"Vườn mẹ" giữa rừng dương

Thứ Bảy, 13/11/2021, 10:59

Có bao nhiêu tượng đài về người Mẹ Việt Nam, bao nhiêu tác phẩm văn học sau cuộc chiến tranh đã khắc hoạ phong phú đa dạng chân dung Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã hi sinh vì Tổ quốc. Nhưng dựng một khu vườn về Mẹ, làm một dự án về Mẹ Việt Nam Anh hùng thì có lẽ đây là lần đầu tiên tôi được biết tới.

Kỹ sư Phan Đức Nhạn với tôi vốn là bạn đã lâu, từ ngày tôi còn làm báo Diễn đàn doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và anh là một doanh nhân có tên tuổi của đất Quảng Nam lúc bấy giờ. Bất ngờ mới đây tôi nghe tin, chính anh là người đã nhiều năm khởi xướng, theo đuổi một dự án có tên hết sức bình dị, dự án “Vườn Mẹ”, ngay trên mảnh đất Bình Dương quê mình. Một dự án đặc biệt, với tên gọi tuy không lạ, nhưng chân chất, quê mùa mà nồng ấm chân phương đầy ý nghĩa. Cuộc chiến tranh đi qua còn lưu bao dấu vết của thân phận đời người, không chỉ những người lính trực tiếp cầm súng ra trận mà cả những người ở hậu phương, của những bà mẹ một đời hy sinh, cam chịu bao khổ đau dưới làn tên mũi đạn.

“Với Bình Dương, sống dám chết là cái sống hiên ngang mà muôn đời vẫn sẽ mãi âm vang. Chết cho sự sống là cái chết bất tử. Cái chết đã làm cho sự sống trở nên ý nghĩa. Chết là vì sự sống. Đó là cái chết bắt đầu cho sự sống”, như một câu nói của ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên là Bí thư tỉnh Quảng Nam trong một bài báo đã lâu rồi khi viết về vùng cát cháy này.

Những người mẹ Việt Nam với đức hi sinh thầm lặng.
 

Nhằm tưởng niệm, tri ân những người người đã “sống trong cát chết vùi trong cát, những trái tim như ngọc sáng ngời” (Tố Hữu), Phan Đức Nhạn đã trăn trở, nghĩ suy, rồi đề xuất triển khai dự án “Vườn Mẹ” ngay trên mảnh đất nổi tiếng này. Anh cho biết: “Dự án này là một không gian thoáng đãng gắn với khung cảnh tự nhiên vùng đất như một cái vườn rộng, có nổng cát, bờ ao, luống khoai, rặng dương liễu, cụm xương rồng, hoa lông chông trên cát, nhằm gìn giữ và phục dựng những thực thể thời chiến tranh như công sự, hầm ngầm, hào giao thông, điểm canh gác tiền tiêu. Điểm nhấn của “Vườn Mẹ” là đài tưởng niệm, bia liệt sĩ, khuôn viên yên nghỉ của các Mẹ Anh hùng… Với ý tưởng như vậy, có thể nói: “Vườn Mẹ” là một dự án đầy tâm huyết, sâu nặng nghĩa tình của những người con sinh ra trên mảnh đất này.

Trong các loại tình cảm của con người, có lẽ tình mẫu tử là cao cả nhất, thiêng liêng nhất, gần gũi nhất. Ai mất mẹ thì thấy hụt hẫng cả đời, ngược lại ai còn mẹ sẽ là niềm hạnh phúc vô biên. Vậy mà chiến tranh đã cướp mất bao nhiêu bà mẹ. Hàng ngàn người đã hy sinh trong 10 năm chiến đấu (từ năm 1964 đến năm 1975), với 1.347 liệt sĩ và 4.700/7.800 người dân Bình Dương đã ngã xuống trên vùng cát cháy này. Đặc biệt 350 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tới nay vẫn còn nằm rải rác trên nhiều vùng, thậm chí có những trường hợp gia đình không còn ai để quan tâm mồ mả và hương khói. Trong những khu vườn, có chùm nhang mọc lên từ những ngôi mộ, nhưng cũng có những chùm nhang mọc lên cạnh hàng dương, vồng sắn, cồn cát, bờ tre... Cảm xúc ấy đã cho tôi viết được mấy bài thơ trong lần về thăm mảnh đất này:

Tôi đi giữa chiều mưa ấy
Nghe cây cỏ nói trong vườn
Lời mẹ là lời đất nước
Ngọt ngào lòng mẹ yêu thương

Về đây mưa chiều Bình Dương
Về đây vườn mẹ hương trầm
Cây thắm trên vùng đất mới
Tạc lời thương nhớ ngàn năm.

Kỹ sư Phan Đức Nhạn còn cho biết thêm: “Vườn Mẹ là nơi tưởng nhớ, tri ân những người đã ngã xuống vì sự nghiệp thiêng liêng cao cả, là nơi “lưu giữ ký ức” một thời chiến tranh khốc liệt”: “Tết Mậu Thân 1968, nhân dân Bình Dương tập kết quân vùng Bàu Bính, nhà ngoại trở thành điểm trực ban của Bộ chỉ huy chiến dịch, mẹ và tôi cũng tập trung tại nhà ngoại để chuẩn bị tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại Hội An. Mỗi thành viên chuẩn bị vũ khí thô sơ là cây gậy, cuộn dây, cái mõ tre, gói cơm vắt. Không khí đi khởi nghĩa mà nườm nượp đông vui như đi lễ hội”...

