Bé mọn

Thứ Năm, 28/07/2016, 18:48
Thùy - Trần Minh Thùy - tên nghe mềm thiệt mềm. Nhưng bè bạn nói phải Thuý mới đúng. Cha má nó phết cái dấu huyền là quá xá sai. Đúng vậy. Thùy không phải là không dịu dàng hay thùy mỵ. Cô nữ tính như bất kỳ một má hồng nào trên thế gian nầy. Bằng chứng là tóc quá vai luôn đó. Trời ban cho gương mặt dễ nhìn thì chớ lại rất duyên...

Thùy duyên lắm. Nụ cười cô đã làm chết chí ít chục thằng vai u thịt bắp trong xóm nhỏ nghèo mướt. Bọn nầy thấy cô áo dài trắng tha thướt đến trường là ngân nga "em đi dịu dàng, bờ vai em nhỏ, chim non lề đường, nằm im dấu mỏ"… nhưng ngữ nầy thì còn khuya mới lọt vào mắt mơ.

Đường đến trường của Thùy còn cả chục thằng con nhà sẵn sàng xách dép luôn chứ đưa cô bằng xế nổ là chuyện nhỏ. Nhưng Thùy chả cần ai xách dép hay đón đưa bởi cô có xe đạp. Cô đạp xe lên dốc vèo vèo như vận động viên cấp quốc gia. Nhờ vậy nên cô có cái vóc mà bọn si tình nói trông xa giống Thanh Nga, lại gần cũng Thanh Nga luôn chứ không phải con ma da kéo cẳng.

Một trong số những thằng bám theo cô cho đến kỳ cùng là Thành. Năm Thùy học mười hai thì Thành là phó giám đốc một hữu hạn chi đó trên phố lớn. Thuở mà toàn thể dân ta muốn a lô cho ai đó phải đi tuốt lên bưu điện thì anh xài di động. Nhìn một tài tuấn áo bỏ vô thùng kính mát rayban đang a lô á lồ cha má của Thùy nhìn với mắt mê đến muội luôn. Anh phong thái hào hoa tặng cho cha má Thùy vô thiên lủng những quà là quà. Người vậy ai chả thích. Bạn cùng lớp với Thùy thèm và ghen tỵ ra mặt. Vậy mà lần thứ tám Thành đến nhà chơi, cô giao cho cha má muốn làm chi đó thì làm. Ông bà Sơn - cha má cô - lo lắm.

Chả là cha má Thùy nông dân truyền thống. Tư tưởng vẫn là con trâu đi trước cái cày theo sau. Đàn bà con gái học nhiều rồi cuối cùng cũng… đẻ chứ chả ra ôn dịch gì. Lấy được thằng chồng biết ăn biết làm ra của cải chả phải ngon lắm ru? Bà Sơn cáu kỉnh:

- Chứ mày muốn gì nữa mà chê với bai?

Thoạt tiên Thùy yên lặng nhưng bị mè nheo quá cô cáu lại:

- Tại ổng chửi ba má.

Bà má bất ngờ:

- Chửi? Nó chửi sao?

- Má tìm ổng mà hỏi.

Ông nội cha ai dám hỏi cái điều vô cùng tế nhị vậy. Không lý: "Nghe con Thùy nói con chửi chú thím, chứ chửi cái gì vậy?", mà cũng không có cơ hội để tiếp cận nữa rồi. Sau vài lần người mộng không tiếp, Thành cũng rút lui có trật tự. Anh nhờ bạn bè nàng hỏi vì sao lại quăng cục lơ với mình vậy. Thùy nói với bạn:

- Mày nói với ảnh tao là dân Bắc Ninh.

Minh họa: Phạm Minh Hải.

