Chí đại dương
Không ăn nổi các thứ nước chấm công nghiệp có vị ngọt hóa học và mùi thơm giả tạo nên mỗi chuyến về vùng biển, tôi luôn chú tâm tìm nước mắm. Tới Thủy Nguyên lần này cũng thế, tôi đã nhờ Tưởng, cán bộ Phòng Văn hóa huyện, người được mệnh danh là “chiếc lưỡi vàng” dẫn đi.
Cảng cá Lập Lễ nhộn nhịp tàu thuyền. Công nhân nườm nượp chuyển cá lên các xe đông lạnh xếp những hàng dài. Xuống tàu lê la một hồi, chúng tôi được một thủy thủ giơ tay chỉ về ngôi nhà ba tầng cách cảng vài trăm mét. “Nhà ấy làm mắm ba đời đấy!”.
Người phụ nữ ấy đẹp. Một vẻ đẹp khỏe khoắn với thân hình chắc nở. Dáng đi nhanh nhẹn mà mềm mại, chị dẫn chúng tôi thăm các bể ướp cá nửa nổi nửa chìm dọc bờ sông Ruột Lợn, thoăn thoắt mở nắp những vại sành lớn cho chúng tôi ngắm màu mắm chín. Rồi chị mang ra ba chai mắm, chắt ra ba chiếc bát trắng tinh.
Sau khi súc miệng bằng nước đóng chai tinh khiết, Tưởng sửa tư thế, trịnh trọng như chuẩn bị cử hành một nghi lễ. Dùng thìa inox vớt một giọt mắm dẻo sánh đưa lên miệng, nhắm mắt, phải đến mấy phút Tưởng mới mở choàng nhìn đăm đăm vào bát mắm, gật đầu phán:
- Mắm cá thu. Sắc sậm. Vị đậm, hương đằm, giống một thôn nữ đẹp bản nhiên, chưa trang điểm!
Chúng tôi cứ dềnh dàng với thú thẩm mắm mà không để ý dưới sông có chiếc thuyền máy cùng một chàng trai vừa cập bến.
- Mẹ!
Tiếng gọi như chào, lại như nhắc. Người phụ nữ gật đầu bảo, con vào thăm bà với em đi, đợi mẹ một tí.
Tưởng lại súc miệng. Lại vớt một giọt mắm. Lại nhắm mắt cảm nhận và phán:
- Mắm cá cơm, sắc sáng, vị dịu, hương vừa, giống một cô sinh viên đã biết cách make-up!..
Đến bát thứ ba, Tưởng nhắm mắt, hít sâu và ém hơi lâu hơn. Khi mở mắt, gương mặt Tưởng bừng nở:
- Mắm mực chắt. Cạn lời!
Chàng trai đã quay ra giục lần hai. Và người phụ nữ lại bảo con mang đồ xuống thuyền trước đi, đợi bác này thử mắm đã.
Nhưng tôi chưa kịp thử thì chiếc smartphone của người phụ nữ đổ chuông và màn hình hiện lên một khuôn mặt đàn ông râu quai nón hằm hằm dữ tợn cùng câu hỏi bực bội: “Làm cái gì mà lâu thế?”.
Người phụ nữ bối rối quay sang chúng tôi:
- Các bác thông cảm. Đến giờ em phải đi thăm chồng.
Tưởng tỏ vẻ khó chịu:
- Ơ cái nhà chị này! Đợi chúng tôi thử xong đã chứ. Nếu mắm thực sự ngon tôi sẽ giới thiệu cho huyện mua số lượng lớn làm quà tặng. Và sẽ quảng cáo cho lò mắm nhà chị lan tỏa.
Người phụ nữ dường như phật ý, đáp nhanh:
- Em phải đi. Các bác không mua cũng không sao. Mắm nhà em làm không đủ bán.
Dường như nhận ra mình quá lời, người phụ nữ bỗng đổi giận làm vui:
- Hay là bây giờ thế này, nếu không bận, em mời các bác ra ngoài nhà bè thử mắm với hải sản. Chồng em ở ngoài ấy buồn nên hiếu khách lắm!
