Chuyện gặp trên đường

Thứ Hai, 08/05/2017, 09:18
Tàu vào ga. Thành phố đang lúc tan giờ làm việc, người và xe đi lại náo nhiệt. Người đàn bà và đứa trẻ ngồi gần tôi trong cùng toa tàu đang hết sức lúng túng với mớ hành lý lủng củng. Đứa trẻ thì hiếu động, chạy hết chỗ nọ lại trèo lên chỗ kia khiến người đàn bà vô cùng vất vả, luôn mồm gọi...

Từ một góc sân ga, không biết xảy ra chuyện gì khiến nhiều người xúm đông xúm đỏ. Thằng bé vụt bứt ra khỏi tay người đàn bà, chạy tới đó. Gọi không được, người đàn bà vội nhờ tôi trông nom hành lý rồi chạy bổ đi tìm. Thế là tôi trở thành người bảo vệ bất đắc dĩ.

Sân ga đã vãn khách. Tôi chào người đàn bà và ngồi lên chiếc xe ôm duy nhất còn lại. Bà chào lại tôi, nhưng trong ánh mắt thoáng chút thất vọng.

Đi được một đoạn, chợt linh cảm có điều gì bất ổn, tôi nhờ người lái xe ôm cho quay trở lại.

- Tôi có thể giúp gì cho bà được không?

- Nếu có thể, xin ông giúp đưa thằng nhỏ này về nhà tôi - Người đàn bà mừng rỡ nói, trong ánh mắt trĩu nặng lo âu của bà không giấu nổi vẻ năn nỉ, hàm ơn.

Khi chuẩn bị sang đường, người đàn bà nói với tôi: “Xin ông giữ cháu cho thật chặt. Nó nghịch lắm và chẳng biết sợ là gì”.

Đường chúng tôi qua chưa phải là con đường chính trong thành phố. Xe máy ngược xuôi hai chiều, bụi và hơi xăng nồng nặc đến khó chịu.

- Ông ơi, ông là ai? - Thằng nhỏ chợt hỏi tôi.

- Ông là một người qua đường cùng với cháu - Tôi trả lời, nhưng rồi chỉnh lại ngay - Thế cháu không biết chúng ta là những người cùng đi trên một chuyến tàu sao?

- Ông giữ cháu chặt thế? Ông sợ cháu đâm vào xe à?

- Có thể!

- Ông đừng ngại, cháu biết tránh mà.

- Nhưng xe thì không tránh cháu đâu! - Người đàn bà đi phía sau chợt thét lên với đứa trẻ.

Minh họa: Lê Tâm.

Ngôi nhà của người đàn bà nằm sâu trong ngõ nhỏ, hầu hết được xây theo kiểu khu tập thể những năm sáu, bảy mươi của thế kỷ trước. Hoạ hoằn lắm mới thấy có được một ngôi nhà tương đối thuận mắt, tường vôi mới, chứng tỏ chủ nhân của nó cũng chỉ mới khá lên gần đây. Quán nước thì nhiều, mái cót, quây vải nilon. Khách uống nước phần nhiều là thanh niên. Mỗi lần qua tôi có cảm giác như bị giám sát từ phía sau.

Nỗi khó chịu dần cũng qua khi người đàn bà về gần đến nhà. Hàng xóm chào hỏi nhau, vài lời trao đổi nhẹ. Có người đưa nhanh ánh mắt về phía tôi với nụ cười thân thiện.

Bà dừng lại trước cửa một ngôi nhà. Một ngôi nhà có chung một dung nhan cũ kỹ như rất nhiều ngôi nhà tôi đã qua từ đầu ngõ. “Đến nhà rồi, mời ông vào dừng chân một lát” - Người đàn bà nói. Tôi không từ chối, vì tôi cảm thấy một điều gì đó cuốn hút mà tôi chưa hiểu được.

Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là một ban thờ nhỏ. Trên ban thờ là ảnh một thanh niên còn rất trẻ, ánh mắt sáng và lành. Đồ đạc trong nhà toàn là đồ cũ, tủ giả chỉ còn lại bộ khung, ngay cái bàn uống nước cũng chỉ là cái bàn làm việc thường thấy ở các công sở những năm bảy mươi của thế kỷ trước.