Nghe câu trả lời Thành ngớ người. Rồi dần dần anh đốn. Ngộ xong là biết không có cơ hội nghe người ngọc hát câu: "Em bên mình anh, lặng yên dưới bàn thờ…". Chả là Thành là con út, trên có anh và chị. Chị dâu và anh rể Thành là dân Bắc chính hiệu con nai vàng. Ông anh rể của Thành gia trưởng hết chê. Mỗi lần đến thăm mấy đứa cháu, nhìn cảnh bà chị hầu hạ ông chồng như tì thiếp với quân vương thấy mà ghét. Bà chị dâu thì hắc xì dầu số một. Ông anh ruột không khi nào có một teng trong túi. Từ cơ quan về nhà là xắn tay áo vào bếp như một bà nội trợ chính hiệu. Thành đã dại dột kể thì chớ còn bình một cách rất ngu xuẩn như vầy:

- Nói thật với em… đàn ông người Bắc gia trưởng lắm. Mười thì hết tám xem vợ con như tôi đòi. Còn đàn bà thì sai vặt chồng như sai con vậy. Anh mà lấy trúng một cô Bắc như ông anh ruột chắc là chia tay sớm. 

Thành đâu ngờ cả một gia đình nói giọng Nam rặt ri lại là Bắc Ninh. Thì ra cái năm nào đó ông bà nội của nàng di cư vào Nam. Nghe phê phán và sẽ li dị nếu lấy gái Bắc thì Thùy rút đâu có chi đâu sai. Vậy là đường ai nấy đi. Cỡ Thành thì khối chi sắc nước hương trời muốn nâng khăn sửa túi? Thùy thì tiếp tục đến trường.

Cô tốt nghiệp cấp ba dạng giỏi. Vừa làm vừa ôn thi đại học. Chắc chắn nhờ nhan sắc nên Thùy vào công ty thuận lợi hơn quý anh quý chị khác. Tay phó giám đốc người Việt nhận hồ sơ và phỏng vấn Thùy hơi lâu lâu. Chủ yếu tán tỉnh nhiều hơn chuyên môn. Thùy được tuyển vào phòng tổng hợp nhờ sử dụng máy tính thành thạo. Phòng nầy dưới quyền điều hành của tay phó giám đốc. Phòng chỉ có ba má hồng môi đỏ. Mỗi má tổng hợp một loại sản phẩm làm ra. Thùy tổng lại cái đã tổng của ba má hồng rồi nộp cho phó. Phó tên Lâm.

Một trong ba cô ghét Thùy ra mặt. Ghét hơn bạn cùng lớp những ngày Thành bám cô. Ra cái anh phó chắc có lẹo tẹo với má hồng nầy. Một cô khác rỉ tai Thùy rằng ông Lâm tính cho con Mai làm chủ quản, nay sợ cái chủ quản về em nên nó ghét. Hôm đó xong việc nên Thùy vô gú gồ giải toán luyện thi. Chả hiểu làm sao mà giám đốc tai-wăn có mặt. Vậy là ra một trận inh sình trời đất. Cô nói đã xong việc nên có quyền làm bất kì cái gì mình thích. Giám Đài kêu Lâm lên mắng vốn. Phó Lâm nhìn Thùy rồi phán:

- Em xin lỗi ông ấy một tiếng đi.

- Không - Thùy bướng bỉnh - tôi có lỗi chi mà xin?

- Em làm việc riêng trong giờ hành chánh là sai rồi.

- Vậy ai cũng sai. Anh có chơi game trong khi làm việc không? Ở đây có ai không vi phạm? 

Quay sang cô gái tên Mai, Thùy nhấn mạnh:

- Chị bỏ ngay cái ý nghĩ tôi vào đây là do nâng đỡ của anh Lâm, vào đây để dành cái chủ quản của chị. Thêm vài đồng bạc trách nhiệm mà thù nhau là không có tên tôi. Cái hành vi lê mách của chị không sợ tụi đài nó khinh à?

Nói xong cô lên phòng nhân sự xin rút lại hồ sơ. Chưa ký hợp đồng nên cũng chả có chi quan trọng lắm. Thấy con gái về, tay cầm phong bì hồ sơ là bà má sầm mặt:

- Sao rồi?

Cô kể cho bà nghe về sự hèn hạ không đáng của phó giám đốc. Rằng thì là đã hoàn tất công việc một cách mỹ mãn ngồi ngáp vặt và bổ sung kiến thức cái nào hay hơn? Sự ghen ăn tức ở chỉ vì vài trăm nghìn bạc của bạn cùng phòng. Rồi kết luận:

- Nói chung là… con nghỉ việc ở nhà ôn thi đại học.

Bà má vừa tức vừa tiếc. Tức cô con gái bướng bỉnh chả nói làm chi. Tiếc cái anh phó đến nhà bà bằng xe hơi mới là hùi hụi.

Mọi chuyện nguôi đi khi Thùy đậu Đại học Sư phạm ngọt xớt.

Nhiều năm về sau, khi Thùy là cư dân thành phố, gặp lại một ông thầy dạy cô thời cấp hai, trả lời cho câu hỏi vì sao tốt nghiệp sư phạm khoa tiếng Anh dạng giỏi cô lại không dạy mà lại đi làm cho công ty. Thùy cười:

- Thầy biết không? Lúc nhập cuộc tiếng Anh là em muốn nghỉ ngay tức khắc. Mới biết vốn tiếng Anh miền núi chả thua chi một ông thiểu  số còn đóng khố nói tiếng Kinh. Mới hay ba cái lời khen của quý thầy cô thời cấp hai, cấp ba là chiếu lệ. Em về phòng trọ khóc ròng, gọi điện cho bà má nói chắc con bỏ tiếng Anh quá má ơi. Má em nói một câu tức quá nên em theo cho bằng được.

- Má nói chi mà em tức? - Ông thầy hỏi.

- Mày nghỉ học về lấy chồng cho rồi. Học cho nhiều rồi cũng giang sơn nhà chồng mà gánh thôi con. Vậy là em quyết bằng vai phải lứa chứ không thua.

- Thầy nghe nói tốt nghiệp xong em không theo nghề. Vì sao vậy?

- Em từ giã nghề gõ đầu trẻ ngay tuần đầu thực tập đó thầy.

- Sao vậy?

- Em giống thầy ở cái tính hễ thấy tranh ăn là lánh liền…

 - Tranh làm sao?

Cuộc họp hội đồng giáo viên nơi Thùy thực tập hôm ấy là một buổi tố khổ nhau giữa hiệu phó chuyên môn và một giáo viên thể dục. Trường hai mươi lớp nhưng chỉ mười chín giáo viên. Ông thể dục được giao chủ nhiệm hai lớp. Được vài tuần cô chuyên môn lấy lại một lớp và đích thân cô chủ nhiệm. Vậy là ông thể dục chì chiết cô hiệu phó ngay buổi họp. Cái lý ông đưa ra là cô phó đã làm mất uy tín đồng nghiệp. Đang chủ nhiệm nay bị truất, học sinh coi ông ra cái gì? Nhưng anh chàng hướng dẫn thực tập thẽ thọt với cô rằng:

- Chẳng là chủ nhiệm thì được thêm vài trăm lương. Mất ăn nên ông thể dục tức chứ uy tín uy tiếc gì em ơi.

Thùy nghe mà buồn cho nghề dứt cháo nên sau một tuần thực tập cô bỏ luôn. Thùy chán vì hai lẽ. Ai tranh nhau cũng được nhưng kẻ rao giảng đạo đức cho bầy trẻ mà chì chiết nhau vì vài đồng bạc thì… buồn ơi là buồn. Và anh giáo hướng dẫn thực tập nói sau lưng lãnh đạo bằng cái giọng khinh miệt trong khi trước mặt xun hơn cả xoe.

Thùy nộp hồ sơ vào một công ty do người Hàn làm chủ. Lại phải bám theo một khoá học tiếng Hàn. May mà cô có gốc tiếng Anh hơi cưng cứng nên tiếng Hàn nuốt không bị nghẹn. Ngồi trong máy lạnh gõ vi tính kể cũng nhàn. Lương lậu cũng không đến nỗi. Được hai tháng thì sự cố xảy ra. Cô bị tay giám đốc người Hàn xài nặng vì cái tội bạt tai khách hàng. Thượng đế mà dám bạt tai thì Thùy đúng là ăn gan trời.

Chả là khách hàng đến tham quan khu vực sản xuất. Tất nhiên là tôi phải xem qua nơi làm ăn của anh có như trên quảng cáo không. Nếu tốt tôi đặt hàng. Khách hàng nầy khá quan trọng nên xinh xắn và giỏi tiếng Anh như Thùy tiếp là phải lắm. Kẹt cái "thằng thượng đế" có cái thói nói chuyện bằng tay. Vỗ vai thân mật còn đỡ, nó còn dám vuốt má Thùy nữa mới là ngon hung. Nghe đâu nó đã từng sàm sỡ với mấy cô rồi, nhưng sợ bị đuổi việc nên các cô yên mà cho qua.

