Chợ Đu ở Tả Gai

Thứ Hai, 09/02/2015, 08:00
Vào một ngày đẹp trời, bỗng có ba chiếc ôtô sang trọng bò dọc theo con đường mới mở qua các triền đồi trọc để vào xã Tả Gai. Đám trẻ con trong làng lốc nhốc chạy ra xem. Đây là lần đầu tiên chúng nhìn thấy những cái ôtô đẹp đến như thế. Anh Nhánh, Chủ tịch xã thì không bất ngờ trước sự xuất hiện của các vị khách này...

Chiều hôm qua, giao thông huyện đã đưa công văn hỏa tốc vào Tả Gai báo rằng, hôm nay sẽ có một đoàn đại biểu của Quốc hội vào thăm và kiểm tra việc thực hiện các công trình "xoá đói giảm nghèo" của xã. Khi khách đã yên vị trong văn phòng của UBND xã thì Nhánh bắt đầu báo cáo. Tả Gai cũng chưa có thành tích gì nổi bật để kể với khách. Anh chỉ chú trọng vào việc thực hiện Chương trình 135. Để mở đầu, Nhánh nói rằng: “Có lẽ các vị chỉ nhìn qua cũng thấy xã chúng tôi là một xã nghèo. Cái nghèo nó cứ lồ lộ ra, có giấu cũng chả được, ấy vậy mà để chứng minh được rằng xã mình là một xã nghèo cũng ba chìm bảy nổi ra phết đấy”.

Các vị khách bò ra cười khi nghe Nhánh kể cái "đoạn trường" anh và ông Gừm hết lên tỉnh lại xuống huyện để chứng minh cho được cái sự nghèo của địạ phương mình. Thậm chí, ông Gừm còn dám xông vào tận phòng làm việc riêng của bí thư tỉnh uỷ cãi nhau một hồi khiến ông bí thư phải công nhận rằng, xã Nà Đưng quê ông quả thực chưa nghèo bằng Tả Gai của ông Gừm, vì thế cái việc Nà Đưng được ăn tiêu chuẩn 135 trước Tả Gai hàng năm nay rồi quả là không công bằng.

Sở dĩ ông Gừm dám làm cái việc động trời ấy là vì ông với ông bí thư tỉnh ngày xưa cùng đi dân công Điện Biên với nhau một đợt, rồi cùng được chuyển qua bộ đội một đợt. Sau khi "chạy "được cái sự chứng nhận của cấp trên rằng Tả Gai là một xã nghèo cũng phải mất hàng năm trời chờ đợi thì đồng vốn 135 mới được chuyển về. Và Tả Gai bắt đầu có da có thịt như hôm nay...

Nghe xong những lời thuyết trình giản dị, minh bạch và hài ước của Nhánh, các vị khách đáng kính trong đoàn thanh tra của Ủy ban Dân tộc miền núi bỗng nổi hứng muốn được ông chủ nhà mến khách "cho đi một vòng" quanh xã để có thể "mục sở thị" sự thành công của chương trình xoá đói giảm nghèo được thể hiện ở địa phương này. Kể ra, nếu chỉ ngồi ở trung tâm xã thì cũng đã nhận ra những chuyển biến rõ rệt của xã này kể từ khi được rót mấy trăm triệu tiền 135...

Đầu tiên là con đường từ tỉnh lộ về xã dài hơn năm cây số đã được khai mở để ôtô có thế đi được. Tuy vẫn chỉ là đường đất, nhưng dẫu sao vẫn cứ là một con đường. Kế đó là một đường điện hạ thế đã kéo điện về. Cuối cùng thì điện cũng đã về được Tả Gai, một xã miền núi không phải quá xa xôi nhưng lại không thuận tiện về giao thông.

Đường, điện đã có rồi thì theo mô hình đã được công nhận, phải có thêm hai công trình nữa là trường học và trạm xá. Số tiền 135 còn đủ để biến cái lớp học ọp ẹp lợp gianh vách đất thành một ngôi trường ngói đỏ có năm phòng học và một phòng cho ban giám hiệu họp hành... Còn cái bệnh xá thì là một sản phẩm hoàn toàn mới toanh vì từ trước tới nay, bà y sĩ của xã vốn là một nữ chiến sỹ quân y về, phải thực hiện việc chăm sóc y tế cho cái cộng đồng nhỏ bé này tại nhà riêng của mình. Nay có được một cái trạm thực thụ, tuy chỉ là một ngôi nhà xây cấp bốn, nhưng với cư dân Tả Gai thì nó cũng đã đánh kính trọng lắm rồi.

