt đẹp, trong người ông Tiếp dâng lên một cảm xúc thật khó tả và cả đêm hôm ấy ông trằn trọc không tài nào ngủ được, cứ như bị ma làm.

  Thời gian thực tập sau, ông mới có dịp tìm hiểu về Thiên Dung, cô là con cả một gia đình nông dân miền sông nước, dưới cô còn một lũ em nhỏ, hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn túng thiếu, ba má cô tuổi tác trạc như vợ chồng ông nên khi xưng hô Thiên Dung vẫn kêu ông bằng chú xưng con.

  Buổi chiều đang rỗi việc trong phòng, ông nhìn thấy Thiên Dung đi ngang ngoài hành lang, ông vẫy cô vào. Sau khi đã dăm ba câu chuyện, ông chủ động:

- Tôi với Dung có họ hàng, bà con gì đâu mà kêu bằng chú, nghe kỳ thế nào ấy.

- Dạ thưa chú!

- Đấy, vừa mới nói xong lại chú rồi, từ nay hãy gọi tôi bằng anh, chả lẽ Dung thấy tôi già lắm sao?

- Dạ không, nếu chú cho phép thì từ nay cháu, à… em sẽ gọi... ạ.

 Rồi cô mạnh bạo xích lại chỗ ông trên đi - văng. Mùi nước hoa phả vào mặt ông gợi cảm, quên cả khoảng cách về tuổi tác. Ông nắm lấy tay Thiên Dung và giữ rất lâu. Dung để yên bàn tay bé nhỏ mềm mại trong tay ông, cô cảm thấy như có luồng điện chạy dọc sống lưng trong giây lát. Ngước đôi mắt nhìn thẳng vào mắt Trần Tiếp, Thiên Dung không nói gì… cô từ từ rút nhẹ bàn tay ra khỏi tay ông.

- Thôi, em phải về đây, ở lâu, phiền cho anh.

- Phiền gì đâu, anh đang rỗi mà.

- Hẹn anh hôm khác, anh có số của em rồi chứ?

 Đột nhiên cô ào tới hôn nhẹ lên trán Trần Tiếp. Rồi cô quay gót ra cửa, trước khi khép cửa lại còn liếc ông một cái thật dài.

 Trần Tiếp quá bất ngờ, nên khi Thiên Dung đã ra khỏi phòng rồi ông mới cất được câu:

- Ừ, em về nhé, gặp lại sau.

Từ buổi hôm đó, mỗi ngày mà không nhìn thấy Thiên Dung là ông lại bồn chồn, thiếu vắng. Để có cớ gặp Dung thỉnh thoảng ông mời cả nhóm sinh viên thực tập đi ăn, rồi cà phê. Cả bọn khoái ra mặt, được đi ăn uống với giám đốc Sở, thì nhất còn gì. Thỉnh thoảng ông lại cho cả nhóm quà, không thiếu ai sau mỗi lần đi công tác tỉnh xa về. Rồi việc cả nhóm được mời đi ăn uống thưa dần, chỉ còn lại hai người - Ông Tiếp và Thiên Dung. Thỉnh thoảng, mấy đứa bạn cứ nhắc khéo Thiên Dung thì nhận ngay từ cô sự lảng tránh hay biện bạch: Chắc dạo này anh Tiếp lu bu công chuyện.

  Thấm thoắt thời gian thực tập đã hết, Thiên Dung cùng cả nhóm chia tay Trần Tiếp về lại thành phố. Buổi liên hoan tạm biệt thật bịn rịn và cảm động, kẻ ở người đi, dù cười nói đấy, nhưng trong lòng ông rất buồn vì phải chia tay cô gái đẹp. Ông hứa với nhóm sinh viên rằng cứ về thành phố tiếp tục học tập, khi nào ra trường có khó khăn gì về công việc cứ điện thoại cho ông, ông sẽ giúp đỡ vì bạn bè của ông dưới thành phố rất nhiều. Riêng với Thiên Dung thì buổi tối hôm trước khi ở quán cà phê Đợi, ông đã tặng cho cô chiếc Iphone S và một thẻ tín dụng có sẵn trong tài khoản 50 triệu và bảo cô hãy thuê  một căn phòng trọ ấm cúng bên ngoài ký túc xá để thỉnh thoảng ông xuống thành phố họp hành, ghé qua thăm cho tiện.

