Bùa ghét

Thứ Năm, 21/11/2019, 08:24
Thào giữ chặt tay Liêng. Liêng quay mặt đi. Trong ánh chiều bờn bợt, ngôi nhà vách nứa xiêu xiêu của Thào mờ mờ trong mây, mẹ Thào ngồi bên hiên như cái bóng không hồn. Giọng Thào khẩn khoản, người chực như quỳ xuống: “Anh nhớ em lắm! Đừng bỏ anh đi!…”. 

“Anh nhớ tôi à? Anh nhớ con ma nâu của anh ấy”. “Anh không thể sống thiếu em, đừng bỏ anh đi, Liêng!...”. “Yêu anh để rồi anh bán tôi đi như bán con bò, con dê nhà anh để anh hút. Anh xem mẹ anh đang sống thế nào? Còn thứ gì để bán nữa không? Thế mà anh còn muốn lo cho tôi…”.

“Anh biết mình sai rồi, anh sẽ bỏ”. “Khi nào anh bỏ được thì gặp tôi nhé!”. Liêng giằng mạnh tay, tuột khỏi tay Thào, bỏ đi. Chỉ mấy lần uống rượu say say, nghe mấy thằng bạn, thử tí, thế mà Thào nghiện lúc nào không hay. Nghiện sao mà dễ, còn bỏ thì khó quá. Đã mấy lần Thào hứa bỏ thế mà không thoát nổi sức trói buộc của nàng tiên nâu. Phải bỏ! Phải quyết tâm bỏ vì Liêng. Đi trại cai nghiện à? Thì đi. Bản này có mười lăm thằng nghiện, chưa ai cai được thì ta sẽ cai được.

Sáng dậy, mây mù giăng kín, sương vẫn lạch tạch rơi, Thào nhặt mấy bộ quần áo, cho vào cái túi vải, vắt chéo lên vai, thế là đi. Trên hồ Thác Bà, cách bản Thào không xa có trại cai nghiện. Đi đến cuối bản, vẫn còn sớm, giờ này chưa ai đi nương, thế mà phía trước có hai bóng người quen lắm. Ơ! Là Liêng và Sáng. Hai người đi đâu, hay mới đi đâu về?

Thào bám theo, lòng đầy nghi hoặc. Liêng dẫn Sáng rẽ sang con đường nhỏ nối lên núi Bân. Họ lên đó làm gì? Thào biết trên đó chỉ rừng rậm âm u, chẳng có gì ngoài muỗi, vắt và nương thuốc phiện của thằng Sếnh. Có thể Liêng dẫn Sáng đi phá nương thuốc phiện? Sáng là công an xã, Liêng chỉ là dân thường, nguyên cớ gì lại đi cùng Sáng?

Cũng có thể Liêng ghét thuốc phiện, ghét thứ thuốc ma mị ấy đã làm hỏng người yêu của mình. Mấy hôm nay Thào để ý thấy Liêng và Sáng thường đi cùng nhau, đến từng nhà có người nghiện để vận động họ đi cai nghiện. Bóng Liêng và Sáng đã hút vào trong mây. Cơn nghiện lại sắp ập đến, chân rệu rã bước lên con dốc nhỏ.

Máu ghen của Thào sôi lên. Tuần trước hết tiền mua thuốc, Thào trộm cái xe máy của thằng Khu để ở ven nương ngô đem xuống huyện cắm, bị Sáng bắt được, nhốt trên xã, nghĩ lại vẫn còn ức. Hừ! Giờ Thào thành người bỏ đi rồi, nhân cơ hội này thằng Sáng tìm cách cướp Liêng chứ gì? Xinh đẹp, ngoan hiền như Liêng, con trai ở gần không thích mới là lạ.

Thào dừng lại. Nếu mình đi cai nghiện, khi về gạo đã thành cơm, Liêng đã của Sáng thì sao? Không được! Mắt Thào bỗng lóe lên những tia sáng lạ lùng. Phải làm thế đã! Xong ta sẽ quyết tâm đi cai nghiện.

Minh họa: Lê Trí Dũng

Thào không đi tiếp mà quay lại, nhằm hướng con đường nhỏ vượt Đán Đăm. Vượt qua Đán Đăm sẽ là Long Xuân, hết Long Xuân sẽ đến Mường La, ở đó Thào có một người bố kết nghĩa tên là Tương. Thào chỉ gặp bố Tương vài lần khi ông có việc ngang qua, rẽ vào thăm bố Thào một lúc. Mường La đây rồi, một bản nhỏ hun hút bên rừng.

