Xuân về Nậm Rốm - Mường Thanh

Thứ Hai, 04/03/2024, 14:20

Tôi từng có ký ức với Điện Biên với những câu thơ một thuở dự đêm múa sạp tre. Ngày đó tôi mụ đi trong “Thung lũng trổ tím hoa riềng, phấn vàng bay lả/ Ôi không gian uống rượu nắng say mềm/ Anh nghiêng đằm xòe hội cùng em/ Với cánh ô xoay tròn lấp lánh”. Phiên chợ Mường Thanh bên dòng sông Nậm Rốm cùng những ánh mắt cười của các cô gái Thái trong veo ngày nào luôn sống dậy trong tôi. Đó là lời hò hẹn một ngày về sau 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Dòng sông lịch sử

Ít nơi nào như TP Điện Biên Phủ có trọn một con sông của riêng mình. Đó là dòng sông Nậm Rốm bắt nguồn từ chính dãy núi Pù Huổi Luông thuộc xã Nà Tấu (TP Điện Biên Phủ). Núi có độ cao tới 2.000 mét nên nguồn nước chảy mạnh suốt chiều dài 35 cây số quanh thành phố rồi mới nhập sóng trôi về dòng Mê Kông (bên Lào). Sông khá rộng về chiều ngang, lại có độ sâu chảy vào thung lũng Mường Thanh.

Thời xưa nhiều tàu bè của Thái Lan và Miến Điện đã đưa hàng vào tận cánh đồng vàng Mường Thanh để buôn bán. Cho dù thời đó thung lũng rộng lớn này còn mang tiếng là vùng “Ruồi vàng, bọ chó, gió Tây Trang” nhưng lắm sản vật quý như gỗ lát, khoáng sản và lúa thơm. Phù sa sông Nậm Rốm bồi đắp cho thung lũng vàng Mường Thanh mỗi ngày một phì nhiêu. Nhất là từ khi công trình đại thủy nông Nậm Rốm xây dựng từ năm 1963, cánh đồng Mường Thanh càng trú phú xanh tốt quanh năm. Dòng nước đã tắm mát cho một diện tích khổng lồ 140 cây số vuông của thung lũng xanh này. Cánh đồng của thành phố luôn bừng lên trong câu ca: “Bát ngát Mường Thanh xứ trời Tây Bắc/ Biển lúa sóng vàng dào dạt hương thơm”.

Xuân về Nậm Rốm - Mường Thanh -0
Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ.

Lần này trở lại với dòng sông đầy hoa dã quỳ, tôi vẫn không nguôi cảm giác nôn nao với nhịp điệu “Hò kéo pháo” trên núi rừng phía bắc thành phố. Đó là hình ảnh núi rừng Nà Nhạn với người anh hùng Tô Vĩnh Diện bên sông Nậm Rốm kiêu hùng. Tại đây quân và dân ta chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ cùng với đoàn pháo binh, xe tăng. Đó là những ngày đêm quân đội ta kéo pháo lên đồi cao tập kết trận đánh quyết định.

Bản hùng ca “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân đã miêu tả hình ảnh không tưởng của quân đội ta qua giai điệu hào sảng bao la. Đó là những câu hò của bản hòa tấu cùng núi rừng Tây Bắc kiên trung. Từng bước chân chiến sĩ bám riết đèo trơn theo giai điệu: “Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo/ Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua núi/ Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi…”. Đó là nơi con sông Nậm Rốm đã ào ạt những đợt sóng cùng tiếng gà gáy trên nương như một tín hiệu cho trận đánh khổng lồ Điện Biên Phủ.

Nà Nhạn trong tôi cùng những ký ức máu lửa sôi động tràn về cùng ngọn nguồn Nậm Rốm. Trên đồi Nà Ngạn đã được dựng tượng đài bộ đội ta kéo pháo bằng tay vào Điện Biên Phủ dài 21 mét của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo. Đây là dấu ấn cho bản hùng ca qua bộ tượng 29 chiến sĩ đang kéo khẩu pháo 105 ly xuyên rừng lên trận địa. Trận địa pháo khởi động cho chiến dịch mang tính quyết định khi tất cả quân và dân ta đã sẵn sàng.

