Mùa trăng trên rẻo cao

Thứ Sáu, 04/10/2024, 10:03

Trên rẻo cao biên giới Đông Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế năm nay, Công an xã và Đoàn Thanh niên dự định tổ chức một đêm Trung thu rộn rã cho các em nhỏ. Nhưng, trước những mất mát đau thương của đồng bào bị bão lũ, Trung thu ở Đông Sơn không có múa lân, không rước đèn như dự kiến.

Kinh phí tổ chức Trung thu gom góp lại đã đem chút ấm áp biên giới san sẻ cho người dân bị thiên tai. Biết bao nhiêu yêu thương dành tặng cho các bạn nhỏ vùng bão lũ gửi gắm trong một mùa trăng...

Từ Thủ đô về với bà con biên giới

Để có một mùa trăng hòa bình đáng nhớ của các em nhỏ ngay trên mảnh đất đau thương Đông Sơn, các hoạt động ý nghĩa đã diễn ra nhằm lan tỏa ước mong về cuộc sống bình yên, no ấm. Công an xã Đông Sơn phối hợp với với Ban Thanh niên Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đoàn Thanh niên Công an huyện A Lưới, Đoàn Thanh niên xã Đông Sơn tổ chức thu nhận căn cước cho trẻ em. Đặc biệt, Công an xã còn kết hợp với Trường Đại học Luật - Đại học Huế khéo léo lồng ghép hoạt động tuyên truyền pháp luật về phòng, chống mua bán người, mua bán trẻ em để người dân không bị dụ dỗ, lừa đảo.

1.jpg -0
Công an xã Đông Sơn kết hợp với Đoàn Thanh niên xã tổ chức lớp bồi dưỡng tin học văn phòng cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Hai chiếc xe đạp trao cho học sinh nghèo có thành tích xuất sắc trong học tập. 43 suất quà động viên các em học sinh tiểu học, trung học cơ sở có thành tích học tập. Đó là những món quà thiết thực nhất đã được trao cho các em nhỏ để con đường tới trường ở miền rẻo cao biên giới Đông Sơn bớt nhọc nhằn. Đặc biệt, có đến 500 suất quà cho các em nhỏ của xã từ nguồn kinh phí xã hội hóa do Đại úy Nguyễn Viết Hùng - cán bộ Công an xã vận động được thông qua công tác dân vận.

Đã gần một năm Đại úy Nguyễn Viết Hùng về với xã Đông Sơn. Tháng 11/2023, anh từ Hà Nội vào A Lưới nhận công tác theo kế hoạch điều động cán bộ tại các đơn vị trực thuộc Bộ Công an về các xã biên giới trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự. Trước đó, khi đang công tác tại Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị, Bộ Công an, anh đã viết đơn tình nguyện về cơ sở. Ngày đầu tiên đặt chân đến Huế đúng đợt mưa bão gây ngập lụt nặng, Đại úy Hùng phải chờ đợi 3 ngày sau mới vào đến xã Đông Sơn nhận nhiệm vụ. Chân ướt chân ráo tới vùng đất biên giới, nhiệm vụ mới, môi trường mới, Đại úy Hùng nhanh chóng bắt nhịp để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn và từng bước tìm hiểu đời sống của bà con nơi đây.

Đông Sơn từng oằn mình hứng chịu tội ác chiến tranh khi từng thớ đất nơi đây phải gánh một lượng lớn chất độc dioxin rải xuống, nhất là khu vực sân bay A So. Mãi đến năm 2023, dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin ở khu vực sân bay A So hoàn thành, nỗi đau ấy mới nguôi ngoai. Tuy thế, đây vẫn là xã biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Với 425 hộ, 1.671 nhân khẩu, người dân quanh quẩn với việc trồng lúa, trồng rừng và chăn thả gia súc, đói nghèo vẫn đeo bám bà con các dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu bao năm qua.

