“Bông hoa” khoe sắc nơi núi rừng Tây Bắc
Thượng úy Lò Thị Thiên, cán bộ Công an xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo tâm sự: "Tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân năm 2021, em ra trường đúng dịp Bộ Công an đang triển khai Công an xã chính quy về cơ sở, em thấy đây là cơ hội tốt để có thể hoàn thiện bản thân cũng như trưởng thành hơn trong công tác, vận dụng những kiến thức chuyên môn đã được học vào thực tiễn một cách nhanh nhất".
Chuyến công tác của chúng tôi di chuyển hơn 100 km liên tục đường dốc, đèo quanh co từ TP Điện Biên Phủ, qua thị trấn Tuần Giáo, hướng về huyện Tủa Chùa. Ai cũng thấm mệt, lái xe dừng lại cho anh em nghỉ ngơi. Trước mặt chúng tôi là một thung lũng nhỏ, núi bao quanh những thửa ruộng, tia nắng sớm chiếu xiên trên thảm lúa chín vàng như lụa. Đang vào vụ gặt, bà con ra đồng từ rất sớm, tiếng trò chuyện lao xao pha lẫn tiếng cười giòn tan, ai cũng hối hả nhưng bình yên hiếm gặp.
Nữ Công an bản lĩnh
Chúng tôi đang hít đầy phổi hương lúa và sương mai, thì một giọng sơn nữ lảnh lót: "Các anh đi đâu sớm vậy?”. Xuất hiện trước mắt chúng tôi là nữ Thượng úy Công an nguyên cây quân phục, quần ống thấp, ống cao, chân lấm bùn, mặt mướt mát mồ hôi, vai vác bó lúa to hơn người đang đi từ dưới ruộng lên. Giúp cô đỡ bó lúa xuống, tôi đáp: "Chúng tôi đang xuống xã tìm gặp đồng chí Lò Thị Thiên".
Nhìn chúng tôi một lát, quệt ngang giọt mồ hôi trên trán, nụ cười tươi rói, nữ Công an trả lời đầy bất ngờ: "Là em đây, nhưng nay em đang tranh thủ giúp một hộ neo người gặt lúa cho kịp, có gấp không ạ?". Ngồi ngay tại bờ ruộng, theo thói quen, tôi rút sổ, bút ra ghi tranh thủ để không làm ảnh hưởng đến công việc của Thiên.
Thượng úy Lò Thị Thiên, cán bộ Công an xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo tâm sự: "Tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân năm 2021, em ra trường đúng dịp Bộ Công an đang triển khai Công an xã chính quy về cơ sở, em thấy đây là cơ hội tốt để có thể hoàn thiện bản thân cũng như trưởng thành hơn trong công tác, vận dụng những kiến thức chuyên môn đã được học vào thực tiễn một cách nhanh nhất".
Quài Nưa là xã đặc biệt khó khăn, gồm 8 dân tộc sinh sống (Thái, Kinh, Mông, Tày, Nùng, Phù Lá, Kháng, Khơ Mú). Xã có 1.545 hộ, 6.933 nhân khẩu, sống tại 12 bản cách nhau khá xa, đời sống bà con còn khó khăn, đa số là hộ nghèo. Hiện, Công an xã có 6 cán bộ, chiến sĩ nên lượng công việc hằng ngày nhiều, bận rộn như "con mọn". Là nữ cán bộ duy nhất, Thượng úy Lò Thị Thiên được phân công làm công tác quản lý cư trú, tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính, Đề án 06; phụ trách 2 bản Chăn và Ten (hầu hết là dân tộc Thái), trực đơn vị 1-2 buổi mỗi tuần.
Nhiều đồng nghiệp và bà con Quài Nưa vẫn gọi Thượng úy Lò Thị Thiên bằng một biệt danh "bông hoa" của núi rừng Tây Bắc. Thế nhưng, đằng sau vẻ ngoài xinh đẹp, dịu dàng ấy, nữ Công an xã Quài Nưa lại là một chiến sĩ dũng cảm, kiên cường và mưu trí. Làm Công an xã đã nhiều vất vả nhưng so với các đồng nghiệp nam thì chiến sĩ nữ xuống địa bàn càng vất vả hơn. Do đặc điểm địa hình miền núi, địa bàn rộng, có những bản cách trung tâm xã dăm chục cây số, giao thông đi lại khó khăn, đèo dốc, cua gắt, mùa mưa thì vô cùng vất vả, nguy hiểm, khi thì sạt lở, lũ quét, nhưng các cán bộ, chiến sĩ Công an không để trống địa bàn, xe máy không đi được thì cuốc bộ, đến nơi thấy bà con bình an mới yên tâm được.
Xác định Đề án 06 là nhiệm vụ lớn, mang tầm quốc gia, việc triển khai thực hiện tại địa bàn cơ sở đóng vai trò hết sức quan trọng, Thiên đã phát huy sức trẻ, lợi thế về khoa học, công nghệ để tham mưu nhiều sáng kiến thực hiện các nhiệm vụ của đề án. Ban đầu, khi được tuyên truyền về đề án, có những người tuổi cao cho rằng, "già như chúng tôi cần gì phải làm", hay "khi Nhà nước cần đến thì sẽ tìm đến tận nhà mình mà làm"...
Là người con của đồng bào Thái, Thiên am hiểu phong tục, tập quán, sử dụng tiếng nói của đồng bào để vận động, thuyết phục, giải thích về lợi ích của đề án và những quyền lợi người dân được hưởng, họ đã hiểu và tích cực tham gia. Thượng úy Lò Thị Thiên đã tham mưu UBND xã Quài Nưa tổ chức tuyên truyền làm căn cước, tích hợp và kích hoạt tài khoản định danh điện tử bằng nhiều hình thức như: qua loa truyền thanh xã, bản; tuyên truyền lưu động tại các tuyến đường liên bản, khu tập trung đông người, lồng ghép qua các hội nghị...
