Cái lò gạch ấy

Thứ Bảy, 28/09/2019, 07:50
Thật ra thì y chán vợ từ lâu lắm rồi, nhưng khác với phần lớn những người đàn ông thành đạt khác, việc tìm hứng lên giường với vợ là một nghĩa vụ của y. Không phải chỉ để thực hiện nghĩa vụ làm chồng. Mà cao cả hơn thế và vĩ đại hơn thế: không được phép để vợ buồn. 

Mẹ y bảo là y sinh ra ở cái lò gạch ấy, trong một buổi chiều mưa gió. Cuộc đời bắt đầu từ một cái lò gạch thì đã sao? Nghe đâu bố y ngày xưa cũng sinh ra ở đúng cái lò gạch ấy. Mà thời ấy, mười đứa trẻ thì đứa sinh ra ở lò gạch, đứa sinh ra ở ruộng, đứa sinh ra ở vườn, đứa sinh ra ở bờ mương. Thậm chí đứa bạn thân của y còn được sinh ra ở mả. Chả sao cả. Cái thời ấy nó thế. Ai chả giống ai.

- Nhưng chính vì cái thời ấy nó thế nên thời này nhất định phải hơn thế. Mẹ y chết rồi. Bà trẻ của y, tức là bà dì đanh đá và gớm ghiếc của mẹ y, bà trẻ "tử thần" trong nỗi ám ảnh tuổi thơ y cũng đã chết từ lâu. Ở cái làng này, tóm lại là y chẳng còn ai thân thích cả. Nhưng người trong làng ai cũng biết y là cái thằng ấy, sinh ra ở lò gạch, trong một đêm mưa gió. Biết luôn cả tuổi thơ vất vưởng của y, và quá biết việc bây giờ thi thoảng y vẫn hay lên tivi trong cảnh cắt băng khánh thành một dự án địa ốc nào đó cấp nhà nước. Thế nên cả cái làng này tự hào về y.

Cả cái làng này, cứ hễ ai có việc gì cần giúp đỡ là lại bắt xe phi ngay lên Hà Nội nhờ vả y. Mà công nhận là y nhiệt tình ghê gớm. Người trong làng nhờ, y giúp. Người trong làng chưa kịp nhờ, y mà biết y cũng giúp. Thế nên công ty của y bây giờ toàn... nhân viên làng. Toàn nhân viên làng nên cũng gặp nhiều chuyện dở khóc dở cười. Ví dụ rõ nhất là con bé Kế toán trưởng, vốn là cháu ba đời của cụ Nghị ngày xưa. Hôm bố con bé mang đôi gà và vài chục trứng lên nhà y, ông cụ nói đi nói lại:

- Chính ra nhà tôi với nhà anh còn có họ với nhau đấy!

Y chẳng biết là có họ hàng gì không. Mà cũng chẳng cần biết để làm gì. Kể cả không phải họ hàng, chỉ cần là người làng, y giúp ngay. Thế nên con bé vừa tốt nghiệp ra trường, đúng chuyên ngành kinh tế, y bốc về làm kế toán luôn. Và đúng một năm sau, cô Kế toán trưởng xin nghỉ, y bốc con bé lên làm Kế toán trưởng luôn.

- Em sợ chưa đủ kinh nghiệm anh ạ.

Trước khi quyết định được đưa ra, con bé nói thế. Y trấn an:

- Kinh nghiệm thì cũng vô cùng, biết bao giờ mới đủ!

Thế là con bé làm. Con bé còn chỉ đạo luôn cả những người dày dạn kinh nghiệm chiến trường hơn mình. Không biết là có bị ai đó trong cái phòng này "chơi đểu" hay không mà cuối năm tổng kết sổ sách, Phòng Kế toán không giải trình được con số "âm 500 triệu đồng". Theo đúng nguyên tắc, Phòng Kế toán phải đền, và Kế toán trưởng phải chịu trách nhiệm chính. Con bé sợ quá, gọi điện về quê cho bố. Ông bố sợ quá, lại xách đôi gà và vài chục trứng quê lên nhà y khóc lóc. Trong thâm tâm, cả hai bố con đều hiểu đây là một lỗi tày đình. Thế nên hai bố con không tin vào tai khi nghe y vừa ngáp vừa nói:

- Làm không có sai sót thì không phải là làm.

- Em xin rút khỏi ghế Kế toán trưởng anh ạ.

- Điên à! Cứ làm đi.

