Trong giá lạnh, hoa hồng vẫn nở

Thứ Năm, 28/01/2016, 08:12
25 năm công tác, trong đó hơn 17 năm chuyên trách lĩnh vực phòng chống tội phạm về ma túy, Trung tá Chu Thị Hoa đã tham gia phá hơn 1.200 vụ án, bắt giữ 1.500 đối tượng tội phạm. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, nữ Đội trưởng duy nhất của lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về ma túy (CSPCTPVMT), Công an thành phố Hà Nội đã nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an tặng Bằng khen. Đặc biệt, năm 2015, chị vinh dự là một trong 10 "Công dân Thủ đô ưu tú", "Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu”. 


Điều khiến tôi ấn tượng hơn cả khi trò chuyện với nữ Đội trưởng nhỏ bé ấy, ngoài niềm đam mê, tâm huyết với công việc là tinh thần lạc quan, nghị lực sống kiên cường.

Được ví là "Bông hồng thép" trong lực lượng Công an TP Hà Nội, là "khắc tinh của tội phạm ma túy" Thủ đô, Trung tá Chu Thị Hoa như "người nhà" với cánh báo chí. Nhưng dù là lần trò chuyện đầu tiên hay đã trở thành chỗ thân quen thì điều khiến cánh báo chí "mê" chị không chỉ là bảng thành tích đáng nể, là những câu chuyện đánh án say mê mà còn là cách trò chuyện chân thành, hồ hởi như gặp người bạn, người chị thân yêu của mình. Chị luôn khiến những người làm báo như chúng tôi cảm thấy may mắn khi được chia sẻ những buồn vui, những góc khuất, những hy sinh mà những nữ chiến sĩ như chị chấp nhận để theo nghề mà không được ghi trong bất kỳ một bản báo cáo nào.

Khác với hình dung của nhiều người rằng Đội trưởng Đội CSPCTPVMT (Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chắc sẽ nghiêm nghị và khó gần, Trung tá  Chu Thị Hoa tiếp tôi tại phòng làm việc sau khi thoăn thoắt chỉ đạo anh em trong đội hoàn thành hồ sơ vụ án với áo sơ mi, quần bò bụi, đặc biệt là cách nói nhanh, hay cười. Và một điều khiến chúng tôi ấn tượng là lúc nào trong phòng của chị cũng có một bình hoa tươi thơm ngát. Với nữ chuyên gia phá án ấy thì những bông hoa đã giúp chị thư giãn ít nhiều sau những giờ làm việc căng thẳng.

Trung tá Chu Thị Hoa.

Trung tá Chu Thị Hoa tâm sự, chị gắn bó với ngành Công an hết sức tự nhiên bởi cả bố và các anh chị đều theo nghề "truyền thống của gia đình" như cách mà các anh chị vẫn thường nói vui với nhau. Trong tâm thức của chị, hình ảnh người chiến sĩ Công an bắt đầu rõ nét và ghi dấu ấn bằng hình ảnh người bố của mình: "Bố tôi là cán bộ Công an làm công tác tình báo từ thời kháng chiến, nằm vùng. Sau, ông chuyển công tác sang Viện Khoa học hình sự. Bố tôi thường công tác xa nhà. Mỗi lần ông về, cả nhà tôi vui vô cùng.

Ngày nhỏ, tôi thường ngồi trong lòng ông, mân mê vạt áo quân phục. Khi anh em tôi lớn dần lên thì câu chuyện nghề nghiệp cũng được nhắc tới thường xuyên trong bữa ăn gia đình. Tình yêu với sắc phục công an, với nghề nghiệp đặc thù này ngấm vào anh em tôi từ lúc nào không hay. Năm 1991, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Cảnh sát, tôi được phân công về công tác tại Đội Cảnh sát Điều tra, Công an quận Hoàn Kiếm với nhiệm vụ ban đầu là thụ lý điều tra án kinh tế.

Khi ấy, tội phạm ma túy ít. Nếu có chủ yếu là thuốc phiện và số lượng vụ án mỗi năm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng bắt đầu từ năm 2000, tội phạm ma túy phát triển ngày càng phức tạp, năm 2004, lực lượng CSPCTPVMT được thành lập, tôi đã trở thành một trong những cán bộ đầu tiên của Đội".