- Có được đủ bộ bốn cái công trình ấy thì số tiền 135 trên cho cũng vừa hết đấy ạ...

Nhánh khẳng định như vậy và quẳng ra bàn một lô sổ sách để yêu cầu đoàn kiểm tra. Nhưng có lẽ chẳng ai có ý định làm cái việc không cần thiết ấy, vì trong đoàn có mấy vị chuyên gia về tài chính kế toán gì đó khi đi xem các công trình đã lắc đầu: "Có từng ấy tiền mà các vị làm được từng này việc thì chịu thật... Có lẽ chỉ có ở những nơi như thế này thì số tiền đầu tư thực bỏ vào các công trình phúc lợi mới đạt con số 100%... Nhưng ở đây, theo nhẩm tính của bọn tôi, số tiền đầu tư cho bốn công trình này còn hơn thế. Phải không?".

Ông chủ tịch cười: "Vâng, công lênh của bà con góp vào để san nền đường đào móng, đắp nền trường học trạm xá đều không tính đồng nào cả...". Một vị trong đoàn dọa: "Như vậy là vi phạm chính sách đấy". Ông chủ tịch lại cười: "Chúng tôi có tính công cả.... Nhưng bà con ủng hộ hết. Số tiền đó chúng tôi quay ra đóng bàn ghế cho các cháu".

Ông trưởng đoàn kiểm tra của Quốc hội ái ngại hỏi.

- Vậy thì... Sau khi có được mấy cái công trình 135 này rồi, Tả Gai của các vị liệu có thể xoá được đói, giảm được nghèo không?

Nhánh cười hiền lành:

- Chúng tôi cũng đang tìm con đường thoát nghèo. Nhưng muốn thoát nghèo cũng phải có vốn. Chúng tôi xoay được vốn còn khó khăn lắm. Nghe nói ngân hàng thì khối tiền. Nhưng họ cũng trông giỏ mà bỏ thóc. Vay được cũng khó lắm. Càng là người nghèo, xã nghèo, huyện nghèo, lại càng khó vay. Hề hề... Chúng em ở xa, nghe trên đài, đọc trên báo thấy nơi này nơi kia người ta làm thất thoát hàng trăm tỉ đồng, không biết các bác Quốc hội nghĩ sao, chứ chúng em là dân vùng nghèo thì xót lắm. Chỉ một con số lẻ của một tay giám đốc tham ô mà các bác thu về được thì xã em đã có thể đổi đời rồi... Theo em nghĩ, các bác Quốc hội chả cần đi thăm thú vất vả thế này để làm gì. Các bác cứ ngồi ở Hà Nội, rồi tìm cách thu hồi cho hết những khoản tham ô, những khoản thất thoát ấy là dân chúng em được nhờ rồi!

Các vị khách nhìn nhau tủm tỉm cười... Bí thư Gừm đang thập thò bên ngoài, thấy vậy liền nhảy bổ vào chữa cháy:

- Thưa các vị trong đoàn kiểm tra của Quốc hội! Tôi thì có hơi khác với ý kiến đồng chí chủ tịch. Quốc hội là Quốc hội của cả nước, chứ đâu của riêng Hà Nội, Quốc hội phải có nhiều thứ trách nhiệm, chứ đâu chỉ có trách nhiệm đi thu hồi tiền của bọn tham ô. Các bác phải đi đến tận làng tận bản thì mới biết dân tình sống chết ra làm sao chứ? Vì thế, bà con Tả Gai nhiệt liệt hoan nghênh các vị đã tới thăm... Sau đây, mời các vị ghé thăm bà con trong xã để bà con cùng mừng...

Chủ khách cùng ồn ào đứng dậy. Ông Gừm đến bên Nhánh, khẽ gắt:

- Chú rõ thật..! Nói thế chẳng quá bằng đuổi người ta. Bây giờ đến cái đoạn dẫn khách đi tham quan... Chú đừng có bốc đồng đấy... Nói năng phải cho có lập trường... Chẳng gì họ cũng là người của Quốc hội! Nhớ dẫn họ vào thăm xưởng dệt thổ cẩm của vợ cậu nhé!