Lời mời đầy khiêu khích và hấp dẫn. Vì tò mò, chúng tôi nhận lời. Và trong quãng thời gian ra vụng Bèo, chúng tôi dần biết về một gã đàn ông bí hiểm.
*
Họ tên khai sinh của gã đàn ông ấy là Vũ Kình, nhưng nó đã được ghép thêm vào chữ khoèo. Cái tên nếu chỉ đọc qua chữ người ta sẽ liên tưởng ngay đến sự tật nguyền, xa xót. Nhưng nếu nghe từ miệng những ngư dân vụng Bèo thì ý nghĩ về một người đàn ông tàn phế hoàn toàn bay biến. Kình khoèo ấy à? Soái ngư đấy!
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú |
Ngày nhỏ, hắn vốn là đứa nhát gan, cứ thấy bóng đêm là sợ, thấy nước, thấy biển cả bao la lại càng sợ hơn. Cha hắn, người cựu đặc công nước nhìn đứa con trai duy nhất mà buồn, rồi đến một ngày cha rủ hắn đi thăm đơn vị cũ đóng bên bờ sông Giá. Lên đó hắn cứ thơ thẩn chơi với mấy chú lính mới, mãi đến khi mặt trời đã khuất sau dãy Tràng Kênh, hắn vẫn chưa thấy cha gọi để về cùng, hắn hớt hải chạy đi tìm thì được biết cha có việc gấp, nên phải về rồi. Hắn khóc mất ba ngày rồi cuối cùng cũng phải quen. Ba tháng sau cha lên đón hắn về, khi này hắn đã thành con rái cá sông Giá.
Rồi năm lên mười, Kình đã bị một cú sốc nặng khi thuyền của cha hắn không về sau một cơn bão lớn. Cái chết của cha không làm hắn sợ, vẫn theo chúng bạn ngụp lặn trên những con sóng bạc đầu. Mười tám tuổi hắn đã theo tàu cá đánh bắt xa bờ, đến những vùng biển nhiều cá nhưng cũng lắm hiểm nguy.
Và hắn đã dính nạn.
Tất cả là do một sự bất cẩn. Cái dây neo con tàu 200 tấn của ông chủ bị một thủy thủ mới học việc quấn ngược vòng vào cột néo. Khi Kình vừa đụng tay vào, sợi néo như một dây cung đang bị bức nín bởi một lực nén khủng khiếp bất ngờ bật bưng. Hắn, giống y một mũi tên thịt bị phóng cắm xuống đại dương đang gầm gào sóng dữ. Thủy thủ trên tàu đồng thanh rú lên. Ai cũng nghĩ hắn chết.
Nhưng hắn chỉ ngất trong một phút rồi bắt đầu quẫy nước ngoi lên. Nhưng sao chân hắn không cử động được thế này? Đưa tay xuống sờ chân phải, một đoạn xương ống quyển gãy lòi, sắc buốt. Sờ xuống chân trái, một vật tròn tròn to bằng nắm tay, trơn nhẫy. Hắn điếng hồn nhận ra bánh chè của chân trái đã bung khỏi ổ khớp. Hắn giật mình khi thấy máu loang đỏ cả khoảng nước trước mắt. Cá mập! Máu sẽ gọi bầy cá mập tới trong chốc lát. Bàn tay tử thần đã vươn kề gáy hắn.
Không thể đầu hàng, hắn dùng hết sức guồng đôi tay với những bắp thịt cuồn cuộn như chão bện bơi về phía con tàu đang bị sóng dập ngả nghiêng. Ý chí mãnh liệt của hắn đã thắng. Hắn được kéo lên tàu trong bộ dạng của một thi hài dập nát. Nếu là người bình thường có lẽ đã lịm đi. Còn hắn, hắn nghiến răng bảo bạn tàu dùng chân dận vào gối hắn. Khục! Chiếc bánh chè được trả về vị trí. Còn cái chân trái gãy lìa lủng lẳng được băng bó tạm thời bằng một cặp nẹp. Hắn bị quẳng trả đất liền trong bộ dạng của một phế nhân. Dân đi biển bảo, số hắn bị biển khơi từ chối.
