Xác định rõ quan điểm về phát triển văn hóa

Thứ Sáu, 28/06/2024, 09:02

Một sự kiện rất đặc biệt trong lĩnh vực xuất bản cuối tháng 6/2024 chính là việc Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cuốn sách tuyển chọn 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn, thư... của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời gian 60 năm qua. Cùng với đó là những chỉ đạo của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nói về văn hóa, theo định nghĩa của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thì đó là tổng thể những nét riêng biệt tinh thần và vật chất; văn hóa giúp cho con người tự hoàn thiện, quyết định tính cách riêng của một xã hội, làm cho dân tộc này khác dân tộc khác.

1-1693191071441870096385_ytfb.jpg -0
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn những người làm công tác văn hóa phát huy vai trò tiên phong, giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng, ý chí và quyết tâm xây dựng, phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.

Tháng 8/1943, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra quan niệm về văn hóa như sau: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra được nguồn gốc động lực và cấu trúc của văn hóa.

Theo quan điểm của Người, văn hóa nói chung, chủ nghĩa Mác-Lênin nói riêng đóng vai trò quan trọng tạo bước nhảy vọt triệt để trong tư duy, hành động của con người và của các dân tộc bị áp bức, bị tha hóa đến vương quốc của con người phát triển tự do và toàn diện. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói đến “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “phải đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”, phải “xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc”. Không những thế, văn hóa còn có tác dụng “sửa đổi tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, sửa xã hội cũ, xây xã hội mới”; tạo sức mạnh để chiến thắng ngoại xâm theo tinh thần “văn minh thắng bạo tàn”.

Cho nên, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy chúng ta: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” và việc “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, bởi con người có đạo đức, trí tuệ, văn hóa, sức khỏe, vừa là động lực xây dựng CNXH, vừa là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng.

Trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã được quan tâm đặc biệt và đạt những thành tựu quan trọng. Những thành tựu ấy đã góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, nâng cao tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện Đổi mới từ năm 1986 đến nay, sự phát triển xã hội, văn hóa, con người đã đạt nhiều kết quả quan trọng: Văn hóa ngày càng phát triển đa dạng về lĩnh vực, loại hình, sản phẩm, từng bước đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội.

Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam những năm gần đây tiếp tục có những bước chuyển biến quan trọng cả từ nhận thức đến hiệu quả hành động. Đó là kết quả của việc kế thừa các thành quả của quá khứ, cộng với quyết tâm lớn, nỗ lực bền bỉ của cả hệ thống chính trị trong việc tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021. “Văn hóa còn là dân tộc còn” - đó không phải là một khẩu hiệu suông mà là thông lệnh mà Việt Nam chúng ta đang nỗ lực thực hiện trong hành trình phát triển đất nước.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng đang cho chúng ta thấy việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng, gìn giữ, phát huy văn hóa Việt Nam vẫn còn tồn tại không ít bất cập, hạn chế, yếu kém, tác động tiêu cực đến việc xây dựng con người và môi trường văn hóa. Đặc biệt, bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ đã ảnh hưởng sâu rộng, tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đan xen trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Chưa kể các thế lực thù địch không ngừng xuyên tạc, bóp méo sự thật về những thành tựu văn hóa của chúng ta.

Muốn xây dựng văn hóa thì trước hết phải có con người văn hóa. Con người văn hóa trước hết phải có nhận thức về văn hóa.

Chính vì vậy, việc xuất bản cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 -11/6/2024) và 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024) có ý nghĩa rất đặc biệt. Những nội dung của cuốn sách sẽ là cẩm nang giúp các ngành, các cấp, các địa phương, cán bộ, đảng viên, nhân dân xác định rõ quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển văn hóa, để văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần, động lực và nguồn lực nội sinh cho phát triển đất nước.

Lương Duy Cường
.
.