Vẽ trên cánh đồng
Cứ thành lệ, khoảng vài năm báo chí truyền hình phương Tây lại đưa tin về "những vòng tròn bí ẩn" xuất hiện trên đồng ruộng. Những vòng tròn hình thù kỳ dị này không biết được ai tạo ra bằng cách giẫm cho cây lúa ngã xuống theo những đường nét nhất định. Mọi người mải bàn tán nửa đùa, nửa thật về tính chất tâm linh của những vòng tròn ấy mà rồi vô tình quên mất rằng, đằng sau chúng là cả một môn nghệ thuật có lịch sử lâu đời và những nét riêng của nó.
Nguồn gốc cổ xưa
Đối với một số nền văn hoá cổ đại, biểu tượng mang quyền lực siêu nhiên. Người ta vẽ, chạm khắc hay xăm biểu tượng lên người và vật nhằm mong khơi gợi sự bảo hộ của các thế lực bề trên loài người. Dần dần các người cổ đại hình thành tham vọng lớn hơn. Họ muốn vẽ những hình thật lớn trên mặt đất để không chỉ người mà cả thần linh đứng trên trời cũng nhìn thấy được.
Thuở còn sơ khai, con người "vẽ" trên mặt đất bằng cách sắp đặt những tảng đá theo một số hình dáng nhất định. Đơn cử như vòng tròn đá Stongehenge ở Anh Quốc chẳng hạn. Hoặc là ở các sa mạc tại Israel và Ai Cập, người cổ đại đắp những bức tường đất chạy rất dài để tạo hình. Hệ thống những bức tường này vừa phục vụ nhu cầu tâm linh, vừa như một "cái bẫy" để thợ săn lùa con mồi chạy vào rồi mới ra tay. Nhiều chuyên gia tin rằng, những công trình nói trên là "ông tổ" của nghệ thuật sắp đặt.
Ở những mảnh đất khác, hình vẽ được người ta đào xuống đất. Lấy ví dụ như hàng loạt hình vẽ do thổ dân Peru sáng tác trên sa mạc Nazca. Họ đào khoảng 10-15cm xuống dưới mặt cát đỏ để làm lộ ra lớp đất thịt màu vàng. Các nhà khảo cổ ước đoán rằng, để đào những đường dài tổng cộng 1300km trên diện tích sa mạc rộng 50km2, phải có đến hai, ba thế hệ thổ dân liên tiếp đã phải làm việc gần như liên tục. Đến nay các nhà khảo cổ vẫn tiêp tục làm phát lộ những hình vẽ lâu nay đã mờ vì thời gian.
Hình vẽ trên đất lớn nhất thế giới nằm tại sa mạc Thar ở bang Rajasthan, miền Bắc Ấn Độ. Khu vực được dành cho các hình vẽ rộng khoảng 100.000m2. Trong số bốn hình vẽ lớn nhất có một hình xoắn ốc; một hình con rắn khổng lồ, và hai ký tự không rõ nghĩa nằm trên đỉnh hình xoắn ốc. Hiện chưa có một giải thích rõ ràng cho mục đích của những hình vẽ, nhưng các nhà khoa học giả thuyết rằng: Bởi vì các điểm quan trọng trên hình vẽ tương ứng với các ngôi sao trên trời, đây có thể là một di chỉ tổng kết lại tầm hiểu biết của người Ấn Độ cổ về dải Ngân hà.
Những vòng tròn bí ẩn
Nước Anh là một quốc gia có rất nhiều hình vẽ khổng lồ. Ngoài vòng tròn đá Stonhenge, họ còn có những hình vẽ được chạm khắc trên đồi đá vôi như hình vẽ Bạch Mã Uffington hay Người Khổng Lồ Cerne Abbas. Như một sự tình cờ, "vòng tròn bí ẩn" cũng trở nên nổi tiếng đầu tiên ở Anh. Thư viện Quốc gia Anh hiện nay vẫn còn lưu giữ một tờ tin khổ lớn in năm 1678 kể về một vòng tròn lớn xuất hiện trên cánh đồng lúa mì xứ Hertfordshire. Chuyện kể, có một ông chủ trang trại đã thề rằng "thà để quỷ sứ" cắt cỏ trên ruộng mình chứ không chịu bỏ một đồng thuê người làm công. Sáng hôm sau ông ta tỉnh dậy thì bàng hoàng thấy cánh đồng đã sạch bóng cỏ dại ngoại trừ một chỗ. Người ta đứng từ trên cao nhìn xuống thì thấy đám cỏ còn lại tạo thành một vòng tròn lớn.
Các vòng tròn trên cánh đồng xuất hiện lẻ tẻ trong vòng nhiều thế kỷ tiếp theo, nhưng phải đến thập niên 1960 thế giới mới chú ý đến chúng. Nhiều người tin rằng, những vòng tròn này là một cách để người ngoài hành tinh giao tiếp với loài người. Một số nhà "khoa học" như Erich von Dniken còn đồn thổi thêm nhiều điều khác để lôi kéo sự chú ý. Ví dụ như các vòng tròn là nơi người ngoài hành tinh đánh dấu chỗ sẽ hạ cánh tàu bay của mình. Mỗi khi xuất hiện vòng tròn mới, du khách hiếu kỳ lại kéo đến xem nườm nượp.
Những "bí mật" xoay quanh các vòng tròn bị lật tẩy vào năm 1991 bởi hai thiếu niên người Anh tên là Doug Bower và Dave Chorley. Họ đóng một cây cọc tại tâm vòng tròn, cuốn một đầu sợi dây thép vào cây cọc, còn đầu kia buộc quanh một cái mũ lưỡi trai. Ai đội cái mũ này vào cũng giống như đầu bút của cái com-pa, chỉ đi được trong một vòng tròn. Hai thiếu niên sau đó luồn một sợi dây quanh một tấm ván, rồi vừa đi vừa dùng tấm ván đạp lúa mì. Trước sự chứng kiến của đông đảo nhà báo, họ đã tạo ra thành công một hình tròn lớn trên cánh đồng chỉ trong hai tiếng.