Thùy thì không. Đã nói cô bén và nhọn như cái dấu sắc. Thùy cau mặt lại và yêu cầu "thằng thượng đế" lịch sự. Thằng khốn cười cầu tài rồi chứng nào tật nấy, có lẽ nó nghĩ cô thì cũng như các cô kia thôi, lần thứ hai nó lại vuốt má rồi rơi tay xuống chỗ ngoại trừ lớp áo còn có cái coóc-xê. Vậy là một cái bốp. Đoàn tham quan khu sản xuất mục kích rõ sự kiện.

Vậy mà giám đốc trách cứ cô đã không tôn trọng thượng đế. Chuyện có quan trọng chi mà cô dám tát thượng đế? Thùy vặc lại:

 - Nếu vợ ông bị một thằng khác sờ tay vô ngực thì có quan trọng không?

Cô nghỉ việc và chia tay luôn gã chồng sắp cưới. Nhìn cô bưng đồ lễ đám hỏi đi trả lại cho đằng trai cả xóm phải táng đởm, anh chị em và cha má cô lắc đầu bó tay bó chân. Gã chồng sắp cưới cũng buông cái giọng như gã Hàn. Rằng có mất mát gì mà để mất một nơi làm việc ngon cơm. Thùy bảo nhân phẩm lớn hơn cả kim cương chứ không tầm thường. Nói xong cô đi sinh nhật bạn. Hơi buồn nên cô có uống mấy ly bia. Chả say sưa chi nhưng không quen nên cô có ói mửa tí chút. Chuyện ói đến tai nhà chồng và bà má của anh ấy mắng cô là đồ hư thối. Đàn bà con gái mất nết hư thân. Con trai bà ăn phải thuốc lú nên mới va vô đồ chết dẫm.

Thùy trả lễ cũng phải thôi.

Bà má và cô chị chì chiết rằng Thùy tự làm mất duyên con gái của mình. Bồ bịch yêu đương những hai năm, nay trả lễ thì… chó nó lấy mày làm vợ. Bà má nông dân một nắng hai sương nói nghe mà chói cái lỗ tai. Nhưng Thùy tỉnh bơ rằng duyên ai nấy biết và mất đi đâu kia chứ? Còn đàn ông mà người yêu bị quấy rối tình dục bảo không sao thì nên bỏ là vừa. Nói rồi Thùy vô phòng tiếp tục điền hồ sơ xin việc. Trách nhiệm hữu hạn trên đất nước nầy khối cha chi mà sợ?

*

- Em mấy cháu rồi? - Ông thầy cũ hỏi.

- Dạ một.

- Trai hay gái?

- Công chúa.

- Chồng em làm gì?

- Dạ tài xế riêng cho giám đốc?

- Còn em?

 - Em chung một công ty với ông xã. Em trợ lý đối ngoại cho giám đốc.

 - Có nhà ở thành phố nầy chưa?

 - Có rồi thầy.

Với vốn liếng tiếng Anh bốn năm rưỡi Thùy xin vào một công ty do người Anh làm chủ. Và cô ở yên tại công ty nầy hơn chục năm. Ở đây cô đã gặp Sinh, yêu và nên duyên với tay tài xế nầy. Cô kể cũng đấu tranh dữ dội lắm với cả hai bên mới đến được với nhau. Có cả chục anh thơm ngon, chủ nhân của vài cái nhà cao to xe đẹp xin rước đi du lịch không chịu lại chịu thằng tài xế khố rách. Vậy là ngu có tầm chứ không ngu vừa. Nhưng cuối cùng gia đình cô phải đồng ý bởi Thùy cùng anh thuê chung một nhà trọ ở phố để chia lửa với nhau trên mọi phương diện. Ghê chưa?

- Bên chồng em ra sao?

- Thầy đọc "Người lính kèn về làng" của Trần Quốc Huấn chưa ạ?

- Rồi - Thầy cũ trả lời với mắt nhướng lên có vẻ ngạc nhiên.

