Về thương tấm liếp quê nghèo

Thứ Sáu, 23/12/2022, 16:10

Tấm liếp che mưa chắn nắng mỗi ngày trước hiên những ngôi nhà tranh lụp xụp ở chốn quê xưa, dẫu chưa thể mang đến thật nhiều ấm áp nhưng cũng đã làm vơi bớt phần nào những gió giông lạnh lẽo của đời người.

Tấm liếp hay phên liếp, cái liếp, thường to rộng như chiếc chiếu, là một vật dụng đa năng được đan bằng tre, nứa và mây. Đan dầy hay thưa, lóng đôi hay lóng mốt, là tùy thuộc vào mục đích sử dụng của mỗi nhà.

Những tấm liếp thưa nhất đan lóng mốt người ta thường dùng để che chắn cho luống mạ non yếu, luống hoa màu mới ươm. Tấm liếp dầy hơn để phơi bánh đa, bánh tráng… Cũng có khi tấm liếp có vai trò hàng rào, cửa vườn với nẹp cứng, chắc, ngăn lũ gà khỏi chui vào phá hoa màu.

làng-thổ-hà-phên-tre.jpg -0
Làng Thổ Hà phên tre.

Nhà nghèo xưa lấy liếp làm bức vách, có khi làm cả mái trần, mái lều. Những căn lều tuềnh toàng đặt liếp làm mái, phủ nhẹ bạt hoặc tấm nilon lên mà che chắn nắng mưa. Qua quýt kiểu này thì chỉ một cơn giông có khi mái liếp đã sập, mà mưa xuống thì trong nhà bì bõm như ngoài sân, trông đến là tội nghiệp.

Rồi những gia cảnh cùng đinh hoặc người éo le như đàn bà góa, gái chửa hoang ngày xưa bị dân làng hắt hủi, thường giạt ra rìa làng dựng tạm túp lều hay gian nhà tranh vách đất ở mép cuối đường mà trú thân. Thói đời thiên hạ cứ muốn nhòm ngó vào tận gan ruột nhà người ta, thương chẳng thương mà phần nhiều là xoi mói, dè bỉu. Cái nhìn phân biệt đối xử, miệng lưỡi thế gian nhiều khi còn độc địa, sát thương hơn cả thuốc độc! Tấm liếp trước nhà tạo nên sự kín đáo, tế nhị, tránh để người ngoài nhìn thông thốc vào nhà mình. Có tấm liếp, phận người yếm thế trong nhà cảm thấy được che chắn, bảo vệ. Ta chớ nói rằng đó chỉ là cảm giác. Con người ta sống ở đời, vui vẻ hay buồn đau chính là ở sự cảm nhận, điều tuy vô hình vô ảnh nhưng sự thấm thía tâm can lại chẳng phải ảo vời.

Một tấm liếp trước hiên, tạm thay thế cửa khi mà cố làm nhà xong thì không còn tiền đóng cửa nữa, cảnh nông dân thường thế, là sẽ giúp chắn bớt mưa nắng xéo rọi vào nhà. Tấm liếp ban ngày được chống lên bởi cái cột tre để rộng cửa đi lại, đón nắng gió tràn vào ngôi nhà, ban đêm thì rút cột, hạ liếp để che chắn gió sương, thú hoang cũng có thể sẽ mò vào nhà nếu không có tấm liếp. Căn nhà như vậy tuy nghèo nhưng nhìn đã có chút ấm áp, có thể được gọi là nhà. Ai người khá giả hơn, thì ngoài cửa đóng then cài, vẫn có tấm liếp che thêm ngoài sân cho nhà đỡ nắng.

Có một căn sàn liếp tôi từng đến, gọi là lều thì hơi thiệt thòi vì nó to hơn cái gọi là lều; nhưng gọi căn nhà sàn cũng thấy cứ thiếu thốn, không phải. Nó ở một cái bản heo hút tên là bản Búng, nằm sâu trong vùng lõi của rừng quốc gia Pù Mát, thuộc địa phận xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An, nơi đồng bào dân tộc Đan Lai sinh sống.

Một gia đình nghèo xơ xác đông tới bảy đứa con, bữa cơm có đúng cái nồi đen nhẻm đặt giữa cái mâm nhôm, một đĩa ít muối hột, với cơm khô khốc, rời rạc; vài cái bát sứt mẻ, đứa thì ăn bốc, đứa cầm bát lêu bêu mấy hạt cơm, hoàn toàn không có thức ăn. Trong chuyến đi làm từ thiện vượt sông Giăng đến Môn Sơn năm 2009, chúng tôi thăm và biếu thực phẩm, thuốc men cho họ.