Lập công qua công tác quản lý địa bàn
Bằng chuyên môn được đào tạo và sự tận tâm trong công việc, Thượng úy Thiên không chỉ giúp công tác vận động cấp căn cước trên địa bàn xã Quài Nưa đạt tỷ lệ 100%, mà qua quá trình cấp căn cước, Thiên cùng tổ công tác Công an xã Quài Nưa đã lập thành tích khi phát hiện và tổ chức bắt giữ được 2 đối tượng truy nã.
Nhắc đến chuyện này Thượng úy Lò Thị Thiên tươi cười nói: "Thời gian đó là vào khoảng tháng 1/2022, trong quá trình thực hiện công tác quản lý cư trú, chúng tôi phát hiện trường hợp nghi vấn. Một công dân có những biểu hiện lạ, lén lút, không lộ diện mà nhờ người khác đến kê khai giấy tờ và thực hiện các thủ tục hành chính. Bằng những biện pháp nghiệp vụ đã được đào tạo, chúng tôi tổ chức xác minh, đối chiếu thông tin với các đối tượng truy nã. Và, đúng như dự đoán, đây là đối tượng truy nã Nguyễn Anh Tuấn (sinh năm 1990), trú tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Chúng tôi đã xin ý kiến lãnh đạo Công an huyện, xây dựng kế hoạch và tổ chức truy bắt thành công khi đối tượng đang lẩn trốn trên lán nương, cách xa khu dân cư.
Tiếp đó, cuối năm 2023, tôi đã phát hiện đối tượng truy nã Lê Thị Thường (sinh năm 1960), lẩn trốn 25 năm tại TP Hồ Chí Minh. Theo hồ sơ của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Điện Biên, năm 1998, Lê Thị Thường làm việc tại Chi cục Thuế huyện Tuần Giáo và lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao chiếm đoạt tiền rồi bỏ trốn. Khi làm căn cước, đối tượng đã sử dụng thông tin của em gái đã mất để thay thế.
Sau đó, Lê Thị Thường vào TP Hồ Chí Minh ở cùng con và kiếm việc làm. Công an huyện đã cử tổ công tác, trong đó có tôi vào TP Hồ Chí Minh xác minh. Sau gần 1 tuần, chúng tôi đã xác định đúng đối tượng truy nã. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác đã lựa chọn thời điểm thích hợp khi Lê Thị Thường đang trên đường đi làm về thì tiến hành bắt giữ. Việc bắt giữ được tiến hành hợp lý, nhân văn, bảo đảm an toàn".
Xuống bản, tiếp xúc nhân dân với tâm thế là một người con của đồng bào nên Thượng úy Thiên nhận được sự tin tưởng, yêu mến của bà con trên địa bàn. Nhiều người có uy tín tại địa bàn cơ sở tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, cung cấp tin báo, tố giác về tội phạm, trở thành tai mắt giúp nữ cán bộ bám quản lý địa bàn tốt hơn.
Thiếu tá Lò Văn Đức, nguyên Phó Trưởng Công an xã Quài Nưa, chia sẻ: "Đồng chí Thiên là cán bộ trẻ của Công an huyện Tuần Giáo đã xung phong đi xuống xã, không thua kém gì nam giới chúng tôi, có năng lực tốt, hăng hái trong công việc và chịu khó. Ngoài giờ hành chính, đồng chí còn thường xuyên xuống bản để thăm gặp bà con, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con".
Ông Lò Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quài Nưa, khẳng định: "Đồng chí Thiên là cán bộ trẻ, có năng lực, được đào tạo bài bản. Ở xã thì rất nhiệt tình, năng nổ, bám làng bám bản. Khi triển khai nhiệm vụ chuyên môn đã tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều giải pháp hiệu quả trong lĩnh vực phụ trách, có uy tín đối với bà con nhân dân". Ông Lò Văn Thịn, trú tại bản Cọ, xã Quài Nưa nói: "Cán bộ Thiên này thì làm rất nhiệt tình, một khi đã làm là phải làm hết mình, biết người biết việc". Ông Cà Văn Ánh, Bí thư Chi bộ bản Cọ, xã Quài Nưa, tâm sự: "Đồng chí Thiên thực sự là một người chiến sĩ Công an vì nhân dân phục vụ".
Chia tay đồng chí nữ Công an "ba cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc), tôi vẫn nhớ nụ cười vô tư và câu nói: "Ai cũng thích sung sướng, công việc nhẹ nhàng, anh ạ. Nhưng, là người trẻ thì nên chấp nhận gian khổ, thách thức, mới vượt qua được chính mình, mới có được những trải nghiệm thực tế để có thể cùng các đồng đội làm việc tốt hơn, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự ở trên địa bàn".
Nắng đã trải đều trên khắp thung lũng, bóng người nữ Công an hòa vào nương lúa, cùng bà con thoăn thoắt thu hái những đọn lúa vàng óng ả trĩu bông, đàn trâu thong thả gặm cỏ đầu bờ, lại một mùa vàng bội thu.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Điện Biên đã có 818 cán bộ, chiến sĩ Công an chính quy được bố trí tại 120 xã, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Lực lượng Công an cơ sở tại Điện Biên đã nỗ lực bám địa bàn, dấu chân các anh, các chị đã hằn in trên đá núi và những vạt rừng rẻo cao, là điểm tựa bình yên cho nhân dân, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh, trật tự tại cơ sở...