Nghệ sĩ Hà Lê: Tôi đam mê cái đẹp của tất cả các bộ môn nghệ thuật
- Nghệ sĩ Hồng Vân, Minh Nhí quyên góp tiền đưa thi hài nghệ sĩ Anh Vũ về Việt Nam
- Nghệ sĩ Việt bị tẩy chay sau scandal: Bài học đắt giá
Với anh, ở thời điểm này, việc làm mới những giá trị đã được khẳng định mang lại cho Hà Lê nhiều cảm hứng hơn bất cứ điều gì.
- Vì sao anh lại chọn âm nhạc Trịnh Công Sơn với những thể nghiệm mới mang màu sắc đương đại để bắt đầu con đường ca hát của mình?
+ Tôi gắn bó với nhạc Trịnh từ khi còn nhỏ. Xung quanh tôi, ông bà bố mẹ đều nghe nhạc Trịnh. Đến lúc tôi học cấp 2, bạn thân của tôi là fan cuồng nhạc Trịnh. Âm nhạc của Trịnh Công Sơn cứ theo tôi suốt cả một hành trình dài của đời sống. Và không chỉ âm nhạc, đọc những lời ông viết, tôi cảm được rất nhiều câu chuyện của tôi trong đó.
Sau này tôi trưởng thành hơn, nghe nhiều hơn, tôi biết trong thời điểm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sống, ông là người tìm tòi, sáng tạo bản thân âm nhạc của ông rất đương đại.
Có những album của ông cập nhật với trào lưu âm nhạc thế giới. Chúng tôi đón nhận âm nhạc của Trịnh Công Sơn như là di sản và chúng tôi có sẵn những thứ mới về công nghệ, về tư duy để có thể sử dụng mang lại màu sắc mới cho nhạc Trịnh. Nếu ngày xưa nhạc Trịnh Công Sơn được vẽ như một bức tranh thủy mặc với hai màu sáng và tối thì chúng tôi sẽ vẽ một bức tranh đa màu hơn nhưng vẫn giữ hồn cốt và sự tinh túy của nó nằm ở trung tâm bức tranh.
- Khi thử nghiệm với màu sắc mới khoác chiếc áo đương đại, tại sao anh lại chọn các ca khúc rất quen thuộc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như "Diễm xưa", "Mưa hồng"… mà không phải là mảng ca khúc mới mẻ hơn, đương đại hơn như "Ca khúc Da vàng"?
+Vì đó là những ca khúc quen thuộc nhất đối với tôi trong kho tàng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi thuộc những bài hát đó từ nhỏ, quen giai điệu và cảm nhận được nhiều suy tư, tình cảm trong đó. Tôi hiểu từng lời ông viết, khi hát những câu hát đó, tôi hình dung được thời gian, địa điểm, những con người có mặt trong ca khúc. Đấy là lý do vì sao tôi chọn.
Hát những bài quen thuộc như "Hạ trắng", "Mưa hồng"… tôi thấy tự tin như đang mượn âm nhạc của ông để kể câu chuyện của mình. Còn trong dự án "Trịnh Contemporary" này, có những bài quen thuộc với tôi nhưng khán giả chưa biết nhiều. Nếu để nói có thứ âm nhạc đại diện cho lối viết nhạc mới của Việt Nam thì Trịnh Công Sơn là người tiên phong sáng tạo cái mới.
Khi tôi nghe và nghiên cứu nhạc Trịnh, tôi thấy bộ môn Trịnh Công Sơn rất đương đại. Đối với tôi, âm nhạc Trịnh Công Sơn là một style riêng còn rất nhiều khoảng trống cho người trẻ lấp vào.
Không chỉ chúng tôi mà sau tôi 10-20 năm nữa lại có một lớp bạn trẻ khác khai thác âm nhạc của ông ở những khía cạnh hoàn toàn mới. Tôi nghĩ đó là điều thú vị mà lớp nghệ sĩ trẻ muốn hướng tới, là nguồn cảm hứng để mình làm việc và luôn sáng tạo cái mới.
- Anh là một gương mặt nổi bật của làng hiphop, từng dành nhiều giải thưởng lớn trong nước cũng như quốc tế và ở tuổi 35, anh lại thể nghiệm vai trò là ca sĩ hát nhạc Trịnh. Có vẻ những thứ Hà Lê đang theo đuổi chẳng liên quan mấy đến nhau?