- Dạ vâng, em làm...

Sau câu nói lí nhí ấy, con bé tiếp tục làm Kế toán trưởng. Bố con bé thì cứ tấm tắc: "Ở đời, lại có người tốt đến thế là cùng".

Minh họa: Lê Tiến Vượng

Hôm nay y về làng. Nhưng không phải là về thăm mộ mẹ như mọi lần. Cũng chẳng phải là để bốc nốt người nọ người kia lên công ty của mình như mọi người vẫn tưởng. Y về để giải quyết một ca khó, rất khó. Chắc chắn y phải xây ở chỗ ngày xưa là lò gạch một cái siêu thị thật oách. Chắc chắn thế. Có người bảo: siêu thị ở đây bán cho quỉ à? Quỉ ma không quan trọng, quan trọng là phải có cái siêu thị. Để cái làng này thấy rằng, ngày xưa là lò gạch thì bây giờ là siêu thị.

Ngày xưa là nhơ nhuốc mạt hạng thì bây giờ là sang trọng đẳng cấp. Thế thôi. Đơn giản thế thôi. Bán buôn, lời lãi với y quan trọng gì. Thật ra thì cả cái làng này ủng hộ y, nên cũng như y, cả cái làng này mong muốn sẽ có một siêu thị được mọc lên. Khổ nỗi, cái chỗ mà y muốn xây siêu thị lại được qui hoạch để xây dựng một cái chợ dân sinh, tỉnh đã phê duyệt xong xuôi đâu đó rồi.

"Bác xây ở chỗ khác được không, làng này thiếu gì đất?". Ông Chủ tịch xã nói thế. "Đất thì chỗ nào chẳng là đất, nhưng chúng tôi đã tính mọi nhẽ, và chốt chỗ này rồi" - y điềm đạm trả lời. Rồi y nhấn nhá thêm: "Rất mong xã giúp đỡ dự án này của chúng tôi". Ông Chủ tịch xã luống cuống: "Dạ! chẳng mấy khi được người con thành đạt của làng, của xã như bác gửi gắm, chúng tôi rất muốn góp công mình vào, nhưng bác biết đấy, tỉnh đã phê duyệt rồi". Y vẫn giữ giọng ôn tồn: "Thế nên chúng ta mới phải cùng nhau giải quyết".

Thật ra thì bài toán đã được y chủ động lên lời giải từ vài tháng trước. Vẫn chỉ là lời giải quen thuộc mà y đã từng áp dụng trong việc làm các dự án trước đây: chính người trong làng sẽ cùng nhau viết đơn đề xuất gửi lên xã, rồi xã gửi lên huyện, rồi huyện gửi lên tỉnh, bày tỏ nguyện vọng mà tất cả đều cho là "chính đáng" về việc phải có một cái siêu thị ở chốn này.

Đấy là bước thứ nhất, mà ngôn ngữ làm ăn của y gọi là "lo từ dưới lo lên". Còn bước thứ hai, "lo từ trên lo xuống" thì y cũng đã tính sẵn trong đầu, và cũng như mọi lần thôi: y sẽ nói với vợ. Vợ sẽ nói với bố. Bố sẽ nói với lính. Lính sẽ nói với lính của lính. Và thế là sẽ có một tiếng nói đủ khéo léo mà lại đầy trọng lượng từ Trung ương xuống. Trung ương đã nói xuống, tỉnh nào dám không nghe? 

Nhưng riêng lần này thì y lầm. Ông Chủ tịch tỉnh là một tay ngang ngạnh. Làm việc với ông xong, gã nhân viên đầu tiên của y về báo cáo: "Khó nhằn sếp ạ". Gã nhân viên thứ hai lại báo cáo: "Gã này hâm hâm sếp ạ". Phải đến nhân viên thứ ba, là một nhân viên nữ thì báo cáo mới khác đi: "Mấy cái thể loại này em gặp nhiều rồi. Bên ngoài ra vẻ thế thôi, bên trong khác hẳn, sếp cứ yên tâm". Y cho cô nhân viên hai tuần để giải quyết vấn đề. Cô này bảo: "Em chỉ cần một tuần". Và trong suốt một tuần ấy, bằng những kinh nghiệm nõn đời của mình, cô ta áp dụng chính sách: "Cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền". Nhưng cô ta cũng lầm. Ông Chủ tịch tỉnh bản lĩnh hơn vẫn tưởng. Đến tuần thứ hai thì chính sách thay đổi theo hướng: "Cái gì không mua được bằng rất nhiều tiền thì có thể mua được bằng rất, rất nhiều tiền". Nhưng ngay cả cái chiêu này cũng không làm ông ta thay đổi.