Thào hỏi nhà thầy bùa Tương, tất cả lắc đầu, chẳng ai biết cả. Bố Thào từng kể, bố Tương rất giỏi và biết hết các loại bùa chú như bùa cho những người ế chồng, ế vợ đến với nhau không kể đến điều kiện, hoàn cảnh, tuổi tác; bùa cho những cặp đôi sống không hạnh phúc, sắp tan vỡ trở nên thắm thiết; bùa cho người chồng hay uống rượu, đánh chửi vợ trở nên yêu thương vợ…

Ngược lại, cũng có thể bỏ bùa cho hai người đang yêu nhau trở nên ghét nhau. Giờ Thào đang cần thứ bùa ghét đó. Thế mà ở đây chẳng ai biết thầy bùa Tương. Thào hỏi ông Tương, người hoạt bát, da đen, mắt sáng. Một người trung niên nhìn Thào từ đầu đến chân rồi chỉ đến một ngôi nhà sàn ba gian nho nhỏ, cũ kỹ tít chân núi, cuối bản.

Nhà vẫn mở cửa. Thào bước lên cầu thang, cất tiếng gọi. Thay câu trả lời là một tràng ho khù khụ. Thào vào nhà. Đúng bố Tương rồi, nhưng trông già và gầy quá. Ông Tương cố gượng dậy, nhìn sâu vào mặt Thào, ánh mắt mệt mỏi hiện lên vẻ ngạc nhiên, giọng nói ông khào khào lẫn trong gió núi: “Thằng Thào!... Con ông Lùng phải không? Sao lại đến tận đây…”. “Dạ!...”.

Một ý nghĩ toan tính chợt lóe lên trong đầu Thào: “Dạ thưa, nghe tin bố ốm nặng, mẹ con bảo con lên thăm, xem bố cần gì thì ở lại chăm sóc vài hôm vì bố từng là ân nhân cứu sống bố con thời trận mạc”. “Thế thì quý quá!”. Ông Tương lại nằm xuống, hai tay buông xuôi, hơi thở chậm và đều, vẻ mặt mãn nguyện. “Cho bố hỏi thăm gia đình dưới đó?”. “Dạ, hai mẹ con con vẫn bình thường ạ”. “Thế con chưa lấy vợ à? Cũng cứng tuổi rồi còn gì?”. “Dạ, con không biết tán gái, cũng không biết thả bùa như bố nên ế rồi bố ạ”.

Thào cố tình lái câu chuyện theo chủ đích của mình. Mắt ông Tương bỗng cau lại, những tràng ho kéo dài, mặt ông như có đám mây đen tụ về. Im lặng rất lâu, ông Tương mới chậm rãi: “Bùa sinh ra là để làm phúc, nhưng cũng có thể gây họa. Ta biết bùa, nhưng cả đời ta chưa bỏ bùa ai. Giờ các thầy bùa đã chết cả, chỉ còn lại mình ta, chẳng sao… thế hệ các con hiện đại rồi…”.

Thào bỗng trở nên luống cuống: “Thưa bố, để thất truyền như thế chẳng phải có tội với tổ tiên hay sao? Bố là bố kết nghĩa, con cũng như con của bố, nếu bố tin tưởng con xin nhận trách nhiệm”. Ông Tương lại nhìn xoáy thật sâu vào mặt Thào, rồi lại nằm xuống, ôm ngực, thở dốc. Thào đang chạm vào nỗi đau của ông. Lại một khoảng im lặng làm Thào muốn nghẹt thở.

Đầu ông Tương nghĩ lung lắm. Ông không có con, không có người để truyền lại bùa chú. Chẳng bao ngày nữa, nếu không truyền cho ai có nghĩa bùa sẽ thất truyền, mãi mãi chỉ còn trong những câu chuyện kỳ bí được kể lại. Ông nhớ khi truyền nghề cho ông, bố ông chỉ chọn truyền lại một số bài bùa nhất định, có thể dùng với mục đích tốt, còn một số bài bùa có thể dùng cho mục đích xấu ông đem theo xuống mồ.

Chưa bao giờ ông thấy bố dùng hết các bài bùa của mình. Mỗi lần làm bùa, bố ông thường hỏi rất kỹ nguyên nhân của người đến xin bùa rồi mới nhận hay từ chối làm. Ngày ông học bùa, mỗi lần bố ông chỉ truyền một bài bùa vào một ngày duy nhất là đêm ba mươi Tết, trước giao thừa vì đó là thời khắc linh thiêng, có tổ tiên về chứng giám.