*
Sau hơn nửa năm nằm viện, hắn đi làm thuê bên làng cau Cao Nhân, chân hắn khèo, ngồi một chỗ lựa cau là thích hợp nhất. Cau đang mùa rộ, đêm hàng tấn cau ùn ùn về kho, hắn nhỏ như con nhái, ngồi tút lút lựa, phân loại từng trái cau để cho vào sàng rửa, luộc, sấy… rồi đóng bao để đưa đi xuất khẩu.
Lớn hơn một chút, hắn thường ngồi nhặt cau ở gần đường đi vào ngôi biệt thự chính, vì ngày bốn bận, đường đó có người con gái lại qua… Chẳng hát đúm mà người ta cũng bịt mặt, đã mấy năm trời, chưa một lần hắn được thấy mặt cô chủ, nhưng cái dáng người ấy, eo thon ấy thì đã nằm trong đầu hắn như một phần không thể thiếu để cho hắn phổng phao nhón chân bước vào tuổi dậy thì.
Khi đã biết khát khao, biết nghĩ thì hắn đã quyết, chí làm trai hắn phải đi… phải làm ông chủ. Mặc dù làm cau, ông chủ trả lương cho hắn cũng khá, vì qua các câu chuyện của ông chủ và thương lái, hắn biết cau Cao Nhân đã là một mặt hàng “vàng”. Cau Cao Nhân đã đi ra khỏi biên giới quốc gia, để trở thành thương hiệu lớn ở rất nhiều quốc gia khác, nhưng chẳng lẽ hắn mãi là một kẻ làm thuê, mãi chỉ là người ngồi nhặt cau và đón đợi tiếng guốc tiểu thư ngày bốn bận đi học về?
Không thể được, nếu chỉ thế rồi sớm muộn rồi một ngày hắn cũng sẽ phải chứng kiến cảnh người ta dọn dẹp kho cau gọn gàng, đèn nến kết hoa, và sẽ là một đám rước dâu đi qua mặt hắn… Không thể được, hắn vẫn còn nghề bơi lặn, hắn là con trai của một người lính đặc công nước, hắn đã được huấn luyện bài bản để sống cùng với biển khơi, vươn ra làm chủ biển khơi. Ai có thể nghĩ hắn bị biển từ chối chứ hắn thì không, không thể thế được.
Hắn tập tễnh nhảy ngay xuống cửa Nam Triệu mở một trạm thu mua hải sản. Trạm của hắn đóng ngay Cửa Tử, nơi mà thuyền bè muốn vào được vịnh bắt buộc phải đi qua. Bao nhiêu tàu cá vừa ngoài khơi về được hắn đón lõng. Hắn mua tất cả các loại cá tôm cua ghẹ. Lối mua sang tay, chỉ cần mấy tiếng sau là bán lại cho các lái buôn trong bờ.
Những năm ấy một chỉ vàng giá chưa đến 500.000 đồng, vậy mà có hôm hắn kiếm được tới 7,5 triệu, tương đương một cây rưỡi vàng. Cửa Tử giống như một miệng cống hứng thuyền bè cập bờ, còn hắn giống như chiếc đó đơm tiền thiên hạ. Chỉ hai năm sau hắn xây ngôi nhà ba tầng nguy nga cho mẹ ở. Và hắn lấy vợ.
Việc Nhụ, cô con gái xinh đẹp, học hành giỏi giang của ông chủ lò cau đã từng lắc đầu từ chối bao nhiêu chàng trai lành lặn, con nhà giàu có quyền thế để lấy một anh khoèo đã khiến dân Lập Lễ, dân Cao Nhân xôn xao bàn tán. Chả hiểu cô mê hắn ở điểm gì. Cưới xong hắn đưa vợ ra trạm, hai đứa con ra đời trong ba năm. Chồng xông xáo mua bán, vợ lo cơm nước, chăm con và... đếm tiền.
Nếu cứ bằng lòng như thế, có lẽ đời hắn đã khác. Nhưng hắn dốc toàn bộ vốn liếng ra lập một bè cá. Tiền lãi mỗi ngày hắn đều đổ xuống đó. Hai mốt lồng nuôi toàn cá song, loại có giá đắt khét lẹt. Một con giống nhỏ như chiếc bật lửa có giá 35.000 đồng. Hắn thả gần 10.000 con. Sau một năm, mỗi con đã lớn 5 cân. Mỗi cân có giá 100.000 đồng. Tính nhẩm thì bè cá của hắn đã có giá hơn 500 triệu đồng, tương đương 100 cây vàng. Nhiều lái buôn đã ngỏ ý mua. Nhưng hắn đâu có dại. Hắn tính, chỉ cần nuôi thêm vài tháng thì bè cá của hắn sẽ cho ra tiền tỉ.
Nhưng người tính không bằng trời tính.
Cơn bão số 6 với sức gió mạnh cấp 9 sầm sập đổ vào vịnh Bắc bộ. Tàu biên phòng đã chạy đôn đáo vận động tránh bão. Nhìn bầu trời còn quang đãng, mặt vịnh còn êm đềm, những ngư dân đã cười vào bản tin dự báo thời tiết, cười vào mặt những chiến sĩ biên phòng. Kình cũng thế. Hắn bày rượu ra sàn bè ngồi uống, vuốt bộ râu ngắm nghía biển trời. Quan hệ giữa bộ đội biên phòng với các chủ bè cá vốn mặn mà, chỉ vì cơn bão mà ra xung đột. Công việc buôn bán chăn nuôi đang phát đạt, thế mà lại bị cưỡng chế di dời thì ai chả “a kay”. Cay thì cũng phải chấp hành.
Chỉ còn Kình.
Khi tàu biên phòng tới, Kình vuốt râu thủng thẳng:
- Các ông có uống rượu thì vào. Còn bắt tôi tránh bão thì… quên đi! Cái khoản bão biếc thì các ông làm sao biết bằng tôi. Tôi đi biển từ ngày dái bằng hạt kê. Trời này thì chỉ bão cấp 6 là cùng.
Trước thái độ ngang ngạnh, người chỉ huy hạ giọng tình cảm:
- Thuê tàu kéo bè sang vụng Bèo, giá bằng hai con cá song thôi. Ông muốn mất hai con hay mất tất?.
Kình nâng li rượu khề khà:
- Tiền bạc đối với tôi... không quan trọng...
Hắn bỏ lửng câu nói với vẻ mặt đầy ngạo nghễ của kẻ đã từng vào sinh ra tử, coi thường tất cả. Trong con mắt của Kình lúc ấy thì trời chỉ bé bằng cái đĩa, cửa biển Nam Triệu chỉ nhỏ như vũng trâu đằm.
- Ông phải dời bè! Chúng tôi làm nhiệm vụ theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ! – Người chỉ huy bắt đầu nghiêm giọng.
- Tôi không dời thì các ông làm gì? - Hắn vênh mặt thách thức.
Bão đã bắt đầu gào rú. Mặt vịnh đã nổi sóng cồn. Tàu biên phòng đã bắt đầu chao đảo. Không thể chần chừ đôi co mãi với gã đàn ông say rượu này, người chỉ huy hỏi như gào:
- Vợ con ông đâu?.
- Tôi gửi… vào bờ… từ sáng rồi… - Kình trả lời bằng cái giọng say ngọng líu.
Người chỉ huy lắc đầu bất lực, cho tàu vào bờ.
Mãi về sau này Nhụ vẫn luôn tự hỏi, nếu hôm đó người chỉ huy tàu biên phòng không có trực cảm nhạy bén cho tàu quay lại và hành động quyết liệt thì sẽ thế nào nhỉ?
Đang ôm hai con nằm trốn trong buồng, Nhụ bỗng giật mình khi cánh cửa bị giật tung. Người sĩ quan biên phòng lao tới trùm tấm áo mưa cho hai đứa nhỏ rồi bế thốc sang tàu. Tới lượt Nhụ, dù cố trì níu đòi được ở lại, nhưng cuối cùng cũng không vằng nổi những cánh tay chắc khỏe. Trên chiếc tàu vội vã vào bờ, mắt Nhụ đã nhòa đi khi thấy dáng chồng liêu xiêu trên bè nhưng vẫn cố gào một câu đe dọa:
- Rồi tôi sẽ nói chuyện với các ông!.
*
Chưa bao giờ người dân ven biển Thủy Nguyên chứng kiến một cơn bão mạnh đến thế. Những con sóng cuồng nộ dội ầm ầm vào vịnh. Suốt một đêm tàn phá, gần sáng bão mới nguôi. Tàu của đồn biên phòng chạy ra tìm kiếm thì chỉ thấy những mảnh vỡ thuyền bè nổi lập lờ trên sóng. Một vùng biển sầm uất đã nhuốm màu tang tóc thê lương. Ai cũng nghĩ Kình đã chết. Nhưng một lần nữa hắn thoát.
Khi chiếc bè cá được gia cố bằng những thanh gỗ táu chắc chắn bị sóng giật tung, bóp vụn trong tích tắc, Kình đã vớt những miếng xốp trôi trên vịnh nhét vào trong áo. Và khi ngọn sóng như một quả núi chồm lên chiếc nhà bè xóa sổ những gì còn lại, hắn đã nhanh tay chụp lấy chiếc phích trước lúc bị cuốn đi.
Trong những trận dập dồi, nếu là người thường thì chỉ vài phút là bị sóng đánh cho ộc máu mà chết. Còn hắn, không hổ danh soái ngư biển cả, mỗi khi sóng lớn chồm tới, hắn bình tĩnh lặn xuống tránh đòn. Khi ngoi lên hắn dốc nước trong phích ra rồi lại úp xuống làm phao. Hắn quá tỉnh đòn, không bơi gần những quả núi dầm chân trong vịnh tránh bị sóng hất quật vào đá tan thây.
Gần sáng thì hắn tấp được vào bãi cát. Sóng đã lột sạch những thứ trên người hắn. Trần truồng, lẩy bẩy, hai tay ôm hạ bộ, hắn cóm róm bước vào trạm chế biến hải sản xin một bộ quần áo, một bát cơm, rồi thất thểu đến đồn biên phòng. Nhụ, sau một đêm vật vã khóc than cầu trời khấn Phật, giờ mừng đến nghẹn lời khi thấy hắn trở về. Vợ chồng con cái hắn ôm chầm lấy nhau, mặc cho nước mắt tuôn tầm tã…
Từ tỉ phú Kình bỗng thành tay trắng. Cơn bão đã nhấn chìm cơ ngơi của hắn nhưng không thể dập tắt được cái khát vọng luôn ngùn ngụt cháy. Hắn quyết định làm lại từ đầu. Hắn vay tiền gây lại bè cá. Bão tố đã gột cho hắn bớt tính ngang ngạnh, không dám cắm bè ngoài vịnh, mà lui vào vụng Bèo. Hắn quyết định chia gia đình nhỏ làm đôi: Nhụ và con gái lên bờ ở với mẹ hắn cho an toàn; còn hắn và con trai ở lại bè.
Khoảng cách từ nhà ra bè cũng chỉ hơn chục cây, nửa tiếng đi thuyền nhưng cũng đủ diệu vợi. Hàng ngày thằng Kiếm phải đón thuyền khách vào bờ đi học, tan học thì về thăm nhà một lúc rồi lại đón thuyền ra bè. Hắn không thể rời bè nên Nhụ đương nhiên một hai ngày phải ra thăm. Đến khi thằng Kiếm 15 tuổi, hắn sắm thuyền máy cho con lái, chủ động việc đi lại của cả nhà...
*
Đứng ngóng ở đầu bè, Kình lừ lừ cặp mắt nhìn chúng tôi như dò hỏi. May nhờ cái miệng dẻo quẹo của Tưởng, chỉ vài câu giới thiệu văn hoa nhưng chân thành, nét mặt Kình đã nhẹ đi. Hắn hất hàm về phía vợ con ra lệnh:
- Vậy thì triển!