Gắn bó với bà con Đông Sơn, Đại úy Hùng thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn ở vùng biên giới Việt - Lào. Anh hay quan sát, nghĩ suy và nảy ra ý tưởng giúp đỡ bà con cải thiện đời sống vật chất, tinh thần. Về thăm gia đình ở Hà Nội, anh vẫn nghĩ đến các em nhỏ ở A Lưới. Lần nào từ Thủ đô trở lại xã, anh cũng tay xách nách mang nào sách truyện, quần áo, đồ dùng học tập tặng cho bọn nhỏ. Mong muốn người dân được tiếp xúc với sách, đọc sách nhiều hơn, nên ngay khi về xã anh đã đưa sách về cùng. Hai tủ sách “Vì nhân dân phục vụ” với khoảng 100 đầu sách đặt ở phòng tiếp dân tại trụ sở Công an xã với đủ loại sách truyện, khoa học thường thức và sách pháp luật, để người dân có thể lấy đọc trong lúc chờ đợi giải quyết thủ tục hành chính.

Tháng 4/2024, sau bao nhiêu công sức và tâm huyết của Đại úy Hùng, cùng sự hỗ trợ tận tình của tổ chức thiện nguyện, một phiên chợ 0 đồng diễn ra tại Đông Sơn. Lần đầu tiên bọn trẻ vùng biên được nhận phiếu mua hàng miễn phí, được thỏa thuê chọn lựa và mua sách bút, đồ chơi, bánh kẹo. Đời sống người dân khó khăn, nhiều em có tinh thần học tập, học giỏi nhưng con đường đến trường không thuận lợi. Phải làm gì để giúp các em, đó là điều mà Đại úy Hùng trăn trở. Anh lại ngược xuôi kết nối với các nhà hảo tâm để có nguồn tài trợ cho các em đến trường. Bởi, anh hiểu, ở vùng đất biên giới này, với bọn trẻ, quý nhất là con chữ.

Nguyện làm con em của đồng bào

Đại úy Lê Khánh Long - Phó trưởng Công an xã chia sẻ rằng xã Đông Sơn hiện có 6 Công an chính quy về xã, đều xa gia đình, lấy đơn vị là nhà. Trong đó, Đại úy Hùng xa nhất, từ Thủ đô Hà Nội vào đây. Mong mỏi Đông Sơn thoát nghèo, cán bộ Công an xã đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, tuyên truyền vận động người dân làm căn cước công dân định danh điện tử, tuyên truyền cho người dân các phương thức, thủ đoạn của các tổ chức phản động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tuyên truyền tác hại ma túy, định hướng nghề nghiệp cho thanh, thiếu niên. Đồng thời, tích cực tham mưu cho ban chỉ huy đơn vị, chính quyền địa phương các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn và động viên bà con dân bản lao động, sản xuất, ổn định đời sống.

2.jpg -1
Lớp dạy võ của Đại úy Nguyễn Viết Hùng là món quà ý nghĩa dành tặng các em nhỏ xã Đông Sơn.

Kỉ niệm ngày đầu về xã vào đúng dịp bà con vừa thu hoạch xong ngô lúa và tổ chức Tết Ada. Đây là tết cổ truyền của đồng bào trên dãy Trường Sơn, Thừa Thiên - Huế diễn ra vào tháng 11 âm lịch. Khi lúa ngô đã đầy kho, bà con cất lên những điệu khèn, điệu múa, sắp cơm mới để mừng mùa màng no đủ. Lần đầu tiên đón Tết cùng bà con, được dự các nghi thức quan trọng, được đồng bào mời ăn xôi nếp, cá suối, Đại úy Hùng và anh em Công an xã vui lắm, bởi đó là cơ hội để họ hiểu hơn về phong tục, tập quán, nếp ăn ở của bà con.