Ngày chiến thắng đã tới: “Trời đã sáng tất cả thẳng tiến vào trận đánh/ Đè bẹp con nhím Điện Biên đồ sộ/ Năm mươi sáu ngày đêm không ngủ/ Năm mươi sáu ngày đêm đi từ Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa lịch sử/ Cho trận đánh Điện Biên trở thành bất tử/ Đất nước hân hoan độc lập tự do” ("Nhớ Điện Biên" - Vũ Hùng). Nhà thơ Tố Hữu đã viết sau chiến thắng Điện Biên Phủ với những câu thơ rất đỗi yêu thương: “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng vườn cam lại vàng” (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên).

Nậm Rốm còn được ví là dòng sông ánh sáng khi thành phố Điện Biên cho dựng hồ Pá Khoang trên đầu nguồn sông để làm thủy điện. Đó là nguồn ánh sáng “Thác Trắng” và “Pá Khoang” luôn bừng lên khắp thôn bản và trên mọi đường phố Điện Biên. Dường như câu chuyện cổ tích từ rừng trúc trên dòng sông đã trở nên hiện thực qua đôi cánh thủy tinh trong suốt của nàng Thiên Nga. Nàng luôn đồng hành cùng người yêu trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm (Chuyện cổ tích Thái). Vũ điệu thần tiên trên sông Nậm Rốm hiển hiện: “Em bay theo suối đợi, thác chờ/ Cơn mưa ngọt ủ mầm tình ái/ Em bồi hồi hồn nhiên vụng dại/ Sấm ầm ì vang động rừng xa” ("Mưa rừng" - Thanh Toàn).

Thảo nguyên cổ tích Mường Thanh

Chiếc cầu Mường Thanh lịch sử bắc qua sông Nậm Rốm là chứng nhân kỳ lạ nhất trong chiến dịch Điện Biên phủ. Trung tâm chỉ huy sở của Pháp được xây dựng kiên cố hoành tráng ngay tại trung tâm Mường Thanh. Khi đó thảo nguyên trong thung lũng lòng chảo Điện Biên bị tàn phá để xây chiến hào và hầm địa đạo chỉ huy. Cây cầu Mường Thanh nối đôi bờ sông dẫn vào mặt trận. Quân đội thực dân Pháp thật khó ngờ khi chiếc cầu xây để chở vũ khí đạn dược đã trở thành nơi khởi động cho quân đội ta đánh tập cận vào đầu não chúng.

Sau chiến thắng, cánh đồng Mường Thanh đã hồi sinh và tràn trề sinh lực. Vũ điệu Sạp do nhạc sĩ Mai Sao sáng tác trên mặt trận đã được coi như giao hưởng dân gian về chiến thắng huy hoàng. Vũ điệu của toàn quân và dân 19 dân tộc anh em tham gia chiến dịch đánh đuổi giặc Pháp ra khỏi bờ cõi nước ta. Sau bài ca “Chiến thắng Điện Biên Phủ” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận thì vũ điệu Sạp cùng với lời ca tồn tại đã 70 năm chiến thắng. Điệu múa Sạp được thế giới hồ hởi đón nhận với hình ảnh điệu múa tre Việt Nam. Cho tới nay điệu thức âm nhạc tre (Sòn sòn sòn đô sòn) luôn giòn giã vui tươi cùng với lời ca: “Từng đoàn bươm bướm xinh/ Tung tăng bướm bay vờn/ Tây Bắc tiếng cười vang vang, suối tươi gieo màu nắng vàng”.

Xuân về Nậm Rốm - Mường Thanh -1
Lễ hội giao lưu mùa xuân Giáp Thìn.

