Về một con đường, về một con người
Cũng như bao người anh hùng, Thiếu tướng Trịnh Vệ đã cùng đồng đội mình làm nên bao sự tích. Ông đã dâng hiến một cách trọn vẹn đời mình cho con người xứ sở này. Tôi lúc này đang hình dung về một con người cương nghị, quyết đoán, mạnh mẽ và dũng cảm nhưng đầy lòng nhân ái trong cuộc đấu tranh cho sự bình yên cuộc sống của nhân dân.
"Sự tích anh hùng trong chiến đấu
Tâm hồn nghệ sĩ giữa đời thường"
Cặp đối trên là của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang viết tặng Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trịnh Vệ đã mở đầu tập thơ "Chuyển động quanh ta". Với tôi, đây là một lời giới thiệu súc tích nhất và đầy đủ nhất về một con người.
Cũng như bao người anh hùng, Thiếu tướng Trịnh Vệ đã cùng đồng đội mình làm nên bao sự tích. Ông đã dâng hiến một cách trọn vẹn đời mình cho con người xứ sở này. Tôi lúc này đang hình dung về một con người cương nghị, quyết đoán, mạnh mẽ và dũng cảm nhưng đầy lòng nhân ái trong cuộc đấu tranh cho sự bình yên cuộc sống của nhân dân. Điều gì đã làm nên sức mạnh của ông? Sức mạnh của trí óc và sức mạnh của trái tim?. Và thật may mắn, tôi được đọc tập bản thảo thơ "Chuyển động quanh ta". Và những bài thơ của ông đã mách bảo cho tôi về những gì đã làm nên con người mang tên Trịnh Vệ.
Tôi đã từng viết: "Thơ ca là bản lí lịch đặc biệt nhất và chính xác nhất về con người". Những công việc mà Thiếu tướng Trịnh Vệ làm đã viết nên bản lí lịch tự hào về cuộc đời ông, về những gì trong cuộc sống thường nhật của chúng ta, còn những câu thơ của ông đã viết nên bản lí lịch tâm hồn trong sáng và nhân văn của ông. Có nhiều câu thơ của ông đã làm tôi lặng người. Những câu thơ vang lên về những gì thân yêu nhất của mỗi con người và về giá trị nhân văn trong thế giới này.
Mỗi lần trở lại quê nhà,
Bâng khuâng chẳng thấy cây đa cổng làng.
Những câu thơ của tác giả Trịnh Vệ thật giản dị như chính con người ông, như chính đời sống này nhưng lại rung động tâm hồn tôi. Có một con đường luôn hiện ra trong thơ của tác giả Trịnh Vệ. Đó là con đường trở về với quá khứ, trở về với nguồn cội của mỗi con người sinh ra trên mặt đất này. Nếu một con người không biết trở về với nơi sinh ra và nuôi nấng mình, con người đó chẳng bao giờ biết sống cho cuộc sống hiện tại và biết mơ những giấc mơ đẹp về tương lai. Gốc đa, cổng làng, mái đình… không phải là một giá trị vật chất khổng lồ. Nhưng cho dù mọi vật chất có giá trị đến như thế nào cũng đều có giới hạn. Chỉ giá trị của tinh thần mới là vô hạn. Và thơ của tác giả Trịnh Vệ đã dựng lên tinh thần ấy.
Khi tác giả Trịnh Vệ viết "Nhớ thương bạc cả mái đình" thì tôi nhận ra thơ ca ẩn giấu mọi nơi trong đời sống này và trong tâm hồn của mọi con người. Với tôi, chỉ một câu thơ này thôi ông đã trở thành thi sỹ. Nhớ thương luôn luôn được cảm nhận như sự mơ hồ, như hơi thở mong manh lại có thể làm "bạc" cả mái đình kia. Hầu như tất cả ai làm thơ dù chỉ làm một bài cũng nói đến nhớ thương. Nhưng điều quan trọng nhất trong sáng tạo thi ca là người ta tìm ra cách nói của riêng mình, cách cảm nhận của riêng mình. Chỉ có tình yêu thương da diết tới tận cùng thì mới nhận ra mái đình kia đã bạc trắng vì ta thương nhớ.
Tác giả Trịnh Vệ không phải là một nhà thơ chuyên nghiệp, ông chỉ yêu cuộc đời này, mang ơn cuộc đời này mà ghi lại những rung động của tâm hồn mình. Thế nhưng, con đường đến với mọi nghệ thuật lại chính là con đường của tình yêu và niềm cảm hứng như vậy. Cũng như bao người nhớ về người mẹ đã sinh ra mình, ai cũng có thể nhận ra sự cô đơn của đứa con khi mất mẹ. Nhưng nghệ thuật lại đòi hỏi một cách nói để làm cho toàn bộ nỗi cô đơn kia hiện ra và ngập tràn cảm xúc người đọc và để cho người đọc nhớ về người mẹ đã sinh ra chính mình. Tôi cũng đã mất mẹ, cũng từng viết về nỗi cô đơn khi mẹ vĩnh viễn đi xa, nhưng khi đọc hai câu thơ của tác giả Trịnh Vệ mới thấy trọn nỗi cô đơn của mình:
"Bây giờ mẹ ở nơi đâu,
Để con nặng gánh qua cầu đơn côi".