Hình như bão tố đã đi qua gia đình này.

Người đàn bà từ nhà dưới đi lên. Khi khuôn mặt ấy được rửa sạch bụi đường, tôi có chút bỡ ngỡ. Không biết bà ấy năm nay bao nhiêu tuổi. Có thể trên sáu mươi mà cũng có thể trên bảy mươi. Tôi không tiện hỏi.

- Thưa bà, gia đình ta được mấy cháu? - Tôi hướng tay lên ban thờ, gợi chuyện - Cháu là con thứ mấy của bà?

- Đấy là đứa con duy nhất của anh tôi. Gia đình tôi ở nơi khác. Hôm nay là ngày giỗ đầu của cháu, tôi đưa cháu nhỏ này là con của nó đến đây chịu lễ.

- À, ra vậy. Thế mẹ của cháu nhỏ này đâu rồi?

- Bố của cháu ốm mà chết, mẹ cháu bỏ nhà đi lâu rồi, không biết đi đâu.

- Trời! Sao lại đến nông nỗi này?

Câu chuyện càng lúc càng khiến tôi chú ý.

Chiều đã gần tàn, nhưng chưa đến nỗi phải bật đèn. Trong không gian chập choạng tối, khuôn mặt người lướt qua khung cửa sổ như chiếc bóng, vội vã và căng thẳng, tưởng khẽ đụng là nổ tung.

- Xin mời ông ở lại dùng cơm với bà cháu tôi, chuyện gia đình riêng mà lại làm ông bận tâm, tôi thật không phải.

- Chuyện như thế này không phải là nỗi đau của riêng gia đình ai. Tôi có thể biết thêm một chút nữa được không ạ?

- Vâng, xin ông cứ hỏi.

- Bà có phải là em gái của bố cháu đây không ạ?

- Không, không phải. Trước đây tôi chỉ là nhân viên trong phòng ban của ông. Ông ấy nâng đỡ tôi, giúp tôi rất nhiều trong những hoàn cảnh khó khăn. Đối với tôi, ông như người anh ruột thịt hết lòng thương em. Ân tình ấy đối với tôi là khó trả. Gia đình tôi hiện rất ổn định, các cháu đều trưởng thành, công ăn việc làm đều rất tốt. Vợ chồng tôi đều có lương hưu - Ngừng một lát, bà nói tiếp - Thế đấy, chẳng hiểu vì sao tôi lại nài nỉ được nuôi cháu nhỏ. Có thể vì con cháu mình thành đạt mà khi thấy con cháu của anh ấy sa sút, mình không nỡ ngoảnh mặt đi. Mai sau, sang thế giới bên kia, gặp lại anh ấy, tôi hy vọng sẽ không hổ thẹn.

- Vâng, ngay lúc này tôi nghĩ, ở bên kia, ông ấy đã thấy được những việc bà làm.

- Khi anh ấy mất, chẳng ai báo cho tôi cả. Đêm hôm ấy, trong giấc ngủ bồn chồn, tôi nghe vọng tiếng anh ấy gọi tên tôi. Linh cảm điều chẳng lành, ngay sáng sớm hôm sau tôi đã đáp xe về đây. Khi tôi đến, mọi người đang khâm liệm cho anh. Nhìn lên bức ảnh của anh trên ban thờ, tôi cứ ngỡ anh vẫn còn sống, đôi mắt sáng nhìn tôi day dứt.

Ngừng một lúc, bà nhẹ thấm nước mắt:

- Sau khi anh ấy mất một thời gian, tôi trở lại đây. Chị ấy sức khoẻ bị suy sụp, tâm thần bất ổn, khi tỉnh khi mê. Hai bà cháu sống bằng đồng lương hưu còm cõi. Nhìn đứa cháu nội của anh ấy gầy gò, nhếch nhác, tôi không cầm lòng được. Tôi xin với chị ấy cho phép tôi được mang cháu về nuôi. Tôi nói với chị ấy rằng tôi đủ khả năng để làm việc ấy, tôi đủ khả năng để lo cho cháu được học hành đến nơi đến chốn. Hằng tháng tôi sẽ cho cháu về đây để thăm bà. Lúc đầu thì chị ấy ngần ngừ và e ngại, khóc rất nhiều, nhưng sau thì đồng ý. Một thời gian sau đó, có người báo tin bố cháu nhỏ đã chết. Tôi lại trở về đây để thu xếp mọi việc. Gia đình anh chị ấy rất cô đơn, anh em ly tán, chẳng còn ai. Bà con hàng xóm vô cùng tốt, mỗi người một việc, tự nguyện giúp đến nơi đến chốn. Trong tang lễ, chị ấy chỉ ngồi yên, bất động như pho tượng rũ gục. Sau một thời gian, chị ấy nương thân cửa chùa.

*

Tôi ra về khi mọi nhà đã sáng ánh đèn. Đường ngõ nhỏ, hai bên ngồn ngộn những túi rác, cứt chó bãi khô bãi ướt. Tới một ngã rẽ, tôi giật mình lùi lại. Một chiếc xe máy vội vã vụt qua.

Sau đó tôi viết về chuyện này dưới dạng phóng sự xã hội và được nhiều báo đăng tải.

Khoảng chừng tháng sau, có một vị khách lạ đến nhà tôi. Thoạt trông, tôi đã đoán ngay đây là người đàn bà có liên quan đến bài phóng sự của tôi. Dáng nhỏ nhắn, gày guộc, quần áo cũ kỹ nhưng sạch sẽ. Bà đứng trước cửa nhà, vẻ băn khoăn, ngần ngại. Tôi ngồi trong nhà quan sát một lúc rồi mới bước ra, và tôi đã không nhầm.

- Thưa ông, tôi là mẹ của thằng con nghiện mà ông đã viết trong bài phóng sự - Bà nói nhỏ nhẹ, nhưng rành rọt từng tiếng một - Tôi đã đọc bài viết ấy do một người quen gửi đến cho tôi. Những điều tôi sẽ nói với ông không có gì là hệ trọng cả, tôi có thể quên đi như chưa từng đọc bài báo đó, nhưng tôi cảm thấy không an lòng. Tôi đến gặp ông với hy vọng được cảm thông, được hiểu, được nhận những lời khuyên quý giá, nhưng xin đừng an ủi. Ông là người viết báo, ông làm được những điều tôi không làm được.

Người đàn bà đó nhìn thẳng vào mắt tôi. Giữa khuôn mặt tiều tuỵ héo tàn, đôi mắt như ngọn lửa, như rực sáng lên trước lúc lụi tàn.

Tôi rót chén nước nóng mời bà, hy vọng thời gian kéo dài sẽ làm câu chuyện dịu đi.

- Thằng con của tôi là một đứa thông minh học giỏi. Nhưng cái gì đã dẫn nó đến con đường nghiện nghập? Tôi không biết cụ thể. Lỗi tại ai? Đó là điều đổ vỡ lớn nhất đã tàn phá cuộc đời của nó. Là một người mẹ, tôi đã linh cảm được ngay từ những hiện tượng bất thường đầu tiên của nó. Tôi nói với ông ấy: “Ông có biết dạo này con nó sống như thế nào không?” . Ông ấy trả lời: “Làm sao tôi không biết. Mọi người đều khen nó thông minh, học giỏi và ngoan. Bà không đáng tự hào về điều đó sao?”. Tôi nói: “Chắc chắn rồi, nếu nó thực sự là như thế. Nhưng dạo này tôi thấy nó khác lắm”. Ông ấy đang ngồi đọc báo, nghe tôi nói thế liền vùng đứng dậy: “Ôi dào, bà cứ lo hão. Nó là con của tôi. Nó sẽ tự hào về điều đó. Bà đừng nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng xấu. Điều đó làm tôi khó chịu! ”. Nói rồi ông bỏ đi. Nhưng tôi gọi giật lại: “Ông hãy nhìn thẳng vào tôi đây này. Nếu ông thấy vết nhọ đằng sau gáy của tôi và chùi nó đi giúp tôi thì có phải tốt hơn ngàn lần nếu ông cứ tụng ca màu son phấn trước mặt. Ông có còn yêu tôi nữa không?”.