… Cuối năm ấy, cả tỉnh râm ran về chuyện đám cưới của Giám đốc Sở Tài chính Trần Tiếp, sau khi ông ly dị bà Cải để ở với Thiên Dung, cô sinh viên thực tập năm trước. Rất nhiều ý kiến can ngăn, phản đối, thậm chí các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh đã gặp riêng để phân tích thiệt hơn của việc Trần Tiếp đi bước nữa và mong ông nghĩ lại. Nhưng tính Trần Tiếp thì không ai lạ nữa, một khi ông đã quyết thì khó lay chuyển. Hơn nữa trong việc ông và bà Cải chia tay là do bà ấy tự nguyện và chủ động viết đơn ly hôn chứ ông không hề ép buộc gì, và ai hỏi thì bà Cải cũng đều nói như vậy: nguyên nhân chỉ do tính tình không hợp nên muốn giải phóng cho ông. 

Đương nhiên là mọi người đều bán tín bán nghi, ai chắc chắn rằng bà Cải tự nguyện ly hôn hay là đều nằm trong sự trù tính của ông chồng, vốn là người đa mưu túc trí. Lúc đầu hai cô con gái Mỹ Hằng, Mỹ Hạnh cũng phản đối kịch liệt về chuyện bố đi bưóc nữa, nhưng ông Tiếp dọa: "Nếu chúng mày phá đám thì ông sẽ thôi không bố con gì nữa và sẽ cắt viện trợ mà chúng đang ăn tiêu như những bà hoàng", nên dù ấm ức, cuối cùng hai cô con gái cũng phải bằng lòng. 

Biết có điều ong tiếng ve về tuổi tác và nhiều câu chuyện từ hồi Thiên Dung về thực tập nên đám cưới giữa họ cũng chỉ tổ chức đơn giản. Lúc đầu Thiên Dung dứt khoát không đồng ý, cô muốn có một đám cưới hoành tráng cho bằng chị bằng em, nhưng sau khi nghe Trần Tiếp thuyết phục, cô mới chịu. Sau đám cưới, đôi uyên ương đi tuần trăng mật ở đảo Jeru-Hàn Quốc, tất tật chi phí cho đám cưới cho chuyến trăng mật ông không phải bỏ ra đồng nào vì đã có mấy chiến hữu sân sau lo cho ông chu đáo.

 Khỏi phải nói Trần Tiếp hạnh phúc đến nhường nào. Đúng là ông trời đã ban cho ông tuyệt tác, một người vợ, một người tình trong mơ mà ngày đêm. Ông mong ngóng Thiên Dung sẽ sinh cho ông những đứa con, nhất là con trai nữa thì đời ông vô cùng mãn nguyện, bởi mấy chục năm sống với bà Cải, rồi hai đứa con gái ra đời, tuy ông không nói ra nhưng trong lòng ông rất buồn. Ở quê, bố mẹ ông sinh được ba người con trai, anh cả thì hy sinh ở chiến trường, thằng chú út cố đẻ thêm đứa thứ ba vẫn vịt giời nên ông lo lắng nay mai lấy ai hương khói phụng thờ tiên tổ.

Sau đám cưới, Trần Tiếp tác động với Sở Công thương bố trí cho Thiên Dung một chỗ làm phù hợp với kiến thức cô đã học, ông không muốn đưa vợ về Sở mình phụ trách, tránh điều tiếng, dị nghị. Đã nửa năm trôi qua mà chưa thấy vợ bầu bí gì, ông cũng sốt ruột nên giục vợ đi khám, Thiên Dung bảo tốt nhất là cả hai đi kiểm tra. Nghe lời vợ, cả hai vợ chồng về bệnh viện thành phố kiểm tra, Thiên Dung thì bình thường, ngược lại thì ông hơi có vấn đề…, bác sĩ tư vấn cho ông về chế độ ăn uống, sinh hoạt, tần suất gặp gỡ là có thể ổn và còn tếu táo: "Anh cứ yên tâm, chỉ cần làm theo lời tôi có khi còn phanh không kịp. Trông phu nhân của anh tướng ấy mắn phải biết".

  Một năm trời vẫn chưa có tin vui, ông rất sốt ruột. Một tối Thiên Dung bàn với chồng là để cô về thành phố học Cao học vì lẽ đang son rỗi, hai là tạo khoảng cách về thời gian như lời bác sĩ khuyên, vả lại mỗi tháng cô chỉ phải học ở trường có 10 ngày nên vợ chồng cũng không phải xa nhau quá lâu. Rất hợp tình, hợp lý, ông thuận theo ý vợ nhưng cũng không thật thoải mái vì ông không muốn xa Thiên Dung dù chỉ một ngày.