- Sao ở đời lại có cái thể loại như thế nhỉ?

Cô ta thốt lên với nhân vật thân cận nhất của ông ta, người mà hai tuần trước cô ta mới tiếp xúc nhưng bây giờ thì đã nhũn nhặn tình nguyện trở thành tay trong của cô ta.

- Đã thế, phải cho lão này biết tay!

Cô ta gằn giọng.

- Chị chưa biết đấy thôi, anh ấy không thích tiền, nhưng lại thích những thứ khác. Anh ấy có vài vấn đề về tâm lý, nên hơi khó ở thế thôi, nhưng nếu mình hiểu anh ý thì rất dễ.

- Thích gì?

Cô ta hỏi đúng với cái giọng bề trên. Người đối thoại với cô ta vừa cười, vừa trả lời, vừa nhấm nháy:

- Hương đồng gió nội!

*

Y cười phá lên rồi bảo với cô nhân viên: "Tưởng gì, chứ chuyện này quá dễ". Buổi chiều hôm ấy y cho gọi Trưởng phòng Kế toán lên phòng mình. Và cũng vẫn như những lần trước đây, y ngồi ngay sát cô bé, trên ghế salon, thay vì ngồi ở bàn làm việc như tiếp khách thông thường. Y hỏi dăm ba câu về công việc của Phòng Kế toán, rồi theo thói quen đặt tay lên đùi cô bé. Rồi theo thói quen, đưa tay vào trong quần cô bé. Cũng theo phản xạ quen thuộc của mình trong mỗi lần được y gọi đột ngột lên phòng, cô bé chủ động nhắm mắt, nghiêng người xuống, và đưa tay gãi lên sống lưng của y.

Với y, đấy là một cái thú. Những sự đụng chạm chớp nhoáng, ngay trong phòng làm việc, với cả những cô nhân viên chưa chồng lẫn những cô nhân viên có chồng luôn tạo ra một trạng thái sảng khoái khủng khiếp. Phải có những sự đụng chạm như vậy thì tối về nhà, y mới có cảm hứng lên giường với vợ.

Thật ra thì y chán vợ từ lâu lắm rồi, nhưng khác với phần lớn những người đàn ông thành đạt khác, việc tìm hứng lên giường với vợ là một nghĩa vụ của y. Không phải chỉ để thực hiện nghĩa vụ làm chồng. Mà cao cả hơn thế và vĩ đại hơn thế: không được phép để vợ buồn. Có thể làm bất cứ ai buồn, chứ không thể làm vợ buồn. Có thể thực hiện tất cả những biện pháp, kể cả những biện pháp mà những người chồng khác không dám thực hiện, chứ nhất định không được để vợ buồn. Vì vợ buồn thì bố vợ sẽ buồn. Bố vợ buồn thì cái công ty và những dự án làm ăn của y cũng liêu xiêu.

Thế mới có chuyện y đã từng trực tiếp tuyển một cậu tài xế riêng cho vợ. Cậu này hai lăm tuổi, trẻ trung, lễ phép, và qua giới thiệu của mấy đứa đàn em, y biết chắc cậu này rất có kinh nghiệm trong việc lái xe đưa các chị đi du lịch. Và y đã tạo điều kiện hết cỡ để cậu này đưa vợ mình hết đi du lịch lại đến đi lễ bái. Mà vợ y cũng là người thích đi, nên đã và vẫn đi trên từng cây số.

Là một người tinh tế, y không ngừng tăng lương cho cậu này, từ mười lăm triệu, hai mươi triệu, ba mươi triệu, đến bây giờ là bốn lăm triệu đồng/ tháng. Trời ơi, làm gì có chuyện lương lái xe lên tới bốn lăm triệu hả trời? Ấy thế mà y đã trả lương như thế đấy. Vì y hiểu, bằng mọi giá, phải giữ cậu này lái xe cho vợ thật lâu. Khổ nỗi, sau những buổi đi xa triền miên, cứ về đến nhà là vợ lại nũng nịu. Mà vợ đã nũng nịu thì y không bao giờ dám chối từ.

Có cảm hứng hay không có cảm hứng, y cũng không chối từ. Vì thế y hiểu, việc của mình là phải làm mọi cách để tìm cảm hứng, giống hệt như cái thời hai vợ chồng vẫn còn yêu nhau. Mà suốt một năm trở lại đây, cứ hễ cần cảm hứng để tối về với vợ là y lại cho gọi cô bé Trưởng phòng Kế toán lên phòng mình. Nói cho nhanh, cô bé không xinh đẹp gì. Nhưng ở cô toát lên hai thứ mà những đại gia từng trải rất thích thú, một là sạch sẽ, hai là quê quê. Ở cái thời mà "quà quê" trở thành một hấp lực ghê gớm với những người thành phố vốn no nê và sợ hãi những thứ "quà công nghiệp" thì gái quê lại có sức hút đặc biệt hơn bất cứ khi nào.

Chiều hôm ấy, sau khi thực hiện xong cái việc gọi là "đi tìm cảm hứng" với cô Trưởng phòng Kế toán, y vào đề luôn:

- Công ty đang có một việc rất đặc biệt, mà chỉ có em may ra mới giúp được.

- Dạ!

Cô bé ngoan ngoãn đáp!

Sau tiếng "dạ" ấy cô bé lại ngoan ngoãn tạm rời việc ở Phòng Kế toán vài ngày để được dẫn tới gặp ông Chủ tịch tỉnh. Chẳng biết cuộc gặp gỡ cụ thể diễn ra như thế nào, nhưng bây giờ thì ca khó của y đã được giải quyết xong xuôi, mọi ý kiến đã chốt, mọi chữ ký đã OK, và dự án xây siêu thị được thông qua chỉ còn là vấn đề thời gian.

*

Cả làng báo hôm ấy xôn xao bởi thông tin ấy. Không còn bán tín bán nghi, đồn thổi gì nữa. Không còn rì rầm, đoán già đoán non gì nữa. Chính thức rồi: Ông Y bị bắt. Con người tưởng không thể sờ đến cuối cùng vẫn bị sờ đến. Các báo nháo nhào kể tội ông, bất kể trước đó, rất nhiều người trong số đó từng nhận ơn mưa móc của ông. Nào là những chữ ký vô trách nhiệm của ông đã khiến ngân sách thất thoát cả ngàn tỷ đồng. Nào là chuyện ông đã nhận tiền hối lộ lên tới vài triệu đô từ một tay ma cô đột lốt trí thức nọ. Vấn đề là, vài triệu đô giờ trôi dạt nơi nào? Ở trong trại tạm giam ông đã thành khẩn khai báo rằng, nó đang nằm trong tài khoản của con rể, tức là y. Ông còn cẩn thận nói rằng đã đưa cho y cả thảy ba lần. Theo luật, nếu y có thể nộp lại tiền thì ông sẽ thoát án tử hình.

- Quá sốc với những thông tin này, vợ y hỏi y:

- Anh nhận của ông cụ bao nhiêu tiền?

Y sửng sốt đáp:

- Không một xu nào cả.

- Tôi hỏi lại, anh nhận của ông cụ bao tiền, tất cả mấy lần?

- Em à! Thật sự anh không nhận một xu nào cả.

- Vậy ông cụ đổ điêu cho anh à?

- Không!

- Vậy là thế nào?

- Em không hiểu ý bố rồi! Bố khai thế để vợ chồng mình tìm cách hoàn trả lại giúp bố khoản tiền đó, để bố thoát án tử.

Đến đây thì cô vợ im lặng. Mặt cô thẫm lạnh một lúc lâu rồi mới lên tiếng: "Phải cứu bố bằng mọi giá". Y nói ngay: "Nhưng lấy đâu ra vài triệu đô hả em?". Cô ta gắt gỏng: "Tiền công ty của anh". Y khe khẽ nói: "Vừa đổ vào hàng loạt dự án, em biết mà...". Cô ta liền chỉ đạo: "Bán tháo hết các dự án đi". Đến lúc này thì kinh nghiệm thương trường và sự tỉnh táo của một thằng đàn ông trong y phát huy tác dụng: "Chắc chắn người ta theo dõi cả rồi. Giờ mà bán thì bứt dây động rừng, hỏng hết...". Hai vợ chồng còn cãi cự vài câu nữa. Câu cuối cùng mà cô vợ ném vào cái mặt mướt mồ hôi của y là:

- Anh là một thằng đàn ông hãm tài! Anh đi chết mẹ nó đi.