Thời gian học các bài bùa, bố ông kéo dài ra nhiều năm để có thời gian theo dõi, thử thách và rèn luyện ông. Bùa có tác dụng tốt nếu người làm bùa có tư cách tốt và ngược lại, cho nên việc chọn truyền nhân phải rất khắt khe. Thào là con người bạn thân nhất, giờ ông cũng muốn truyền cho Thào, thế nhưng, điều làm ông băn khoăn là tư cách đạo đức của Thào không biết thế nào.

Sự im lặng làm Thào không chịu nổi. Thào đứng dậy, bảo: “Con đi bắt con gà làm cháo cho bố nhé”. Thào xuống gầm sàn, dồn đàn gà vào góc vườn, bắt được một con đẹp nhất. Hơn nửa tiếng sau bát cháo nóng được bưng lên. Đêm heo hút, rặng nứa sau nhà có tiếng cú rúc lên từng đợt. Thào gọi ông Tương dậy ăn cháo.

Mắt ông Tương vẫn nhắm nghiền. Thào đưa tay lay gọi, chợt Thào rũ xuống. Người ông Tương lạnh toát, hơi thở thật chậm và mệt nhọc. Chẳng biết làm gì khi nhà ông Tương cách trạm xá hơn hai tiếng đi bộ. Thào vội giã gừng, lau khắp người ông Tương. Người ông Tương ấm dần. Thào đỡ ông Tương dậy, bón cho ông từng thìa nước cháo. Hơi thở ông đều hơn, tiếng nói lại khào khào: “Hôm nay là ngày rằm đấy con! Thắp hộ bố mấy nén hương lên ban thờ”.

Giọng ông lại khào khào: “Ta sắp chết rồi! Hôm nay là ngày rằm, ngày có thể truyền bùa chú, ta sẽ truyền lại cho con… nhưng con phải hứa…”. Thào cuống quýt: “Dạ vâng! Bố cứ bảo, con xin hứa”. “Hứa là chỉ được học chứ không được bỏ bùa bừa bãi. Bùa có thể gây họa hoặc phản lại người làm bùa… Bùa chỉ được dùng làm phúc… hãy nhớ!”. “Dạ vâng, con nhớ, con hứa!”. “Thế thì ta yên tâm có truyền nhân, ta không mắc tội với người thiên cổ. Hãy nhớ lời ta dặn. Nào, lại đây, ta bắt đầu, con hãy nín thở, lưỡi không chạm vào răng, nhẩm đọc câu chú: "Sam síp tu ma nặp, pác nhì tu ma này, đúc ca pác tu mo, đúc ca hò pù tào, pù tào túc bâu chi, tu mo tức chi cải"… nhẩm đọc chín lần, thế… thế… đấy là bùa yêu. Còn đây là bùa ghét nhé: "Xỉnh nàng tấy nưa thiên, xỉnh nàng tiên nưa fạ, nàng tấy hưa khỏi sliên, nàng tiên hưa khỏi mẳn"… thế… thế!...”.

*

Tiếng gà nhà chen tiếng gà rừng gáy eo óc. Trời chưa sáng hẳn. Mây mù kéo vào tận chỗ nằm. Thào giả vờ nhà có việc, xin phép ông Tương rồi về. Hừ! Giờ thì thằng Sáng sẽ biết tay ta. Ta sẽ bỏ bùa ghét cho Liêng ghét Sáng, Sáng ghét Liêng, há há! Thào nghĩ, chân phăm phăm vượt dốc. Bỏ bùa ghét phải cần áo của hai người. Áo của Liêng, Thào vẫn đang cầm một cái Thào tặng Liêng lúc hai người mới yêu nhau, giờ Liêng giận, Liêng trả lại. Còn áo của Sáng.

Thào đi thẳng về nhà Sáng. Ngày, cả nhà Sáng đi làm, quần áo phơi ngoài sân. Kia rồi! Thào lấy trộm một cái áo của Sáng, chạy ra đồng ma chết trẻ. Phải tìm được cây khoắc mọc trên mả trẻ con nữa. Đây rồi! Lần này thì thằng Sáng biết tay ta. Thào hí hửng lấy sống lá chuối dựng lên như cây chông dựng đứng, cây khoắc vót nhọn hai đầu xiên qua sống chuối như những cây chông tua tủa đâm ra hai bên, áo của Sáng treo một bên, áo của Liêng treo một bên. Thào thắp hương, đọc câu bùa, lấy tay vẽ vào không trung chữ bùa rồi thổi phù một cái. Thế là xong nhé! Từ giờ Liêng sẽ mãi mãi là của ta nhé!