  Thằng cha bác sĩ thánh thật, mình mà không nghe theo hắn thì hỏng, ông Tiếp ngồi trong phòng lẩm bẩm, Thiên Dung mới về thành phố học được 3 kỳ thì bỗng  một hôm ông nhận được điện thoại của vợ là thấy người khang khác nên đi khám, bác sĩ bảo đã đậu thai, còn trai hay gái thì phải đợi thêm ít ngày nữa siêu âm mới chính xác. Ông vui như mở cờ chỉ mong hết ngày để sớm mai về thành phố gặp vợ. Mấy nhân viên thường ngày trình công văn giấy tờ cho sếp rất ngạc nhiên vì ông chỉ liếc qua là đã rút bút ký đánh roẹt, chả bù mọi khi nâng lên đặt xuống căn vặn đủ điều mới hạ bút.

Đến cữ, Thiên Dung sinh con trai, thằng bé đẹp như tranh vẽ. Chuyện, vợ ông đẹp như thế, ông cũng phong độ có kém cạnh ai. Thiên Bảo là tên thằng bé, là của quý của trời cho vợ chồng ông. Buổi lễ thôi nôi tổ chức tại khách sạn sang trọng nhất thành phố, bao nến, hoa tươi, rượu quý và vô vàn những lời chúc mừng đầy những mỹ từ...

*

Khi Thiên Bảo tròn hai tuổi thì bố Thiên Dung ở quê mắc bệnh đau yếu liên miên, đi lại bệnh viện ở thành phố như cơm bữa. Những ngày cuối tuần Dung thường xin phép chồng cho cả Thiên Bảo về thành phố thăm ngoại, hôm sau lại về. Mấy lần đầu ông cùng đi, xuống ở khách sạn rồi vào thăm bố vợ, nhưng về sau cũng do bận công việc nên ông để hai mẹ con đi, khi thì lái xe của ông chở, khi thì xe của đệ tử xếp hàng mới đến lượt để đưa đón bà chị.  Sau Dung bảo không nên làm thế, anh phải giữ gìn…, cứ để hai mẹ con đi taxi về cho tiện, có những lần cô ở lại thành phố cả tuần liền, ông cũng thấy phải, vợ ông gái một con đêm hôm đi với lái xe, đệ tử có khi thiên hạ lại dị nghị cũng nên.

Chạy đi chạy về chăm sóc bố ốm ba tháng ở bệnh viện thành phố thì Thiên Dung lại mang thai đứa con thứ hai. Trần Tiếp suốt ngày tâm đắc, gật đầu nhớ lại lời tư vấn của bác sĩ, không nên ỷ lại vào các phương thuốc cường dương đại bổ mà chỉ cần điều độ là được.

Sau khi sinh đứa thứ hai, Thiên Dung được bổ nhiệm Trưởng phòng vì có bằng Thạc sĩ và cái quan trọng tín nhiệm bởi là phu nhân của giám đốc siêu Sở trong tỉnh nhà. Quyền lực như một thứ gây nghiện, Thiên Dung vẫn chưa muốn dừng ở đó, cô muốn bước tiếp trên con đường danh vọng, bởi vì nó quá đơn giản không phải lao tâm khổ tứ gì. Trong Sở vừa rồi rà soát thì có 2 vị Phó giám đốc sẽ về hưu khi hết nhiệm kỳ, đó là đích ngắm của cô trước khi Trần Tiếp rời chính trường, thế là cô đề đạt với chồng nguyện vọng đi làm Tiến sĩ để chuẩn hóa chức danh quy hoạch.

Một buổi tối khi ông cùng Thiên Bảo và Gia Bảo đang ngồi nhâm nhi hoa quả tươi sau bữa cơm. Vợ thì đang theo học ở thành phố, điện thoại rung, Mỹ Hạnh con gái lớn gọi cho ông, cầm ống nghe lên, con gái nói ông đi vào phòng riêng vì có việc quan trọng muốn nói. Không biết con gái nói gì, chỉ thấy ông ừ ừ, à à, mặt ông biến sắc, mồ hôi túa ra như tắm và cuối cùng ông mới nói được vài câu: "Con à…, liệu có nhìn nhầm không và không được nói chuyện này với ai, kể cả con Hằng, để cho bố tính".

Không thể nào có chuyện động trời cô con gái nhìn thấy mẹ kế vai kề vai với một người đàn ông bước từ trong một khách sạn ra. Chắc có kẻ nào muốn hại ông đây. Nhưng, chính con gái mình nói ra, không lẽ nào, không thể có chuyện ấy được.

