Mỗi vụ án là một trải nghiệm

Thứ Bảy, 10/12/2016, 08:00
Cuộc điện thoại bất ngờ, cắt ngang câu chuyện của vợ chồng Trung tá Nguyễn Thị Kim Quy, cán bộ Phòng 4, Cục An ninh điều tra, Tổng cục An ninh, Bộ Công an. Lúc ấy chị và chồng đang chuẩn bị cho con đi dạo phố... Kế hoạch  sau nhiều ngày trì hoãn, thêm một lần lại nhỡ hẹn. Vậy là, thay vội bộ trang phục, chị  hối hả lên đường.


Hôm đó, hầu hết cán bộ, chiến sỹ của đơn vị đều được trưng dụng vào cuộc. Đối tượng là nhóm tội phạm có hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Theo yêu cầu của lãnh đạo đơn vị, chị được giao nhiệm vụ phối hợp đấu tranh với kẻ chủ mưu, cầm đầu ổ nhóm, là người phụ nữ đã bước qua tuổi lục tuần... Người đàn bà đối phó bằng những câu trả lời nhát gừng bằng tiếng Anh, tỏ rõ thái độ chống đối. Trong quá trình làm việc, bà ta dùng một cuốn sổ nhỏ, ghi lại tên, tuổi của các điều tra viên.

Liếc nhìn bộ hồ sơ, những câu hỏi được đặt ra trong đầu Trung tá Nguyễn Thị Kim Quy. Người phụ nữ sinh năm 1954, với tuổi đời này bà ta cũng chỉ sang nước ngoài được mấy năm, vì sao chỉ sử dụng tiếng Anh. "Chị có thể nói được tiếng Việt không?", Trung tá Nguyễn Thị Kim Quy mở đầu câu chuyện. Đáp lại chị là một thái độ lạnh lùng của người đàn bà. Bà ta không nói gì mà tiếp tục ghi chép.

Bằng kinh nghiệm trong hàng chục năm làm án, lúc ấy chị đã khéo léo nắm bắt tâm lý của đối tượng. Từ đó, sử dụng điểm yếu của kẻ cầm đầu, tác động chuyển hóa đối tượng bằng chính những câu chuyện rất gần gũi... ; rồi giải thích về các quy định của pháp luật Việt Nam, chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với những người thành tâm hối cải. Sau một đêm, người phụ nữ dần thay đổi thái độ... Bà ta thể hiện bản lĩnh của một kẻ cầm đầu, dám làm dám chịu. 

Bên trong vẻ bề ngoài xù xì của một nữ điều tra viên gai góc lại là một trái tim đa cảm. Không ít lần chị rơi nước mắt trước một cảnh ngộ thương tâm... Sự mềm mỏng của một người phụ nữ đôi lúc lại là thứ "vũ khí" quan trọng, giúp nhiều vụ án được giải quyết một cách tốt đẹp.

Lần ấy, theo yêu cầu của lãnh đạo đơn vị, chị nhận lệnh xuống Hải Phòng, thực hiện lệnh khám xét một vụ tổ chức người khác trốn ra nước ngoài. Đối tượng phạm tội là nữ giới có chồng đang công tác tại một trong những đơn vị nội chính ở TP Hải Phòng. Ở địa bàn này, gia đình đối tượng có mối quan hệ xã hội rộng nên sự xuất hiện của Trung tá Nguyễn Thị Kim Quy và các thành viên trong tổ công tác khiến gia đình đối tượng phản ứng quyết liệt.

Bà vợ đồng thời cũng là bị can trong vụ án, khoanh chân lên ghế rồi yêu cầu chồng gọi điện thoại cho một người quen đến can thiệp. Mặc cho chị Quy giải thích rằng khi Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) có lệnh khám xét tức là đã có đủ căn cứ và việc sử dụng các mối quan hệ không để làm gì, gia đình nên chấp hành...; người vợ vẫn khóc bù lu bù loa rồi đòi tự tử.

Trung tá Nguyễn Thị Kim Quy.

Trước biểu hiện của chị ta, người chồng cũng bị kích động mạnh, anh ta đột ngột quay sang đóng cửa, kiên quyết không cho lực lượng làm nhiệm vụ thi hành lệnh. Chứng kiến cảnh tượng đó, chị nhẹ nhàng phân tích với người phụ nữ về những hậu quả có thể xảy ra. Chồng của đối tượng cũng là một công chức Nhà nước, hành động của chị ta có thể đẩy chồng vào một tình cảnh rất đáng thương, thậm chí có thể phải đối mặt với hành vi chống người thi hành công vụ.

