Văn chương cứu rỗi cuộc đời

Thứ Năm, 16/11/2023, 17:18

Có một cuốn sách của “tác giả” đặc biệt - từng là một tử tù ôm mộng văn chương - mới xuất bản. Cuốn sách ấy được viết trong những năm tháng Phạm Ngọc Định ở trong trại giam Nam Hà. Có thể nói, văn chương đã thức dậy những thiện lương trong một người tù, để hôm nay, giấc mộng ấy đang nở hoa.

Những trang viết trong ngục tối

Cách đây 14 năm, tôi và đồng nghiệp lần theo bức thư nhà văn Nguyễn Đình Tú gửi để vào Trại giam Nam Hà gặp một phạm nhân đặc biệt, ôm mộng văn chương trong chốn lao tù. Phạm Ngọc Định đã chia sẻ với chúng tôi những tập bản thảo ông viết trong trại giam, từ những ngày trong khám tử tù cho đến khi được giảm án. Văn chương, với Phạm Ngọc Định lúc đó như một cứu cánh tinh thần, giúp ông đi qua những tháng ngày tuyệt vọng của số phận, hướng tới ánh sáng của sự thiện lương.

tác giả phạm ngọc định và nhà văn nguyễn đình tú chia sẻ tại buổi ra mát sách.jpg -0
Tác giả Phạm Ngọc Định và nhà văn Nguyễn Đình Tú chia sẻ tại buổi ra mắt sách.

Bài báo về Phạm Ngọc Định đăng trên An ninh Thế giới cuối tháng đã đến tay nhiều bạn đọc, trong đó có một người bạn gái thuở thanh xuân của Định. Từ bài báo, bà tìm vào trại giam thăm Định và nối lại quan hệ xưa. Bà đến gặp nhà văn Nguyễn Đình Tú, năm 2009, khi đó anh là Trưởng ban Văn xuôi của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tác giả cuốn tiểu thuyết “Phiên bản” mà Phạm Ngọc Định đọc trong trại giam.

“Tôi nhận được một lá thư, dài 23 trang vở học trò viết tay, từ trại giam Nam Hà gửi. Anh nói rằng rất yêu văn chương, văn chương cứu rỗi cuộc đời anh và anh hạnh phúc khi tìm được văn chương. Anh nhờ tôi tìm thêm một số tư liệu về chiến tranh để viết tiếp cuốn sách anh đang ấp ủ”. Sau đó, Phạm Ngọc Định gửi cho nhà văn Nguyễn Đình Tú 1 tập bản thảo dài kín đặc chữ viết tay, nhờ Tú giữ hộ. Năm 2015, ông được ân xá, được về với xã hội.

Và sau 14 năm, tập bản thảo được viết trong lao tù ấy đã xuất bản và ra mắt độc giả, mang tên “Biến tấu của ký ức”. Cuộc sống ra tù vất vả, lận đận, nhưng Phạm Ngọc Định vẫn không nguôi quên giấc mộng văn chương. Định kể, thời đi học ông rất ghét văn chương nhưng những ngày trong trại giam tử tù, sắp đối diện với cái chết, ông ân hận và mong muốn làm một điều gì đó để trả nợ cuộc đời. Từ khi bỏ học, Định gần như quên hết mặt chữ. Ông phải lần mò lại những gì có thể đọc và hoàn thành bức thư gửi về cho vợ.

Sau đó, ông bỗng nghiện sách báo, càng đọc Định càng cảm thấy đầu óc như được khai hóa. Định đọc cả những cuốn sách dày như “Chiến tranh và hòa bình”, “Cuốn theo chiều gió”, rồi truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, “Mùa lá rụng trong vườn” của Ma Văn Kháng, “Phiên bản” của Nguyễn Đình Tú. Những cuốn sách đã khơi dậy lương tri và thổi lên trong tâm hồn kẻ tử tù khát vọng được sống đẹp, sống có ý nghĩa. Nhưng một kẻ tử tù đang đợi ngày hành án như Định thì làm được gì?

“Trong trại, mang án tử, tôi ân hận lắm, muốn làm gì có ích cho cuộc đời trước khi quá muộn. Tôi đọc được lời nói của nhà văn Victor Hugo đại ý: Tình yêu quê hương đất nước, con người xuất phát từ những điều bé nhỏ, gần gụi nhất. Rồi tôi đọc báo thấy những tấm gương khuyết tật vượt lên số phận. Tôi nghĩ đến văn chương. Điều duy nhất tôi có thể làm là cầm bút và tôi đã liều viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên trong buồng tối với ý nghĩ đó”.

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: “Chỉ có cách viết ra những câu chuyện, cũng là cách Phạm Ngọc Định đến gần hơn với thiện lương, với giá trị của con người”. Phạm Ngọc Định đã kiên nhẫn cả tháng trời, tách đôi tờ Tạp chí Phụ nữ để lấy giấy trắng và viết trở lại như một cậu học trò bắt đầu những trang viết đầu tiên.

“Có những ngày tôi viết được 20 trang, đôi tay viết không kịp suy nghĩ. Đặt bút viết, vừa hào hứng vừa lo sợ. Tôi viết vội vã vì sợ mình sắp trả án. Viết như thể ngày mai là ngày cuối cùng trên cuộc đời. Tôi chạy đua với thời gian, chạy đua với ý tưởng”. Phạm Ngọc Định viết một mạch trong vòng 5-6 tháng và xong cuốn sách đầu tiên. Sau đó ông được giảm án, được sự động viên, tạo điều kiện của cán bộ quản lý trại giam, ông viết thoải mái hơn. Những bản thảo sau này, Định gửi ra nhờ nhà văn Nguyễn Đình Tú cất giữ, để hôm nay ra mắt bạn đọc.

Văn chương thức dậy những thiện lương

“Biến tấu của ký ức” do NXB Văn học ấn hành lấy bối cảnh năm 1972 khi Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc. Đó là những ký ức tuổi thơ và câu chuyện xoay quanh 13 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, Hải Phòng là một thành phố bị hủy diệt và tàn phá. Lúc đó Định 10 tuổi. Thông qua truyện dài này, người đọc có thể hình dung về một Hải Phòng hiên ngang, bất khuất trong bom đạn chiến tranh. Đó cũng là giấc mơ của Phạm Ngọc Định, muốn viết những câu chuyện về đất nước, quê hương mình.

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, một người con của Hải Phòng cho rằng: “Là một người viết tay ngang nhưng Phạm Ngọc Định đã lột tả chân thực sự khốc liệt của chiến trang. Tác phẩm này gây ấn tượng, chạm đến cảm xúc của người đọc không phải ở tầm vóc văn chương mà ở sự chân thực và xúc cảm của người viết. Đặc biệt, cuốn sách được viết trong một hoàn cảnh hết sức ấn tượng, trong trại giam và người viết từng là một tử tù. Ít có tác giả và tác phẩm nào có số phận như vậy”.

truyện dài của phạm ngọc định được viết trong trại giam nam hà vừa xuất bản.jpg -1
Truyện dài của Phạm Ngọc Định được viết trong trại giam Nam Hà vừa xuất bản.

Điều đáng nói là trong ngục tối, những trang viết của Phạm Ngọc Định lại rất trong trẻo, hồn hậu, đầy tình yêu và niềm tự hào về cuộc chiến của nhân dân. Ở đó, ông còn dành những trang viết kỹ về những trò chơi dân gian xưa, hết sức tự nhiên và gần gụi, với mong muốn khơi lại tình yêu văn hóa dân gian trong những tâm hồn trẻ thơ. “Đó là điều rất tuyệt vời vì những trang viết được viết bởi một con người tưởng chừng đã mất hết khả năng sáng tạo, mất hết giá trị với cuộc sống. Và điều đó chứng tỏ, văn học có sức mạnh ghê gớm, nó cứu rỗi con người, làm sống lại những ký ức, làm cho ký ức ngân vang lên trong tâm hồn con người, mang lại những giá trị tốt đẹp cho xã hội”, Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha nhấn mạnh.

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy nhận xét: “Trong vòng lao lý anh chọn cách làm bạn với chữ, cách tốt nhất đến gần với thiện lương, định giá lại những giá trị cuộc đời. Cuộc đời anh như khối rubik nhiều màu. Đây là cuốn sách có ý nghĩa về tư liệu, nhưng quan trọng hơn đó là tình yêu văn chương của một kẻ ngoại đạo, một tử tù”. Nhà văn Kiều Bích Hậu ấn tượng bởi thế giới trẻ thơ trong chiến tranh được Phạm Ngọc Định khắc họa khá đậm nét.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng tâm đắc về sức sống của tuổi thiếu niên trong thời chiến và sự sáng tạo, dũng cảm của những đứa trẻ Hải Phòng thuở ấy trong cuốn sách. “Chất liệu đời sống và tinh thần của người Hải Phòng thể hiện qua ý chí, nghị lực sống của những chú bé hồn nhiên, mạnh mẽ ấy đã mang đến hy vọng cho cuộc đời”.

Phạm Ngọc Định ra tù năm 2015, ông chăm chỉ làm việc và quản lý một trang trại nhỏ ở Hải Phòng, trồng trọt, chăn nuôi. Nhưng ông vẫn không quên giấc mộng văn chương. Trong thời gian ở trại, ông còn viết một số tác phẩm khác nhưng cần thời gian chỉnh sửa, trau chuốt lại. “Một câu chuyện dài hơi về quê hương đất nước vẫn là mơ ước của tôi trong thời gian tới, tôi muốn kể cho người đọc nghe về điều đó bằng tình yêu và khát khao sống thiện lương của mình. Văn chương đã cứu rỗi cuộc đời tôi bằng những vẻ đẹp hồn hậu, bình dị của nó. Và tôi muốn viết để tri ân lại cuộc đời”.

Có lẽ, chúng ta sẽ không bàn nhiều về sự hay - dở của “Biến tấu của ký ức” của Phạm Ngọc Định. Tôi nghĩ nhiều hơn đến những vẻ đẹp và giá trị đích thực của văn chương đánh thức sự thiện lương, khát vọng sống của con người. Và dù trong chốn tối tăm, vô vọng nhất, ai cũng có quyền/ có khả năng mơ ước. Cái đẹp của văn chương - nghệ thuật, vì thế mà mãi mãi tồn tại.

Linh Nguyễn
.
.