Chết là chết thế nào? Khi còn một mình, y nghĩ như thế. Mẹ y ngày xưa đã chết trong đói nghèo, bệnh tật. Bố y đã chết trong một cơn tự vẫn và bế tắc. Cả cuộc đời y, nhất định y phải sống, phải giàu có, và phải chứng tỏ cho cả cái làng của mình nhìn thấy cảnh sau này, đến khi chết thì y cũng chết trên nhung lụa. Chắc chắn là y phải chết khác bố mẹ y. Y cũng phải sống khác bố mẹ y. Thế nên y mới tìm mọi cách để lấy người bây giờ mà mình gọi là "vợ", người mà mình luôn luôn phải chiều chuộng, hầu hạ, phục tùng, bất chấp tâm trạng, cảm hứng ra sao. "Anh đi chết mẹ nó đi", bây giờ cô ta đã nói như vậy thì đúng là nguy thật.

Cô ta nói như vậy có nghĩa là cái công ty kinh doanh bất động sản của y sẽ phải đóng cửa. Cô ta nói như vậy có nghĩa là hàng loạt các dự án của y sẽ chết. Cô ta nói như vậy có nghĩa là cái siêu thị sẽ không thể mọc lên ở chỗ ngày xưa là lò gạch, bất chấp việc mọi thứ đã xong xuôi đến tám, chín phần. Bố vợ trong tù, còn vợ thì ném vào mặt một câu còn hơn cả phũ phàng: "Anh đi chết mẹ nó đi" - cuộc đời y đến đây coi như xong. Y hơn bố y ngày xưa ở chỗ: đã biết cách tìm cho mình một điểm tựa, một lối thoát, một phương thức đổi đời. Nhưng y thua bố y ở chỗ: ngày xưa bố y dẫu sao cũng tìm được một con đàn bà nấu cho mình bát cháo trong những cơn cùng cực nhất, còn với y bây giờ, chỉ sau một lời nói của một con đàn bà mà mình rồi sẽ không còn gì cả.

Trước mặt y là một chai rượu. Y cứ thế nốc hết cốc nọ cốc kia, cho tới khi hoa mắt. Và trong cơn hoa mắt, y chợt nhìn thấy một cái lò gạch, trong một buổi chiều mưa gió. Y thấy một người đàn bà nhếch nhác, vừa há hốc mồm, vừa ôm y vào lòng. Y thấy một người đàn ông vừa cầm một mảnh thuỷ tinh đâm vào ngực y vừa rống lên: “Mày chết đi/ Mày chết đi/ Mày chết con mẹ nó đi”. Thế giới xung quanh y chao đảo, ngả nghiêng. Y cầm chai rượu lên, nốc ngụm cuối rồi ném chai rượu vỡ toang, những mảnh thuỷ tinh bắn tung toé sàn nhà.

Đúng lúc ấy, vợ y đi tới. Mà không chỉ đi một mình. Cô ta đi cùng gã lái xe. Y thấy hình như gã lái xe mà chính mình tuyển dụng cho vợ đang giơ một nắm đấm lên thì phải. Hình như thế. Và bây giờ thì y ôm mặt. Đau quá! Cú đấm đau quá! Nhưng chính nhờ cú đấm mà y lại có phần tỉnh ra. Vừa nhìn cái cảnh vợ mình và gã lái xe đi ra phía cổng, y vừa chửi thề:

- Con đĩ! Đồ con đĩ!

Vĩ thanh

Bạn đọc thân mến, toàn bộ cái mớ chữ nghĩa trên đây chính là phần trả bài của một cô sinh viên ở Khoa Viết văn của tôi, trong kỳ thi hết môn. Đề bài là: “Hãy sáng tác một truyện ngắn, kể tiếp về cuộc đời của đứa con Chí Phèo - Thị Nở, hai nhân vật chính trong tác phẩm "Chí Phèo" của Nam Cao”. Thật lòng, tôi đọc cái gọi là "truyện ngắn" của cô sinh viên này và chẳng thấy nó có tính văn chương tý tẹo nào. Nó sống sít quá, khô khan quá, mang tính mô tả trần trụi quá. Cho nên tôi đã phê vào đó hai chữ "không đạt". Nhưng khốn nỗi, người chấm thi cùng tôi lại phê "đạt" với lý do: "Truyện ngắn bây giờ phải thế".

Truyện ngắn của Phan Đăng
.
.