Tự nhiên Thào thấy trời đất tối sầm lại, chân bước chênh chao, đầu óc trở nên u u mê mê. Thào về đến đầu bản, đàn chó nhà Sếnh lao ra cắn. Hằng ngày Thào đều qua trước cửa nhà Sếnh, chưa bao giờ đàn chó sủa một câu, lạ thế. Thào vắt chân lên cổ chạy. Gặp mấy cô, mấy bà cùng bản đi nương về, họ nhằm mặt Thào nhổ bọt và thi nhau chửi.

Thào chưa hiểu chuyện gì thì vài thanh niên đi ăn cưới gần đó người vớ cái cuốc, người nhổ cọc rào lao vào đuổi đánh Thào, vừa đánh vừa chửi “Đồ nghiện ngập, mày lại về để ăn cắp nữa à… Cút ngay khỏi cái bản này cho khỏi rác…”.

 Mấy hôm nay Thào vất vưởng ngoài bìa rừng, không dám về bản. Lạ thế chứ! Tự nhiên người trong bản thấy Thào là đánh đập, chửi rủa như có mối thâm thù sâu lắm. Đêm u u mây mù và gió núi. Đã rất khuya, Thào nằm trên bụi cây pàn cừa nhìn lên ánh trăng bờn bợt. Có tiếng cọi buồn, thăm thẳm vọng ra từ phía nhà Liêng. Chân bước trôi trôi theo tiếng cọi buồn về tảng đá bên nương ngô cạnh nhà Liêng, nơi Thào và Liêng trước đây vẫn ngồi bên nhau. Cả ngày hôm nay Thào nghĩ, nghĩ mãi, giờ Thào đã biết tại sao mọi người lại ghét mình đến thế. Bố Tương đã bảo chỉ được bỏ bùa làm phúc, bùa dùng cho việc xấu có thể gây họa và phản lại người làm bùa.

Thào biết mình sai rồi. Bùa ghét chỉ có tác dụng khi làm cho hai người đang yêu nhau trở nên ghét nhau. Liêng và Sáng không yêu nhau, bùa chú không linh ứng với Liêng và Sáng nên quay về ứng vào người bỏ bùa, là Thào. Hóa ra Liêng vẫn yêu mình! Nước mắt Thào tự nhiên lăn ra, mằn mặn. Giọt nước mắt hối hận, hạnh phúc hay cay đắng cũng chẳng rõ. Tiếng cọi càng đêm càng chìm sâu, bóng Liêng mỏng manh đổ dài trên vách nhà sàn.

Thào bước đến đầu ngõ nhà Liêng lúc nào chẳng hay. Bao nhiêu kỷ niệm yêu thương, bao nhiêu phút giây hạnh phúc bên Liêng cứ ùa về. Liêng vẫn yêu Thào! Giờ Thào chỉ muốn lao lên nhà, ôm chầm lấy Liêng thôi. Nhưng Thào lại không dám. Thào nhận ra mình thật xấu xa, Thào không còn mặt mũi nào gặp Liêng lúc này. Thào vẫn còn cơ hội, Thào sẽ làm lại. Thào sẽ quyết tâm cai cho bằng được vì Thào biết Liêng vẫn đợi Thào.

Giờ Thào phải đi tìm bố Tương để xin giải bùa chú đã. Thào quay bước, nhằm hướng Mường La, nhưng cơn nghiện lại ập đến. Thào nằm vật bên gốc mận, tay bíu chặt vào mấy cái rễ. Còn hai liều thuốc trong túi, Thào ném mạnh ra con mương, dòng nước cuốn riết ra suối. Bò, lết, cào cấu, người xây xước, máu bật ra các đầu ngón tay.

Mặc kệ, phải quyết tâm bỏ. Cơn nghiện rồi cũng qua, Thào lịm đi. Những giọt sương đêm đọng trên lá cây rơi xuống mặt làm Thào tỉnh. Thào đưa tay gạt ngang, gặp đám mạng nhện bùng nhùng bám đầy trên mặt. Thào chợt thấy người nhẹ bẫng, đầu như vừa thoát cơn mê. Thào không biết rằng bùa ghét được hóa giải khi người thả bùa thực tâm hối lỗi chui qua đám mạng nhện. Tiếng cọi buồn ngưng bặt, lẫn trong tiếng sương đêm nhè nhẹ, hình như có tiếng bước chân Liêng đang đến.

Truyện ngắn của Nông Quang Khiêm
.
.