Tự tin từ cảm xúc

Thứ Sáu, 18/11/2022, 11:08

Một trưa, khi lướt mạng xã hội Facebook, bất chợt tôi gặp tiếng đàn guitar của thầy giáo Dương Thắng, Hiệu trưởng trường THPT Thạch Yên, Cao Phong - một huyện miền núi Hòa Bình. Chuyện các thầy, cô đa tài đàn hát trong tháng 11 này vốn chẳng có gì bất ngờ nếu như bên cạnh thầy không có sự xuất hiện của hai cô, cậu học trò có chất giọng trong trẻo và hồn nhiên.

Tôi đoán, thầy đang tập đàn cho các em bài “Niềm vui của em” (Sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Huy Hùng) để chuẩn bị cho chương trình văn nghệ chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

Điều người viết bất ngờ ở đây chính là một cảm xúc thật sự giản dị và chân thành mà không thể gặp được trên sân khấu chuyên nghiệp nào. Thầy đệm đàn và trò hát - một bài học bên lề các chương trình, giáo án nhưng tạo ra hiệu ứng không hề nhỏ. Có lẽ, đó là một sự tự tin từ hai phía chăng?

cần bồi đắp sự tự tin cho con trẻ bắt đầu từ cảm xúc-nguồn ảnh trithuc.vn.jpg -0
Cần bồi đắp sự tự tin cho con trẻ bắt đầu từ cảm xúc.

Người viết nhớ đến bài viết của nhà báo Giáp Văn Dương với tiêu đề: “Xúc động theo mẫu”. Trong đó có đoạn viết: “Nhìn lại và suy ngẫm, tôi thấy hạnh phúc lớn nhất của một người là được sống thật với chính mình. Với con trẻ, điều này càng thể hiện rõ ràng. Khi một đứa trẻ được sống thật, niềm hạnh phúc sẽ tỏa rạng trên khuôn mặt. Còn khi đứa trẻ đau khổ, gần như chắc chắn, đứa trẻ đó đang phải sống theo ý người khác và đang không biết phải xoay xở thế nào cho vừa ý họ. Với học sinh, viết không chỉ đơn thuần là hoàn thành một bài tập làm văn, mà rộng hơn là phát triển tư duy và sử dụng ngôn ngữ, cũng như từng bước hình thành nhân sinh quan, thế giới quan, tức từng bước tạo ra chính mình. Do từng bước tạo ra chính mình như thế mà học sinh luôn cần được sống thật và nhờ đó có được niềm vui khi viết, khi học…”.

Những gì mà nhà báo Giáp Văn Dương nhắc đến phải chăng còn là triết lý của sự học. Học cũng có nghĩa là tạo ra chính mình, bởi dù bạn học môn gì, học ai thì cuối cùng cũng chỉ để tạo lập ra chính bạn. Vậy điều gì sẽ quyết định đến sự tạo lập đó: Kỉ luật, tri thức liệu đã đủ hay còn cần đến cả cảm xúc? Sẽ đến lúc bạn nhận ra cảm xúc mới tuy chỉ là sợi dây mảnh nhất nhưng lại nhạy cảm nhất và cũng bền bỉ nhất. Cảm xúc đâu phải chỉ là cảm tính thất thường mà đôi khi nó còn kiểm soát cả suy nghĩ, hành động của một con người.

bỏ văn mẫu để giúp các em tự tin trong cảm xúc-nguồn ảnh phunuonline.com.vn.jpg -0
Bỏ “văn mẫu” để giúp các em tự tin trong cảm xúc.

Vậy chúng ta đã và đang nghĩ gì về cảm xúc của người trẻ, nhất là những học sinh, sinh viên. Người viết nhớ đến dòng slogan "Be a Buddy, not a Bully" (Hãy là bạn tốt, đừng là kẻ bắt nạt) của Trường Alpha School trong lễ khai giảng. Lâu nay chúng ta đi tìm nguyên nhân sâu xa bạo lực học đường, về những bất ổn trong mối quan hệ thầy - trò nhưng lại ít khi nghĩ đến việc quán xuyến cảm xúc của con em mình, của học trò mình thay vì chạy theo những pha nổi loạn.

Cũng chỉ là một tiếng đàn, cũng chỉ là một giọng hát nhưng khi thầy và trò trường Thạch Yên cùng làm nên một bản “hít” ấm áp, khi tiếng đàn ngân lên, họ là những người bạn, không cần lập luận, lí lẽ nhưng có sức lan tỏa với những người trẻ. Người viết tin rằng, có thể từ đây, những cô bé, cậu bé học sinh dễ đón nhận những chỉ dạy từ phía những thầy cô giáo hơn và ngược lại. Người trẻ cần thấu cảm thực sự thay vì những mẫu cảm xúc giáo điều như bài văn mẫu, kiểu như: “Các em phải”, “các con phải”…

Sau khi kể cho một người bạn hai câu chuyện trên, người viết nhận lại một câu hỏi khá bất ngờ: “Liệu chúng ta có cần ứng xử với một đứa trẻ như một người đã trưởng thành?”. Tôi không cần suy nghĩ nhiều và trả lời anh ta rằng: điều ấy là đương nhiên. Thậm chí, trẻ em còn là một chiếc gương mà chúng ta bấy lâu ngại soi vào hoặc chưa bao giờ nghĩ đến điều ấy. Người bạn đó nghe xong thì trầm ngâm. Có thể ông bố lâu nay chỉ quen yêu thương con cái bằng những quy tắc đã thức tỉnh. Anh muốn con cái phải ngoan từ những lời “vâng, dạ”, từ việc xin phép và đạt thành tích theo tiêu chuẩn đặt ra. Nhưng điều đó nếu không được trẻ thấu hiểu và vận dụng đúng thì vô hình chung chỉ là những thứ “văn mẫu” của xúc cảm chăng?