+ Cấp 3 tôi học chuyên sinh, từng nuôi giấc mơ làm bác sĩ, rồi đi Anh học ngành kinh tế. Học xong 8 năm toán Kinh tế ở Anh, tôi về Việt Nam dạy nhảy hiphop và bây giờ lại đi hát nhạc Trịnh. Tôi thấy cuộc đời tôi từ khi bắt đầu có lý tưởng, mơ ước đều xảy ra theo kiểu tréo ngoe như thế. Nhưng đúng là tôi chỉ làm những gì mình thích thôi. Cái tôi thích là nghệ thuật nói chung.
Mọi người có thể thấy tôi làm rapper, làm ca sĩ, biên đạo, nhảy hiphop, làm MC, tôi đam mê đứng trên sân khấu, đam mê cái đẹp của tất cả bộ môn nghệ thuật mang lại cho mình. Đấy cũng là lý do vì sao tôi thích kết hợp với các nghệ sĩ trẻ, tôi thích nhìn người này chơi nhạc, người kia đánh trống.
Khi tôi làm mới nhạc Trịnh, tôi vẫn muốn đem tinh thần của hiphop, văn hóa hippop vào âm nhạc của ông, đó là cái thuộc về con người tôi, nó được trui rèn và ảnh hưởng qua nhiều năm nghe nhạc hiphop, thích tiết tấu, nhịp điệu.
Tôi không hiểu vì sao mình có cơ duyên làm mới nhạc Trịnh, đó là một may mắn và cũng là một trách nhiệm nặng nề. Nhưng nó khiến tôi hưng phấn, hưng phấn hơn nhiều khi tôi nhận được một cái beat mới hay demo mới. Việc làm sao làm mới lại cái cũ vốn đóng đinh và có những giá trị sâu sắc rồi nó thử thách tôi nhiều hơn việc mình làm ra cái mới ở thời điểm này.
Ca sĩ Hà Lê trong buổi họp báo ra mắt dự án mới. |
- Anh có nghĩ mình đang nhiều màu quá chăng, nhiều màu sẽ đánh mất bản sắc và dễ khiến mình nhạt nhòa?
+ Con đường tôi theo đến cùng sẽ là nghệ thuật. Việc đi hát là đam mê đầu tiên, là khao khát đầu tiên của tôi, nhưng vì nhiều lý do, tôi phải chọn con đường vòng. Cách đây 3 năm tôi mới đi hát để được thỏa mãn đam mê đầu tiên của mình. Bố mẹ không muốn tôi theo nghệ thuật.
Ngày còn học ở Anh, lần đầu tiên tôi biết đến hiphop và nhận ra một phần đam mê của mình là ở đây, tôi đã lặng lẽ theo học, tìm mọi cách để học và gia nhập vào cộng đồng nhảy ở Anh. Bố mẹ tôi cản dữ lắm. Tôi muốn chứng tỏ với bố mẹ đó là con đường nghiêm túc, nên phải cố gắng đạt được thành tựu gì đó để nói chuyện với bố mẹ. Tôi làm bất cứ việc gì, rửa bát, phục vụ quán bar để kiếm tiền lên London tuần 2 lần học nhảy.
Năm 2008 tôi về nước, đem một phong cách mới về dance về Việt Nam. Với công việc nhảy múa, tôi nghĩ nhiều đến cộng đồng, làm sao tổ chức được nhiều work shop hơn, mời nhiều giám khảo nước ngoài về và làm cầu nối Việt Nam với thế giới. Nhưng khi đi hát là câu chuyện của cá nhân, tôi muốn dành thời gian cho mình nhiều hơn, làm những điều mình ấp ủ.
Có thể mọi người nhìn thấy tôi đang đóng nhiều vai quá nên họ hoài nghi, băn khoăn nhưng tôi sẽ chứng minh cho họ biết mình sẽ làm được, không những làm được mà có thể làm tốt, không những làm tốt mà còn có thể làm mới và cống hiến những giá trị của riêng mình cho khán giả.
- Bắt đầu ca hát ở tuổi không còn trẻ, Hà Lê sẽ định hình mình như thế nào?
