Tú Xương - những “cái lạ đời”!

Chủ Nhật, 24/09/2023, 06:12

Thế giới thơ Tú Xương là thế giới của cái “lạ đời” ở chỗ đã kiến tạo nên một mô hình tiếng cười rất riêng, không giống ai, sắc nhọn, đanh đá, chua chát, đau đớn. Đó là một mô hình của “thế giới lộn ngược”, tất cả cứ lộn “tùng phèo”, tréo ngoe, oái oăm. Tiếng cười luôn là một mã văn hóa của thời đại, của dân tộc nên giải mã tiếng cười sẽ góp phần tìm được bản chất, xu thế thời đại và tâm hồn, tính cách dân tộc. Các nhà trào phúng lớn thực sự là những nhà văn hóa lớn.

Vượt qua quan niệm nhà văn là “thư ký của thời đại” (là người ghi chép) lý luận văn học hiện đại cho rằng nhà văn phải là người “kiến tạo hiện thực” tức phải tạo ra một mô hình thế giới riêng. Thoát thai từ đời sống nên tác phẩm là mô hình của đời sống chứ không phải bản thân đời sống, do vậy tài năng nhà văn mang tính quyết định. Nhà văn sống với đời sống thế nào thì có tác phẩm như vậy.

“Tự do sáng tạo” là khái niệm chỉ mối quan hệ tác giả với đời sống. Có người kêu to phải “trao quyền tự do sáng tạo” cho nhà văn (!?). Thực tế có ai cấm ai “tự do sáng tạo” đâu. Chỉ sợ viết không hay thôi. Cứ “tự do” ngụp lặn xuống tận đáy dòng chảy cuộc đời, phải lam lũ sống cùng đời sống nhân dân, vui cái vui, đau cùng nỗi đau của người lao động theo nguyên lý “sống đã rồi hãy viết” (Nam Cao) cộng với cái tài, may ra mới có tác phẩm đích thực. Xin giới thiệu “mô hình” “lạ đời” trong thơ Tú Xương để chứng minh những điều này.

Tú Xương - những “cái lạ đời”! -0
Tú Xương (1870 - 1907).

Tú Xương có câu thơ rất thâm thúy: “Cờ biển vua ban cũng lạ đời!” (Ông Tiến sĩ mới). “Cờ biển” của “vua” luôn mang tính chuẩn mực quan phương thế mà còn “lạ đời” huống hồ những cái bình thường khác!? Cái sự “ban” “cờ biển” này “lạ đời” thì đương nhiên “người ban” cũng “lạ đời” nốt.

Thế giới thơ Tú Xương là thế giới của cái “lạ đời” ở chỗ đã kiến tạo nên một mô hình tiếng cười rất riêng, không giống ai, sắc nhọn, đanh đá, chua chát, đau đớn. Đó là một mô hình của “thế giới lộn ngược”, tất cả cứ lộn “tùng phèo”, tréo ngoe, oái oăm. Tiếng cười luôn là một mã văn hóa của thời đại, của dân tộc nên giải mã tiếng cười sẽ góp phần tìm được bản chất, xu thế thời đại và tâm hồn, tính cách dân tộc. Các nhà trào phúng lớn thực sự là những nhà văn hóa lớn.

Thời Tú Xương sống là cái thời có nhiều bi hài kịch nhất: sự hỗn loạn, sự lai căng của văn hóa ngoại lai, sự xuống cấp trầm trọng của đạo lý, đạo đức, sự thối nát của chính quyền. Đó là cái thời có nhiều chân dung, nhiều hình ảnh, nhiều sự kiện đáng lên án, đáng phê phán nhất. Trong thơ Tú Xương có gần như đầy đủ chân dung các loại người từ vua quan, Tây, Tàu, thầy đồ, gái điếm, cô đầu, kẻ buôn, sư sãi… và cũng có rất nhiều nghề, nhiều nghiệp.

Tú Xương lớn bởi ông không chỉ cười một loại người nào, một hạng người nào hay một tính cách đáng cười nào mà ông cười cả một thời đại. Ý nghĩa phổ quát của tiếng cười Tú Xương vượt qua ý nghĩa của văn chương thông thường mà vươn tới tầm lịch sử để đòi thay đổi cả một trạng thái xã hội. Đọc thơ Tú Xương người ta thấy tất yếu cần một sự thay đổi lớn. Nhiều người yêu, mê, thuộc rồi truyền khẩu thơ Tú Xương có lẽ phần lớn cũng vì ở điểm này.