Khi được giải thích, người vợ có vẻ hiểu ra nhưng anh chồng thì vẫn không thay đổi thái độ. Anh ta không ký vào biên bản và không đồng ý cho cơ quan ANĐT Bộ Công an dẫn giải người vợ ra khỏi nhà. Trong quá trình trao đổi, Trung tá Nguyễn Thị Kim Quy đã phát hiện được một điểm yếu của người vợ, chị ta rất sỹ diện.

Khi ấy, chị đã chọn việc tác động tâm lý, nhằm thay đổi suy nghĩ của vợ chồng họ. Người vợ đã bày tỏ mong muốn không bị khóa tay... Yêu cầu của đối tượng đã được chị Quy và các thành viên trong tổ công tác đồng ý. Khi Trung tá Quy dẫn giải đối tượng ra bên ngoài thì có rất đông người dân xung quanh hiếu kỳ tụ tập theo dõi. Trước khi bước lên xe, người vợ còn vẫy tay chào những người hàng xóm, miệng nói rằng đi một vài ngày sẽ trở về nhà... Lúc đầu, chị ta chống đối quyết liệt là thế, nhưng sau khi được giải thích, đã hợp tác, khai báo rất thành khẩn giúp vụ án sớm kết thúc.

2. Góc làm việc của Trung tá Nguyễn Thị Kim Quy, những chồng tài liệu được sắp xếp một cách gọn gàng, khoa học thể  hiện sự tinh tế của chủ nhân. Ngoài những lúc bề bộn công việc, chị thường dành thời gian nghiên cứu tài liệu, đọc sách báo.

"Đối tượng của lực lượng an ninh phần lớn là những người có tri thức. Nếu họ cảm phục cán bộ điều tra thì công việc sẽ rất thuận lợi. Vì thế, cái khó nhất là cách ứng xử và sự hiểu biết của người cán bộ để họ tâm phục, khẩu phục", Trung tá Nguyễn Thị Kim Quy chia sẻ với tôi vào một buổi chiều muộn, khi chị vừa trở về sau một cuộc hỏi cung.

Đúng như những lời giới thiệu, người nữ cán bộ ấy là cả một kho chuyện. Ngồi đối diện với chị, tôi đã bị cuốn hút không ngừng bởi sự mạnh mẽ, cách nói chuyện dí dỏm của một nữ điều tra viên say nghề. Mỗi câu chuyện, mỗi kỷ niệm cho thấy một nghị lực, tình yêu nghề tha thiết. Và như chị đã tâm sự: "Công việc đòi hỏi phải suy nghĩ liên tục, mỗi ngày đối với chị là một trải nghiệm với một tư duy luôn hứng thú...".

Hơn chục năm trước, lớp sinh viên an ninh của chị là một trong số không nhiều được tuyển dụng sau một thời gian dài gián đoạn không tuyển dụng học sinh. Ngày đó, Đại học An ninh (nay là Học viện an ninh nhân dân) có duy nhất Khoa an ninh điều tra nên tất cả đều học theo một chuyên ngành...; kết thúc khóa học, chị đăng ký thực tập tại Cục An ninh điều tra rồi hăm hở nhận quyết định về công tác tại đơn vị, 

Trước năm 2008, thế hệ trước đều là những "cây đa, cây đề" của lực lượng ANĐT nên khi ra trường, chị chưa được "ôm án" mà chỉ làm  những công việc được phân công theo yêu cầu. Với một cuốn sổ tay, người nữ cán bộ ấy âm thầm ghi chép các thông tin, cách hỏi cung, theo dõi tâm lý của một đối tượng đến việc giải quyết một vụ án...

Năm 2010, chị chuyển về Tổng cục Hậu cần nhưng niềm đam mê với công tác điều tra một lần nữa thôi thúc chị xin chuyển về đơn vị cũ. Chia sẻ với tôi, chị bảo đó là niềm đam mê, chị muốn được dấn thân vào chuyên án. Công việc này với một cán bộ nữ lại vấp phải những khó khăn hơn nhiều. Đó là những chuyến công tác đột xuất, nhận nhiệm vụ là lên đường; những lần đối đầu với các đối tượng phạm tội có liên quan đến ANQG...

