Những "bông hồng thép" gìn giữ hòa bình

Thứ Sáu, 23/08/2024, 09:06

Lần đầu tiên, hơn 40 nữ sĩ quan Công an Việt Nam có mặt trong đội hình Đơn vị Cảnh sát gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ). Họ đến từ nhiều đơn vị trong cả nước, thực hiện nhiệm vụ ở nhiều mảng, nhưng đều có chung nhiệt huyết, nỗ lực vượt qua khó khăn để luyện tập, sẵn sàng tham gia sứ mệnh GGHB trong môi trường khó khăn, khắc nghiệt, nguy hiểm ở nơi xa Tổ quốc.

Háo hức ngày lên đường

Khóa huấn luyện tập trung đầu tiên kéo dài gần 80 ngày với những nữ sĩ quan cảnh sát thuộc Đơn vị Cảnh sát GGHB LHQ số 1 (VNFPU 1) thực sự là khoảng thời gian đầy dấu ấn. Bởi, đây là lần đầu tiên họ được luyện tập các nội dung theo quy định khắt khe của LHQ để có thể tham gia GGHB ở môi trường hậu xung đột. Những gương mặt rắn rỏi, nụ cười tươi rói cùng giọt mồ hôi giữa nắng hè, thể lực mạnh mẽ và ý chí thép. Đó là ấn tượng của chúng tôi khi được gặp các nữ Cảnh sát GGHB LHQ nơi thao trường nắng lửa tại Trung tâm huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ 1, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động ở huyện Văn Giang, Hưng Yên.

Những
Các nữ sĩ quan của Đơn vị Cảnh sát gìn giữ hòa bình số 1 với chuyên gia của Liên hợp quốc.

Thượng tá Phạm Văn Đoàn - Chỉ huy trưởng VNFPU 1 cho chúng tôi biết, đơn vị thành lập từ tháng 1/2024, là mô hình đầu tiên của Bộ Công an triển khai đội hình đơn vị cảnh sát vũ trang. Đơn vị chia thành hai nhánh: hậu cần đảm bảo và tác chiến. Nhánh hậu cần phục vụ đơn vị hoạt động tác chiến độc lập trong những điều kiện khó khăn ở phái bộ, có thể đảm bảo cho đơn vị duy trì khoảng 3 tháng mà không có bất cứ sự trợ giúp nào từ bên ngoài. Nhánh tác chiến gồm 4 trung đội là 4 kíp chiến đấu theo các nhiệm vụ trọng tâm theo yêu cầu của LHQ. Đó là nhiệm vụ hộ tống bảo vệ yếu nhân và hàng đặc biệt; giải tán đám đông, phòng chống bạo loạn; tuần tra, kiểm soát; phòng chống khủng bố, giải cứu con tin. Điều đáng tự hào là các nữ sĩ quan giữ vai trò quan trọng ở tất cả các nhánh, các kíp chiến đấu, góp phần tạo nên dấu ấn của đơn vị rất trẻ của Bộ Công an.

VNFPU 1 có 205 sĩ quan, trong đó có 41 sĩ quan nữ. Tỷ lệ cảnh sát nữ đảm bảo theo yêu cầu của LHQ và tham gia tập luyện đầy đủ các nội dung như nam giới, không hề có sự ưu tiên nào. Từ tổ chức huấn luyện điều lệnh, võ thuật, bắn súng đến các kỹ chiến thuật bắt, khám xét đến sơ cứu người bị nạn, phòng cháy chữa cháy và kỹ năng sinh tồn... Để đáp ứng được chương trình huấn luyện cường độ cao, các cô gái phải cố gắng gấp ba, gấp bốn lần.