Là một trong những hạt nhân đầu tiên của Đội CSPCPVMT, Công an quận Hoàn Kiếm, Trung tá Chu Thị Hoa không thể nhớ hết 1.200 chuyên án ma túy đã được phá. Với những chiến sĩ trong Đội thì mọi chiến công luôn có công sức của người nữ đội trưởng mưu trí và quyết đoán. Còn lần nào cũng vậy, mỗi khi nhắc về những chiến công, Trung tá Chu Thị Hoa luôn tâm niệm: "Đó là chiến công của một tập thể đoàn kết, của những chiến sĩ trẻ thông minh, say nghề chứ một mình tôi sẽ không thể làm được".

Kể từ ngày bước chân vào trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm, tới nay ngót nghét 25 năm, người nữ đội trưởng này hiểu từng góc phố, từng con hẻm. Không phải là một địa bàn quá nóng về ma túy nhưng Hoàn Kiếm lại là nơi trung chuyển của các đường dây buôn bán ma túy. Đặc biệt, là quận trung tâm, với nhiều quán bar, nhà hàng, gần đây, tình hình sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng trở nên phức tạp. Loại hình tội phạm này rất manh động, liều lĩnh và thường mang theo vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng.

Nhưng, vượt lên trên những khó khăn, có những năm như năm 2014, chị và đồng đội đã khám phá thành công 6 chuyên án lớn, thu giữ 40 bánh heroin, 3kg ma túy đá, 2000 viên ma túy tổng hợp, 3 ô tô và hơn 1 tỷ đồng nộp vào ngân sách nhà nước. Tiêu biểu như vụ Trung tá Chu Thị Hoa cùng đồng đội bắt đối tượng Lê Minh Thắng trên đường Lý Nam Đế. Qua công tác nắm tình tình, biết đối tượng Thắng sử dụng ô tô vận chuyển, Trung tá Chu Thị Hoa đã quyết định sử dụng 2 chiếc ôtô chia làm 2 mũi khóa trước và sau xe của đối tượng.

Nhưng khi chị vừa mở cửa xe để tiếp cận thì đối tượng bất ngờ lùi xe, tông thẳng vào xe của Ban Chuyên án. Cú đâm mạnh và trực diện khiến chị bị choáng và rất đau nhưng chị vẫn kiên quyết chỉ đạo các trinh sát khống chế Thắng, thu giữ lượng ma túy lớn trên xe. Vừa về tới cơ quan, cũng là lúc chị bị ngất, phải đưa đi cấp cứu.

Ngoài công việc chuyên môn, điều tra phá án, Trung tá Chu Thị Hoa còn tích cực làm tình nguyện viên đi tuyên truyền tại 18 phường trên địa bàn quận về phòng, chống lây nhiễm HIV trong cộng đồng, tác hại của ma túy, quản lý giáo dục, mở lớp sinh hoạt cho các đối tượng sau cai nghiện ma túy và những đối tượng đi cải tạo về tái hòa nhập cộng đồng. Có một vấn đề mà chị Hoa đang trăn trở là qua công tác thâm nhập thực tế, chị nhận thấy nhiều học sinh, nhất là ở lứa tuổi mới lớn vẫn còn nhận thức rất mơ hồ về tác hại của ma túy tổng hợp. Vì thế, chị rất mong muốn các cơ quan chức năng cần chung tay tuyên truyền tích cực hơn nữa về vấn đề này.

Chúng tôi mạnh dạn hỏi Trung tá Chu Thị Hoa rằng tội phạm ma túy luôn manh động và sử dụng vũ khí nóng, là người phụ nữ liệu có lúc chị yếu lòng? Chị Hoa trầm ngâm: "Mỗi khi chuẩn bị vào đánh án, mình và anh em trong đội lúc nào cũng quyết tâm cao độ. Còn thực sự, lòng mình chỉ chùng xuống, đó là những buổi tối về nhà ngồi nhìn các con học bài hay lúc ôm chúng vào lòng. Lúc ấy mình chợt nghĩ: "Nếu mình có chuyện gì thì các con sẽ thế nào?

