Vân Anh và “nẻo nghệ” trong "Trầm tích thời gian"

Thứ Hai, 14/07/2025, 09:40

Nhà thơ Nguyễn Thị Vân Anh (Vân Anh), Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An vừa xuất bản "Trầm tích thời gian", NXB Nghệ An tháng 5/2025. Tập thơ gồm 62 bài, tiếp tục khắc họa lên “bản đồ tâm hồn” nữ nhà thơ xứ Nghệ.

Tại sao lại là “trầm tích”? Về vật thể trong tự nhiên, hai chữ “trầm tích” chỉ sản phẩm của quá trình phong hóa và xói mòn đất đá. Thời gian là phi vật thể có “trầm tích” không? Chắc chắn, đây là ẩn dụ, nhưng có thể hiểu đó là những gì “kết tủa” lại của thời gian. Đó là ẩn dụ của thi ca.

trang 16 - nha tho van anh.jpg -1
Bìa tập thơ "Trầm tích thời gian".

"Trầm tích thời gian" cũng chính là tên riêng của một bài thơ trong thi phẩm cùng tên. Thi pháp lục bát, điệu thức “ru nôi”, nhưng vấn đề đặt ra trong bài thơ từ nội cảm vượt ra thành ngoại cảm, biện chứng. “Trăm năm hằn vết sẹo đau/ Ngàn năm lưu giữ những câu thơ buồn”; “Trăm năm giọt nước yếu mềm/ Ngàn năm là biển mặn thêm vị đời”; “Ta không tích lũy trăm năm/ Gia tài dân tộc ngàn năm hao mòn”. Đây là thứ ba trong bài thơ có sáu cặp lục bát. Nhà thơ Vân Anh luôn vậy, luôn suy tư, ưu tư. Đó cũng là “trầm tích” của không gian sống, thời gian sống của nhà thơ.

Mọi tượng đài dựng lên giữa không gian/ a-xít thời gian gặm nhấm/ Chỉ vĩnh cửu Tượng đài/ đúc muôn thuở lòng dân!” (Trầm tích lịch sử). “Lời ru mẹ trộn nắng mưa/ Vê tròn đắng ngọt, cay chua vị đời”; “Dấu chân điểm chỉ khóc cười/ Cổng Làng chấm dấu những lời trăm năm...” (Trầm tích nghĩa nhân). Ngoài "Trầm tích thời gian", trong tập thơ còn có “Trầm tích lịch sử”, “Trầm tích nghĩa nhân”.

Giữa thơ ca, tôn giáo và triết học đều có thiên chức giải thoát cho tâm hồn con người. Thi ca đích thực, dù là hiện thực góc cạnh hay hiện thực đã được làm nhòe mờ thì vẫn có thiên chức mang đến vẻ đẹp ẩn chứa về mỹ triết, làm cho tâm hồn con người được khai phóng trong từ trường của vẻ đẹp. Đọc những bài thơ trầm tích của Vân Anh, dù tên bài, đề tài khác nhau nhưng dễ nhận ra từ trường đó.

Trong "Trầm tích thời gian", dẫu là sáng tác mới, nhưng cũng như ở các tập thơ trước, Vân Anh dành cho vùng đất nuôi dưỡng tâm hồn chị khá nhiều bài thơ. Có thể nói đến “Thức cùng hào khí sông Lam”, “Đất và người miền Trung”, “Xứ Nghệ”, “Hiền nhân hiển thánh”, “Vọng lời thi nhân” (tưởng nhớ nhà thơ Trần Hữu Thung), “Vọng quê”, “Nhớ về Xứ Phuống”, “Về tại quê nhà” (tưởng nhớ nhà văn Sơn Tùng), “Mùa thu về lại Quỳ Châu”, “Tưởng nhớ thi nhân” (tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Hùng Vỹ), “Gánh chợ vào thơ” (đề tặng nhà thơ Hồ Mậu Thanh), “Biên niên ta”, “Vọng hồn nghĩa khí”... Như vậy là 13/62 bài, chiếm tỷ lệ gần 21%.

Có thể nói trong tâm hồn thơ nhà thơ Vân Anh có “vết xước” xứ Nghệ, tạo nên “căn cước” thi ca của chị. Đọc thơ chị có thể quả quyết rằng, không ai “bứng” được chị ra khỏi quê hương. Xứ Nghệ là sinh tố của tâm hồn thơ Vân Anh.

Đêm cạn năm/ Thức cùng “Hào khí sông Lam”/ Thuyền ví giặm chở dân ta về nguồn cội/ lương tâm đắp bồi/ nuôi mùa xanh nhân văn...” (Thức cùng hào khí Sông Lam).

Trái tim “thức” đến cạn ngày, cạn tháng, cạn năm, e trước đó là cạn giây, cạn phút, với tư cách là những “thời gian sống”. “Thuyền ví giặm chở ta tiến về phía trước/ Mong cập bờ tương lai, thỏa lòng điều ước/ Dân Việt mình neo đậu bến An Vui!”. Từ cá nhân đến cộng đồng, từ mình đến người, từ quê hương đến đất nước, rộng hơn nữa là nhân loại. Đó là lý do để “cạn” lòng mình, tâm hồn mình. Làm được điều đó đến đâu đều là sự tự hào của người sáng tác.

Bài thơ này, nhà thơ Vân Anh viết khi tham dự chương trình nghệ thuật “Hào khí Sông Lam” vào đêm 31/12/2024, đón chào năm mới 2025 tại Quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vinh, Nghệ An. Đó là một thời khắc đặc biệt. Thời khắc ấy gợi lên trong tâm hồn đa sự, đa cảm của nhà thơ thi hứng về phồn sinh, nảy nở.

Miền Trung nói chung, xứ Nghệ nói riêng là vùng dư địa thi ca. “Đất miền Trung cằn khô cong đòn gánh/ oằn gánh hai đầu Tổ quốc/ Cơn thịnh nộ thiên nhiên bốn mùa giáng xuống/ Nắng hạ đốt cháy đồng/ gió Lào uống cạn sông hạt lúa củ khoai mặn chát vị sinh tồn”. Sẽ còn rất nhiều sự lý giải chờ đợi các nhà nghiên cứu, tại sao vùng đất “khô cong đòn gánh ấy” lại có ví giặm, con người xứ sở ấy luôn cương cường, quật khởi? Người là hoa của đất, đất nghèo luôn nảy nở những tâm hồn yêu cuộc sống và khát khao dâng hiến.

Người miền Trung/ mười ngón chân hóa rễ cây bám đất/ mười ngón tay hóa cành lá hút cạn Mặt Trời/ nuôi mùa xanh trồi lên từ sỏi đá/ phồn sinh!” (Đất và người miền Trung).

Nhà thơ Vân Anh tự hào về Sông Lam - Ngàn Hống, vùng đất địa linh nhân kiệt, vùng văn hóa. Vùng đất ấy không chỉ sinh ra Phan Bội Châu (Phan Sào Nam), Nguyễn Tất Thành... mà còn sinh ra Đại thi hào Nguyễn Du, Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương... Đó là nơi “Nơi hai dòng chảy Văn Chương/ dân dã, bác học hợp lưu/ Nơi chưng cất tinh túy cốt cách cụ đồ...” (Xứ Nghệ). Trong bài thơ “Xứ Nghệ” chị giải thích nơi “hội tụ” linh khí trời đất ấy theo cách của mình, sông Lam “đọng phù sa thái âm”, Ngàn Hống “nén linh khí thái dương” mà thành. “Nếu có kiếp sau/ Ta lại về xứ Nghệ đầu thai”, phải máu thịt với quê hương Vân Anh mới “tuyên ngôn” như thế.

Phuống - một địa danh văn hóa bên dòng sông Lam, cố thổ của nhà thơ Vân Anh là một thành tố của vùng văn hóa xứ Nghệ. Cả đời người, đời thơ chị “neo” vào Nghệ, thành danh trên đất Nghệ. Thơ của chị xác tín chị thuộc về vùng văn hóa đó. Phuống mà chị tự hào, bởi đó là nơi có vòng ôm độ lượng của mẹ, tấm lưng cha cõng đàn con đi qua năm tháng. Chị luôn hoài niệm, ký ức luôn sống dậy: “Nhà xưa rợp mát tình quê/ Mẹ ru ví giặm trưa hè nuôi con” (Nhớ về Xứ Phuống).

%3fnh trang 16.jpg -0
Nhà thơ Vân Anh.

Phuống là ký ức. Bài thơ nào viết về Phuống chị cũng không quên đề từ dâng cha mẹ và xứ Phuống, Cha, Mẹ và Xứ Phuống được viết hoa trân trọng, thành điển ngữ trong chốn linh thiêng của tâm hồn. “Về Phuống cùng Mẹ - Cha/ Trầm thơm những Tết Xưa…”, đến bây giờ ở tuổi gần bát thập, đã lên chức bà, chức cụ nhưng nhà thơ Vân Anh vẫn đau đáu về với Phuống. Cha mẹ là người cắt rốn, Phuống là nơi chôn nhau.

Nhà thơ Vân Anh vốn là sinh viên Văn khoa Đại học Vinh, năm 1968 ra trường, là giáo viên dạy văn cấp 3, đào tạo năng khiếu. Chị là một “cá tính” xứ Nghệ. Là nữ giới, Vân Anh cũng mong manh, sương khói, thích được chinh phục; cũng hờn, cũng tủi… nhưng hiển thị trong đời sống và thi ca Vân Anh, có chất “đồ Nghệ”. Thơ chị không “đèm đẹp” về câu chữ, vần vè như muôn năm, muôn thuở, mà có chiều kích của ngôn ngữ và tầng vỉa của tư duy.

Không chỉ văn xuôi mà thi ca thường xuyên phải biết phản tư. Văn chương nói chung và thi ca chân chính nói riêng phải luôn biết truy vấn về nhân tính. Và, tính người, tình người, trách nhiệm xã hội của thi ca phải được thể hiện bằng những cảm xúc tưởng chừng như riêng tư, vặt vãnh, thoáng qua. Dài như trường ca, ngắn như tứ tuyệt đều không thể thiếu điều đó.

Trong bài thơ “Trăn trở II”, chị viết: “Những ngọn núi lè tè ngạo mạn tự phong là chót vót/ Những ao hồ tù đọng kiêu căng luôn tự bão hòa,/ Những đường ray hoen gỉ tư duy định vị,/ Những vòng “kim cô” giáo điều tự ấn lên đầu làm khuôn mẫu,/ Những phẩm cách dàn hàng ngang đồng phục,/ Những dấu vân tay bản ngã đồng dạng nhạt nhòa”. Đó là trăn trở đầy cá tính. Và chị thốt lên: “Gió sáng tạo mang hùng khí lạ/ Sợ thổi lạc loài giữa sa mạc sáo mòn!”. Không đổi mới sáng tạo, không thể vươn mình.

Thơ ca luôn là “Thượng đế” của vẻ đẹp. Thi ca không có chỗ cho “ngụy ngôn”. Đọc "Trầm tích thời gian", bạn đọc dễ nhận diện ra bản thể của nhà thơ. Chị biết đặt mình vào bộn bề cuộc sống; có thể đó là những “Nghĩ vụn hậu cơn bão Yagi”, “Gieo gặt cùng nhân dân”, “Nghe lời ru tháng Giêng” - đề tài hậu chiến...

Thơ Vân Anh, dẫu là thơ mặt phẳng hay siêu hình, tâm linh đều xuất phát từ những cảm xúc khác thường của một nhà thơ nữ biết rạch ròi yêu, ghét, khát khao đắp đổi, sẻ chia. “Ước gì Trái Đất đừng quay/ cho ta cứ mãi thơ ngây dại khờ/ Gốc me dáng Mẹ vẫn chờ/ mắt cười hấp háy nở bờ bình yên” (Giọt trầm tư - Khúc I).

Nhà thơ Vân Anh ở tuổi tâm hồn đã đầy ắp, đó là “gia tài” để sáng tạo. Sinh thời nhà thơ Thạch Quỳ, từng nhận xét về người và thơ của Vân Anh “là tác giả có dấu vân tay điểm chỉ vào giấy khai sinh tác phẩm”. Đọc "Trầm tích thời gian" nhận ra vẻ đẹp đa mang, đa sự của Vân Anh, một hồn thơ ký thác cùng quê hương.

Sông Nghèn
.
.