"Bông hồng thép" trong lực lượng công an

Thứ Năm, 15/10/2015, 14:12
Biết mình mắc bệnh nan y nhưng Thiếu tá Nguyễn Thị Thùy Dương, Đội trưởng Đội quản lý xuất cảnh, Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (PA72), Công an tỉnh Phú Thọ vẫn lạc quan và nỗ lực hết mình vì công việc.

Lựa chọn ngày điều trị cuối tuần để không ảnh hưởng đến công việc, bao nhiêu ngày tháng mắc bệnh là bằng ấy ngày chị quyết tâm chiến đấu với tử thần và chưa bao giờ phải xin nghỉ làm vì lý do bệnh tật. Chị được đồng đội nhắc đến như một "bông hồng thép" không chỉ trong công việc chuyên môn mà còn trong việc kiên cường chống chọi với bệnh tật.

Thiếu tá Nguyễn Thị Thùy Dương không muốn "lên báo" một phần vì bệnh tật, một phần vì ngại nhắc đến thành tích, công việc của mình, nhưng chúng tôi vẫn mong muốn được viết bài về chị như một tấm gương điển hình tiên tiến của lực lượng Công an nhân dân, vượt qua bạo bệnh bằng một nghị lực phi thường để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhất là trong dịp ngày tôn vinh phụ nữ Việt Nam 20/10 này. Phải nhờ sự "can thiệp" của lãnh đạo Phòng PX15 Công an tỉnh Phú Thọ và sự nhiệt tình giới thiệu của hai vị lãnh đạo phòng, chị Dương mới đồng ý gặp chúng tôi để trò truyện.

Thiếu tá Nguyễn Thị Thùy Dương trong buổi giao lưu gặp gỡ điển hình tiên tiến của Bộ Công an năm 2015.

Đúng như lời giới thiệu của lãnh đạo Phòng PX15, chị Dương là một người phụ nữ nhỏ nhẹ, dễ gần, cách nói chuyện rất thân thiện. Dù đang mắc bệnh hiểm nghèo nhưng chúng tôi cảm nhận ở người phụ nữ ấy một tinh thần lạc quan, tin tưởng bởi nụ cười luôn thường trực trên môi.

Thiếu tá Dương đến với nghề như một sự sắp đặt của số phận. Sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ vất vả nuôi các con ăn học nên khi đỗ Đại học Ngoại thương Hà Nội và Học viện An ninh nhân dân, không chút đắn đo, chị lựa chọn theo học Học viện An ninh nhân dân để đỡ được phần nào cho gia đình các khoản học phí cũng như chi phí sinh hoạt. Ra trường, chị được điều động về Đội trinh sát, Phòng Bảo vệ chính trị Công an tỉnh Phú Thọ.

Nhớ lại quãng thời gian làm việc trong Đội Trinh sát, chị tâm sự, đó thực sự là quãng thời gian vất vả với cả chị và gia đình. Con còn nhỏ dại, chồng cũng công tác trong ngành nên thời gian hai vợ chồng có mặt ở nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay. Công việc trinh sát khiến chị phải thường xuyên đi sớm về khuya, lăn lộn ở những vùng sâu vùng xa, nhiều khi phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy và nhiều loại tội phạm. Nhiều hôm xong việc về đến nhà cũng quá nửa đêm, con đã ngủ từ lâu, chị lại chạnh lòng thương con vì thiếu bàn tay chăm sóc của người mẹ, nhưng vì công việc chị vẫn quyết tâm vượt qua. Nhớ thời gian anh còn công tác tại trại giam, ông bà nội ngoại lại ở xa, mọi việc đưa đón con cái đi học chị đều phải nhờ hàng xóm.

Đầu năm 2011, chồng chị chuyển công tác về Phòng Quản lý hành chính, Công an tỉnh Phú Thọ. Đầu năm 2012, chị được bổ nhiệm làm Đội phó Đội tham mưu tổng hợp - quản lý xuất nhập cảnh và năm 2013 là Đội trưởng Đội quản lý xuất nhập cảnh. Tưởng rằng hạnh phúc sẽ luôn mỉm cười khi hai vợ chồng được chuyển về gần để cùng nhau chăm sóc con cái thì đến cuối năm 2014, chị phát hiện mình mắc phải căn bệnh ung thư quái ác.

Nhận được kết quả của bệnh viện, chị gần như chết lặng, bàng hoàng không tin nổi vào tai mình. Quãng thời gian ấy là quãng thời gian tồi tệ nhất đối với chị. Một cuộc đấu tranh nội tâm giữa điều trị hay không điều trị giằng xé căng thẳng trong tâm can người phụ nữ ấy. Nếu điều trị thì chị sẽ phải bỏ công việc và trở thành gánh nặng của gia đình. Không điều trị thì vẫn có thể đi làm được một thời gian. Nhưng rồi, sự động viên của gia đình, đồng nghiệp đã thôi thúc chị tìm đến bác sĩ để xin lời khuyên. Biết được hoàn cảnh của chị, các bác sĩ đã tạo điều kiện để chị điều trị vào những ngày nghỉ cuối tuần.

Và từ đó, đồng nghiệp vẫn thấy Thiếu tá Nguyễn Thị Thùy Dương đi làm đều đặn, khuôn mặt lúc nào cũng tươi vui, rạng rỡ. Nhưng kết thúc một tuần làm việc mệt nhọc, trong khi các đồng nghiệp được quây quần, sum họp bên gia đình, chị lại cùng chồng xuống Hà Nội trị xạ.