Nhánh gãi đầu:

- Còn chưa đâu ra đâu mà bác... Mới có mười mấy cái khung dệt...

Ông Gừm lại gắt:

- Chú đến là hay, cấp ủy đã thống nhất rồi, dứt khoát là phải cho họ thấy cái xưởng dệt. Nó còn sơ sài thật, nhưng chính là một trong hai mũi đột phá để thoát nghèo của Tả Gai.

Nhánh vội xua tay:

- Được rồi, bố cứ đi lo thui con dê của bố đi, con sẽ dẫn khách đi thăm đủ cả hai cái mũi nhọn của Tả Gai

*

Câu chuyện về sự hình thành cái "mũi nhọn thứ hai" ấy cũng là một câu chuyện lí thú.

Tả Gai là một xã vùng sâu, nhưng cũng không phải heo hút gì cho lắm. Xã  có bốn bản, hai thôn, bốn bản đều là của người Dao, người Tày bản địa, cha ông họ đã sinh sống ở Tả Gai này không biết tự bao giờ, còn hai thôn là của người Kinh dưới đồng bằng lên định cư. Hai làng mới ngay từ khi ra đời đã được đặt ngay hai cái tên hứa hẹn sự giàu có, bình an, đó là Tân An và Tân Phú. An thì có, vì quả thực nơi này an ninh có thể xếp vào loại nhất miền Bắc, từ ngày lên định cư ở đây, cả hai thôn chưa bao giờ xảy ra một vụ phạm pháp hình sự nào. Nhưng sự giàu có thì cũng xa lạ với dân hai làng này y như  bệnh "ết" vậy!

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Nói cho đúng ra thì cũng có một dạo dân hai làng bỗng rộ lên bởi hy vọng có thể giàu lên nhanh chóng. Ấy là khi không dưng bỗng xuất hiện từng tốp người từ dưới xuôi lên hì hụi đào bới ven con suối Trắng. Nghe nói, người ta phát hiện ra rằng, ven con suối này có vàng sa khoáng.

Người Tả Gai ở bốn bản cũ thì dửng dưng với cái chuyện đào bới ấy, ông Gừm lúc đó còn kiêm cả chức Chủ tịch xã hô dân quân đi xua đuổi một hồi chẳng được, đành mặc kệ. Còn người Kinh ở hai làng mới Tân An, Tân Phú lúc đầu chỉ đứng xem, nhưng rồi không hiểu bằng cách nào họ cũng bị lôi vào cuộc. Cả làng hầm hập như lên cơn sốt. Nhà nhà bỏ việc nương rẫy đi đào vàng... đến khi hai bên bờ con suối Trắng bị đào nát như sau một trận bom B52, nước suối từ chỗ trong vắt trở nên đục ngàu, sền sệt những bùn thì bỗng dưng những cánh quân đào bới từ đưới xuôi đột nhiên biến mất, chỉ còn trơ lại dân hai làng Tân An, Tân Phú đứng hai bên bờ suối nhìn nhau. Hỏi ra, mới biết cả hai làng chưa ai được một phân vàng nào?

Ông Gừm nói trong cuộc họp rằng: "Nếu đất này mà có vàng thì ngày xưa thằng Tây nó đã hót sạch cả mấy dãy đồi này rồi. Vàng ở đâu ra mà dễ thế? Không chịu sản xuất thì có mà đói vàng mắt ra thì có".

Giấc mơ vàng tan biến, dân hai thôn lại quay về với ruộng rẫy, hì hụi làm ăn. Dòng suối Trắng trở lại thanh bình, trong xanh nhưng hai bên bờ thì vẫn còn nguyên những hầm những hố, lở loét chằng chịt như những nốt sẹo trên một cơ thể sau khi qua khỏi bệnh đậu mùa.

Vào cái năm cơn sốt vàng ấy kịch phát ở Tả Gai, Nhánh là một chàng trai hai mươi tuổi, khoẻ mạnh, vạm vỡ, lại vừa được bầu làm Bí thư đoàn xã. Cùng với trai làng, Nhánh cũng đi đào vàng với hi vọng kiếm đủ tiền để có thể về Hà Nội chơi một chuyến xem Thủ đô của đất nước văn minh, tráng lệ đến mức độ nào.