Nhụ nhanh nhẹn vào bếp đặt nồi nước có bó sả đập dập lên bếp ga, bật lửa đánh toạch. Một bình rượu ngâm hải sâm óng ánh được chị bê ra đặt trước mặt chúng tôi.
Còn thằng Kiếm, chỉ vài động tác sục vợt xuống khoang bè nó đã vớt lên một chậu mực ống đều thau tháu. Một nhát sục nữa, nó kéo lên con cá ngừ to như quả đạn pháo 155mm bóng nhẫy... Bưng những con cá tươi ngoay ngoảy vào bếp cho mẹ xong, thằng Kiếm quay ra kéo những sọt đựng cá nhỏ tới từng lồng, vung tay vãi. Mặt nước cồn sôi. Hàng nghìn con cá như những chiếc tàu ngầm đen trũi đang ẩn mình dưới đáy bất ngờ vọt lên đớp mồi pằm pặp. Trong ánh chiều tà nghiêng nghiêng, có cảm giác những con cá đang lao đớp mặt trời.
Mực vừa chín tới, Nhụ nhanh tay vớt ra, thái khúc bày vào chiếc mâm đã trải rau thơm xanh ngắt cùng chanh vàng ớt đỏ... Đặt vào giữa mâm một chiếc bát nhỏ, nghiêng chai rót ra thứ chất lỏng có màu đen đặc, hương mạnh đến khốc liệt, Nhụ nghiêng đầu:
- Vợ chồng em mời các bác thử mắm ạ!
Thấy chúng tôi ngớ người về lời mời lạ lẫm, Nhụ mau mắn:
- Thử nước mắm là phải có đồ ăn mới chính xác. Chỉ tiếc hôm nay vội, em chưa sang xã Thiên Hương mua được bún Thịnh Xá về để các bác ăn với mắm chắt. Mà thôi thiêu thiếu một tí để rồi các bác còn nhớ về Lập Lễ, về Thủy Nguyên.
Nhìn mâm tiệc đang bốc hơi nghi ngút, ruột gan tôi quặn thắt, nước miếng duềnh lên trong miệng như một đợt thủy triều.
Theo hướng dẫn của Kình, tôi tợp một li rượu, gắp một miếng mực kèm cọng húng chanh chấm đẫm mắm cho vào miệng, xong mới ghé răng cắn rốp nửa quả ớt rồi đảo lưỡi nhai nhè nhẹ. Chao ôi! Tất cả mặn ngọt bùi béo chua cay quấn quýt, tan hòa thành một thức vị thơm ngon tê tái.
Chiều vụng Bèo yên ả. Những con thuyền nhỏ chèo tay chở nhu yếu phẩm bơi khoan thai đến từng bè chào hàng. Nhụ tranh thủ mua những thứ cần thiết, tiện tay sắp đặt gọn gàng nơi ăn ở cho chồng con. Kình ngồi xấp bằng, chân khoèo bắt chéo vào chân thẳng tạo một thế ngồi vững chãi, mắt nhìn vợ đầy yêu thương mãn nguyện. Nhưng trên khuôn mặt vẫn ẩn một nét buồn sâu thẳm.
Một đĩa cá luộc trắng phau được Nhụ bưng ra. Tiếp theo là một nồi cháo rắc tiêu và hành thơm bát ngát. Nhụ rót một bát nước mắm khác cùng lời mời “các bác thử chấm cá luộc với mắm này nhà em xem sao” rồi giảng giải, mỗi loại mắm phù hợp với một loại thức ăn khác nhau. Mực luộc thì chấm nước mắm cá thu, rau và thịt lợn luộc thì chấm nước mắm cá cơm. Còn cá luộc thì lại phải chấm với mắm mực chắt mới đúng điệu.
Chúng tôi ăn. Ăn mê mải.
Tôi thành thật thú nhận mình đã ăn hải sản ở nhiều nơi, nhưng chưa nơi nào ngon như ở đây. Kình phẩy tay:
- Cá nuôi nhốt, thường thôi! Phải ăn cá giữa đại dương mới khoái!
Cứ như lời kể thì Kình đã từng ăn những bữa thống khoái trên sóng cuộn. Cá ngừ đại dương hàng tạ vừa câu lên. Khúc cá đỏ au còn giật thon thót, chấm vào nước mắm mực chắt lập tức đổi màu trong suốt. Phải ăn như thế mới cảm thấy hết cái vị ngọt đằm sâu sắc thấm vào từng đường gân thớ thịt...
- Nhưng đó là ngày xưa. Giờ thì...
Kình bỏ lửng câu nói, ngồi thừ, mắt dõi ra cửa biển.
Sau khi cho cá ăn, néo lại các dây neo bè... thằng Kiếm cởi đồ. Lồ lộ một thân hình trai tráng với nước da nâu bóng, bụng nổi múi, ngực vồng cánh cung. Nó tung mình lao phặp xuống nước. Ngắm chàng trai vung những sải bơi chắc khỏe dưới làn nước biếc làm tung lên những lọn sóng nhuộm ánh chiều vàng rực, cả Tưởng và tôi cùng buột miệng trầm trồ:
- Đẹp quá!
Nhưng Kình hừ một tiếng nhỏ trong cuống họng, buông một câu bỉ bai:
- Đàn ông bì bõm trong vụng khác nào cá nhốt lồng bè. Có mở mắt hết cỡ thì tầm nhìn xa cũng chỉ trên mười xen ti mét!
Tôi chưa hiểu thâm ý câu nói của Kinh nên tỏ ra thông thái hiến kế. Rằng anh chị nên vào bờ, tập trung cho lò nước mắm để hợp lí hóa gia đình, để thằng Kiếm tập trung vào việc học... Kình cắt ngang:
- Học chữ thì ở đâu chả được!
Như để minh họa cho lời bố, thằng Kiếm leo lên bè, tắm xối nước ngọt, vào bếp ăn nhanh mấy bát rồi ngồi vào bàn học. Vầng trán cao vuông của chàng trai lớp 12 sáng lên dưới ánh đèn nê ông.
Đang lúi húi trong bếp, Nhụ quay ra góp chuyện:
- Nhà em muốn cháu ở ngoài này với bố cho dạn dày sóng gió trước khi thi vào Đại học Hàng hải. Bố hứa sau khi tốt nghiệp sẽ sắm cho một chiếc tàu.
Chúng tôi cùng à lên. Ra thế. Trong những ngày gặm nhấm nỗi đau của một con cá lớn phải chịu kiếp ao tù, Kình đã xây dựng một kế hoạch dài hơi. Nhìn khu nhà bè với mấy chục lồng cá to như những thửa ruộng vuông vức trên mặt nước, tôi nhẩm tính, với giá cả hiện thời thì bè cá này đã có thể mua tàu. Kình phẩy tay:
- Muỗi! Nếu bán hết mới chỉ mua được cái thuyền gỗ vỏ trấu, đánh bắt tì tõm quanh bờ, cùng lắm cũng chỉ ra được khu Bạch Long Vĩ thôi.
Nhụ hỏi với ra:
- Các bác có để ý cái tàu to neo ở cảng Mắt Rồng trưa nay không?
A! Là con tàu thép trọng tải 300 tấn lừng lững có cột ăng ten và những cần cẩu cao vút, được lắp định vị vệ tinh GPS, máy siêu âm dò luồng cá, có khoang chế biến tại chỗ, có xuồng cứu sinh.... mà chúng tôi đã tham quan; nó chính là con tàu trưa nay, lúc lái thuyền qua thằng Kiếm đã giảm ga, tay lái chùng chình, ngước cổ lên nhìn bằng ánh mắt khát thèm.
- Ông í muốn có con tàu ấy đấy. – Nhụ đổi cách gọi chồng.
Kình quay vào lừ mắt với vợ:
- Thì sao?
- Nhưng mà... – Nhụ bước ra ngồi ghé vào mâm, cất giọng hỏi: - Các bác biết cái tàu đó giá bao nhiêu không? Ngót nghét hai triệu đô đấy. Có mà mơ!