Chị bộc bạch: Theo trào lưu mới rồi cùng với sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng, một bộ phận lớp trẻ do nhận thức mơ hồ đã cho rằng có thể thay đổi xã hội... Không ít trường hợp vì thế đã bị các đối tượng trong và ngoài nước lợi dụng. Với tội phạm ANQG, điều tra viên phải tìm hiểu kỹ tâm lý đối tượng và tôn trọng họ; khiến họ cảm phục về sự hiểu biết của các điều tra viên về các vấn đề đối tượng quan tâm...

Cùng một lúc phải đảm nhận nhiều hồ sơ, đối với những người đàn ông sức dài vai rộng đã không dễ dàng, với người nữ phụ cùng lúc đảm nhận thiên chức của người vợ và người mẹ thì còn đỏi hỏi phải nỗ lực hơn nhiều. Không ít lần người nữ điều tra viên ấy rơi nước mắt trước những cảnh ngộ được chứng kiến. Nhưng trái tim người cán bộ an ninh vẫn luôn chỉ bảo chị hành động đúng. Lần đó, chị được giao điều tra vụ án Cảng Thị Vải.

Khoảng 29 Tết, khi chị cùng chồng con chuẩn bị về quê thì nhận được điện thoại của vợ một bị can trong vụ án. Giọng khẩn thiết, người vợ nói rằng chị ta chỉ có một ngày duy nhất đến thăm chồng. Cả năm vất vả, ngày Tết ai cũng muốn được về sum họp với gia đình...

Song trước cảnh ngộ của gia đình bị can, chị đã đành để chồng và con về trước còn mình ở lại phối hợp với trại tổ chức cho phạm nhân gặp gỡ. Nhìn cử chỉ, ánh mắt của hai vợ chồng, Trung tá Nguyễn Thị Kim Quy hiểu nỗi nhớ nhung xa cách bấy lâu nay của họ.

Trong giây phút ấy, chị lặng lẽ ra ngoài để họ có những giây phút riêng của mình. Chỉ vài phút thôi nhưng với họ lúc đó thật đáng trân trọng biết bao. Khi các thủ tục nhập trại hoàn tất, chị trở ra thì người vợ vẫn tần ngần ở bên ngoài để cảm ơn... Nhưng chị đã khéo léo từ chối rồi động viên người vợ nuôi con để chồng yên tâm cải tạo, sớm có ngày đoàn tụ. Khi xong việc, chị về với con thì đã là chiều 30 Tết.

3. Bằng trái tim nhân hậu, người nữ trung tá ấy đã cảm hóa không ít đối tượng, trong đó có kẻ cầm đầu đường dây tổ chức người trốn ra nước ngoài theo đường xúc tiến thương mại, hội chợ, phải tâm phục. Để che đậy hành vi phạm tội, người đàn bà đó đã xóa đi toàn bộ chứng cứ tội phạm.

Khi cơ quan Công an vào cuộc, đối tượng chối bay chối biến còn người dân vô tội cũng chẳng có bằng chứng gì để chứng minh hành vi của chị ta. Chị Quy được giao nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh với đối tượng này, bởi trước đó đối tượng rất ngoan cố. Khi nghiên cứu hồ sơ, chị Quy nghĩ đến việc phải thay đổi phương pháp hỏi cung. Buổi làm việc đầu tiên, đối tượng khóc như điên dại, sau đó vu khống cho chị mà không biết rằng cuộc hỏi cung nào cũng có camera ghi lại toàn bộ hình ảnh.

Buổi làm việc hôm đó kết thúc thật nhanh, chị bàn giao lại đối tượng cho trại mà không hỏi một câu. Ngày hôm sau, chị tiếp tục làm việc với bị can... Sau khi được chị giải thích, đối tượng bất ngờ thay đổi thái độ, chị ta xin lỗi về thái độ làm việc hôm trước rồi giải thích nguyên nhân của phản ứng trên.

Đó chỉ là một trong những vụ việc Trung tá Nguyễn Thị Kim Quy đã cùng đồng đội thực hiện. Một ngày mới bắt đầu, chị và đồng đội lại tiếp tục bắt tay vào những công việc mới. Niềm vui của người cán bộ ấy thật giản dị, đó là được cống hiến sức mình vào sự bình yên của Tổ quốc.

Xuân Mai
.
.