Văn hóa soi đường cho quốc dân đi
Các đây 75 năm, vào ngày 24-11-1946, tại Hà Nội, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được triệu tập. Tại Hội nghị này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ" và ''Văn hóa soi đường cho quốc dân đi''. Từ đó tới nay, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển văn hóa với mục tiêu xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, lấy các giá trị chân - thiện - mỹ làm cốt lõi, tuy được chú ý nhưng chậm có những sản phẩm khoa học, các tác phẩm văn học, nghệ thuật xứng tầm, đủ sức định hướng đời sống nên càng ngày càng trở nên mờ nhạt, kể cả trong nhận thức và trong chỉ đạo thực hiện. Việc thực hành lối sống có văn hóa chưa trở thành nhu cầu tự giác, tự nhiên trong đời sống xã hội.
Trong xu hướng xã hội hoá, phát triển thị trường văn hóa tạo sự đa dạng cho diện mạo văn học, nghệ thuật, rất thiếu vắng những tác phẩm sáng tạo mới có giá trị cách tân thực sự, phản ánh sâu sắc những thay đổi to lớn của xã hội trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Xu hướng thương mại hóa văn hóa, nghệ thuật, chạy theo lợi nhuận của kinh tế thị trường đã sản sinh ra nhiều sản phẩm văn hoá không phù hợp với truyền thống văn hoá của dân tộc, đã có không ít tác phẩm còn thể hiện sự dễ dãi, chiều theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng, thậm chí độc hại, ảnh hưởng tiêu cực đến thị hiếu, lối sống của một phần không nhỏ người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Qua mấy chục năm đổi mới, tiếp cận với kinh tế thị trường và làn sóng toàn cầu hóa, nhiều thói hư tật xấu trong văn hóa của người Việt chẳng những vẫn chưa được khắc phục mà còn nổi cộm thành những vấn đề cản trở sự phát triển. Đụng đến bất kỳ lĩnh vực nào chúng ta đều thấy có vấn đề bất cậpđặc biệt chính sách văn hóa chưa theo kịp với thực tế; lễ hội văn hóa nhưng ít văn hóa. Các sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc và miền núi còn chưa được coi trọng, chưa phát huy được thế mạnh bản sắc riêng về văn hóa. Việc tiếp cận và hưởng thụ văn hóa ở vùng sâu, vùng xa còn nghèo nàn, đơn điệu; sự chênh lệch khoảng cách với khu vực đô thị và các khu vực khác vẫn chậm được thu hẹp… là những vấn đề ''nóng'' của bản thân văn hóa Việt Nam.
Hạn chế lớn nhất trong xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong những năm vừa qua là sự suy thoái về tư tưởng, xuống cấp về đạo đức, tha hóa về lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có xu hướng ngày càng phổ biến, đã gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước.
Văn hóa Việt Nam hiện nay mang trong nó một số hạn chế, khiếm khuyết, cần phải được chủ động nhận diện và kiên quyết thay đổi để phù hợp với tiến trình đi lên của đất nước. Ngày 24-11-2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị Văn hoá toàn quốc bằng hình thức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành và một số bộ, ngành, nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua, từ đó thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này được tổ chức vào thời điểm cả nước đang khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Nghị quyết nhấn mạnh một trong những đột phá chiến lược giai đoạn 2021-2030 là "Phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội''. Để phát triển đất nước không chỉ là tăng trưởng kinh tế bằng mọi cách, mà phải đi song hành giữa chính trị, kinh tế và văn hóa.
Sau Hội nghị này, chắc chắn các quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn cũng như các ý kiến tâm huyết sẽ được nhanh chóng thể chế hóa, giúp giải quyết những vấn đề thực tiễn trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Chúng ta có có quyền tin tưởng vào điều đó, bởi văn hóa Việt Nam được xác lập từ lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Sự phát triển của xã hội Việt Nam hiện đại dù biến động theo phương thức nào vẫn chắc chắn sẽ đi theo quỹ đạo của một xã hội tiến bộ, dân chủ, công bằng, văn minh, với những con người nhân văn, thông minh, có đủ sức mạnh và trí tuệ xây dựng đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi".