Thêm một mùa xuân vui cho các cán bộ, chiến sĩ đấu tranh với tội phạm “cổ cồn trắng”

Thứ Ba, 24/01/2017, 08:00
Năm 2016, tập thể C46 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất; 176 lượt tập thể, cá nhân của đơn vị được Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát và các Bộ, ngành tặng Bằng khen, Giấy khen các loại. 6 đồng chí là Chiến sỹ thi đua toàn ngành. 


Đặc biệt, năm 2016, C46 đã tham mưu cho Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát kinh tế, tạo không khí thi đua sôi nổi trong toàn lực lượng, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ...

Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, cũng là lúc cán bộ, chiến sỹ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) vui mừng đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ cho đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua Vì An ninh Tổ quốc năm 2016.

Vậy là, 5 năm qua, khi mùa xuân về, vào dịp Bộ Công an tổng kết phong trào thi đua, C46 đã liên tục nhận được niềm vui, sự vinh dự không phải đơn vị nào cũng có được. Để đạt và giữ được danh hiệu này, tập thể CBCS C46 đã nỗ lực tự thân phấn đấu, để xứng đáng với lời căn dặn của Bộ trưởng Tô Lâm: “Lực lượng CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng phải vững về chính trị; giỏi về nghiệp vụ, pháp luật; đẹp về đạo đức lối sống”.

Tội phạm kinh tế và tham nhũng, vẫn được gọi là “tội phạm cổ cồn trắng”, là một loại tội phạm “ẩn”. Để tìm được ra nó, lôi ra ánh sáng pháp luật và xử lý nghiêm minh là cả một hành trình gian khó. Những đối tượng phạm tội về kinh tế và tham nhũng có sự hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực kinh tế họ đang lợi dụng để phạm tội, họ biết cả cách che chắn, đối phó, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ để tránh sự phát hiện, điều tra của cơ quan Công an.

Bởi vậy, khi bắt tay vào điều tra các vụ án kinh tế, đội ngũ cán bộ điều tra của C46 phải tích lũy kiến thức tổng hợp để “đấu lý” thắng được các đối tượng ngay cả kiến thức về chính lĩnh vực họ chuyên sâu. Bên cạnh đó, cán bộ điều tra phải có trình độ pháp luật vững vàng để đánh giá tài liệu chứng cứ, định tội danh, để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, không bỏ lọt tội phạm.

Sau mỗi vụ án cụ thể, các điều tra viên phải tự đúc rút ra các kinh nghiệm làm án, đó là các phương pháp củng cố chứng cứ, phương pháp xét hỏi, vận động thuyết phục đối tượng khai báo, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ …

Bản thân người chỉ huy phải có bản lĩnh, kinh nghiệm làm án, phải có trình độ nghiệp vụ điều tra tinh nhuệ, không ngừng cập nhật, bổ sung kiến thức về kinh tế, nắm vững chính sách phát triển kinh tế - xã hội thì mới có thể chỉ đạo thành công các bước điều tra vụ án một cách cụ thể, đúng pháp luật và hiệu quả.

“Làm án kinh tế - tham nhũng rất nhiều áp lực, bởi tội phạm kinh tế vốn có nhiều người quen nắm giữ chức vụ, thậm chí hôm qua, họ có thể là bạn anh trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi người điều tra viên được giao thụ lý vụ án, họ phải biết phân định rõ ràng ranh giới giữa công việc và quan hệ xã hội.

“Thượng tôn pháp luật”, mọi công dân đã vi phạm pháp luật thì bất cứ ai, dù ở địa vị nào cũng phải chịu trách nhiệm trước luật pháp” - Cục trưởng Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh cho biết. Và tinh thần “Thượng tôn pháp luật” ấy đã được các cán bộ, chiến sĩ C46 quán triệt, đặt lên hàng đầu.

Kết quả là hàng loạt đối tượng phạm tội kinh tế, thậm chí là những người có chức vụ trong xã hội, đã phải “quy phục” trước các trinh sát, điều tra viên có bản lĩnh và dày dạn kinh nghiệm. Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng chia sẻ, một trong những thành công nhất của C46 trong những năm qua là đã đào tạo, kèm cặp, tin tưởng giao việc, hướng dẫn để có một đội ngũ cán bộ trinh sát, điều tra viên ngày càng dạn dày kinh nghiệm, bản lĩnh trong trận mạc: "Nghề điều tra phải làm nhiều, va chạm với công việc, học hỏi không ngừng thì mới trưởng thành và vững vàng được”.

Chính vì những nỗ lực của cả “quân” và “tướng” ở C46 nên năm 2016 đơn vị đã làm tốt công tác tham mưu chiến lược, xây dựng nhiều kế hoạch, biện pháp và giải pháp mang tính vĩ mô để tham mưu cho Tổng cục, Bộ báo cáo Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành trong công tác phối hợp phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng ở các lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Làm tốt nhiệm vụ đầu mối của Bộ Công an trong công tác theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo trong toàn quốc.

Trong đó, C46 trực tiếp thụ lý 17/20 vụ án (chiếm 83%) và 2/3 vụ việc (chiếm 67%). Qua đó đã kết luận điều tra 12 vụ án, đã xét xử sơ thẩm 8/8 vụ án kinh tế, tham nhũng trọng điểm với các mức án nghiêm khắc, đúng người, đúng tội.

Đồng thời, làm tốt vai trò phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Viện KSND tối cao, TAND tối cao trong công tác phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án kinh tế tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp. C46 là đơn vị chủ trì tham mưu cho Bộ tham gia sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng; tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống tham nhũng và 10 năm thực hiện Nghị quyết TW3 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Thực hiện phương châm của Tổng cục Cảnh sát “Năm 2016 là năm công tác điều tra”, có thể khẳng định, công tác điều tra các vụ án của C46 năm 2016 đã có nhiều kết quả tích cực, nổi bật: Số lượng án, số bị can mà đơn vị thụ lý nhiều nhất từ trước đến nay, trong đó có những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhiều bị can bị khởi tố từng giữ những chức vụ quan trọng tại các cơ quan Nhà nước, các lĩnh vực kinh tế trọng điểm.

Đặc biệt, chỉ sau 1 tháng xác minh, thu thập tài liệu, với tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, C46 đã tập trung lực lượng khẩn trương làm rõ sai phạm tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), khởi tố vụ án và 5 bị can, trong đó có bị can Trịnh Xuân Thanh, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch HĐQT PVC. C46 cũng là đơn vị tiên phong khởi tố điều tra 3 vụ án có hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực mới là kinh doanh đa cấp; kịp thời hạn chế, ngăn chặn hậu quả thiệt hại và hướng dẫn PC46 Công an các địa phương trong công tác phòng ngừa và điều tra loại án này.

Năm 2016 cũng là điểm nhấn nổi bật của C46 trong công tác thu hồi tài sản các vụ án kinh tế, tham nhũng với tổng số tài sản thu hồi là 12.222 tỷ đồng (tăng 10.000 tỷ đồng, gấp 4 lần so với các năm 2014, 2015, trong đó riêng vụ Phạm Công Danh thu hồi 6.000 tỷ đồng, chiếm 70% tổng thiệt hại), được Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đánh giá cao.

Điều tra các vụ án kinh tế - tham nhũng, ngoài chuyện về trình độ nghiệp vụ, pháp luật như trên, mỗi cán bộ điều tra phải vượt lên chính mình vì họ thường xuyên phải đối diện với những “viên đạn bọc đường” của những đối tượng phạm tội kinh tế vốn dĩ rất nhiều tiền.

Thế nhưng, 5 năm nay, càng chiến đấu càng siết chặt đội ngũ, không có cán bộ, chiến sĩ của C46 sa ngã, vi phạm công tác. Để những cán bộ của mình trưởng thành trong “lửa” như vậy, theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, trước hết, Đảng ủy, lãnh đạo đơn vị luôn đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng công tác Đảng, công tác xây dựng lực lượng, kỷ luật, đã ban hành và siết chặt về quy chế làm việc để hạn chế thấp nhất những điều kiện phát sinh tiêu cực, vi phạm.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ chiến sỹ được đặt lên hàng đầu, để mỗi cán bộ chiến sỹ tự xác định bản lĩnh của mình, xác định cái giá mà bản thân phải trả nếu sa ngã trước những “viên đạn bọc đường” hoặc sự non kém về pháp luật, nghiệp vụ.

Bên cạnh đó, cấp ủy luôn gần gũi cán bộ, chiến sĩ, nắm hoàn cảnh, tư tưởng của từng cán bộ, chiến sĩ, xem họ có khó khăn về kinh tế không, con em có công ăn việc làm hay không? Từ đó, đơn vị tạo điều kiện giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau để vượt qua khó khăn. Bởi khi không bị thúc ép vì hoàn cảnh, mọi người sẽ vững vàng hơn trong công việc.

“Chúng tôi luôn xác định, người chỉ huy trong đơn vị phải luôn gương mẫu, có tâm, có tầm, như vậy, mới giúp tập thể đoàn kết, nhất trí, đồng lòng trong công việc và cuộc sống”- Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh chia sẻ.

Bản thân anh, là người chèo lái con tàu đơn vị những năm qua, luôn vững vàng là một người thuyền trưởng gương mẫu, giỏi về pháp luật, nghiệp vụ và cũng rất nghiêm khắc trong công việc. Bao năm trưởng thành trong môi trường làm điều tra án ở cơ sở, rồi Cục CSĐT tội phạm về ma túy, anh đọc và nắm từng vụ án với từng chi tiết, từng chứng cứ cụ thể, vì việc xử lý liên quan đến “sinh mệnh chính trị” của một con người.

Chính vì thế, các điều tra viên của anh phải nghiên cứu vụ án rất cẩn thận, phân tích chứng cứ cũng như có kế hoạch làm án  chi tiết và khoa học, chứ không “lơ mơ”, “chung chung” khi báo cáo án với thủ trưởng của mình.

Nghiêm khắc là thế nhưng Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh cũng rất thương quân, chăm lo đến đời sống của cán bộ chiến sỹ, cùng “vào trận” không kể đêm hôm khuya sớm với anh em để kịp thời động viên, chia sẻ, cùng tháo gỡ khó khăn với "lính" của mình.

Cán bộ chiến sỹ trong đơn vị đoàn kết, đội ngũ lãnh đạo gương mẫu đã góp phần tạo nên sức mạnh tập thể cho C46. Và với sức mạnh ấy, thời gian qua, cán bộ chiến sỹ C46 đã lập nên những chiến công, tạo nên thương hiệu cho C46, được lãnh đạo Bộ đánh giá cao, được nhân dân ủng hộ, ghi nhận. 

Hòa Bình - Xuân 2017
.
.