Ngày thứ bảy, hai thằng con đi học, ông Tiếp sau một đêm mất ngủ vì cú điện thoại của con gái ông muốn ra ngoài đi dạo cho đỡ ngột ngạt, tù túng.

Bước chân ra khỏi nhà, thành phố ngày cuối tuần yên ả lạ. Ông Tiếp vừa bách bộ vừa hít thở bầu không khí ban mai tinh khiết khiến đầu óc ông có phần thư thái lại, nhưng vẫn chưa thể gạt đi nỗi lo sợ  mơ hồ mà chính ông cũng không cắt nghĩa được. Ông sải bước định qua đường ghé vào quán cà phê đối diện thì bỗng… rầm, mắt ông tối sầm, ngã xuống đường bất tỉnh, một người đi chợ chở chất ngất mấy chiếc thùng xốp đựng hoa quả do chủ quan đường vắng phóng nhanh và cũng lỗi một phần do ông Tiếp sơ ý khi sang đường nên xảy ra cơ sự. 

Mọi người xúm lại gọi xe đưa ông vào bệnh viện cấp cứu, ông bị gãy chân phải, mất máu khá nhiều. Sau khi các bác sĩ đã cầm  máu và băng bó vết thương cho ông, nhưng do mất máu nhiều nên thể trạng rất yếu, nếu không tiếp máu kịp thời rất dễ trụy tim mạch và nguy hiểm đến tính mạng, nhưng khi lấy máu xét nghiệm thì nhóm máu của ông thuộc loại nhóm hiếm, trong bệnh viện tỉnh lẻ không có đơn vị máu dự trữ nào cùng với nhóm máu của ông.

Tin Giám đốc Sở Tài chính bị tai nạn cần tiếp máu gấp chỉ phút chốc đã loang khắp phố núi, lập tức những thanh niên trẻ khỏe trong sở được huy động đến bệnh viện để tiếp máu cho sếp. Nhưng khổ một nỗi cả 5 - 6 thanh niên sau khi xét nghiệm thì không ai có nhóm máu trùng với ông Tiếp cả. Bác sĩ rất lo lắng vì nếu không có máu  kịp thời thì rất nguy hiểm đến tính mạng, còn phương án chuyển ông Tiếp xuống thành phố thì cũng rất phiêu lưu, vì phải đi ba bốn tiếng mới đến nơi. 

Chưa kể những diễn biến khó lường trên đường đi. Chỉ còn cách duy nhất là lấy máu của hai đứa con trai để truyền cho ông. Người nhà đến trường học đón Thiên Bảo, Gia Bảo vào bệnh viện để tiếp máu cho ba. Bác sĩ lập tức lấy mẫu máu của hai đứa trẻ xét nghiệm, nhưng thật bất ngờ, Thiên Bảo nhóm máu A, Gia Bảo nhóm máu B, không có đứa nào cùng nhóm máu O với ba nó cả! Giám đốc bệnh viện phải thân chinh huy động lượng máu dự trữ đặc biệt cuối cùng của những người hiến máu mới cứu ông Tiếp qua phút ngặt nghèo…

 Thiên Bảo đến bên giường bệnh ôm ngang người cha:

 - Ba cố lên, con và Ngọc Bảo sẽ tiếp máu cho ba, bao nhiêu chúng con cũng tiếp cho ba được. Ba không được chết, chúng con yêu ba nhất trên đời. Má đang trên đường về sắp đến đây rồi.

  - Chúng mình đã tiếp máu cho ba đâu, bác sĩ chỉ lấy tí xíu để xét nghiệm thôi mà.

  Gia Bảo vô tư cãi lại anh.

  Nước mắt của Thiên Bảo rơi xuống nóng hổi trên khuôn mặt Trần Tiếp như đánh thức ông dậy, ông cố mở to đôi mắt nhìn thằng con trai "yêu quý - của trời" cho ông. Nó đẹp như một thiên thần, chỉ có điều khuôn mặt ấy cứ mờ dần, mờ dần như đang muốn rời xa ông. Trần Tiếp hốt hoảng đưa hai tay lên như muốn níu giữ lại một thứ vô hình đang dần trôi tuột khỏi mình. Gia Bảo từ nãy ngồi dưới mé giường chả hiểu chuyện gì đang xảy ra, thỉnh thoảng lại ngó ra ngoài cửa sốt ruột đợi má trên đường về thì có một bóng người. Nó chạy ra tưởng là má, nhưng không phải. Trước mặt nó là một phụ nữ đã luống tuổi, tóc điểm bạc, ăn vận xuyềnh xoàng đi cùng là một cô gái trạc tuổi Mỹ Hằng, con cùng cha khác mẹ với Thiên Bảo, Gia Bảo:

- Cho bác hỏi ông Trần Tiếp nằm ở... Người đàn bà chưa dứt lời thì Gia Bảo đã nói :

- Ba cháu nằm trong này.