Kình ực nhanh li rượu, đứng phắt lên, hai tay chống nạnh, mặt hướng ra cửa biển nói to, dường như không phải với chúng tôi, mà cốt để thằng Kiếm nghe:
- Ngày còn bé tí tôi đã được bố dạy, “nam nhi hùng tâm tráng chí”, là thằng đàn ông xứ biển thì phải có chí đại dương.
Nhụ mủm mỉm cười, đai giọng giễu yêu:
- Chí... đại... dương!
Kình trợn mắt quát:
- Chứ sao! Thế mẹ mày yêu tao là vì cái gì nào? Không phải vì cái chí ấy à?
Nhụ mặt đỏ lựng, mắt lóng lánh, bẽn lẽn cúi đầu thú nhận. Được đà, Kình trở lại mâm dốc bầu tâm sự. Hóa ra, cái chí đại dương của Kình không phải là một cái gì trừu tượng mơ hồ, mà hiển hiện qua những câu chuyện cụ thể, hào sảng mà đau đớn. Kình bảo cái máu chinh phục biển khơi là do di truyền. Ở xứ biển, người cha dạy con trai học bơi trước khi học bò, sẽ mang con trai theo thuyền tập quăng lưới thả câu, tập ăn sóng nói gió, từ biển gần dần tới biển xa, cho đến ngày người con trở thành một ngư dân lão luyện... Nhưng đời Kình không được như thế.
Giá con tàu của cha anh ngày ấy to hơn, có hệ thống thông tin liên lạc hiện đại hơn thì mẹ anh đã không phải chịu cảnh góa bụa khi còn đầu xanh tuổi trẻ, anh không phải chịu cảnh mồ côi. Giá con tàu của anh đi ngày ấy có máy thu neo tự động thì anh đã không dính cái tai nạn ngớ ngẩn để giờ phải ngồi đây nói những điều bị cho là mơ mộng hão huyền. Nhưng ai giễu ai cười, ai can ai ngăn mặc kệ. Kình sẽ kiên định với kế hoạch của mình. Hải trình vươn khơi dở dang của cha ông phải được thằng Kiếm tiếp nối với một con tàu to, không chỉ chống chọi được bão tố từ trời, mà còn đủ sức đối đầu với những cú đâm húc từ những con tàu nước lớn luôn rắp tâm tranh cướp ngư trường...
Chúng tôi ngồi ngẩn ra ngắm Kình, bắt đầu cảm thấy nể con người có vẻ ngoài sứt sẹo và thô tháp. Sau một hồi suy tư, Tưởng trịnh trọng nâng li rượu lên ngang mày, triết luận:
- Cuộc đời mà không có hoài bão, không có ước mơ thì sẽ vô vị. Nhưng ước mơ mà không hành động thì vô nghĩa. Anh Kình đang hành động để biến giấc mơ thành sự thật. Tôi tin và chúc anh chí lớn mau thành!
Chúng tôi cùng cạch li. Mải vui, không biết trăng lên tự bao giờ. Cả một vùng sơn thủy hữu tình nhuốm màu huyền ảo. Cảnh này, người này, có ngồi với nhau hết đêm cũng không chán. Nhưng thằng Kiếm đã đến bên:
- Cháu xin phép được đưa các bác vào bờ!
Hơi hẫng. Nhưng đành. Những bước châng lâng xuống thuyền. Chúng tôi vừa yên vị, thằng Kiếm đã tháo dây neo. Tôi ngạc nhiên:
- Ơ... còn mẹ cháu?
Thằng Kiếm ý nhị:
- Mẹ cháu phải ở lại dọn dẹp... sẽ về chuyến sau.
Tiếng động cơ tành tạch cất lên dội vào các vách đá tạo thành những chuỗi âm thanh vang lan trong vụng vắng. Thuyền xa dần... xa dần. Trong cơn chuếnh choáng tôi ngoái đầu nhìn lại. Và thấy rõ. Dưới ánh trăng đẫm tuyệt, chiếc bè cá của vợ chồng Kình đang dập dềnh... dập dềnh. Một vũ điệu sóng nước...
Hà Nội tháng 9/2000