Có mẹ là Công an, các cháu rất thiệt thòi khi chưa bao giờ được mẹ đưa đi chơi trọn vẹn một ngày nghỉ cuối tuần. Có khi cả nhà đang đi chơi, mẹ có việc lại lập tức quay về cơ quan. Nhưng được cái các con hiểu công việc của mẹ nên ngoan ngoãn, học giỏi. Tôi chỉ bù đắp bằng cách cố gắng thu xếp đưa - đón các con đi học. Từ khi các cháu đi học cho đến nay cháu lớn đã học đại học, cháu thứ 2 học cấp 2, mẹ luôn là “xe ôm” cho các cháu trên mỗi chặng đường. Thời gian đưa con đi học cũng là lúc mẹ con tâm sự, chia sẻ với nhau mọi chuyện. Những lúc chờ đón các cháu, tôi quay lên lên cơ quan, tiếp tục nghiên cứu hồ sơ".

Là đội trưởng nhưng cũng là người phụ nữ duy nhất của đội tham gia vào việc đánh án nên chị bận trăm công nghìn việc. Từ lên kế hoạch, chỉ huy cho đến bắt, khám đối tượng. Đặc biệt là những vụ án có đối tượng là nữ thì có khi đang ở đâu chị Hoa cũng được anh em gọi đến để khám... hộ. Công việc bận rộn và đặc thù khiến chị ít khi có dịp được diện dàng, điệu đà như những phụ nữ khác: "Mình may được chiếc áo dài rất ưng mà 2 năm nay chưa được mặc vào. Có người bạn yêu quý tặng mình bộ váy mà cứ để trong tủ ngắm vậy thôi".

Ở cơ quan, Trung tá Chu Thị Hoa không chỉ là thủ trưởng, là đồng nghiệp mà nhiều khi còn là cô, là chị gái của các chiến sĩ trẻ. Có khúc mắc gì về chuyện gia đình, các trinh sát lại tâm sự với đội trưởng nhờ giải quyết. Đội trưởng khi ấy lại trở thành "chị Thanh Tâm" làm yên lòng hậu phương của các chiến sĩ. Bởi chị hiểu hơn ai hết, chỉ khi nào hậu phương vững chắc thì các chiến sĩ, đồng nghiệp của chị mới yên tâm công tác: "Nếu không hiểu, không thông cảm những khó khăn trong công việc của nhau thì hôn nhân rất dễ rạn nứt.

Là phụ nữ, để chu toàn cả việc riêng việc công là điều vô cùng khó khăn, nhất là với công việc đặc thù của ngành Công an". Và chị đã chấp nhận hy sinh cuộc sống riêng khi không còn tìm được sự đồng cảm và tiếng nói chung nữa. Nhưng không chỉ có vậy, cuộc sống luôn thử thách người phụ nữ bé nhỏ ấy. Khi chưa kịp hàn gắn vết thương tâm lý của hôn nhân tan vỡ, chị biết tin mình mắc căn bệnh hiểm nghèo.

Chị nghẹn lòng chia sẻ: "Trước khi quyết định phẫu thuật, tôi đã thẳng thắn hỏi bác sĩ rằng khả năng sống của tôi là bao nhiêu phần trăm để tôi còn sắp xếp lo liệu cho các con. Tôi đã từng nghĩ tới cái chết và điều duy nhất tôi lo lắng là hai cô con gái của mình. Nhưng bản năng người mẹ, ý chí của một người chiến sĩ luôn thúc giục tôi rằng phải sống và lạc quan để chiến thắng bệnh tật"

Giờ đây, ngồi trò chuyện với tôi trong căn phòng làm việc ngát hoa hồng, Trung tá Chu Thị Hoa vui mừng chia sẻ sau 8 đợt truyền hóa chất, 21 lần xạ trị, sức khỏe của chị đã dần ổn định. Những lần khám gần đây cho kết quả lạc quan. "Anh em đồng đội khuyên tôi cứ nghỉ ngơi nhưng sau mỗi đợt điều trị, tôi vẫn làm việc bình thường. Công việc giúp tôi khỏe khoắn, lạc quan hơn" - Trung tá Chu Thị Hoa tâm sự. Dường như tình yêu cuộc sống, niềm đam mê với công việc đã giúp người phụ nữ nhỏ bé ấy kiên cường vượt qua được những khúc cam go của cuộc sống như những đóa hồng vẫn ngát hương trong giá lạnh.

Thảo Duyên
.
.