Người nối nhịp cầu giữa quá khứ với hiện tại
- Người Jơ Rai lớn lên nhờ cách mạng
- Thêm một mùa xuân vui cho các cán bộ, chiến sĩ đấu tranh với tội phạm “cổ cồn trắng”
Đó chỉ là một trích dẫn trong rất nhiều bài báo, lá thư cảm ơn của những gia đình chính sách mà cán bộ, chiến sĩ Cục Hồ sơ NVAN nhận được. Những lời tri ân đó là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao đối với những người làm công tác hồ sơ.
Trong bài viết, tôi xin điểm qua những đóng góp thầm lặng mà ý nghĩa nhưng cũng không ít nỗi gian truân ít ai biết đến trong sáu thập niên qua của Cục Hồ sơ NVAN, cụ thể là những cán bộ làm công tác quản lý, khai thác hồ sơ thu được của chế độ cũ, trong đó có khối hồ sơ thu được của mật thám Pháp.
Đây là những hồ sơ, tài liệu bằng tiếng Pháp, do mật thám Pháp tại Trung Kỳ lập ra để theo dõi hoạt động của các phong trào yêu nước dưới chế độ thực dân phong kiến, trong đó có hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương theo dõi hoạt động của những người yêu nước Việt Nam mà ta còn gọi chung là những sỹ phu yêu nước, trong đó có hoạt động của những chiến sĩ Cộng sản.
Bên cạnh đó, hồ sơ tài liệu cũng phản ánh về các hoạt động đối phó, đàn áp của chính quyền thực dân phong kiến đối với các phong trào yêu nước, đặc biệt là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931); phản ánh sự đấu tranh dũng cảm, kiên cường, bất khuất của các sĩ phu yêu nước, của các chiến sĩ Cộng sản được thể hiện qua những tài liệu về hoạt động theo dõi, bắt bớ, tra tấn, những bản án tử hình, tù chung thân, khổ sai mà kẻ địch đã tiến hành...
Cho nên, có thể khẳng định, đây là một khối tài sản vô cùng quý báu, in đậm nét lịch sử của dân tộc Việt Nam nói chung và của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn cuối của thời kỳ Pháp thuộc.
![]() |
Thiếu tướng Trương Công Long, Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ An ninh nhận thư cảm ơn từ một người dân. |
Ngày 27-3-1957, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn ký Nghị định số 530/VP/NĐ thành lập Phòng Hồ sơ thuộc Văn phòng Bộ, đánh dấu sự ra đời của Lực lượng Hồ sơ chuyên trách trong CAND. Từ đó đến này, đã 60 năm trôi qua, cán bộ, chiến sĩ Cục Hồ sơ NVAN đã khai thác kịp thời, có hiệu quả khối hồ sơ thu được của mật thám Pháp, phục vụ cho các yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng Công an cũng như các yêu cầu chính trị, xã hội của các ban, ngành và công dân.
Các thế hệ cán bộ hồ sơ đã từng bước khảo sát, tổ chức chỉnh lý, sắp xếp, phân loại hồ sơ theo từng phông, loại tính chất của hồ sơ tài liệu ảnh; tiến hành dịch thuật hồ sơ, lập thẻ tra tìm...Công tác bảo vệ, bảo quản khối hồ sơ này gặp rất nhiều khó khăn và tốn công sức, vì tài liệu ra đời từ những thập niên đầu của thế kỷ XX, trong điều kiện khí hậu Việt Nam mang đặc trưng của nhiệt đới ẩm gió mùa; đặc biệt biệt có khoảng 100 ngàn tư liệu là hình ảnh phải lưu trữ, bảo quản trong các túi giấy nến và được xếp vào các tủ chuyên dụng.
Nhiều người nghĩ, công tác hồ sơ là nhàn hạ, nhưng thật sự đây là công việc vất vả, đòi hỏi phải thực sự chịu khó, tỉ mỉ. Gắn bó lâu thấy yêu quý nghề nhiều hơn, đó là tình yêu dành cho những trang tài liệu, hồ sơ có lịch sử gần 100 năm vốn là những mẩu giấy đã quá cũ, chất lượng giấy nhiều trang ố vàng theo dòng thời gian mà biến động thời tiết cần phải xử lý hóa chất, nên mỗi khi cần nghiên cứu, cán bộ phải mang khẩu trang để phòng bệnh.
Nhưng công sức của các thế hệ, cán bộ hồ sơ CAND trước đây và cán bộ hồ sơ ANND hiện nay đối với khối hồ sơ thu được của Pháp, ngụy đã gặt hái được những kết quả to lớn, cung cấp thông tin, tài liệu cho công tác nghiên cứu, viết sử, phục vụ kịp thời có hiệu quả cho các hoạt động chính trị, ngoại giao (góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam về biên giới, hải đảo...); và hơn nữa, còn mang tính nhân văn cao cả, thể hiện sự "uống nước nhớ nguồn", tri ân đối với những vị tiền bối, liệt sĩ cách mạng, giải quyết chế độ chính sách đối với những người có công với cách mạng.
Với sự nỗ lực trong công việc, trong những năm qua, công tác khai thác hồ sơ thu thập được của mật thám Pháp, Cục Hồ sơ NVAN đã cung cấp nhiều tài liệu cho các cơ quan, ban, ngành như: Ban Tổ chức Trung ương Đảng; Vụ Bảo tồn Bảo tàng; Ban nghiên cứu lịch sử Đảng các địa phương; Bộ Ngoại giao, Phòng Tham mưu Tổng hợp Bộ Tư lệnh Biên phòng, Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cách mạng... Trong đó đặc biệt là đã cung cấp di ảnh cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) để trưng bày tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh (tháng 12-1988), cung cấp 378 trang tài liệu về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cho Ban Biên giới - Bộ Ngoại giao để phục vụ công tác đấu tranh ngoại giao, bảo vệ chủ quyền biên giới hải đảo (tháng 4-1979),...
Bên cạnh việc cung cấp tài liệu cho các cơ quan, ban, ngành, Cục Hồ sơ NVAN đã tra tìm và cung cấp thông tin quá trình hoạt động, tham gia phong trào yêu nước, hoạt động cách mạng cho gia đình, thân nhân của những vị tiền bối bị chế độ thực dân phong kiến giam cầm, đàn áp vì đã tham gia các phong trào yêu nước, hoạt động cách mạng..., qua đó góp phần thể hiện truyền thống uống nước, nhớ nguồn, tri ân đối với những vị tiền bối cách mạng, giải quyết chế độ chính sách đối với những người có công với cách mạng.
Tính đến năm 2016, Cục Hồ sơ NVAN đã nhận được hơn 3.000 đơn, thư của công dân đề nghị xin được tra tìm, xác nhận về quá trình hoạt động cách mạng của thân nhân họ trước năm 1945. Cục Hồ sơ NVAN đã tra tìm, trả lời đơn thư, trong đó có gần 50% trường hợp có thông tin tài liệu tại Cục Hồ sơ NVAN....
Sau khi có Hướng dẫn số 30 -HD/BCTTW của Ban Tổ chức Trung ương, Cục Hồ sơ NVAN được giao nhiệm vụ cung cấp thông tin để phục vụ tốt công tác xét, công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945,...
Đến nay, đã có nhiều gia đình có thân nhân hoạt động cách mạng trong thời kỳ đó đã tìm lại được di ảnh và xác định được ngày mất của bố, mẹ, ông, bà, chú, bác của mình. Những giọt nước mắt cảm động của những cụ già khi cầm tấm di ảnh của thân nhân đã chứng minh mục đích thật nhân văn trong công tác cung cấp thông tin.
Được sự quan tâm, nhìn nhận đánh giá đúng của các cấp lãnh đạo và cũng để thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ của mình, trong những năm qua Cục Hồ sơ NVAN đã chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để cán bộ, chiến sĩ Cục Hồ sơ NVAN ngày càng được nâng cao về trình độ nghiệp vụ, kiến thức xã hội, khoa học kỹ thuật; những điều kiện về môi trường làm việc và các trang thiết bị tiên tiến, từng bước được cải thiện, nâng cao,...
Đây là những cơ sở, nền tảng và điều kiện thuận lợi để từng bước nâng cao công tác bảo vệ, bảo quản hồ sơ, kịp thời có hiệu quả cho các hoạt động nghiệp vụ của Lực lượng Công an, góp phần bảo vệ vững chắc An ninh quốc gia, đồng thời cung cấp thông tin tài liệu phục vụ công tác nghiên cứu viết sử, các yêu cầu chính trị, ngoại giao..., thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc uống nước nhớ nguồn, tri ân đối với những vị tiền bối, liệt sĩ cách mạng, giải quyết chế độ chính sách đối với những người có công với cách mạng.
Nhận thức rõ giá trị nhân văn sâu sắc mà mình mang lại cho những gia đình có người hoạt động cách mạng trong thời kỳ năm 1945, những cán bộ, chiến sĩ của Phòng Quản lý, Lưu trữ và Khai thác hồ sơ NVAN thuộc Cục Hồ sơ NVAN vẫn tiếp tục công việc thầm lặng, miệt mài trên những trang tài liệu, tìm thông tin để cung cấp, trả lời đơn thư của thân nhân những người hoạt động cách mạng, đem lại niềm hạnh phúc cho thân nhân của họ, đóng góp nhiều thông tin quý báu vào trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Đây cũng chính là những chiến công thầm lặng và vô cùng nhân văn.
Thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cục Hồ sơ NVAN hôm nay nguyện tiếp bước, noi gương các thế hệ cha, anh đi trước, bảo vệ, bảo quản tuyệt đối an toàn hồ sơ lưu trữ, khai thác triệt để thông tin tài liệu, cung cấp, phục vụ các yêu cầu nghiệp vụ của ngành Công an, các yêu cầu của các ban, ngành, tổ chức xã hội và công dân... Xin được gọi tên các anh, các chị, những người chiến sĩ hồ sơ với các tên thân thương nhất "Người nối nhịp cầu giữa quá khứ với hiện tại".