Là mới chỉ nghĩ trong bụng vậy thôi, chứ Nhánh cũng chưa dám nói ra với ai. Một hôm, Nhánh đang hì hụi dưới hố đất thì ông Gừm tìm đến. Ông bảo Nhánh đi theo ông lên đồi, rồi chỉ xuống thung lũng và bảo: "Đấy, chú mày nhìn xem, có khác gì một lũ chuột? Đào bới be bét cả như thế mà chú không thấy xấu hổ à? Người dân họ mê muội đã đành, chú là Bí thư thanh niên đã được lên tỉnh học cả một tháng giời để về làm cái đầu tàu... mà chú lại đi kéo thanh niên chui xuống lỗ thế kia à? Làm giàu cũng có ba bảy đường, bóc ngắn cắn dài thế thì rồi sẽ đi đến đâu? Hay là đất Tả Gai này không phải là quê hương các chú nên các chú không xót, hả?".

Nhánh đỏ bừng cả mặt mũi, những muốn có cái lỗ nào để chui xuống cho xong.

Nhưng cơn sốt vàng dẫu sao cũng đã mang đến cho Nhánh một vận may.

Ngay sau cái hôm bị ông Gừm chỉnh cho một mẻ, Nhánh thôi không đi đào vàng nữa, nhưng thi thoảng vẫn lảng vảng quanh mấy bưởng vàng để xem vận may có đến với mọi người không. Vào một buổi chiều như thế, khi đi qua lán của một cánh thợ đào vàng, Nhánh bỗng nghe có tiếng con gái khóc thút thít. Tò mò, Nhánh ghé nhìn vào thì thấy một cô gái khá xinh đẹp đang vừa nhét mớ quần áo vào một cái túi vừa khóc. Không nén được, Nhánh liền bước vào lán lên tiếng:

- Đứa nào bắt nạt em thế, em gái?

Cô gái không quay lại nhìn mà mắng té tát:

- Anh cút đi...! Chẳng qua các anh cùng một giuộc với lão Hùng xồm hết!

Nhánh vừa tiến lại gần vừa trả lời:

- Nhưng anh đâu có cùng phe với thằng Hùng xồm?

Cô gái vẫn tức tưởi:

- Thế sao khi nó chòng ghẹo em, các anh lại quay mặt đi cả? Đồ hèn!

Vừa quát lên cô gái vừa quay phắt lại và bỗng ngớ người ra.

- Anh... là... là ai... mà...

Nhánh cười, cố tỏ ra thân thiện:

- Anh là người ở đây, đi qua lán nghe tiếng em khóc nên...

Cô gái nhìn anh rồi thở dài, kể:

- Em được cánh thằng Hùng xồm cho đi theo để nấu cơm cho bọn chúng. Em tưởng... chỉ là đi nấu cơm thôi thì cũng được. Nhà em ở dưới xuôi cũng nghèo lắm, nếu đi làm cho họ mỗi tháng được vài ba trăm ngàn thì cũng đỡ... nhưng ai dè...

Nhánh sốt sắng hỏi:

- Làm sao? Chúng nó định quỵt tiền công của em à?

Cô gái lắc đầu:

- Công xá thì nó vẫn  trả đủ... Nhưng... bỗng dưng thằng Hùng xồm dở chứng ra... đòi... đòi...

Nhánh hỏi dồn:

- Nó đòi gì ở cô?

Cô gái bỗng nổi khùng lên.

- Đòi gì thì anh hỏi làm gì? Thôi, anh ra đi cho tôi đóng cửa lán rồi tôi còn đi đây.

Nhánh ngạc nhiên nhìn cô gái:

- Đi đâu? Cô định... bỏ về à?

Cô gái bỗng trở nên nanh nọc:

- Chả về thì tôi yên thân được với cái thằng dê xồm ấy à? Tôi thà về quê đi làm thuê làm mướn kiếm vài ba đồng còn hơn!

Nhánh trở nên lúng túng không biết nên khuyên cô gái thế nào, đành lặng lẽ lùi ra. Nhưng anh vừa ra đến cửa thì cô gái lại gọi giật :

- Này... anh gì ơi... thế... anh là người vùng này đấy à?

- Vâng... tôi đích thị là dân Tả Gai.

- Người Kinh hay người dân tộc?

- Kinh... làng tôi kia kìa...

Cô gái bỗng mỉm cười:

- Thế mà trông anh cứ ngô ngố thế nào ấy. Anh có thể đưa tôi ra đến đường cái nhựa được không? Ra đến đó là tôi biết đường về xuôi rồi.