Một môn nghệ thuật thực thụ
Sau cuộc thử nghiệm của Doug Bower và Dave Chorley, người ta ít chú ý đến tính siêu nhiên của vòng tròn trên cánh đồng mà bắt đầu quan tâm đến tính nghệ thuật. Người Anh đua nhau tìm cách vẽ hình trên đồng. Thậm chí vào năm 1992 người ta còn tổ chức một cuộc thi có thưởng cho người vẽ đẹp nhất. Người thắng cuộc là một cặp đôi kỹ sư hàng không đã tạo ra một hình ngôi sao sáu cánh có chu vi khoảng 90m.
Ngày nay việc vẽ trên đồng ruộng là một bộ môn nghệ thuật thực thụ. Nhiều người nông dân coi đây là một thú vui lúc nông nhàn. Hoặc như một cách để thu hút thêm khách du lịch đến địa phương. Và tại hạt Wiltshire nơi Doug Bower và Dave Chorley tiến hành thí nghiệm của mình nay là một điểm đến du lịch nổi tiếng nhờ vào những hình vẽ do người dân địa phương sáng tác. Họ còn tổ chức một cuộc thi vẽ hình trên đồng hằng năm thu hút người tham dự từ khắp nơi trên thế giới.
Khác với nhiều người lầm tưởng, vẽ một hình trên đồng ruộng không phải dễ. Không phải cánh đồng nào cũng vẽ được, mà người hoạ sỹ phải chọn một nơi kín gió, ít mưa, v.v... Bước tiếp theo là đánh dấu hình vẽ bằng cách phun sơn vào cây lúa. Quá trình đạp lúa diễn ra sau đó phải diễn ra dưới sự giám sát liên tục của người ở trên cao để đạt được độ chính xác cần thiết. Ngay cả một hình vẽ bông hoa đơn giản cũng mất hơn một tuần để hoàn thành.
Tuỳ vào từng loại cây mà tính chất của hình vẽ sẽ thay đổi. Lấy ví dụ về tuổi đời bức tranh. Nếu vẽ trên cánh đồng cải dầu thì hình tồn tại trong hai tháng 4 và 5. Vẽ trên đại mạch thì là từ đầu tháng 5 đến hết tháng 6. Còn lúa mỳ thì từ tháng 6 đến đầu tháng 9. Người vẽ chỉ có từng này thời gian để hoàn thành tác phẩm, và người xem cũng chỉ có từng đấy thời gian để thưởng thức tác phẩm. Sự ngắn ngủi tuy vậy lại là một trong những điều làm tăng thêm giá trị cho các hình vẽ trên đồng.
Người dân làng Motoyama, tỉnh Kochi, Nhật Bản đã nghĩ ra một cách khác để vẽ trên ruộng. Họ dùng dây quây lại thành những hình vẽ, sau đó trồng những giống lúa, giống cỏ có màu khác với loại lúa họ thường trồng. Đến khi cách đồng đã xanh lá cũng là lúc hình vẽ hiện ra. Cứ mỗi vụ mùa người dân Motoyama lại họp nhau lại để cùng quyết định vụ mùa đó sẽ vẽ gì. Năm 2021 này họ viết một câu khẩu hiệu lớn: "Cố gắng lên, Nhật Bản!".
Việc vẽ hình trên đồng ruộng không quá phổ biến ở Mỹ, nhưng tại nhiều địa phương họ lại vẽ hình trên đồi. Hồi đầu thế kỷ trước ở Mỹ rộ lên phong trào dựng những dòng chữ khổng lồ trên các ngọn đồi như một cách để đánh dấu địa danh. Một ví dụ nổi danh cho phong trào này là tấm biển "Hollywood" trên nút Hill đã trở thành biểu tượng cho kinh đô điện ảnh của Mỹ.
Người Mỹ sau đó nhận ra rằng vì các chữ cái được làm bằng sắt nên nếu không được bảo trì thường xuyên sẽ bị han gỉ, trông rất mất thẩm mỹ. Các sinh viên Trường Đại học Redlands ở Redlands, bang California mới nghĩ ra ý tưởng trồng thật nhiều cây bụi trên ngọn đồi gần trường, rồi sau đó cắt tỉa cây bụi thành hình chữ "R" làm biểu tượng cho trường. Đây là cách làm người Anh xưa hay dùng để tạo ra mê cung cây bụi trong vườn của những gia đình giàu có. Phương pháp này từ Redlands lan ra toàn bộ khu vực miền Tây nước Mỹ. Chỉ riêng bang California đã có 48 hình vẽ trên những quả đồi khác nhau. Việc chăm sóc hình vẽ được giao cho sinh viên, học sinh hay hội người cao tuổi ở địa phương.
Năm 2020 quả là khoảng thời gian tồi tệ với nghệ thuật vẽ hình trên đồng ruộng. Các nghệ sỹ không được tụ tập ngoài trời để vẽ hình. Những người xem cũng không được đi du lịch để thưởng thức tác phẩm. Nghiêm trọng hơn nữa, hạn hán và lũ lụt thường xuyên do biến đổi khí hậu khiến việc sáng tác và duy trì tác phẩm trở nên bất khả thi. Mong rằng trong tương lai gần ngành nghệ thuật vẽ tranh trên đồng sẽ nhanh chóng hồi phục để tiếp tục sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật trứ danh làm đẹp cho cuộc sống.