Thời gian nặng nề trôi. Khi những món tài sản dành cho nó biến dần đi với những lý do khó tin như cho bạn vay, như giúp bạn đang khó khăn, như vô tình mất cắp đã thực sự làm tôi phát hoảng. Tôi tìm đủ mọi cách gần gũi nó, chuyện trò với nó hòng cứu vớt tình thế và mong nó thức tỉnh. Nhưng vô vọng.

- Ông hãy gần gũi con, hiểu nó và nhất là phải biết cần làm gì - Tôi nói với ông ấy và viện dẫn ra rất nhiều chứng cứ để chứng minh với ông ấy rằng con mình đang ở trong tình trạng nào.

Im lặng một lúc rồi ông bỏ đi. Khi quay trở lại, ông đã nói với tôi thế này:

- Tôi sẽ lấy vợ cho nó. Có vợ rồi, nó sẽ tu tỉnh làm ăn. Vợ nó sẽ có trách nhiệm với nó.

- Nhưng ai sẽ là người chịu lấy một thằng nghiện làm chồng?

- Bà khỏi lo. Tôi sẽ trang bị lại toàn bộ đồ dùng sinh hoạt cho nó. Từ đồng hồ, xe máy đến điện thoại di động..., toàn hàng cao cấp cả. Tôi sẽ nói với mọi người rằng nó là một thằng thông minh, học giỏi, tương lai xán lạn và dưới cái danh tiếng của tôi để lại, sẽ không ít người nhảy vô đâu.

Điều này làm tôi thật bất ngờ, mặc dù tôi biết rằng ông ấy là như thế, rất khéo trong ứng xử. Dối trá là sở trường của ông ấy, đôi khi chính tôi cũng trở thành kẻ đồng loã, dù rằng tôi không muốn một chút nào. Nhưng trong trường hợp này thật là bất nhân. Tôi không có khả năng chống đối lại, tôi bất lực, luôn luôn là kẻ bất lực và tôi lại một lần nữa buộc phải trở thành kẻ đồng loã với ông ấy.

Cô con dâu của tôi rất xinh đẹp, khuôn mặt phúc hậu và tươi như hoa mùa xuân. Tuổi mới lớn, tâm hồn trong sáng và thơ ngây. Cũng là đàn bà, lần đầu gặp gỡ, tôi không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến tương lai, cái gì đang chờ đợi nó. Nhưng tôi không đủ sức để ngăn cản việc này. Tôi vẫn mơ hồ tin rằng điều may mắn sẽ đến. Cho đến bây giờ tôi vẫn luôn ân hận, ân hận và day dứt khôn nguôi.

Khi biết rằng chồng bị nghiện nặng thì nó đã có thai. Nó khóc rất nhiều. Tôi an ủi nó. Nhưng ông ấy thì đay nghiến, chỉ trích, buộc nó phải làm hết mình giúp đỡ chồng. Con bé sống vật vờ như chiếc bóng.

Thằng con tôi, không thể nói rằng nó là thằng không biết nghĩ. Nó rất thương vợ nó. Nó biết rằng chính vì nó mà thảm kịch này đã xảy ra. Vợ nó không đáng chịu như vậy. Nó xót xa, ân hận khi để vợ nó lâm vào tình cảnh này. Rồi có một hôm nó nói với tôi: “Không thể kéo dài tình trạng sống như thế này mãi. Con không thể giết chết cuộc đời của vợ con. Nó lành quá. Chỉ có sự hy sinh mới cứu vãn nổi”.

Tôi hỏi nó sự hy sinh nào, nhưng nó không nói. Nó gục đầu vào tay tôi và nói để yên cho con ngủ. Nó đã ngủ suốt đêm như thế và hôm sau đi biệt, không để lại một địa chỉ nào.