Thượng úy Nguyễn Thị Bích Phương, sinh năm 1995, công tác tại Công an quận Đống Đa, Hà Nội đã kịp góp mặt trong đội hình đặc biệt này. Cô cười rất tươi khi chia sẻ: “Trở thành nữ sĩ quan GGHB LHQ là mong ước của em từ lâu. Lúc đầu, khi đăng ký tham gia luyện tập trong mô hình đơn vị, em chưa dám nói với bố mẹ. Em tích cực làm công tác “dân vận”, hằng ngày nói chuyện về lĩnh vực GGHB, rồi bày tỏ nguyện vọng tham gia. Giờ thì bố mẹ em lại là người động viên em nỗ lực luyện tập để trở thành nữ Cảnh sát GGHB trong tương lai”.

Về đơn vị, chế độ luyện tập, sinh hoạt nghiêm ngặt theo lịch trình chung cuốn Phương đi, nhịp điệu sinh hoạt của cô gái trẻ thay đổi hoàn toàn. Thay vì có những khoảng thời gian nghe nhạc, xem phim lúc rảnh rỗi, giờ đây Phương lại hào hứng với những thế võ, đường quyền và đọc tài liệu. Cô rất ấn tượng với các buổi tọa đàm, giải đáp thắc mắc về bình đẳng giới - một vấn đề LHQ rất quan tâm ở các phái bộ. Giờ đây Phương cũng đã quen với các loại súng, thành thạo trong tháo lắp và sử dụng. Ngày nào cũng miệt mài ngoài thao trường và trong lớp học, không chỉ Phương mà các cô gái VNFPU 1 không còn thời gian trang điểm hay những phút giây điệu đà con gái. Nhưng, họ thấy mình đẹp hơn, rắn rỏi, mạnh mẽ và tự tin hơn khi được đứng trong đội hình những người lính GGHB.

Những buổi thuyết trình ở trung đội hay lúc tham gia dàn dựng những tiết mục văn nghệ cho đơn vị đều mang lại cho Phương trải nghiệm quý giá. Đặc biệt, trong đợt đón tiếp đoàn chuyên gia LHQ sang kiểm tra, đánh giá tại đơn vị vừa qua, Phương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dẫn chương trình song ngữ Việt - Anh. Biết trước những khó khăn, thử thách ở phái bộ, nhưng với những kiến thức và kĩ năng đã và đang được bồi đắp, tích lũy, cô gái trẻ háo hức và tự tin mong đến ngày được lên đường nhận nhiệm vụ GGHB.

Hành trình của 79 trang nhật ký

Thiếu tá Nguyễn Thị Tâm Anh - Trưởng Ban Phụ nữ của VNFPU 1 cho chúng tôi biết, ở môi trường VNFPU 1, lần đầu tiên các nữ sĩ quan từ nhiều địa phương trong cả nước hợp quân và tập luyện cùng nhau. Tinh thần đoàn kết, gắn bó, nỗ lực vì mục tiêu chung của một đơn vị Cảnh sát GGHB LHQ nhanh chóng được khơi lên và định hình rõ nét. Chính nhiệt huyết của những nữ sĩ quan đã góp phần tạo nên khí thế ở một đơn vị trẻ như VNFPU1. Nhiều nữ sĩ quan từ các địa bàn xa như Lâm Đồng, Bình Dương cũng sắp xếp việc gia đình để tham tập luyện.

Là một trong số những nữ sĩ quan Bắc tiến, Trung tá Chu Thị Hồng, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những trải nghiệm không thể nào quên. “Đáp chuyến tàu hỏa để đến đơn vị huấn luyện ở Hưng Yên, phải mất 3 ngày tôi mới tới nơi. Tối 26/5 là buổi điểm danh đầu tiên của tôi tại đơn vị. Ngay ngày hôm sau tôi bắt nhịp với guồng quay học tập và huấn luyện. Với 11 chế độ trong ngày, chưa bao giờ tôi cảm thấy mình làm được nhiều việc trong một ngày đến thế”, Trung tá Hồng sôi nổi chia sẻ.