Người xưa ví Mường Thanh là “Xứ trời” qua tên gọi Mường Then. Đây là vùng đồng bằng thung lũng rộng lớn Tây Bắc qua ngạn ngữ “Nhất Thanh (Điện Biên) - Nhì Lò (Yên Bái) - Tam Than (Lai Châu) - Từ Tấc (Sơn La)”. “Xứ trời” đã gieo lên cánh đồng Mường Thanh giống lúa thần xinh xinh dẻo thơm dịu ngọt. Cùng với đó bao chuyện cổ tích của dãy núi hùng vĩ bao quanh thung lũng đã trở thành hồn vía nghệ thuật dân gian Thái vùng Tây Bắc. Rừng hoa ban chập chờn như đàn bướm giăng mắc trên thảo nguyên xuân bao la.

Cổ tích xưa kể, một chàng trai yêu nàng Ban xinh đẹp ở Mường Thanh nhưng không thành. Nàng Ban là con gái nhà phìa tạo quan mường. Chàng trai nghèo chuyên săn bắt đánh cá trên sông Nậm Rốm. Tình yêu đôi bạn trẻ bị phìa tạo cấm đoán chia rẽ. Nhưng nàng Ban yêu thương chàng trai hết lòng bèn rủ nhau đi trốn vào rừng. Họ đi mãi dưới rừng cây râm rạp mà không thể tìm ra lối thoát. Ngày qua ngày. Tháng trôi tháng. Hai ngươi đã ôm nhau bên dòng suối chảy về Nậm Rốm rồi cùng chết trong rừng sâu.

Một cây khô đã mọc lên giữa ngôi mộ tình yêu. Mỗi độ xuân về cây trổ hoa cánh mỏng trắng muốt. Rồi một rừng hoa mọc lên sáng bừng dãy núi bao quanh thung lũng Mường Thanh. Người Thái đã đặt tên hoa Ban để ngợi ca tình yêu của hai người. Đó là đóa hoa tình yêu luôn được ngợi ca trong lễ hội: “Nụ ban báo hiệu xuân về/ Em diện áo Cóm trắng mê suối đào/ Mộng đời ban nở chiêm bao/ Núi rừng bao nỗi cồn cào gió mây”.

Cờ bay trên đồi cao

Chúng tôi vượt 300 bậc thềm lên đỉnh đồi D, ở trung tâm thành phố Điện Biên trên độ cao 50 mét. Bức tượng “Chiến thắng Điện Biên Phủ” bằng đồng hiển hiện cho sức mạnh của quân dân vùng Tây Bắc. Chiến thắng trận đồi D mở đầu cho cuộc tổng tiến công chiến dịch Điện Biên Phủ. Vậy mà đã 70 năm trôi qua. Thành phố Điện Biên đổi thay từng ngày mới lạ. Lá cờ chiến thắng vẫn bay trên đỉnh đồi D như biểu tượng bản hùng ca Điện Biên Phủ. Thành phố Điện Biên Phủ tươi trẻ bên dòng sông Nậm Rốm mùa xuân.

Một cánh đồng bao la hiện dưới chân đồi. Tiếng kèn đồng báo hiệu lễ hội xuân mừng chiến thắng vang lên cùng âm thanh trống bừng dậy. Vũ điệu xòe Thái cùng những cánh nón bay chập chờn bên thung lũng xứ trời mênh mông lúa xanh. Những chàng trai cất tiếng mời gọi: “Nào nhảy đi nhịp bước em tôi/ Vũ điệu tình ru mời ru gọi/ Tay trong tay ríu ran ngày hội/ Lòng thầm mơ hạnh phúc dài lâu” (Xòe Thái). Ngọn cờ trên đỉnh đồi mở cánh bay trong gió xuân vui. Chúng tôi đi quanh đồi như một ngày nào đó cách đây 70 năm với bao ký ức nóng bỏng không thể nào quên.

Vương Tâm
.
.