Sau đó một thời gian, bên thông gia sang nói chuyện với vợ chồng tôi là cho con gái họ trở về bên nhà cha mẹ đẻ cho đến khi sinh nở. Họ viện dẫn rất nhiều lý do. Chồng tôi thì giận dữ phản ứng ra mặt, chỉ trích con dâu vô trách nhiệm. Họ dường như phớt lờ trước những lời chỉ trích của ông và cố thuyết phục để đạt được mục đích. Cuối cùng họ đã thành công, một phần vì tôi nghiêng về phía họ. Khi đứa con được sinh ra đầy cữ, vợ chồng tôi đến đón mẹ con nó về đúng như đã hẹn. Việc diễn ra thuận lợi vui vẻ. Đôi khi cô con dâu nói với tôi: “Cuộc sống của chúng ta thật êm đềm, chỉ thiếu có một điều... ”. Tôi hiểu nó nghĩ gì. Rồi một hôm, lựa lúc ông ấy đi vắng, nó nói với tôi: “Nếu mẹ ở trong hoàn cảnh của con, mẹ sẽ hành xử như thế nào? Con xin mẹ cho con một lời nói thật”. Tôi im lặng, không nói gì. Nó nói tiếp: “Con xin phép bố mẹ được ra đi. Con sẽ để lại đứa con để ông bà nội nuôi. Nếu có điều gì xấu xảy ra, thì ông bà cũng còn lại giọt máu của con mình. Con không muốn làm ông bà đau, thực trạng như thế này, trong tình huống nào con cũng ngỡ mình là vật hy sinh, một vật hiến sinh không đáng có”. Nói rồi nó khóc. Tôi không biết nói gì, không thốt nổi một lời. Tôi ôm lấy nó. Cả hai mẹ con đều khóc. Mấy hôm sau nó chào vợ chồng tôi rồi ra đi: “Bố mẹ thứ lỗi cho con, con không thể làm khác được”. Trong túi xách của nó duy nhất chỉ có bộ quần áo.

Việc con dâu bỏ đi là điều tôi đã lường từ trước. Trong hoàn cảnh như thế này, cố níu giữ nó lại thì cũng chỉ là làm khổ nó mà thôi. Điều đáng tiếc, nó là con dâu ngoan. Không chỉ tôi, mà rất nhiều người mẹ chồng khác chắc rằng cũng mong mình có được người con dâu như thế. Nhưng gia đình tôi đã không giữ lại được, hay nghĩ một cách khác, thực trạng gia đình tôi không đáng để một người con dâu như nó ở lại. Khi nó ra khỏi nhà, không ai tiễn cả. Tôi cứ để cánh cửa mở như vậy rất lâu cho đến khi ông ấy đứng dậy đi ra đóng cửa lại và lẩm bẩm điều gì đó. Trong căn nhà đóng kín, tôi có cảm giác rằng tất cả những gì tốt đẹp đã bỏ ra đi và lần đầu tiên tôi ngợ ra rằng việc con trai tôi bỏ nhà ra đi rồi lại đến con dâu cũng bỏ nhà ra đi nốt dường như là nghiệp chướng mà gia đình tôi đến hồi phải chịu.

Ông nhà tôi đùng đùng đến bên thông gia và chỉ trích nặng lời. Gia đình họ tuyệt nhiên không ai nói gì cả. Chỉ đến khi ông nhà tôi ra về thì ông thông gia mới nhẹ nhàng nói: “Ông nên vào trong nhà rửa mặt, ra đường như thế này thì không được hay lắm ”. 

*

- Sau đó thì bà nhận được tin về cái chết của cháu?

- Vâng! Công an đã đến báo cho tôi cái tin này. Trong thi thể của cháu có mảnh giấy ghi rõ địa chỉ của gia đình.

- Cháu nó mất ở đâu và trong hoàn cảnh nào?

- Xin ông đừng hỏi tôi về điều đó.

- Xin lỗi, thế còn người đàn bà hiện đang nuôi cháu nhỏ?

Lặng lẽ một lúc bà mới trả lời tôi, giọng nói đã có phần dịu đi nỗi xúc động:

- Hai bà cháu sống bằng đồng lương hưu của tôi. Tôi đã già, hết khả năng lao động rồi. Càng ngày nhu cầu sinh hoạt và học tập của cháu càng nhiều. Tôi vay nợ, bà con hàng xóm giúp vào, nhưng không thoát nổi những áp lực ngày một tăng. Trong một lần lại thăm, bà ấy đã đề nghị được nuôi dưỡng cháu. Tôi không muốn rời xa cháu một chút nào, nhưng cân nhắc, tìm một con đường đi có lợi cho tương lai của cháu thì tôi đã đồng ý.

