Khi lính hình sự làm từ thiện

Thứ Năm, 31/03/2022, 15:17

Những con đường hiểm trở, xe hàng không vào tới nơi, có khi một bên vách núi, một bên là vực thẳm, phải nhờ bà con đi xe máy chở vào hoặc anh em cán bộ, chiến sĩ phải tự bê đồ đi bộ vào... Đó là những gì mà đoàn từ thiện đặc biệt của các cán bộ, chiến sĩ thuộc Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hải Phòng đã thực hiện trong nhiều năm qua.

Hành trình nuôi lớn thiện tâm

Nhiều lần xuống Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hải Phòng công tác, tôi đặc biệt chú ý đến hòm từ thiện đặt ngay tại đơn vị, tò mò hỏi anh em mới biết, truyền thống góp ngày lương để làm từ thiện được các anh lính hình sự nơi đây thực hiện từ nhiều năm nay và đến giờ vẫn là một trong những công việc được chú ý thường xuyên, song song với công việc chuyên môn đấu tranh phòng chống, trấn áp tội phạm.

trang 3 - ảnh 1.jpg -0
Đại tá Lê Hồng Thắng (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội chia quà cho các em nhỏ.

Nói về hành trình ấy, Đại tá Lê Hồng Thắng - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hải Phòng cho biết, với đặc thù công việc cần bám sát địa bàn, phải đi đến nhiều nơi trên mọi miền Tổ quốc, đôi khi là cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo nên các anh được chứng kiến rất nhiều những cảnh đời gian khó, những vùng đất nghèo mà người dân nơi ấy cần nhiều sự giúp đỡ. "Qua mỗi chuyến công tác, tôi cùng nhiều anh em vẫn day dứt không yên, nghĩ rằng cần phải làm một cái gì đó để giúp đỡ cho những người, những nơi đang gặp khó khăn. Sau một thời gian ấp ủ thì những chuyến đi từ thiện đầu tiên đã bắt đầu, trở thành một hoạt động thường xuyên của đơn vị", Đại tá Lê Hồng Thắng chia sẻ.

Qua lời kể của "người dẫn đoàn", hành trình thiện tâm của những người lính hình sự cũng bắt đầu một cách nhẹ nhàng bằng việc quyên góp ngày lương, đóng góp vào thùng từ thiện được các anh để ngay trước cửa phòng. Các anh cũng là những người có vai trò cầu nối giữa các nhà hảo tâm và người gặp khó khăn cần giúp đỡ. Bởi đặc thù công việc cần nắm rõ địa bàn, có quan hệ với địa phương, có nghiệp vụ để xác minh thông tin một cách chính xác nhất nên mục tiêu của đoàn từ thiện luôn đảm bảo "đi trúng, đi đúng, hiệu quả, thiết thực". Từ những hiệu quả tích cực mà công tác thiện nguyện mang lại, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã tìm đến với mong muốn cùng các anh đồng hành trên hành trình thiện tâm. Trước mỗi chuyến đi, mục tiêu cần giúp đỡ được các anh lính hình sự lên kế hoạch cụ thể, chi tiết. Các địa điểm lựa chọn đều được xác minh từ trước, tìm hiểu kĩ càng về những khó khăn, thiếu thốn mà ở đó gặp phải để đoàn chuẩn bị trước khi khởi hành.

"Anh em Công an các địa phương cũng là một nguồn tin hết sức tin cậy giúp chúng tôi tìm được những nơi thực sự khó khăn. Có những lúc anh em hình sự ở các huyện gọi điện xuống kể, trên chỗ em có nhiều điểm dân cư đang rất khó khăn, cần một cây cầu qua suối để bà con đi lại dễ dàng hơn. Sau khi tìm hiểu kĩ, chúng tôi lên kế hoạch và đoàn lại lên đường. Khi đến các nơi, anh em đồng nghiệp, người có tiền thì góp thêm tiền, ai có sức thì lại góp sức…", Đại tá Thắng chia sẻ.

Sự tận tâm ấy của các anh cùng các chiến sĩ Công an địa phương đã lan truyền đến tất cả những người mà đoàn từ thiện gặp trên hành trình. Đi đến đâu các anh cũng nhận được sự chào đón và giúp đỡ nhiệt tình. Như trong chuyến đi từ thiện tại điểm trường thuộc bản Tả Cu Tỷ (xã Giang Ma, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) vào năm 2016, đó lại là một hành trình đầy gian nan do con đường đất đỏ trơn trượt dưới cơn mưa phùn lất phất.

Hành thiện để giữ tâm tốt

Để đến được Tả Cu Tỷ, các anh phải đi bộ 9 cây số đường rừng. Đi dép tổ ong dính bùn thì khó đi, bỏ dép thì trơn dễ ngã, nhưng rất may mắn các thành viên trong đoàn vẫn quyết tâm để mang được quần áo, chăn màn vào cho các em nhỏ. Trên suốt chặng đường ấy, người ngã ít nhất cũng phải đôi ba lần, người ướt, lấm lem bùn đất nhưng những món quà cho các em nhỏ luôn được anh chị em trong đoàn bảo quản một cách khô ráo để đưa đến điểm tập kết.