“Có những đêm tuần tra, đi trên con đường tối tăm, tôi chỉ ước có điện thắp sáng đường đi lối lại cho bà con đỡ khổ”, Đại úy Hùng trăn trở. Rồi cũng tìm ra phương án, anh kêu gọi bạn bè, các nhà hảo tâm hỗ trợ, lắp đặt 16 đèn năng lượng mặt trời ở các ngã ba, ngã tư đường, trụ sở Công an xã, từng bước xây dựng mô hình “Ánh sáng an ninh”.

Có thường xuyên xuống cơ sở, anh em Công an xã Đông Sơn mới thấy thương bọn trẻ người gầy nhẳng, mặt mũi đen nhẻm, cả hè chỉ biết đi rừng đi suối dãi nắng dầm mưa. “Bọn trẻ nghỉ hè không có sân chơi, cứ mê mải chơi game, lướt mạng hoặc ra sông ra suối, tiềm ẩn nhiều rủi ro đuối nước. Phải tổ chức hoạt động bổ ích để “cuốn” các em vào. Nghĩ thế, tôi và anh em Công an xã kết hợp với Đoàn Thanh niên xã mở lớp dạy võ miễn phí trong dịp hè. Những buổi đầu, lớp võ chưa đông, tôi đã đến từng nhà vận động, thuyết phục bố mẹ cho con em tham gia tập. Bây giờ thì chưa đến giờ tập bọn nhỏ đã í ới “thầy Hùng ơi, tập võ thôi!”. Thấy các em mê tập võ, anh em ai cũng mừng”, Đại úy Hùng chia sẻ.

Cứ đến 17 giờ các ngày thứ Hai, Tư, Sáu, tại sân Trường Tiểu học Đông Sơn, các em nhỏ tập trung đông đủ, háo hức tham gia lớp học võ 0 đồng của Đại úy Hùng. Hàng ngũ chỉnh tề, ánh mắt chăm chú, các em nhỏ dõi theo từng tư thế, động tác của các chú Công an xã hướng dẫn bài võ phòng vệ cơ bản. Những động tác này giúp các em rèn luyện thể lực, có khả năng phản kháng nhanh nhạy, nâng cao sức khỏe, cải thiện đời sống tinh thần và tự bảo vệ bản thân. Không chỉ võ thuật, mà tính kiên trì, mạnh mẽ, dũng cảm, những bài học kĩ năng sống cũng thấm vào các em một cách tự nhiên.

Mồ hôi nhễ nhại, cậu bé Hồ Viết Nam Khánh, học sinh Trường Tiểu học Đông Sơn nhoẻn miệng cười: “Con rất thích học lớp võ do các chú Công an dạy. Thầy Hùng còn dạy chúng con nhiều điều bổ ích”. “Thầy Hùng”, nghe thân thương và gần gũi, cũng là nguồn động lực để Đại úy Hùng duy trì lớp học sau giờ làm việc.

Rời lớp dạy võ lúc chiều, “thầy Hùng” lại chuẩn bị lên lớp buổi tối. Là bởi đợt này Công an xã kết hợp với Đoàn Thanh niên xã tổ chức miễn phí lớp bồi dưỡng tin học văn phòng cho 9 thành viên lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở xã Đông Sơn. Người soạn giáo án, chuẩn bị máy tính xách tay, lên lịch dạy và trực tiếp giảng dạy không ai khác chính là Đại úy Hùng.

Từ xã Đông Sơn về đến Hà Nội, quãng đường 700 km hơn một năm qua với Đại úy Hùng tuy xa mà hóa gần. Mảnh đất biên giới này đã thực sự gắn bó, để thương để nhớ cho anh. Từ trung tâm xã đi tầm vài cây số là đến biên giới, anh cũng đã quen đường đi lối lại, quen với mùa mưa dầm dề và mùa khô hanh hao rất “Huế”. Người dân Đông Sơn giờ đã coi anh như con em của đồng bào. Anh vẫn luôn nhiệt huyết, đưa ra nhiều cách làm sáng tạo để giúp bà con cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, được chính quyền địa phương và nhân dân Đông Sơn đánh giá cao.

Huyền Châm
.
.