Văn hóa và khát vọng

Thứ Bảy, 21/10/2023, 08:09

Trong cuộc sống đôi khi có những vấn đề bị chúng ta xem nhẹ bởi nếu đem ra bàn luận thì sẽ khá hài hước nhưng vẫn khiến nhiều người khá nhọc lòng. Ví như chuyện nhiều bạn trẻ lập gia đình muộn, chuyện sở thích đặt tên con, chuyện phân công việc nhà của hai vợ chồng… Đều không có quy định rõ ràng trong pháp luật.

Đương nhiên, ngoài những gì pháp luật quy định thì sự tự do của chúng ta còn phụ thuộc vào các tập quán. Bởi thế, nếu để ý kĩ bạn sẽ thấy những quan niệm, nếp nghĩ truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác đều sẽ bị chi phối bởi văn hóa. Ngày nay, nhiều người vẫn cho rằng văn hóa là thói quen, vô hình trung tạo ra lực cản chứ không thành động lực phát triển, thúc đẩy lao động sản xuất, tiến bộ xã hội…

anh-3-8605.jpg -0
Lồng Tồng là một lễ hội đặc sắc thể hiện khát vọng mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Nhiều lần, tôi không nhịn được cười khi nghe bà lão nhà bên cứ đay đả cậu con trai của bà rằng nếu không chịu lấy vợ sẽ làm dân số già đi theo kiểu: "chưa giàu đã già". Trong khi anh con trai thì cứ quả quyết: Việc gây áp lực hôn nhân khiến tỉ lệ li hôn tăng cao. Một già một trẻ, một kinh nghiệm truyền thống, một lập luận xã hội học mới khiến mục tiêu "thằng cháu đích tôn" cứ chấp chới rồi xa vời. Nhưng có vẻ, bên trong sự đối lập đó là ý nghĩa tích cực: các thành viên trong gia đình đều có khát vọng xây dựng hạnh phúc cho mái ấm này.

Những tranh cãi đó không phải là không có lý khi chúng ta thấy gia đình chính là "xã hội thu nhỏ". Gia đình và xã hội đều tiềm ẩn các nguy cơ nảy sinh những mâu thuẫn, yêu cầu, đòi hỏi và giải pháp khắc phục… và để đạt đến sự tiến bộ và phát triển thì đều không thể thiếu khát vọng. Khát vọng chính là sinh mệnh của văn hóa, là động lực và lợi ích mà chúng ta hướng đến bằng sự nỗ lực hằng ngày.

 Khát vọng phát triển đất nước là một nội dung được đề cập đến trên các  diễn đàn và phương tiện thông tin đại chúng. Điều đó đồng thời cũng là khát vọng xây dựng nền văn hóa thời đại rực rỡ, xứng tầm với vị thế đất nước và xu thế phát triển của nhân loại. Để làm được điều này nhất thiết phải thông qua sự lao động miệt mài, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, phát triển bền vững, cải thiện môi trường tự nhiên… Trong đó, khát vọng là điều rất cơ bản, nó thể hiện cách tiếp cận vấn đề, quan niệm, tầm nhìn và thái độ của mỗi người.

khát vọng phát triển đất nước cũng tạo ra sự phát triển về văn hóa-ảnh vũ trung duy-tạp chí tuyên giáo.jpg -1
Khát vọng phát triển đất nước tạo ra sự phát triển về văn hóa.

Bản thân khát vọng (aspiration) là nguồn cảm hứng và cũng thể hiện tầm nhìn, trí tuệ mỗi người. Tôi nhớ, trong một lần đọc bài viết của tác giả Lê Ngọc Thảo Nguyên trên Báo Dân trí, tác giả nhận định về khái niệm "the world's kitchen" (bếp ăn của thế giới) mà GS Philip Kotler đã gợi ý tại Hội thảo "Marketing mới cho thời đại mới" ngày 17/8/2007.

Lê Ngọc Thảo Nguyên viết: "Ngoài ra, để biến thành "bếp ăn" hàng tỷ người, mục tiêu Việt Nam cần hướng đến là tìm cách truyền bá các món ăn của Việt Nam qua con đường thương mại. Điều này ngày càng khả thi với việc công nghiệp hóa các món ăn Việt và xuất khẩu các loại thực phẩm Việt bằng công nghệ như sấy lạnh (freeze dry) hay ép chân không (ví dụ: sản phẩm phở sấy lạnh)".

Điều đặc biệt trong suy nghĩ của tác giả Lê Ngọc Thảo Nguyên là tầm nhìn. Thay vì thụ động tiếp nhận quan điểm cho rằng chỉ là nơi chế biến cung cấp dịch vụ thụ động, nhất thiết chúng ta còn phải giành lấy quyền chủ động về an ninh lương thực và xuất khẩu. Người Việt thực sự phải có khát vọng nhiều hơn những cơ hội đang hiện ra trước mắt. Chúng ta đâu chỉ cần sự cần cù chăm chỉ mà còn tạo ra sản phẩm văn hóa, giá trị nhận thức, tình cảm thẩm mỹ từ chính các loại nông sản, thực phẩm, hải sản… vốn có. Mỗi mặt hàng nói lên sự đặc sắc của vùng đất với bàn tay người cần mẫn và nghệ thuật canh tác, chế tác cùng quan niệm về đời sống, ứng xử với thiên nhiên.

Đơn cử như: theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Fuji (năm 2000) nhiều người Nhật cho rằng mỳ ăn liền mà ông Momofuku Ando tạo ra là phát minh đáng tự hào nhất của dân tộc mình; Người Đức tự hào vì có hơn 600 loại bánh mì, gần 1.200 loại bánh cuộn và bánh nướng; Người Hà Lan tự hào về các thế hệ cha anh đầy tài năng Hà Lan đã dày công nghiên cứu, nhân giống, lai tạo, phát triển để trở thành ngành công nghiệp loài hoa tulip… Những điều ấy nói lên một bản sắc đã duy trì hàng trăm năm, đậm đà riêng có nhưng cội nguồn cũng bắt đầu từ khát vọng tạo ra thế mạnh của mình.

Còn nhớ, khi nói về xuất khẩu gạo, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh từng có một nhận xét: "Bên cạnh lợi ích kinh tế, xuất khẩu gạo còn là câu chuyện thương hiệu và uy tín quốc gia trong ứng xử với quốc tế, khi Việt Nam là một trong những nước có vai trò quan trọng trong đảm bảo hoạt động hiệu quả của thị trường gạo thế giới, góp phần đảm bảo nguồn cung lương thực ổn định và phát triển bền vững của rất nhiều quốc gia…".

Có lẽ, khi chúng ta tạo ra "thương hiệu" và "uy tín" mọi chuyện sẽ không còn dừng ở lĩnh vực lương thực nữa. Còn nhớ trong 10 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta đã phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực nhưng đến nay hạt gạo Việt Nam đã có mặt ở 150 quốc gia trên thế giới. Người dân các nước đã và sẽ nghĩ gì về nỗ lực vượt khó của một dân tộc suốt 34 năm qua? Đương nhiên, người dân Việt Nam không chỉ cần biết "cầy sâu, cuốc bẫm", biết biến giọt "mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày" thành thành quả, hiện thực hóa chiến lược đất nước.

Một dân tộc chỉ có thể no đủ khi biết khiến mảnh đất dưới chân mình phải sinh ra lương thực. Khi đó, những lễ hội như: "Tục rước lúa thần" trong "Lễ hội Trò Trám" (Tứ Xã-Lâm Thao); "Đing ca mo" (lễ hội ăn lúa mới) ở Kon Tum; Lễ hội "Mở cửa kho lúa đồng bào Rơ Măm" (Tây Nguyên); Lễ hội "Kin lẩu khẩu mẩu" (lễ hội Cốm mới) của dân tộc Thái ở Lai Châu… sẽ được du khách quốc tế nhìn nhận với một tầm vóc khác, cảm xúc khác. Những giọt mồ hôi của gần một trăm triệu người đâu chỉ tạo ra của cải, vật chất mà còn nâng tầm đất nước, vị thế trong văn hóa tinh thần.

lượng gạo xuất khẩu đứng thứ hai thế giới nói lên nỗ lực, sáng tạo trong lao động sản xuất của cả dân tộc-ảnh báo đầu tư.jpg -2
Lượng gạo xuất khẩu đứng thứ hai thế giới nói lên nỗ lực, sáng tạo trong lao động sản xuất của cả dân tộc.

Khi chúng ta có những tấm gương như: Phùng Đức Cảnh (Công ty trách nhiệm hữu hạn LG Electronics Việt Nam, Hải Phòng) trong 7 năm đã có hơn 100 sáng kiến đem lại lợi ích hàng chục tỉ đồng; Hoàng Văn Thành (Cty TNHH Canon Việt Nam) đã có 3 sáng kiến làm lợi 47 tỷ đồng và biết bao điển hình sáng tạo khác có nghĩa là chúng ta đã có một lòng tự trọng. Người có ý chí, khát vọng cũng là người có trách nhiệm với đất nước. Đó cũng là yếu tố mới mẻ trong nền văn hóa tiên tiến hôm nay.

Người Việt đang đứng trước những ngã rẽ lựa chọn từ cách sống, cách làm giàu, cách hội nhập… nhưng từ dễ đến khó, từ vi mô đến vĩ mô bao giờ cũng đọng lại ở những giá trị văn hóa đã và đang được kế thừa, phát huy và tiếp biến.

Khi chúng ta xem một bộ phim của các nước đang vươn lên mạnh mẽ về các mặt trong những thập niên qua như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… thường thấy mọi tình cảm cá nhân đều gắn với nỗ lực sáng tạo và sự đấu tranh với cái lạc hậu, bảo thủ để thúc đẩy tiến bộ xã hội. Khát vọng không chỉ là những mục tiêu mà còn cả sự thận trọng và dự liệu. Thiết nghĩ, việc chúng ta hướng đến phát triển bền vững cũng là cách để giữ gìn những nền tảng về văn hóa cho muôn đời sau. Bởi, nếu để một dòng sông mai sau ngập ứ chất thải, một bầu trời mù mịt sương mù, bụi mịn, một mặt đất khô cứng… thử hỏi các thế sau sẽ còn lại gì và nghĩ gì về chúng ta?

Văn hóa vốn là khái niệm khó xác định, cần được bàn luận thấu đáo, nhất là khi chúng ta đang đối mặt với những thách thức của sự thay đổi như chuyện Gen Z "thích thì nhảy việc thôi" hoàn toàn khác biệt với các thế hệ trước đây Boomers (1946 - 1964); Gen X (1965 - 1980); Gen Y (1980-2000)… Sự thay đổi suy nghĩ của mỗi thế hệ phụ thuộc vào đòi hỏi đời sống, vào sự tác động của thông tin và tâm thế. Hơn nữa, sau mỗi cuộc cách mạng công nghệ, ít nhiều sẽ có những làn sóng thay đổi mới nhưng chỉ có con người (chứ không phải AI) mới tạo nên một sản phẩm đáp ứng chính nhu cầu của mình đó là văn hóa. Khi khát vọng giúp văn hóa được sinh sôi sẽ đến lúc văn hóa tác động lại thúc đẩy chúng ta đạt đến khát vọng bằng một động lực vô hình mà thật sự hiệu quả trong cuộc sống này.

Lâm Việt
.
.