+ Tôi gặp khá nhiều khó khăn khi bắt đầu con đường ca hát vì thích hát là một chuyện, còn việc hát hay, có cảm xúc cần một nền tảng kỹ thuật tốt, đấy là lý do vì sao cô Khánh Ly, chị Mỹ Linh, Thanh Lam, Hồng Nhung, Tùng Dương… đều là những người làm nghề lâu.
Tôi cũng muốn theo đuổi con đường dài hơi chứ không muốn làm nghề hai năm, ba năm rồi tan biến như làn khói. Muốn tồn tại lâu với nghề thì phải học hành bài bản, có nền tảng kỹ thuật, kiến thức tốt. Tôi tin vào những giá trị mình mang lại, tin vào con đường mình đang đi.
- Nhìn lại chặng đường đã đi, anh thấy quãng thời gian ở Anh mang lại cho mình điều gì?
+ Năm thứ 2 ở Anh, tôi tìm đến nhảy. Thời gian ở đó tôi nhận được nhiều thứ, nó giúp tôi thay đổi từ phong cách làm việc, tư duy và sự chuyên nghiệp. Chúng tôi chọn Sony Music Entertainment vì âm nhạc Việt Nam chưa phát triển theo hệ thống, chúng ta cần những đơn vị lớn như vậy hỗ trợ để nghệ sĩ Việt có cơ hội phát triển và gia nhập với thế giới. Mình chỉ "làm vua" ở đây cũng có giá trị và thành tựu nhưng chắc chắn không phải con đường dài của thị trường âm nhạc Việt Nam.
- Có vẻ như giấc mơ của Hà Lê không chỉ dừng lại ở thị trường Việt Nam?
+ Tôi mong muốn đưa những tài năng và tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực nghệ thuật có cơ hội ra thế giới. Chúng ta có nhiều tài năng thô chưa được khai phá, chưa có hệ thống đào tạo và kích phát tài năng một các bài bản để các bạn ấy tự tin theo đuổi đam mê của mình. Nhiều bạn trẻ tài năng không theo đuổi giấc mơ vì bố mẹ cấm, vì hoàn cảnh… là điều đáng tiếc.
May mắn các học trò của tôi mỗi bạn đều chọn một nghề nhưng vẫn liên quan đến nghệ thuật. Tôi nghĩ, việc xây dựng một bộ máy vận hành cho thị trường nghệ thuật là điều cần làm. Khi thị trường lớn mạnh, văn minh, phát triển có hệ thống đồng nghĩa với việc nghệ sĩ và sản phẩm của họ sẽ được biết đến rộng rãi hơn ở thị trường âm nhạc nước ngoài. Hàn Quốc là vậy, trước đó là Mỹ, Nhật, Anh…
Tôi vẫn có giấc mộng nghệ sĩ Việt sẽ có mặt ở các giải thưởng lớn của thế giới. Nhưng để đi đến thành công đó, trước hết thị trường trong nước phải phát triển theo hướng đồng bộ với nước ngoài. Chúng ta có thể đi sau một đôi chút nhưng đi đúng hướng và có sự hỗ trợ chúng ta sẽ đi nhanh và phát triển nhanh. Đó là ước mơ của tôi, một ngày nào đó các nghệ sĩ Việt sẽ được vinh danh ở các giải thưởng lớn trên thế giới.
- Quay trở lại giấc mơ gần hơn với "Trịnh Contemporary", sau album sẽ là gì?
+ Chúng tôi ấp ủ một concert nhạc kịch Trịnh Công Sơn được kể bằng những câu chuyện khác, nhân vật khác. Đó là tham vọng của chúng tôi, muốn chuyển tải lời ca Trịnh Công Sơn trên sân khấu nhạc kịch. Nếu làm được concert đó chúng tôi mới xứng đáng vác trên vai chữ "Trinh contemporary".
Nhạc Trịnh là di sản văn hóa phi vật thể nên nó phải có một đẳng cấp nhất định khi được thể hiện bằng những hình thức khác. Nếu chỉ album thì chưa đủ. Chúng tôi cần nhiều thời gian xây dựng, tư duy, sáng tạo để có thể làm được điều đó.
- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh!