Vũng Tàu biển hát
Đường vành đai thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) dài chừng 20 km chạy quanh biển. Cung đường thơ mộng này có nhiều kỳ quan bên dãy núi Lớn và núi Nhỏ. Đồng thời, Vũng Tàu còn gắn với công nghiệp dầu khí đầu tiên ở nước ta.
Hình ảnh thân quen luôn gắn bó nơi đây: “Chiều về hôm nay nghe Vũng Tàu biển hát/ Dập dìu thuyền về cá tươi đầy bến/ Kìa giàn khoan cao giữa biển trời lộng gió/ Bãi Trước, bãi Sau đón gió chiều dịu êm”. ("Vũng Tàu biển hát" - nhạc sĩ Vũ Thanh).
Những cổ tích thần tiên
Thành phố Vũng Tàu được xây dựng bám xung quanh chân hai dãy núi tạo nên những con phố độc đáo. Đường phố mang dáng vóc mới lạ cùng những biệt thự xinh đẹp. Riêng khu vực dành đất cho cán bộ công nhân viên và chuyên gia dầu khí được mở rộng và xây dựng những tòa cao tầng hiện đại tráng lệ. Điểm dừng chân của chúng tôi bên núi Nhỏ. Phía trước là cung đường đầy hoa bông Gòn dẫn lên ngọn hải đăng thành phố.
Đây là công trình đèn biển được xây dựng đầu tiên ở nước ta (năm 1862) cao chừng 150m trên triền núi. Cây đèn biển Vũng Tàu được công nhận là công trình cổ nhất Đông Nam Á. Ánh sáng của ngọn đèn chiếu xa hàng chục cây số luôn là ngọn đuốc soi đường trên biển cho những đoàn tàu lớn từ hơn 165 năm qua. Hải đăng được coi là biểu tượng của thành phố cùng với ngọn lửa nguồn dầu khí cháy sáng suốt ngày đêm. Nhà thơ Xuân Sách đã thể hiện niềm tự hào của thành phố qua những câu thơ: “Chiều đã xuống rồi mặt biển đen/ Lao xao ngọn sóng vỗ êm đềm/ Dáng người chiến sĩ bên bờ đá/ Như ngọn đèn đêm thắp báo yên”. (Đêm Vũng Tàu).
Hơn nữa, núi Nhỏ, rộng hơn 100 ha, cao 170m) ôm gọn và che chắn biển sóng cho thành phố Vũng Tàu. Đứng trên ngọn đèn hải đăng có thể ngắm toàn bộ thành phố, những bãi biển và mũi Nghinh Phong với Hòn Bà. Lúc này, gió biển thổi bốc những sợi bông Gòn bay trắng như hoa tuyết trên cao. Chúng tôi lắng nghe cô hướng dẫn viên kể chuyện cổ tích gắn liền với tên Tao Phùng của núi Nhỏ từ xa xưa.
Cô dịu dàng kể truyền thuyết rằng, con gái vua Thủy tề một hôm mải chơi trên biển đã sa lưới đánh cá của một chàng trai dân chài bên núi Nhỏ. Thấy con cá đẹp có đuôi màu vàng, chàng bèn khoét đá núi tạo thành chiếc bể xinh xinh để nuôi chơi. Chàng trai chăm sóc cá chu đáo và ngắm nghía ngày đêm. Một hôm, chàng trai đi biển suốt ngày trở về vội vã nhưng không thấy chú cá nhỏ bé đâu nữa. Chàng buồn rầu thừ mặt tiếc nuối thì bất chợt từ dưới bếp cỏ một cô gái xinh đẹp bước ra. Nàng công chúa Thủy tề kể hết sự tình và trở thành vợ của chàng đánh cá từ đó.
Nhưng rồi tình cờ công chúa bị một kẻ khác bắt trộm. Hắn hóa phép thu nhỏ công chúa lại rồi nhốt trong chiếc hộp ngọc. Công chúa trở lại thành chú cá vàng như xưa. Biết chuyện, người chồng đau đớn tới van xin tha cho vợ mình nhưng không được. Cuối cùng, người chồng đành chấp nhận quy định cứ 5 năm mới được gặp cá vàng một lần. Đó là hình ảnh người vợ về thăm chồng bên núi Nhỏ. Chính vì thế núi đã được đặt tên Tao Phùng.
Chúng tôi rời ngọn hải đăng đi qua khu vực tượng lớn Kito vua. Hai bên đường hàng cây bông Gòn cao vút tung những lọn bông theo chiều gió bay trắng như tuyết trên đỉnh núi. Cô hướng dẫn viên ví đó là mùa bông tuyết luôn gây ngỡ ngàng cho du khách. Một vẻ đẹp bát ngát nơi biển khơi và gió thổi lồng lộng. Những triền lau cùng hoa bông Gòn làm chúng tôi sững sờ trong câu chuyện tình yêu. Núi Nhỏ bỗng trở nên hoang dã và hư ảo trong bạt ngàn hoa trắng tinh khôi. Tiếng chuông chùa dưới chân núi vọng lên ngân nga. Câu thơ của Chế Lan Viên ẩn ý huyền diệu về sự tích Tao Phùng bỗng vang lên trong tôi: “Đường đi hạnh phúc xa gì mấy/ Núi Nhỏ chờ em - Núi Lớn chờ ai?” (Vũng Tàu nhớ và quên).