- Người đàn bà ấy là người thế nào với bà, xin lỗi vì tôi quá tò mò!

- Chỉ là người cùng làm một cơ quan trước đây - Ngưng một lát, bà mới nói tiếp - Nói đúng ra, bà ấy và nhà tôi ngày xưa yêu nhau lắm, tưởng chừng sẽ nên vợ nên chồng. Nhưng ngày ấy ông nhà tôi là cán bộ, mà gia đình bà ấy có vấn đề về lý lịch. Tổ chức của cơ quan ngăn trở cuộc hôn nhân này. Lúc ấy tôi chỉ là công nhân, nhưng được cái chịu khó và tích cực làm việc nên luôn được biểu dương khen thưởng. Chẳng hiểu ai mai mối thế nào, ông ấy đã ngỏ lời cầu hôn với tôi. Ngày ấy tôi suy nghĩ đơn giản, cứ ai làm cán bộ là thần tượng quý lắm rồi. Thế là tôi đồng ý.

-...

- Bà ấy là một người nhân hậu, cả tin và hay thương người. Cái ngày mà tôi chưa lấy nhà tôi, có một lần bà ấy xồng xộc chạy đến bên tôi và hỏi: “Có tiền không, cho vay mấy đồng? ” - Miệng nói, tay xộc vào túi áo tôi để lấy tiền. Đây là việc mà tôi chưa từng thấy bà ấy làm như thế bao giờ. Tôi chạy theo bà ấy để xem có chuyện gì xảy ra. Khi quay trở lại, bà ấy ấn tiền trả lại tôi và khóc. Về sau tôi mới biết, có một anh công nhân nào đó đã dấm dúi gạ bán cho bà một bộ quần áo bảo hộ còn mới. Bà ấy đã mắng té tát rằng: “Quần áo bảo hộ của Nhà nước phát là để cho anh giữ an toàn lao động, sao lại bán?”, rằng “Anh là kẻ vô ý thức, hám lợi!”. Anh công nhân đó vội vã cất bộ quần áo vào trong người và lầm lũi đi. Có một người con gái khoảng chừng mười hai mười ba tuổi, quần áo nhếch nhác đang đứng đợi. Hai bố con - hình như vậy - đứa con gái mắt còn hoen đỏ. Bà ấy chợt nhận ra rằng mình đã làm một việc không đúng. Đến khi quay trở lại, hai bố con người công nhân ấy đã đi xa rồi. Bà ấy luôn ân hận về việc này, nỗi ám ảnh thậm chí còn ẩn sâu trong giấc ngủ.

- ...

- Hình như ông cũng nghiên cứu về Đạo Phật? - Chợt bà hỏi tôi, khi thấy trên bàn sách của tôi có quyển “Tám quyển sách quý” của Hoà Thượng Thích Thiện Hoa.

- Tôi không biết nhiều lắm về Phật Giáo, nhưng cũng cố tìm hiểu.

- Từ khi tôi gửi đứa cháu cho bà ấy nuôi, ngày nào tôi cũng lên chùa. Tôi ở đó giúp việc quét dọn, mặc dù sức lực của tôi đã kiệt quệ lắm rồi. Nhưng mục đích chính của tôi là không để lỡ một ngày nào, trước giờ chuông thu không, dâng một nén hương cầu nguyện Đức Phật từ bi che chở, nơi chín suối, linh hồn của ông nhà tôi và cháu được siêu thoát, cầu nguyện người con dâu gặp được phúc lành. Hơn nữa, cố giữ cái mệnh mỏng của mình còn được cho đến ngày con dâu gặp lại. Đến lúc đó, tôi sẽ nói với cháu tại sao tôi lại để cho người đàn bà đầy lòng nhân thiện ấy nuôi đứa nhỏ... 

Truyện ngắn của Nguyễn An
.
.