Sống trong bóng đêm xã hội “Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn” nên Tú Xương muốn phơi bày ra ánh sáng tất cả những gì trái tai gai mắt cần phải thay đổi. Điều này quy định thơ ông dễ hiểu, giản dị, ít điển tích, điển cổ. Nên nói thơ ông sâu sắc (như có nhận định) là có phần khiên cưỡng nhưng nói thơ ông quyết liệt thậm chí ác liệt là có cơ sở. Ông là người duy nhất của làng trào phúng Việt trong thời đại mình xứng đáng với tên gọi người kể chuyện cười bằng thơ. Mỗi bài thơ của ông như một mảnh ghép để ghép lại thành bức tranh trào phúng về lịch sử.

Tú Xương trước hết là nhà phóng sự điều tra về những gì tiêu cực, lố lăng, xấu xí của xã hội… Vì sự đi lại trong thực tế cuộc sống thời ấy không thuận tiện, với ông cũng không thật sự cần thiết nên “phương tiện” điều tra chủ yếu là bộ phận “thính giác” nhạy bén và nhạy cảm. Cho nên ta hiểu vì sao động từ “nghe” xuất hiện rất nhiều lần trong thơ ông: “Nghe văn mà gớm cho ông mãi” (Ông Tiến sĩ mới); “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai” (Sông lấp); “Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau…/ Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang” (Năm mới chúc nhau); “Nằm nghe tiếng trống, trống canh ba” (Chợt giấc); “Nghe nói miền Nam trời đại hạn” (Lụt năm Bính Ngọ);… Nhân vật cũng nghe: “Nghe tin cụ cố cười ha hả…/ Nghe tin bà cố cười khì khì” (Ông Cử thứ năm);…

Nhà thơ “nghe” thấy tiếng nói của các nhân vật nói với nhau nên động từ “bảo”, “nhắn” có rất nhiều: “Ta thấy người ta vẫn bảo rằng/ Bảo rằng thằng Cuội ở cung trăng” (Gái góa nhà giàu); “Tôi thấy người ta có bảo rằng” (Chị Hằng thằng Cuội); “Khéo bảo nhau rằng: mới với me” (Năm mới); “Ai về nhắn bảo đàn em nhé” (Lấy lẽ); “Ai về nhắn bảo việc này cho/ Nhắn bảo ai rằng việc nhỡ to” (Mẹ vợ với chàng rể); “Ông lão nhà quê tang tảng dậy/ Bảo con đan đó chớ đan gầu” (Mưa tháng bảy);…

Tú Xương - những “cái lạ đời”! -0
Hình ảnh bát nháo, hỗn loạn thời Tú Xương sống!

Ở thời buổi toàn cầu hóa này nhưng trong giáo trình giảng dạy của nhiều trường báo chí hiện đại ở một số nước tiên tiến vẫn coi “hỏi” là phương pháp điều tra cơ bản, vì thông dụng, tiện lợi, nhanh gọn và hiệu quả. Hẳn nhiên trong thơ Tú Xương có rất nhiều câu hỏi, có cả những câu hỏi tu từ nhưng phần nhiều là những câu hỏi mang tính “điều tra”, hỏi để làm rõ thông tin góp phần vạch ra sự thật của sự kiện: “Học trò chúng nó tội gì thế?/ Để đến cho ông vớ được đầu” (Chế ông Đốc học); “Chẳng hay gian dối vì đâu vậy?” (Chế ông Huyện); “Hàn lâm tu soạn kém gì ai?” (Đùa ông Hàn); “Hỏi lão đâu ta? Lão ở Liêm/…Xuân thu ướm hỏi đà bao tá?” (Già chơi trống bỏi); “Thọ kia mày có biết hay chăng?” (Để vợ chơi nhăng); “Cô Ký kia sao mà chết ngay?” (Mồng Hai Tết viếng cô Ký); “Ông Cử thứ năm con cái ai?/…Thứ năm ông Cử ai làm nổi?” (Ông Cử thứ năm); “Này này hương thí đỗ năm nào?” (Thi phúc);