Mộng hoài núi Lớn
Núi Lớn cao 250m và rộng gấp 4 lần núi Nhỏ. Hình dạng núi Lớn có tác dụng như một bình phong cho khu cảng Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh). Núi Lớn thật ngạo nghễ giữa biển khơi cùng khu rừng xanh bát ngát. Với diện tích 400ha, núi Lớn hội tụ nhiều chùa và các công trình kiến trúc cổ kính. Từ xa xưa núi Lớn và núi Nhỏ xây dựng những pháo đài và hầm thủy lôi để chống Pháp. Chính tại đất dựng tòa Bạch Dinh là trận địa pháo trước đó do Vua Minh Mạng xây dựng.
Những khẩu pháo nơi đây đã bắn chặn tàu chiến của Pháp trong cuộc xâm lược nước ta lần thứ nhất (năm 1859). Đây là vị trí có thể theo dõi cung đường biển những tàu thuyền đi vào Sài Gòn. Nhưng khi thực dân Pháp tới, đã phá trận địa pháo này và cho xây tòa Bạch Dinh (khởi công năm 1898). Những huyền tích được lưu truyền trên mảnh đất này của núi Lớn được coi là bộ sử thi của thành phố biển Vũng Tàu. Đó là những cuộc tình say đắm có thật ẩn giấu những vẻ đẹp nhân sinh nhưng cũng không kém phần bi ai đầy ẩn ức.
Chúng tôi cùng đứng bên những khẩu pháo phía dưới vườn của Bạch Dinh trong vòm cây sứ sần sùi. Cô hướng dẫn viên kể tới câu chuyện tình đầu tiên trên núi Lớn. Đó là chuyện chàng dũng tướng Lê Tuấn của ba anh em nhà Tây Sơn lên núi học võ. Chàng đã đánh hổ để cứu cháu gái của người thầy suýt bỏ mạng bởi nanh hổ. Đó là một cuộc chiến dũng mãnh của Lê Tuấn, chàng sẵn sàng hy sinh để cứu người. Hành động cao đẹp đó, dũng tướng Lê Tuấn đã được thầy dạy võ gá nghĩa cháu gái với chàng thành vợ chồng. Để đánh dấu cho thời khắc hạnh phúc của đôi bạn trẻ, người thầy đã đặt tên cho ngọn núi này là Tương Kỳ.

Còn chuyện tình thứ hai chúng tôi được nghe về mối tình của Vua Thành Thái (1879-1954) với một cô gái vùng đất đỏ bên Bà Rịa. Đó là thời gian Vua Thành Thái bị thực dân Pháp giam lỏng ở Bạch Dinh trên Núi Lớn từ năm 1907. Gia đình ông đã bị biệt giam ở đây 10 năm. Trong một lần vua Thành Thái lái xe hơi đi chơi dọc bờ biển và lạc tới dãy núi Thùy Vân, bên huyện Đất Đỏ. Có lần, ông chợt thấy một cô gái phi ngựa trên đường dưới những rặng cây nở hoa vàng rực. Vóc dáng thanh thoát, cao ráo của cô gái đã thu hút nhà vua.
Ông lái xe vượt lên để ngắm nhìn người đẹp. Đó là cô Trần Thị Đê (sinh năm 1884) có gương mặt trái xoan cùng đôi mắt to ngơ ngác. Thế là nhà vua lẳng lặng đi theo phía sau cô gái một đoạn đường khá dài. Cuối cùng, nhà vua đã xác định được gia cảnh của người đẹp và mạnh dạn tỏ bày ý định rước cô về làm thứ phi. Từ đó, người đẹp lên sống tại Bạch Dinh cùng với gia đình Vua Thành Thái. Hai người tâm đầu ý hợp luôn cùng nhau cưỡi ngựa rong ruổi trên con đường tình yêu của mình dọc bờ biển lộng gió và những rặng hoa vàng.
Nhưng ngờ đâu hạnh phúc chưa được trọn năm thì thực dân Pháp bí mật đưa Vua Thành Thái cùng con trai là Vua Duy Tân đầy sang khu đảo Réunion hoang vắng bên Pháp. Thứ phi còn đang bụng mang dạ chửa buộc phải trở lại quê Đất Đỏ sinh sống. Mãi tới 30 năm sau, Vua Thành Thái mới được phóng thích nhưng vẫn bị quản thúc tại Sài Gòn. Ông đã về Vũng Tàu tìm lại vợ và con gái (Trần Thị Kiều) vẫn chờ đợi tại quê hương. Sau thời gian sum vầy hạnh phúc nhưng tuổi già sức yếu, nhà vua đã tạ thế năm 1954.
Thiên đường trên cao
Chúng tôi rời Bạch Dinh tiếp tục chuyến lên đỉnh núi Lớn theo một đường cáp treo. Tiếng ca âm vang vọng từ trên khu du lịch Hồ Mây làm chúng tôi rạo rực tâm hồn. Lời ca bay bổng cùng mây bay: “Ai qua nơi đây có thấy tiếng ca/ Cuộc đời vui mới sáng trong lòng ta/ Chung tay chung tay xây quê hương này/ Vũng Tàu biển hát sóng dâng triều lên”. (Vũng Tàu biển hát). Hồ Mây là khu du lịch trên cao hơn 200m với những kiến trúc thắng cảnh một thành phố hiện đại đầy hoa.
Mây gió trên đỉnh núi luôn cuộn sóng hơi biển trong xanh. Đây đó, những ngôi biệt thự kỳ ảo như tranh vẽ trên trời mây. Có thể nói đây là một công viên du lịch khác biệt hòa sắc với thiên nhiên và được coi là thành phố Vũng Tàu thu nhỏ. Hồ Mây là điểm nhấn tươi trẻ của thành phố Vũng Tàu: “Hồ Mây êm dịu sóng xanh/ Đường hoa dẫn tới cõi tình mộng du/ Trên cao phố đợi, phố chờ/ Lạc em bến mộng mây xưa bay về” ("Lên Hồ Mây" -Thành Hưng).