Thật ra, bên trong sự áp đặt của chúng ta chính là một nỗi sợ hãi. Khi còn nhỏ, chúng ta lo sợ vì sự yếu đuối của thân thể, sợ những điều hữu hình như bóng tối, hố sâu, côn trùng có hình thù gớm ghiếc... Còn khi đã trưởng thành, chúng ta lại sợ những điều sâu xa, vô hình.

Trong những chia sẻ của mình, GS Trương Nguyện Thành (người ở độ tuổi U70 đạp xe xuyên Việt vượt 3.400km, leo lên gần 40.000m đồi núi trong 49 ngày) đã nói: “Lý do chính mà chúng ta không hiện thực hóa ước mơ của mình là nỗi sợ. Bạn sợ tương lai không như mong muốn. Bạn sợ khả năng của mình. Bạn sợ môi trường để thực hiện chúng không được hoàn hảo. Bạn sợ những nguy cơ chưa tiên đoán được ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Bạn sợ lỡ thất bại ảnh hưởng đến sĩ diện của mình. Ôi thôi, bạn sợ đủ thứ. Bạn có biết rằng những nỗi sợ đó chính là điều làm bạn chần chừ không dám quyết định hành động, rồi ngày cứ qua đi đến khi bạn già…”.

Con người bị chính những sự sợ hãi bủa vây. Con người đã trở nên yếu đi, suy giảm khả năng từ chính điều đó. Cảm xúc và nỗi sợ hãi đã và sẽ tỉ lệ thuận trong mỗi con người chúng ta. Càng lo sợ, càng muốn áp đặt cảm xúc cho người khác.

gs trương nguyện thành người đạp xe xuyên việt, một tấm gương vượt qua sự sợ hãi của mỗi con người trưởng thành-nguồn ảnh vietnamnet.jpg.jpg -0
GS Trương Nguyện Thành - người đạp xe xuyên Việt, một tấm gương vượt qua sự sợ hãi của mỗi con người trưởng thành.

Người viết biết rằng hiện đã và đang có không ít phụ huynh đã và đang học ngôn ngữ Gen Z để làm bạn với con mình. Chuyện tưởng như vô lý bởi lâu nay chỉ có trẻ em phải học theo ngôn ngữ, quy tắc của chúng ta chứ không thể có điều ngược lại. Nhưng, nếu bạn lắng nghe một chia sẻ như thế này, bạn sẽ thấy điều ấy có lí: “Những người làm bậc phụ huynh như tôi rồi sẽ thấy hụt hẫng khi con cái xa mình dần. Ấy là khi chúng bước vào tuổi teen, đi học đại học, có người yêu. Vào tuổi này chúng thích sự độc lập, không thích chuyện trò với bố mẹ, thậm chí không thích ra ngoài uống cà phê hay đi nghỉ mát cùng bố mẹ. Tôi hiểu đó là diễn biến tự nhiên. Vì vậy tôi học cách hòa nhập với con, tìm hiểu những gì chúng hứng thú để có thể giao tiếp gần gũi hơn với con như một người bạn" (chị Tạ Thị Chung ở Hà Nội chia sẻ).

Để làm một người bạn nhất thiết phải có một sự bình đẳng. Sự bình đẳng ấy không phải ngang hàng, phải lứa hay nhượng bộ mà sự thấu hiểu. Hay nói cách khác, thấu hiểu để con cái chúng ta thêm tự tin. Chỉ sự tự tin mới tạo nên nhân cách, lối sống tích cực mà trước hết là tự tin trong cảm xúc.

Điều này đã được bà Jessica Jackley (người đồng sáng lập Kiva) phân tích: "Mẹ tôi đã bồi đắp sự tự tin cho tôi mỗi ngày. Bà ấy nói với tôi rằng tôi có thể làm bất cứ điều gì mà tôi muốn làm, cho dù tôi có thể sẽ không đạt được thành công lớn. Và theo những cách rất cụ thể, chúng tôi sẽ nói về các cơ hội lãnh đạo khác nhau. Tôi và mẹ luôn học mọi thứ cùng nhau, chơi trò chơi, khám phá hoặc có những cuộc phiêu lưu nhỏ. Thái độ sống đó đã chuẩn bị cho tôi trở thành một doanh nhân, người luôn chủ động và nhìn thấy những cơ hội trên thế giới".

Phải chăng, từ tự tin trong cảm xúc đến tự chủ trong hành động là một con đường cần thiết với những người trẻ trong thời đại này. Viết đến đây, người viết chợt nhớ đến giọng hát của các em học sinh và tiếng đàn của thầy giáo Hiệu trưởng của một ngôi trường ở miền núi đã kể trên. Có lẽ trong thời điểm này khi ngày tri ân các nhà giáo đang cận kề sẽ có những tiếng đàn, tiếng hát vang lên như thế trên khắp các mái trường. Tiếng hát nói lên sự tự tin, thấu cảm của cảm xúc hồn nhiên và trong sáng…

Kiến Văn
.
.