Hai câu thơ quả là hay, quả là da diết và dựng lên con đường của một đứa con bước đi trên cuộc đời mà không còn mẹ bên cạnh. Cái cây cầu kia chẳng bao giờ kết thúc, đứa con đi trên cây cầu ấy và có lẽ chẳng bao giờ đi hết cây cầu "đơn côi" ấy. Viết được như vậy quả là tài tình. Và đấy chính là thơ ca. Cũng vậy, trong những câu thơ về chị mình, tác giả Trịnh Vệ viết:
"Sớm chiều khói bếp còn vương,
Cầu ao bóng chị gió sương vơi đầy".
Không có gì cụ thể mà chỉ là khói bếp, gió sương nhưng lại làm cho ta nhìn thấy người chị gái của tác giả một cách rõ nhất. Rõ về hình hài và rõ cả về thân phận. Những cây cầu trong thơ của tác giả Trịnh Vệ luôn ám ảnh tôi. Những cây cầu vừa gần gũi, thân thương, vừa xa xôi, mờ ảo. Nhưng tất cả những cây cầu đó là những cây cầu của nhớ thương bắc qua đời sống với bao điều bất trắc này. Tập thơ "Chuyển động quanh ta" viết về nhiều điều trong cuộc sống, nhưng tinh thần trùm phủ lên toàn bộ tập thơ là tinh thần của những gì thân yêu, da diết như đang mờ xa và tác giả đã và đang tìm mọi cách níu giữ lại cho chính mình và cho cuộc đời. Nhân loại đang càng ngày càng bước về một thế giới văn minh công nghệ nhưng lại đang rơi vào nguy cơ rời xa những gì làm nên văn hóa và vẻ đẹp nhân loại. Khi hiểu được điều ấy, con người mới dám dâng hiến đời mình để bảo vệ những điều đẹp đẽ ấy. Người chiến sĩ Trịnh Vệ, tác giả Trịnh Vệ là một trong những con người như vậy.
Chủ nghĩa nhân văn là tài sản lớn nhất của nhân loại, là điều quan trọng nhất quyết định sự khác biệt và xác lập giữa con người với hoang thú. Xin chúng ta hãy đọc những câu thơ dưới đây:
"Những ngày cuối năm
Anh vẫn âm thầm tuần tra
Đêm đã về khuya
Nhiều phạm nhân chưa ngủ
Thao thức nhớ nhà, nhớ quê xa"
Với những câu thơ tôi vừa trích dẫn, tác giả Trịnh Vệ đã đi tới bến bờ của chủ nghĩa nhân văn. Đó là bởi ông mang lòng ông để nhìn vào cõi lòng của những người phạm tội để mà thấu hiểu họ. Ông đã đi qua sự vô cảm, ông đã mang theo sự cảm thông và hiểu rằng cho dù họ phạm tội nhưng họ vẫn mang trong thân xác họ phần người dù ít hay nhiều. Cái thao thức nhớ thương của ông cũng là cái thao thức nhớ thương của mọi con người có gia đình, quê quán. Chính vì lẽ đó mà ông đã đi tới hai câu thơ bừng sáng: "Một bên nhà tù/ Bên hoa lá đợi vào xuân". Hai câu thơ được sinh ra từ lòng nhân ái, từ một con người luôn ngập tràn hy vọng, từ những trải nghiệm cuộc đời. Cái nhà tù (bóng tối) và hoa lá (ánh sáng) chỉ cách nhau một hơi thở, và từ cái này người ta có thể đi tới cái kia.
Tôi có biết một chút công việc trước kia của Thiếu tướng Trịnh Vệ liên quan đến tôn giáo. Nhưng tôi không tìm thấy dấu vết của công việc trong hành trình của những bài thơ mà chỉ thấy sự đúc kết cuộc đời này như một chân lý thông qua một phần của nó. Khi tôi đọc hai câu thơ viết về một nhà tu hành: "Sư thầy soi bóng giếng khơi/ Bâng khuâng thấy một khoảng trời trong xanh" thì tôi nhận ra sự sống chính là tôn giáo cao nhất. Mọi con đường tu hành chân chính là đi tới cái đẹp chứ không phải đi tới sự khổ hạnh. Một nhà sư soi bóng mình trong nước không phải để thấy cõi cực lạc hay tự chiêm ngưỡng bản thân mình mà để thấy một khoảng trời thanh sạch, bình yên. Mà thiên đường hay cõi niết bàn chính là sự thanh sạch và bình yên ấy. Và tôi cũng nhận ra rằng: thiên đường hay cõi niết bàn không phải ở trên trời cao mà ở ngay trong chính cuộc đời thường nhật của mỗi chúng ta.
"Đêm mơ về nơi cực lạc
Trăng khuya dát bạc mái chùa
Dạ lan thì thầm Tam bảo
Nhủ lòng về chốn quê xưa".
Những câu thơ trên lại vang lên một lần nữa trong gần cuối tập thơ. Vang lên như chưa hề đứt quãng giấc mơ trở về da diết và rung động của tâm hồn, của mỗi con người với nguồn cội của mình. Đấy chính là sức mạnh để mỗi con người làm nên kỳ tích của mình. Và đó cũng chính là sự lý giải của tôi về hai vế đối của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang viết về người anh hùng Trịnh Vệ. Cao hơn nữa, là sự lý giải về hành động nhân văn cao cả của con người trên thế gian này.
Hà Đông, tháng 1 năm 2021