Khi lính hình sự làm từ thiện -0
Điểm tập kết hàng trong chuyến đi Hòa Bình sau lũ.

"Có những lúc mệt mỏi, khát nước quá, anh em vào xin bà con cho hái mận trên cây ăn. Bà con biết đoàn đi từ thiện nên cho ăn thoải mái rồi lấy nước cho anh em uống. Tình cảm bà con dành cho khiến chúng tôi rất xúc động. Rồi khi vào đến điểm trường, chứng kiến điều kiện sinh hoạt, cơ sở vật chất của những lớp học vùng cao, nhìn các thầy cô giáo và các em học sinh vui mừng nhận quà, mọi vất vả mệt nhọc trên con đường bùn đất vừa qua như tan biến hết", Đại tá Lê Hồng Thắng trải lòng.

Nhớ lại một hành trình khác, đó là ngay trận mưa lũ lịch sử quét qua Hòa Bình vào tháng 10/2017, sau khi nhận được tin, anh Thắng cùng nhiều đồng đội đã lập tức kêu gọi sự hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Số tiền quyên góp được sau 3 ngày là hơn 300 triệu đồng, đủ để mua những nhu yếu phẩm cần thiết cho đồng bào vùng lũ.

Chuyến đi Hòa Bình này cũng là một trong những hành trình khó khăn mà đoàn thiện nguyện gặp phải, con đường đến với bà con xã Suối Nánh (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) và xóm Khanh (xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) vốn dĩ đã khó khăn lại càng gian nan hơn gấp bội sau khi cơn lũ quét qua. Di chuyển hơn 200km trong đêm, các cán bộ, chiến sĩ cùng nhà hảo tâm đã có mặt tại bến tàu để chất hàng cứu trợ lên tàu thủy. Từ đó, chuyến hàng tiếp tục di chuyển vượt hồ Hòa Bình đến với hơn 300 hộ dân thuộc xã Suối Nánh, trong đó có 51 hộ dân bị cô lập hoàn toàn.

Sau cơn lũ quét, cảnh vật hoang tàn càng khiến anh em lòng như lửa đốt, chỉ mong chiếc tàu có thể chạy thật nhanh để đưa hàng hoá được vào bên trong. Nóng ruột như vậy, nhưng với thực trạng hiện tại, phải 4 tiếng sau đoàn mới vào được tới điểm bị cô lập. Tại đây, các thành viên lại thay nhau vác những gói hàng nhu yếu phẩm vượt qua con đường hơn 1km đầy bùn nhão để mang đến cho bà con.

"Sau khi xong việc ở Đà Bắc, chúng tôi với bộ dạng quần áo lem luốc lại tiếp tục hành trình hơn 90km đi Tân Lạc. Nhìn làng xóm tiêu điều xác xơ, có những ngôi nhà bị cuốn trôi không còn dấu tích, ở gần đó thì người nhà đã sẵn áo quan để tìm người mất, cảnh tượng tang thương làm cho anh em ai cũng phải rơi nước mắt. Những hình ảnh đó càng làm chúng tôi quyết tâm hơn với hành trình thiện nguyện của mình", người đứng đầu Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hoa phượng đỏ ngậm ngùi nói.

Với những người lính hình sự, thành công của mỗi trận đánh, mỗi chuyên án lớn đều có sự góp công ít nhiều từ bà con, nhân dân, đặc biệt tại các địa bàn xa xôi hẻo lánh. Những bữa cơm trắng hay chỉ là miếng bánh, miếng nước của bà con đã giúp người lính hình sự có thêm động lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Và rồi trong mỗi chuyến thiện nguyện, hình ảnh những người lính hình sự mang vác những bao hàng nhu yếu phẩm, quần áo, sách vở giúp cho những nơi gặp khó càng làm gắn kết hơn tình cảm quân dân.

Đó cũng là một trong những mục tiêu đầu tiên mà Đại tá Lê Hồng Thắng đặt ra khi bắt đầu hành trình thiện nguyện, là cách để những người lính trẻ nói riêng và cán bộ chiến sĩ nói chung có thể hiểu và chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, đồng cảm với họ, từ đó luôn giữ được cái tâm tốt, trong sáng, trong cuộc sống thường ngày cũng như trong công việc đấu tranh với tội phạm.

Những chuyến đi kể trên chỉ là một phần trong hành trình thiện tâm của những người lính hình sự đất Cảng, dẫu có những chuyến cực kỳ vất vả nhiều gian khó nhưng đối với các anh, đó là việc phải làm và nên làm, điều đó giúp lan toả, nhân lên lòng nhân ái không chỉ đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ mà tới cả mọi người trong xã hội.

Khi được hỏi, việc làm thiện nguyện có ảnh hưởng đến công việc hay không? Đại tá Lê Hồng Thắng cùng các chiến sĩ trong phòng cười vui: "Ngược lại là đằng khác, có những chuyến đi xuyên đêm về, anh em lại đi làm không hề thấy mệt mỏi. Dường như là sau mỗi chuyến đi thiện nguyện, chúng tôi lại hứng khởi hơn trong công việc. Sự khó khăn đó cũng chỉ là một cách rèn luyện ý thức trách nhiệm, khả năng chịu đựng, vượt khó cho anh em chiến sĩ".

Đinh Hiền
.
.