Bản làng thưa thớt, đìu hiu, bốn bề cây rừng rậm rạp, xanh đến nhức nhối, bí ẩn mà trống hoải đến hoang mang. Căn nhà sàn lấy những cây gỗ rừng làm cột, bốn bề quây liếp, như run lên trong gió chiều tháng ba thổi thốc từng đợt còn đằm khí rét. Những cây gỗ nhỏ cỡ cổ tay ghép vào nhau giằng níu ngang dọc bởi dây mây, lạt tre làm thành khung sàn, để đỡ những tấm liếp rải lên. Cái sàn liếp cứ bập bùng cọt kẹt dưới mỗi bước chân mà khi đi trên đó tôi rất run, nhất là mấy chỗ nó xộc xệch, nhiều nan bị gãy.

Chị chủ nhà nhỏ thó gầy guộc, chưa đầy ba mươi tuổi mà sinh bảy đứa con lốc nhốc lấm lem, thấy tôi e ngại bèn ra hiệu tôi cứ đi đi, chị không biết nói tiếng Kinh. Nghĩ đến những người trong gia đình này gồm bốn người lớn bảy đứa trẻ trứng gà trứng vịt, hàng ngày vẫn đi lại sinh hoạt ngủ nghỉ ở trên sàn liếp đó, tôi can đảm bước lên. Nhà bốn bề được quây bằng liếp, chi chít là những khe hở gió lùa, kiểu này chắn nắng mưa thì tạm được, nhưng gió chắc chắn vẫn cứ cứa vào tê tái. Ngẩng lên, thấy trên mái cũng liếp thưa phủ lá gianh. Trên dưới trước sau, tứ bề những liếp như vậy, chỉ đỡ lạnh phần nào thôi chứ làm sao mà ấm?!

Những đôi mắt Đan Lai tròn to ngơ ngác và ngân ngấn nước ám ảnh không nguôi, chuyến ấy tôi viết bài thơ "Mắt rừng Đan Lai" có đoạn: "Đan Lai/ Đan Lai/ Tôi chỉ có một ngày ở cùng em quá vội/ Tôi mang theo về đôi mắt của rừng đêm/ Tôi mang theo về hồn đá sông thiêng/ Sóng lụa xanh êm thác ghềnh lũ đổ/ Tôi mang theo nỗi nhớ em/ nhớ rừng/ Những triền sông soi gương/ Hoa núi đỏ như môi em thắp lửa/ Ai đã gọi sông là sông Giăng?/ Tôi còn nợ em gì nữa?/ Ai gọi em Đan Lai?/ Chiều nay/ Gió đập rung gác sàn/ Căn lều xiêu ánh lửa/ Khói mỏng bay chen lùa phên liếp cửa/ Em đơm hy vọng thầm thì…".

Chúng tôi chỉ đến với họ để an ủi được một lần trong suốt cuộc đời cực nhọc mà tách biệt với cộng đồng, xã hội của họ. Bây giờ thì những đứa trẻ lốc nhốc ngày đó đều đã đến tuổi trưởng thành. Không biết chúng đang làm gì, gia đình ấy đã có nhà gỗ hay ít nhất là nhà đất cho đỡ gió rét hay chưa?!

Người ta thường hay dùng chữ "tấm" khi nói về những điều tốt đẹp trong cuộc đời. Một tấm áo đẹp, một tấm chồng tốt. Hay một tấm gương, là nói cái đẹp để người khác trông mà noi theo. Nhưng ngay cả khi nói "tấm liếp", sao nó vẫn cứ gợi lên cảm giác ngậm ngùi, tái tê, đắng đót.

Cùng là để che mưa che nắng, chắn gió chắn bụi nhưng tấm liếp và tấm giại có khác nhau trong hình dáng kết cấu, tính hữu dụng, và giá trị thẩm mỹ của chúng cũng khác nhau đối với ngôi nhà. Tấm liếp thường là vật dụng của nhà nghèo. Tấm giại được cấu trúc như một thứ bình phong, thay tấm mành, nhằm che bớt nắng để trong nhà nhìn ra không bị chói mắt, nhưng vẫn có ô trống để lấy đủ  ánh sáng, đủ gió cho nhà cửa thông thoáng, mát mẻ; phần phong kín thì chắn bụi bặm, gió mưa. Tấm giại thường xuất hiện ở những ngôi nhà gỗ, nhà xây ba gian hai chái, có hàng hiên rộng lát gạch. Nhìn căn nhà có tấm giại như thế đã thấy sự bề thế, khá giả, căn cơ, nền nếp. Tấm giại vừa che mưa che nắng vừa làm duyên, làm sang cho ngôi nhà.

