Sân khấu nhộn nhịp “hút” khán giả
Không chỉ dồn dập công bố nhiều tác phẩm mới được tập trung đầu tư kỹ lưỡng sau một thời gian dài tạm dừng biểu diễn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, sân khấu có nhiều dấu hiệu khởi sắc khi nhiều suất diễn chật kín khán giả.
“Chúng tôi cứ nghĩ giới trẻ hiện nay không quan tâm tới cải lương nhưng thực tế vẫn còn nhiều khán giả rất yêu cải lương”. Đó là chia sẻ của Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội, ông Phạm Bá Chỉnh khi Nhà hát chính thức công bố trở lại hoạt động biểu diễn bình thường sau đại dịch. Cũng theo ông Phạm Bá Chỉnh, trước đây, Nhà hát đã dựng nhiều vở diễn hay, được đông đảo khán giả cổ vũ, động viên, đồng thời thu hút được các cộng tác viên là những đạo diễn có tâm, có tầm, nhiệt tình tham gia sáng tạo. Có những năm, Nhà hát biểu diễn trên 200 buổi.

Hai năm vừa qua, do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, nghệ sĩ ít biểu diễn, đời sống khó khăn nhưng Nhà hát vẫn dựng được tác phẩm mới dự liên hoan, hội diễn và được nhiều giải thưởng.
Mới đây nhất, ngày 19/5, Nhà hát về huyện Đan Phượng, Hà Nội biểu diễn phục vụ nhân dân. Ban đầu, lãnh đạo đơn vị rất lo lắng vì lịch diễn trùng với 1 trận bóng đá trong khuôn khổ SEA Games 31 có đội tuyển Việt Nam thi đấu. Điều bất ngờ là hội trường của địa phương khoảng 900 chỗ đã chật kín khán giả. Các nghệ sĩ diễn xong, nhiều khán giả vẫn nán lại để giao lưu.
Nhiều chương trình biểu diễn của Nhà hát tại phố đi bộ Hà Nội cũng thu hút rất đông người xem. Hiện tại, Nhà hát đã được đầu tư xây dựng cơ sở khang trang hơn, vừa có chỗ tập luyện, vừa có địa chỉ biểu diễn cố định, hiện đại hơn. Vì vậy, lãnh đạo Nhà hát dự định xin phép TP Hà Nội cho đưa các chương trình biểu diễn trên phố đi bộ dịp cuối tuần về biểu diễn tại trụ sở mới. Hy vọng, với điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn, tình yêu của khán giả dành cho cải lương và sự đồng tâm hiệp lực của các nghệ sĩ, trong thời gian tới, Nhà hát Cải lương Hà Nội sẽ có nhiều sự phát triển tốt hơn nữa.
Với Nhà hát Cải lương Việt Nam – 1 trong số các đơn vị nghệ thuật công lập trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, dù chưa có điểm diễn cố định đáp ứng yêu cầu của khán giả Thủ đô nhưng đã tạo dấu ấn đáng nể ngay khi trở lại. Cùng với việc ra mắt thành công phần 1 dự án nghệ thuật lớn về Chủ tịch Hồ Chí Minh – “Nước non vạn dặm”, nhiều suất diễn các vở dàn dựng những năm trước cũng thu hút đông đảo khán giả. Với “Bên ánh sao khuê” – vở diễn cảm tác từ mối tình của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ cùng vụ án Lệ Chi Viên nổi tiếng trong lịch sử, vé bán hết sạch trước ngày diễn chính thức. Hình ảnh khán giả ngồi kín khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội, miệt mài theo dõi qua màn ảnh nhỏ là những tín hiệu vui không chỉ với riêng nghệ sĩ của Nhà hát.
NSND Lệ Ngọc, “bà bầu” của Sân khấu Lệ Ngọc – một trong số không nhiều các đơn vị sân khấu tư nhân phía Bắc cũng cho biết, không chỉ đợi đến khi sân khấu trở lại hoạt động trong điều kiện bình thường mới mà trước đó, trong 2 năm dịch bệnh căng thẳng, đơn vị này đã tranh thủ tổ chức được nhiều chuyến lưu diễn, thu hút đông đảo khán giả. Mới đây nhất, Sân khấu Lệ Ngọc cũng tiếp tục “ghi điểm” khi mạnh, đầu tư dàn dựng vở kịch về Chủ tịch Hồ Chí Minh - “Lá đơn thứ 72”. Sau 2 suất diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vở diễn tiếp tục được đưa ra biểu diễn trong không gian rộng lớn của Cung Văn hoá Hữu nghị Việt – Xô, Hà Nội.
Tại Rạp xiếc Trung ương, chúng tôi chứng kiến nhiều suất diễn đầy ắp khán giả. Trong các suất diễn đầu tiên của “Chúa tể rừng xanh”, người xem thuộc nhiều lứa tuổi hào hứng cổ vũ, nhún nhảy theo nghệ sĩ. Nhiều tiết mục xiếc thú, lắc vòng, đế kiếm, đu quay, đu dây, thăng bằng trên dây thép chùng… trở nên mới mẻ, hấp dẫn hơn khi ê kíp sáng tạo kết hợp hài hoà hơn với âm thanh, ánh sáng hiện đại, cảnh trí cầu kỳ, âm nhạc vui nhộn.
Các tác phẩm được đầu tư nhiều hơn, cả về quy mô lẫn chiều sâu, tập hợp đội ngũ sáng tạo uy tín trong nghề là “mẫu số chung” của nhiều đơn vị sân khấu hiện nay. Các tác phẩm không chỉ được ghi nhận bằng sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả mà còn cả giới chuyên môn, thông qua các giải thưởng chính thức. Gần đây nhất là tại Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022 do Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Tại lễ bế mạc vào tối 28/5, đánh giá chất lượng nghệ thuật của Liên hoan này, nhà văn, nhà viết kịch Hà Đình Cẩn, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật khẳng định: Sau những ngày dài không thể mở màn vì đại dịch, sân khấu trở lại sàn diễn đầy sức sống. Điều đó cho thấy sân khấu vẫn tồn tại, phát triển bởi tình yêu, sự gắn bó với nghề của người nghệ sĩ, bất chấp các khó khăn về đời sống. 16 vở diễn của 11 đoàn nghệ thuật tham gia Liên hoan phong phú về đề tài, mang dấu ấn của các vùng miền văn hóa, mang những đòi hỏi bứt phá vươn lên cuộc sống mới của các vùng quê.
Dàn kịch mục là hai dòng chảy phối hợp nhịp nhàng, giữa truyền thống và hiện đại, giữa trình thức kinh điển và lối diễn mới mẻ, giữa kịch lịch sử bàn về quốc sự với kịch đề tài hiện đại phản ánh những vấn đề nóng bỏng, gay gắt của cuộc sống xã hội hôm nay và luôn đề cao nhân cách, hướng vào đức hạnh, trách nhiệm với quê hương, đất nước, gia đình. Chúng ta vui mừng về sự vươn lên mạnh mẽ của các đoàn diễn vùng miền. Các nghệ sĩ vượt qua mọi khó khăn của đời sống để bước lên sàn diễn kiêu sa, múa hát nhiệt huyết. Chắc chắn, thành công của hội diễn, của sân khấu hiện nay sẽ thúc đẩy sân khấu thành công rực rỡ hơn trong tương lai…