Bác sĩ yêu cầu phải nghỉ ngơi thường xuyên, tránh làm việc căng thẳng, mệt mỏi ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là sau mỗi đợt trị xạ kéo dài, nhưng dường như chị là người phụ nữ của công việc. Cho nên dù bệnh trọng nhưng chưa một ngày nào Thiếu tá Nguyễn Thị Thuỳ Dương phải xin nghỉ ốm ở cơ quan và cũng không nhận bất cứ chế độ ưu tiên nào chỉ vì bị bệnh nặng. Đó là điều khiến đồng nghiệp và người thân luôn ngưỡng mộ ở người phụ nữ kiên cường này.

Công việc của Thiếu tá Nguyễn Thị Thùy Dương và đồng đội là quản lý công dân địa phương, xuất nhập cảnh, thực hiện cải cách hành chính. Mỗi ngày, chị và đồng đội phải tiếp nhận 150 hồ sơ liên quan đến xuất nhập cảnh, trong khi đó, trong đội hầu hết là nữ. Mặc dù, khối lượng công việc nhiều, chị và đồng nghiệp luôn đặt ra phương châm "làm hết việc, chứ không làm hết giờ", thường xuyên làm thêm ngày, thêm giờ để trả hồ sơ cho công dân trong thời gian sớm nhất, không để công dân đi lại nhiều lần. Chị cũng luôn nhắc nhở bản thân và đồng nghiệp phải có thái độ hòa nhã, lịch sự, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, không gây phiền hà, sách nhiễu, lãng phí để xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh trong lòng nhân dân, đồng thời tích cực học ngoại ngữ, tin học để xử lý công việc đảm bảo khoa học.

Thiếu tá Nguyễn Thị Thùy Dương.

Những năm qua, Thiếu tá Nguyễn Thị Thùy Dương đã chủ động đề xuất lãnh đạo đơn vị tham mưu Ban Giám đốc ban hành nhiều kế hoạch có hiệu quả nhằm thực hiện các biện pháp công tác quản lý xuất nhập cảnh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Từ 2012 trở lại đây, chị và đồng đội đã tiếp nhận và giải quyết gần 50 nghìn hồ sơ, không để có vướng mắc phát sinh, đảm bảo quyền lợi của công dân. Qua công tác tiếp nhận và giải quyết, chị cùng đồng đội phát hiện 22 vụ (30 trường hợp giả mạo hồ sơ giấy tờ để được cấp hộ chiếu), trong đó có 5 vụ có dấu hiệu liên quan tới đường dây, tổ chức giả mạo, 2 vụ đã khởi tố. Ngoài ra, chị đã phát hiện và đề xuất xử lý hành chính hàng trăm triệu đồng; phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tổ chức xác minh thông tin xuất nhập cảnh hàng trăm trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đối tượng truy nã, trùng chứng minh nhân dân để phục vụ công tác nghiệp vụ và công tác xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu; cùng các đơn vị chức năng làm rõ 22 trường hợp có hành vi làm giả hồ sơ ghi chú kết hôn với người nước ngoài và đề xuất biện pháp xử lý đối với các đối tượng…

Một trong số đó phải kể đến việc phát hiện đối tượng giả mạo hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu tại Sông Lô, Việt Trì (Phú Thọ). Nguyễn Thúy Hoa còn có tên gọi khác là Nguyễn Thị Cảnh đã 2 lần thông qua môi giới ở Hà Nội làm hồ sơ và đã xuất cảnh sang Nga lao động, nhưng nay đã bị cấm nhập do vi phạm thủ tục đăng ký tạm trú. Vì hoàn cảnh gia đình, Hoa có nguyện vọng tiếp tục sang Nga lao động. Thông qua bạn bè có người nhà đang làm ăn sinh sống tại Nga, Hoa biết Nguyễn Thị Kim Liên ở Việt Trì, có chồng đang lao động ở nước này…

Thông qua sự giới thiệu của Liên, Hoa tìm đến người đàn ông tên Nam và được người này hướng dẫn cách mượn chứng minh nhân dân của Nguyễn Thị Tám, chị họ của Hoa để làm hồ sơ cấp hộ chiếu mang tên Tám, dán ảnh của Hoa vào đó. Trong quá trình làm thủ tục, Thiếu tá Dương và đồng đội đã phát hiện hành vi sai phạm của các đối tượng… và đưa ra pháp luật xử lý nghiêm minh.

Sau giờ làm việc căng thẳng, Thiếu tá Nguyễn Thị Thùy Dương lại trở về với gia đình làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ. Thương con từ nhỏ đã thường xuyên phải xa bố mẹ, những ngày cuối tuần lại không được bố mẹ đưa đón đi chơi vì mẹ phải đi điều trị dưới Hà Nội nên hoàn thành xong công việc ở cơ quan, chị dành trọn thời gian còn lại để chăm sóc các con. Biết chặng đường phía trước còn nhiều gian nan, vất vả, nhưng chị luôn tự nhủ phải vượt qua tất cả vì chồng, vì con và vì cả tâm huyết chị đã dành trọn cho nghề. Chị bảo, chị may mắn khi nhận được sự quan tâm, chia sẻ của gia đình, đồng nghiệp, cơ quan. Chính sự động viên của mọi người là động lực để chị quyết tâm vượt qua bệnh tật, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Với những thành tích đã đạt được, hai năm liên tiếp, Thiếu tá Nguyễn Thị Thùy Dương được Bộ Công an tặng 2 bằng khen vì thành tích xuất sắc, ba năm liên tiếp được nhận danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở. Chị là một trong những tấm gương điển hình tiên tiến của Công an tỉnh Phú Thọ được đích thân đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an chỉ định báo cáo tại Đại hội thi đua Vì an ninh Tổ quốc của Bộ Công an năm 2015.

.
.