Khi viết về tấm liếp, tôi có nghĩ đến câu thành ngữ "cái gương tày liếp", nó có nghĩa là: gương lớn về thất bại, sai lầm của người khác, nhìn thấy để biết đường mà tránh, đừng có dẫm vào vết chân của người ta.

Nói về liếp trong trường hợp này, tôi gọi "cái liếp" mà không muốn gọi "tấm liếp", thấy thương cho tấm liếp thật lòng. Tôi muốn nghĩ rằng, tấm liếp trong vai trò cánh cửa, là một vật dụng hữu ích, thân thương, là bao dung, che chắn, là cái đẹp đã mất đi bóng dáng trong cuộc sống hiện đại. Dẫu không hẳn mang đến thật nhiều ấm áp như một cánh cửa bằng gỗ hay một bức vách đi nữa, thì tấm liếp một thời cũng đã làm vơi đỡ phần nào những gió giông lạnh lẽo của đời người. Tôi hay nhớ về hình ảnh các cụ già ngồi thu lu trên giường, móm mém cười bên cửa sổ, nơi tấm liếp vuông vuông được chênh chếch chống lên, các cụ nhìn ra ngõ mà mong con nhớ cháu. Ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có ngôi nhà dài của người Ê đê, nhiều khách đến tham quan ngồi bên khung cửa sổ có tấm liếp mở ra vườn để mà chụp ảnh kỉ niệm. Những đứa trẻ bi bô bên cửa liếp nhà tranh mở hé, cũng là hình ảnh thân thương của chờ đợi, âu yếm, vỗ về…

Lại nhớ những chiều cuối năm xa xưa, có đận âm u mưa phùn gió bấc, trong căn bếp tuềnh toàng vách đứng và phên liếp đã mục mòn phía dưới, làm hổng ra mấy chỗ chó con chui lọt, mẹ cứ ngồi trân trân cời đốm than hồng. Nồi cám còn nóng bỏng nóng giãy, mà mấy con lợn hung hãn trong chuồng đã réo rít đòi ăn, dũi mõm muốn sập cả cánh liếp. Mẹ vừa lúi húi lo bữa tối sao cho đủ ấm bụng đàn con, lại rối hết gan ruột, nghĩ phải làm sao đây để trả hết nợ nần trong cái đận năm cùng tháng tận xồng xộc ngay trước cửa. Rồi sang năm tích cóp làm sao cất được cái bếp, xây lên gian chuồng lợn có cửa giả đàng hoàng, chứ cứ phên liếp thế kia, chẳng mấy mà lợn nó dũi đổ.

Mưa ướt lép nhép trên nền sân đất lên rêu nứt nẻ qua mấy tháng hanh hao. Lũ con lau nhau bốn năm đứa, bụng cũng đói lắm rồi đấy, nhưng biết mẹ đang lo lắng nên đứa nào đứa nấy cứ nem nép lén nhìn. Mẹ biết chúng nghĩ gì trong những cái nhìn len lén ấy, nên dẫu có buồn lo mấy cũng cố gượng cười cho các con đỡ tủi. Từ bên nhà hàng xóm vọng sang tiếng bọn trẻ làm nũng bố mẹ, đòi sắm quần áo mới diện Tết. Mẹ nghe mà càng héo ruột rầu gan.

Đứa chị gọi đứa em ra vịn cánh liếp mà líu lo ôm cổ mẹ. Tấm liếp dẫu che được mưa chắn được nắng, vẫn là giới hạn. Lòng mẹ yêu thương, lo lắng, có thước nào đo đếm? Tết đã về đến đầu ngõ rồi. Nhà dẫu nghèo cũng đã có ba gian hai chái mà trú ngụ. Tết rồi cũng sẽ đủ đầy bánh chưng giò thủ, có cả bánh kẹo hột dưa, đứa chị bảo đứa em như vậy. Hẳn là các con hiểu chuyện, đã biết an ủi cho mẹ an lòng…

Trang Thanh
.
.