Lại có khi hỏi cả mình: “Trải mấy mươi năm vẫn thế ru?/ Rằng khôn? Rằng dại? Lại rằng ngu?” (Hỏi mình); Thậm chí hỏi trời: “Ta lên ta hỏi ông trời/ Trời sinh ta ở trên đời biết chi?” (Hỏi ông trời); “Bắc thang lên hỏi ông cầm sổ?” (Khóc anh rể và chị). Hỏi trăng: “Ta lên ta hỏi ông trăng/ Họa là ông có biết chăng sự đời?” (Hỏi ông trăng); “Nước đã mấy con, con nước lớn?/ Trăng bao nhiêu tuổi, tuổi trăng già?” (Hỏi trăng, hỏi nước). Hỏi thời gian, thời thế: “Xuân ơi, ta hỏi xuân xem nhé/ Quả đất còn bao độ chuyển vần?” (Hỏi xuân). Hỏi “trong ấy” (tức Kinh đô Huế): “Dám hỏi những ai nơi cố quận/ Rằng xuân, xuân mãi thế ru mà?” (Xuân). Hỏi “đất”: “Có đất nào như đất ấy không?” (Đất Vị Hoàng). Có cả những lời “hỏi thăm”: “Tôi hỏi thăm ông đến tận nhà” (Ông Ấm Điền); “Hỏi thăm quê quán nơi mô?/ Không học mà sao cũng gọi đồ?” (Giễu ông đồ Bốn ở phố Hàng Sắt);…

Là nhà “điều tra” nên ông nhận thấy sớm hơn tất cả về một trạng thái “ngược đời”, “lạ đời” của xã hội. Thương đời “Những là thương cả cho đời bạc” (Hỏi mình) nhưng càng buồn thêm vì bất lực, vì không thể làm sao thay đổi được trạng thái phong hóa đồi bại đang ngày một thê thảm. Vì thế thơ ông ngập tràn nỗi buồn, ngoài nỗi “buồn thi hỏng” (tên một bài thơ): “Bụng buồn còn muốn nói năng chi/ Đệ nhất buồn là cái hỏng thi”, còn là buồn nhân thế và thời thế: “Cái mặt bôi vôi nghĩ cũng buồn” (“Hát tuồng”); “Sao đang vui vẻ ra buồn bã” (Nhớ bạn phương trời).

Và rất nhiều tâm trạng “ngán”, “chán”: “Ngán nỗi hàng phường khi cúng tế” (Phường nhơ), “Ba chữ nghêu ngao vợ chán chồng” (Mùa nực mặc áo bông); “ngao ngán, ngẩn ngơ”: “Khiến người ngao ngán, ngẩn ngơ sao” (Cái nợ); “Vì ai lận đận cho mình ngẩn ngơ” (Áo bông che bạn). Cũng rất nhiều trạng thái “tiếc”: “Nào ai có tiếc ai đâu?” (Áo bông che bạn), “Tỉnh ra lại tiếc người trong mộng” (Chiêm bao)… Có một chủ đề “hoài cổ” (cũng là sự luyến tiếc) trong thơ Tú Xương mà bài “Sông lấp” là rất tiêu biểu: “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò”…

Bi kịch thời đại và bi kịch cá nhân dồn tụ, nén chặt vào tâm hồn con người thi nhân nên thơ Tú Xương đầy sự bức bối: “Bức sốt nhưng mình vẫn áo bông” (từ góc nhìn này cho thấy câu thơ mang nghĩa bóng hơn là nghĩa thực). Đầy bóng đêm: “Đêm sao đêm mãi thế ru mà?” (Đêm dài), “Kìa cái đêm nay mới gọi đêm” (Dạ hoài)… Có thể viết một tiểu luận nghiên cứu dài về hình tượng bóng đêm này. Còn đầy sự “bối rối”: “Bối rối tình duyên cơn gió thoảng” (Đêm hè). Cũng đầy sự trăn trở vật vã: “Nào ai là kẻ tìm ta đó/ Đốt đuốc mà soi kẻo lẫn nhà?” (Đêm dài); … Bi kịch vẫn là bi kịch. Bóng đêm vẫn “dài”. Bế tắc. Nên cũng dễ hiểu có lúc đau mắt mà ông lại muốn mù hẳn: “Muốn mù trời chẳng cho mù nhỉ/ Giương mắt làm chi buổi bạc tình!?” (Đau mắt)…

Những sự ngược đời ấy đã nói thay cái khát khao lớn nhất ở Tú Xương là mong muốn đòi một sự thay đổi xã hội để con người được sống “cho ra cái giống người”!

Nguyễn Thanh Tú
.
.