- Được, tôi đưa cô đi được mà.

Nhánh hăng hái trả lời nhưng lại gãi đầu nhăn nhó:

-Nhưng... tôi không có xe đạp... cô đi bộ được không?

Cô gái cười.

- Sao anh không kiếm lấy một con ngựa? Ơ, mà ở đây ngựa tôi cũng chẳng thấy có nữa... thì ta đi bộ vậy!

Như bị thôi miên, Nhánh không còn biết trời đất gì nữa và cứ như vậy anh bị cô gái dắt đi. Anh cũng chẳng còn nhớ mình là người đưa đường nữa. Ra đến đường quốc lộ, cô gái lại hỏi anh: "Này anh, gần đây có cái chợ nào không?". Nhánh vội nói có chợ Đu, nhưng mai mới là ngày phiên, với lại còn ở cách đây dăm bảy cây số nữa kia. Cô gái bảo không sao, ta sẽ đi chợ Đu... Anh ngoan ngoãn nghe theo. Khi đi đến gần chợ, cô bỗng dừng lại nhìn anh rồi hỏi: "Anh đi theo tôi thế này, liệu vợ anh có để cho anh yên không?". Nhánh vội đáp: "Tôi chưa bao giờ có vợ cả". Cô gái lại cười: "Thế thì tốt... quá lắm thì mai về anh cũng chỉ bị bố mẹ cho vài roi vào mông vì tội đi theo gái thôi". Anh cười: "Tôi không sợ bị đòn... miễn là được đi theo cô". Đêm ấy họ ngủ trọ tại một gia đình người Dao để hôm sau vào phiên chợ Đu. Anh lẵng nhẵng theo cô đi khắp chợ. Cô tìm mua măng khô, mộc nhĩ và dừng rất lâu ở những gùi hàng thổ cẩm của các bà các chị người H'Mông, người Tày, người Thái. Cô xem hàng, cô mặc cả, cô hỏi thăm họ về cách nhuộm màu, cách dệt ra những hoa văn tài tình đến vậy.... Rồi cô dốc hết tiền ra mua tất cả những chiếc khăn chiếc túi thổ cẩm...

Anh ngạc nhiên hỏi:

- Cô mua làm quà cho những ai mà mua nhiều thế?

Cô lắc đầu.

- Quà cáp gì, tôi mua thử mấy thứ về Hà Nội bán đấy.

- Bán à, bán được những thứ này sao?

Cô dí một ngón tay vào trán anh.

- Bán được chứ sao lại không. Nếu bán được thì tôi sẽ lại trở lên đây cất hàng mang về dưới đó bán nữa.

Nhánh ngơ ngẩn hỏi:

- Cô... cũng biết buôn bán à?

Cô gái sành sỏi đáp:

- Sao lại không? Chỉ tội mình không có đồng vốn thôi. Nếu có vốn thì việc gì tôi phải đi nấu cơm cho mấy thằng ất ơ đào vàng.

Rồi thì cũng đến lúc phải chia tay. Trước khi lên xe về xuôi, cô gái mới cho anh biết tên mình là Thảo rồi cười hỏi anh: "Nếu tôi trở lên thì có tìm được anh không?". Anh vội vàng đáp: "Có chứ... lúc nào tôi cũng đợi cô. Nhưng cô đừng vào Tả Gai nữa, lỡ gặp bọn thằng Hùng xồm thì lôi thôi lắm. Tôi sẽ đợi cô ở chợ Đu... Phiên chợ nào tôi cũng đợi. Nếu cô lên là tôi tìm thấy ngay".

Hai phiên liền anh đi chợ Đu nhưng không thấy bóng cô. Đến phiên thứ ba thì họ gặp lại nhau. Cô cho biết, cô đã tìm được nơi đổ hàng thổ cẩm và mỗi tháng cô sẽ lên chợ Đu hai lần để lấy hàng. Nửa năm sau, khi nạn đào vàng ở Tả Gai chấm dứt, Thảo đã đồng ý trở lại Tả Gai thăm cha mẹ Nhánh để ông bà hiểu vì sao bấy nay con trai mình thường xuyên đi chơi chợ. Mùa xuân năm sau Thảo đưa Nhánh về xuôi, anh đã thực hiện được giấc mơ về thăm Hà Nội, nhưng quan trọng hơn là Thảo đã đưa Nhánh về quê ở Bắc Ninh để giới thiệu anh với người mẹ già nua của mình.