Hai mẹ con người đàn bà bước vào phòng bệnh, đến sát giường nơi Trần Tiếp nằm :

- Chào ông Tiếp.

 Nghe tiếng người lạ, ông Tiếp gỡ tay ra khỏi bàn tay Thiên Bảo, vẻ ngạc nhiên:

- Bà, bà, là?

- Ông không nhận ra tôi sao? Tôi là Sen, người giúp việc cho gia đình ông hơn hai mươi năm về trước

  Trần Tiếp nhíu đôi lông mày:

- À, phải rồi, bà Sen, tôi nhớ ra rồi. Thế còn...- ông Tiếp chỉ tay về phía cô gái đi cùng .

- Đây là Hận, con gái tôi, nó cũng là con của ông!

 Như sét đánh ngang tai, Trần Tiếp cố trấn tĩnh:

- Con tôi? bà nói nó là con tôi, tôi không hiểu.

 Nét mặt bà Sen đanh lại:

- Chắc là ông đã quên hay cố tình quên. Vậy để tôi nhắc cho ông. Ông có còn nhớ cái đêm cách đây đã hai mươi bốn năm, trong một đêm mưa gió khi bà nhà đang ở trong bệnh viện với cô Hạnh, chỉ còn mình tôi ở nhà và lúc ấy ông đi làm về người còn đầy mùi rượu...

 Bà Sen nói đến câu nào là trong đầu ông Tiếp như một cuộn phim tua ngược  và ông đã nhớ tất cả và bây giờ ông mới hiểu tại sao cô Sen giúp việc ngày ấy lại đột ngột bỏ việc  và không còn tung tích gì nữa.

- Đây là người đã sinh ra con.

 Bà Sen nói với cô con gái. Khuôn mặt cô gái tên Hận không tỏ ra cảm xúc gì, cô nhìn ông Tiếp chằm chặp như cố kiếm tìm xem giữa cô và người đàn ông kia có mối liên hệ  máu mủ gì không? Hình như không có gì cả, hay là vì quá đột ngột nên cô chưa kịp nhận ra.

  Ông Tiếp gắng gượng nhờ Thiên Bảo đỡ dậy ngồi dựa lưng vào tường, cơn đau dường như tan biến mất. Không lẽ cô gái kia lại chính là giọt máu của mình, thật tình ông không  bao giờ nghĩ tới điều đó.

- Thế hai mẹ con...

 Trần Tiếp chưa dứt lời thì bà Sen ngắt lời:

 - Hôm nay tôi đưa con Hận đến đây, không phải là vì thấy người sang bắt quàng làm họ. Ông yên tâm, mẹ con tôi sẽ không làm phiền ông đâu, mà vì tuần sau nó đi lấy chồng. Tôi không muốn nó phải mang thân phận một đứa con hoang, nên đưa đến đây để cho nó biết người cha đã sinh ra nó, vì người đó mà mẹ con tôi bị họ hàng ruồng rẫy, mọi người bêu riếu. Tôi đã giấu nó hai mươi bốn năm nay, nhưng hôm nay thì phải cho nó biết. Thôi chào ông, chúc ông chóng lành bệnh.

  Nói rồi, bà Sen dắt tay cô con gái quay gót ra cửa. Trần Tiếp nhoài người đưa cánh tay về phía trước thều thào:

- Con, con đừng đi.- Rồi ông đổ sập xuống giường, cánh tay còn chới với.

Hai mẹ con bà Sen đi như chạy ra khỏi phòng bệnh.

Thiên Bảo chạy theo hai người ra ngoài hành lang bệnh viện, cất tiếng gọi.

Tiếng của thằng bé lạc đi, rơi vào thinh không.

Bỗng một tiếng sét với tia chớp lóa nhằng nhịt xé toạc màn đêm, cơn mưa cao nguyên bất chợt ập đến, mây đen, giông gió vần vũ cả bầu trời.

Truyện ngắn của Đoàn Xuân Tuyến
.
.