Quả thật, tái tạo lịch sử Bình Dương với những cái tên như sự tích, đi vào giai thoại như vụ thảm sát Trảng Trầm, những loạt đạn quét qua 73 người dân vô tội ngã xuống thật đớn đau! Một bé gái mới năm ngày tuổi quấn trong gùi giẻ được mẹ ẵm chặt trên tay đang bú. Súng nổ, người mẹ ngã nhào, em bé được mẹ che chở, trở thành người duy nhất sống sót. Ngày hôm sau bà con ẵm bé lên trao cho người mẹ khác ở chợ Hương An nuôi. Sau chiến tranh gia đình của mẹ nuôi di cư vào Nam Bộ, em bé biết đâu đường về để trở lại dâng nén hương viếng người mẹ sinh thành? Và chúng ta vẫn thầm mong một ngày không xa em bé mồ côi được gia đình mẹ nuôi cho em trở lại đất tổ dù một lần để thăm nơi nguồn cội và khắc ghi vụ thảm sát trảng Trầm”.

Chình vì những trăn trở, nghĩ suy về vùng đất quê hương mình, sau nhiều năm ấp ủ, ý tưởng về “Vườn Mẹ” ra đời. Một khu vực đồi cát - một thực thể có vị trí xứng đáng trong lịch sử thời chiến tranh dành làm đài tưởng niệm và khuôn viên để an vị mồ mả cho 350 Mẹ Việt Nam Anh hùng và bia mộ các anh hùng liệt sĩ. Tái tạo công sự hầm ngầm trạm phẫu, hào giao thông, bờ làng chiến đấu, lập điểm tiền tiêu để canh chừng giặc dã. “Vườn Mẹ” là không gian sinh tồn có làng nghề truyền thống, có hoa cỏ cây cao bóng mát, có bến nước đường làng... để các con vui sống với nhau. “Vườn Mẹ” còn là không gian bảo tàng các loài hoa xương rồng đa dạng phong phú đã gắn bó với vùng đất này tự bao đời.

Từ một cậu bé là du kích thôn trong tác phẩm Chu Cẩm Phong cho đến kỹ sư Phan Đức Nhạn, một doanh nhân tên tuổi trong ngành xây dựng, là đại biểu Quốc hội sau này, có thể nói anh đã vượt qua bao nhiêu vất vả khó khăn từ thời bao cấp đến khi trở về làm một người dân lúc tuổi xế chiều, anh đã hoàn thành thành vai trò, sứ mệnh của một đời người, đã cống hiến hết sức mình cho quê hương đất nước. Như bao người thành công khác, lẽ ra Phan Đức Nhạn dành thời gian còn lại để tận hưởng bao niềm vui đời thường bên con cháu. Vậy mà, anh vẫn miệt mài với ý tưởng tuyệt vời có giá trị nhân văn sâu sắc bằng niềm tự hào của một người con xứ Quảng, của một “cậu bé du kích” được sinh ra trên vùng cát trắng Bình Dương.

Cũng cần nói thêm, ý tưởng về “Vườn Mẹ” của Phan Đức Nhạn khác với nhiều nơi đã xây dựng tượng đài bằng nguồn ngân sách của Nhà nước mà dự án này sẽ làm bằng nguồn kinh phí xã hội hoá từ nhiều phía, bằng tất cả nghĩa tình của đồng bào cả nước đến với Bình Dương. Chính từ điều này đòi hỏi Hội đồng tư vấn cho “Vườn Mẹ” cần xây dựng ý tưởng quy hoạch phải có tầm xa và độ sâu không chỉ kiến trúc và thiết kế; không phải tạo ra những khối bê tông, phiến đá vô cảm mà cần ký thác gửi gắm tình yêu của người dân Bình Dương vào bên trong các vật thể trong một không gian “Vườn Mẹ” đầy ắp nghĩa tình. Bởi nơi đây sẽ vĩnh cửu là một bảo tàng sống với những hoài niệm cho muôn đời con cháu mai sau.

Nói như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong Thư gửi cho lãnh đạo tỉnh Quảng Nam rằng: “Nội dung ý tưởng của dự án có nhiều vấn đề mà theo tôi, ngay lúc này địa phương cần quản lý chặt chẽ các thực trạng có giá trị của lịch sử, từng bước bảo tồn nâng cấp kết hợp tái tạo lại một cách đầy đủ, đúng, có hồn mà những gì đã có trong chiến tranh. Để trong tương lai, bất cứ ai đi qua miền đất trung dũng kiên cường, qua huyện Thăng Bình, dù đi bằng phương tiện gì, khu tham quan nghỉ dưỡng nào cũng đều biết để tri ân, đừng phụ lòng những con người vì dân, vì nước hy sinh và không đòi hỏi một gì khác ngoài nén hương và lòng ghi nhận”.

Đúng như vậy, người sống không ký ức sẽ chẳng biết mình là ai, từ đâu đến. Có nhìn sâu vào quá khứ mới tự tin bước về phía tương lai. Các nước phương Tây, càng văn minh họ càng chú trọng lưu giữ ký ức bằng nhiều bảo tàng, nhiều di sản, bảo quản nguyên trạng những gì từng gắn liền với các sự kiện và nhân vật lịch sử. Với đất nước mình, ơn nghĩa nặng vô bờ, mong làm sao “Vườn Mẹ” sẽ thu hút càng nhiều người dân, du khách trong và ngoài nước đến đây để tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm và tạc lòng ghi nhớ. “Vườn Mẹ” sẽ là nơi đầy lòng tri ân, một khúc ca hào hùng về một miền sử ca giữa vùng đất Bình Dương.

Nguyễn Ngọc Hạnh
.
.