Bà mẹ Thảo thấy rất quí mến anh và giục hai người làm lễ cưới. Đám cưới của họ được tiến hành ở cả hai nơi nhưng phải đến năm sau nữa, khi bà cụ qua đời thì Thảo mới về Tả Gai với Nhánh. Cô vẫn đi chợ nhưng đã nghĩ đến chuyện lâu dài nên bàn với ông Gừm khôi phục ngành dệt thổ cẩm ở Tả Gai. Ông Gừm nhiệt liệt ủng hộ và vận động bà con bốn bản người dân tộc địa phương tham gia. Hàng làm ra được Thảo thu mua tại chỗ rồi chuyển về Hà Nội, bà con thấy rõ lợi ích kinh tế của việc khôi phục nghề dệt thổ cẩm nên nhà nhà đều tham gia.

Đảng uỷ xã đưa vào nghị quyết việc khôi phục nghề thủ công và coi đó như là một trong hai mũi nhọn để xóa đói giảm nghèo ở Tả Gai. Và rồi cái HTX thủ công mỹ nghệ của Tả Gai ra đời ngay sau khi có điện về Tả Gai, cô Thảo dĩ nhiên được bầu làm chủ nhiệm.

*

Sau cái hôm có đoàn thanh tra của Quốc hội về thăm, Thảo nói với chồng:

- Mai anh đưa em về tỉnh gặp ông Bí thư Tỉnh ủy.

Nhánh cười trêu vợ:

- Gớm nhỉ. Vừa được kết nạp Đảng mà em đã đòi gặp Bí thư Tỉnh ủy à? Em định xin làm một lãnh đạo nào chăng?

Thảo lườm chồng:

- Em thì lãnh đạo cái gì...? Em đi xin vay tiền cho HTX đấy. Không có vốn thì khó xoay xở lắm, mà đơn xin vay tiền của mình lần nào đưa lên ngân hàng cũng bị bác.

- Nhưng Bí thư Tỉnh uỷ đâu có phải là người giữ tiền?

- Không giữ tiền nhưng ông ấy giữ chính sách. Ông ấy phải giúp đỡ Tả Gai đi lên chứ. Vài cái công trình phúc lợi thì cũng quí đấy. Nhưng dân có gặm mà ăn dần được đâu? Bác Gừm viết cho em cái thư tay đây rồi, nhất định em phải lên hỏi tận nơi.

Nhánh cười ngất:

- Trời đất ơi, nhưng ông Bí thư này là ông Bí thư mới, có phải là ông Bí thư cũ là bạn của ông Gừm đâu mà ông Gừm viết thư tay cho người ta?

Thảo phuổi tay dằn giọng:

- Này, anh thế mà còn phong kiến hơn cả ông Gừm đấy. Ông ấy biết thừa là ông bạn mình đã về hưu rồi, nhưng ông ấy lấy danh nghĩa là Bí thư một xã nghèo để trình bày với Bí thư Tỉnh ủy chả được à? Hơn nữa, ông ấy lại vừa được tặng huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Một đảng viên lão thành lên tiếng, chẳng lẽ lại không có sức nặng sao?

- Ư nhỉ - Nhánh bỗng trầm ngâm - Thế mà anh quên mất rằng bác Gừm cũng là một đồng chí lão thành hơn bảy mươi tuổi đời, năm mươi năm tuổi Đảng rồi mà bác ấy vẫn còn nhiệt huyết đến thế với quê hương mình, lẽ nào chúng mình lại thờ ơ. Được rồi, mai anh và em sẽ về tỉnh một phen xem sao?

Sáng sớm hôm sau, ngay từ khi trời đất còn mờ mịt trong sương mù, Nhánh và Thảo đã lên đường. Ngồi phía sau lưng anh trên chiếc xe máy mới tậu, hơi thở của Thảo vẫn nồng nần nóng rực khi cô áp vào lưng anh thì thầm.

- Hôm nay cũng là ngày phiên chợ Đu đấy, anh nhớ không?

Nhánh cười ngất.

- Nhớ chứ... Tớ nhặt được vợ ở phiên chợ này, phải không nào? 

Truyện ngắn của Khuất Quang Thụy - Xuân 2015
.
.