Những
Trung tá Chu Thị Hồng trong đội hình Đơn vị Cảnh sát gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Trước đây, chị chưa hiểu sâu về hoạt động GGHB. Giờ đây, khi đã được học tập một số chuyên đề chuyên biệt về LHQ, về đơn vị Cảnh sát GGHB có vũ trang, chị nhận thấy đây là nhiệm vụ đặc thù và phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Bởi thế, chị càng quyết tâm để được đứng trong hàng ngũ của những người lính mũ nồi xanh. Ở VNFPU 1, chế độ trực ban, trực gác được thực hiện nghiêm. Đặc biệt, mọi hoạt động của đơn vị từng ngày được ghi chép đầy đủ trong cuốn sổ nhật ký công tác. Trung tá Hồng kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ của đơn vị, trong đó có việc viết nhật ký. “Lịch trình của đơn vị từ 5 giờ sáng đến lúc điểm danh cuối ngày đều được ghi chép đầy đủ trong nhật ký. Đó chính là hành trình rực rỡ dưới nắng hè của VNFPU 1. Trang nhật ký 79 đã khép lại đợt tập huấn. Tôi thấy nhớ những ngày học và luyện tập hết mình cùng đồng đội”.

Với Trung tá Hồng, những ngày xa nhà đi huấn luyện đã rèn cho chị khả năng thích nghi cao độ. “Cái nắng gắt của miền Bắc khiến tôi cảm nhận rõ gương mặt đen sạm đi. Những bài võ, bài quyền giúp cơ thể rắn lại. Lịch luyện tập dày đặc với cường độ cao trong thời tiết nắng nóng buộc những nữ sĩ quan chân yếu tay mềm như chúng tôi phải thích nghi và sinh hoạt khoa học để có thể lực tốt nhất. Ở Việt Nam là gần 40oC, nhưng khi sang địa bàn châu Phi, nhiệt độ sẽ cao hơn nhiều. Đây cũng là khoảng thời gian tập dượt cho cậu con trai 8 tuổi của tôi quen dần với việc mẹ sẽ đi công tác xa nhà. Lần đầu tiên mẹ con tôi xa nhau lâu đến thế. Con ở nhà với ông bà nội, lần nào gọi điện cho mẹ cũng hỏi bao giờ mẹ về. Tôi muốn đây là đợt trải nghiệm quý giá của cả hai mẹ con”.

Trong cơ cấu tổ chức của đơn vị, Bệnh viện dã chiến cấp 1 là bộ phận quan trọng, có nhiệm vụ khám, chữa bệnh, chăm lo sức khỏe cho toàn đơn vị khi sang phái bộ. Đại úy, bác sĩ Phạm Thị Nhung từ Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an đã có mặt trong đội hình tập huấn GGHB LHQ. Với chị và những đồng đội mặc áo blouse trắng, đây là lần đầu tiên họ làm nhiệm vụ ở môi trường thực chiến, đảm bảo việc khám chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở phái bộ.

“Lần đầu tiên tôi được tiếp cận với các loại súng, xe thiết giáp, xe trung đội chở quân, xe phun nước giải tán đám đông. Đó là những trang thiết bị vũ khí, công cụ, phương tiện hiện đại được Bộ Công an trang cấp để đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế. Cũng ít dịp chúng tôi dành nhiều thời gian học ngoại ngữ như đợt này. Có đến 6 lớp tiếng Anh ở các trình độ được triển khai trên toàn đơn vị, đan xen với các nội dung tập luyện hằng ngày. Chúng tôi cùng ôn bài, cùng nói tiếng Anh để nhanh tiến bộ”.

Những giọt mồ hôi trên thao trường đã mang lại kết quả xứng đáng. Trong chuyến thăm, kiểm tra, đánh giá đơn vị VNFPU 1 tháng 7 vừa qua, Đoàn LHQ đánh giá đơn vị đã đáp ứng các tiêu chuẩn, sẽ sớm được nâng lên cấp độ 2 trong hệ thống sẵn sàng triển khai của LHQ. Những nữ sĩ quan đã góp phần không nhỏ vào thành công chung của đơn vị đặc biệt này.

Huyền Châm
.
.