- Má chồng em - Thùy trả lời - là một mẫu đàn bà Bắc trong văn Trần Quốc Huấn thời chiến tranh. Kiểu chồng chết ở vậy nuôi con. Biết em đã từng trả lễ lại sống chung với con bà một nhà thuê nên… nên sao thì thầy hiểu rồi.

 Đúng lúc đó thì một tài tuấn bước vào. Cô học trò vẫy tay và khi gã trai đến cô giới thiệu:

- Bạn đời của em nè thầy.

Bắt tay xong, Sinh - chồng cô học trò - rằng em nghe vợ em nói nhiều về thầy vân vân và vân vân. Thầy già cũng muốn tường tận cuộc đấu tranh để thành vợ thành chồng của gã con một với bà mẹ mà quan điểm chữ trinh đáng giá nghìn vàng còn có giá trị ở cái thời hổ lốn tả pín lù nầy. Sinh kể khi vợ anh đi toilet:

- Cũng không có gì quan trọng lắm thầy. Em nói một câu là má em tâm phục khẩu phục liền.

- Dữ vậy sao?

- Thật. Em nói con với Thùy chung một nhà thuê nhưng phòng ai nấy ở mẹ ạ.

- Thật vậy chứ?

 - Thật vậy thầy ạ.

 Cô học trò hỏi thầy cũ:

  - Thầy bây giờ ra sao rồi? Em nghe mấy đứa bạn kể sau khi nghỉ dạy, thầy về thành phố nầy nhưng không biết ở đâu. Nhưng tại sao thầy nghỉ dạy?

- Hợp đồng mà Thùy. Lúc giáo viên đã đào tạo đủ thì hợp đồng làm chi nữa. Lúc lên phố nầy thầy có đi làm cho công ty của Đài Loan nhưng sau đó ra vỉa hè làm tự do kiếm sống.

- Sao thầy bỏ công ty?

- Buồn lắm em. Buồn cho công nhân mình thì ít mà buồn cho tạm gọi là trí thức của mình mới đáng kể. Phó giám đốc nơi thầy làm việc tốt nghiệp đại học hẳn hoi. Để bảo vệ cho chức danh cũng như đồng lương của mình, anh ta sẵn sàng triệt công nhân Việt không thương tiếc để vừa lòng ông chủ. Ỷ thế quyền lực và lâu năm trong công ty nên xài nặng luôn cả những người đáng tuổi cha anh. Cả thầy anh ta cũng không từ nên thầy rút lui sau một xung đột hơi lơn lớn. Xong đại học thì trong chừng mực nào đó cũng tạm gọi là trí thức.

Người chủ đã khôn khéo cho thành phần nầy cái chức vụ và đồng lương cao để trị công nhân. Loại trí thức nửa mùa nầy tự nguyện nô lệ cho ông chủ rồi công nhân dưới trướng nô lệ lại cho họ. Ai cũng sợ bị thanh lý hợp đồng, bị nghỉ việc nên phải tuân lệnh. Thậm chí còn phải bỏ tiền cho loại phó này trong những tiệc tùng kiểu sinh nhật để lấy lòng. Cái dòng máu gọi là nô lệ vẫn chảy trong động mạch của dân ta. Thầy nói vậy hai vợ chồng em hiểu không?

- Dạ hiểu thầy. Em đã từng làm cho người Đài, người Hàn nên em rành rẽ cái bảo thủ và thể hiện quyền lực của họ. Có tí quyền là họ thể hiện và luôn cho mình đúng. Người dưới phải nghe không được quyền ý kiến. Ai cãi lại xem như người đó bị triệt tiêu. Chính vì vậy em thích làm việc với Tây hơn. Em cãi lại giám đốc của em là chuyện rất thường. Đại khái là nếu bạn làm tốt công việc thì có thưởng và ngược lại sẽ có hình thức kỷ luật thích ứng. Cãi là chuyện nhỏ.

- Muốn - Cô học trò kết luận - máu nô lệ không chảy trong động mạch như thầy nói phải có cái tư tưởng quật khởi. Vậy nên em cho con gái em học ở trường Quốc tế. Ở đó họ dạy cho cách làm sao đứng trên hai chân ngay từ khi con bé. Nhỏ mà đứng trên hai chân mình bước tới thì lớn lên sẽ không phải bò thầy ạ. 

Truyện ngắn của Nguyễn Trí
.
.