“Tự thanh”, lời trong của một người quê
Với hai chữ “Tự thanh”, nhà thơ Hải Thanh đã xuất bản đến 4 tập thơ, gần nhất là “Tự thanh 4”, ra mắt vào cuối năm 2023 (NXB Hội Nhà văn). Cái tên thi tập nghe là lạ. Tôi gọi điện thắc mắc thì nhà thơ người Vĩnh Phúc, đương nhiệm Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc chỉ cười mà rằng: muốn hiểu thế nào cũng được.
“Tự thanh” là tự mình cất lên âm thanh/tiếng kêu/tiếng nói của mình hoặc tự mình làm trong sạch mình, đều không sai. Nghe giải thích vậy, nhưng cá nhân tôi lại muốn nghiêng về một cách hiểu gộp: “thanh” là tiếng nói, tiếng kêu, mà “thanh” cũng là trong, nên “Tự thanh” là tiếng kêu trong, lời trong. Và, ở đây, như tập thơ “Tự thanh 4” mà tôi đã đọc, đó là lời trong của một người đang ở quê mà vẫn thiết tha, đau đớn buồn mỗi khi lặng ngắm quê, nhớ và nghĩ về quê, quê cụ thể và quê như một ý niệm.
Trong tập “Tự thanh 4” có một bài thơ mang nhan đề “Tôi là một người quê”, với đoạn mở đầu: “Tôi là một người quê/ Thì khi nào đã tỉnh?/ Tôi chỉ hỏi một câu này/ Nhỏ nhẹ/ Một câu thôi/ Kẻ thù nào đã bắn vào làng tôi?/ Đá vô tri cũng còn đầy nước mắt”. Chưa vội bàn hay dở, nhưng ở đoạn thơ mở đầu này có một điều thú vị: cái chữ “quê” đối nghĩa với chữ “tỉnh”, mà nếu thay nó bằng chữ “say” thì có khi còn hay hơn: “Tôi là một người say/ Thì khi nào đã tỉnh?/ Tôi chỉ hỏi một câu này...”. Nhưng, dẫu thế nào, “quê” hay “say” thì cũng vẫn cứ một niềm đau đáu: “Làng tôi bao phen tan nát/ Hạnh phúc nào/ Thiên đường nào/ Vẫn xương thịt quê hương?/ Những giấc mơ hãy còn rỉ máu/ Không có chuyện người nông dân sớm mai ra ngõ bắt được vàng/ Nên cả đời tôi mê mải kiếm tiền/ Nhiều tiền quá lòng tham không dừng lại”.
Người quê có thể ra tỉnh thành sinh sống, làm ăn, lập nghiệp và gửi nhớ thương về chốn quê. Điều ấy đã từng là thực tế khá phổ biến, cả trong đời và trong thơ, mà ví dụ sáng giá nhất chính là một phần lớn tác phẩm trong gia tài thơ Nguyễn Bính. Nhưng, người quê trong tập “Tự thanh 4” của nhà thơ Hải Thanh, nhắc lại lần nữa, là một người đang ở quê. Đang ở quê mà vẫn buồn nhớ về quê, nói đúng hơn, buồn nhớ về cái không gian làng của mình, trong quá khứ, trong hiện tại, trong tâm tưởng và trong thực cảnh nhãn tiền. Người quê ấy, chủ thể trữ tình xưng Tôi, nhân vật xuyên suốt toàn bộ tập thơ tựa như một miếng bọt biển, hút thấm vào mình mọi biến động đã và đang xảy ra trong đời sống của làng quê.
Thời mới, kinh tế thị trường và hội nhập, công nghệ 4.0, đất ruộng chuyển đổi mục đích sử dụng, phân lô bán nền hoặc được tách ra xây dựng các khu chế xuất, bê tông hóa đến từng ngóc ngách đường làng ngõ xóm, rồi người ở lại và người rời làng làm ăn nơi khác v.v... - những điều này ta hoàn toàn có thể hình dung được - thì “chất làng” đương nhiên phải nhạt đi. Tất cả những thay đổi khiến cái “chất làng” phải nhạt đi ấy đã vào thơ Hải Thanh, nhiều khi như một nhận thức đầy những ngỡ ngàng:
“Năm nay trời đã sang trang/ Nước mưa đã nhạt, đất làng đã phai/ Hoa hồng mới nở sớm mai/ Lòng người đã nảy chông gai lạnh lùng” (Làng mới). Rồi: “Bóng hạc nghiêng chao thấp thoáng/ Nói những gì nơi quán lẩu dưới trời khuya/ Nụ cười trong này, nước mắt ngoài kia/ Ăn miếng cá thấy dòng sông chảy máu” (Ăn cơm với cá). Và rồi: “Những cuộc mưu sinh nườm nượp bước chân người/ Ở chốn phồn hoa nhiều mây nõn/ Ai tơ tưởng những mùa vui bất tận/ Ai nỗi niềm hàn gắn sự chia tan... Người đi rỗng làng/ Người về loãng phố/ Câu ca mới, bài hát cũ/ Người bỏ cánh đồng, quê ở với ai?” (Vân vi mùa dịch).
Nhưng, chưa hết đâu, cái sự thay đổi làm phai đi “chất làng” nhiều nhất mà chủ thể trữ tình xưng Tôi trong “Tự thanh 4” nhận thấy còn nằm ở những câu thơ xót xa này: “Mẹ ơi, chiều qua có con cò bay từ Đồng Đậu/ Mang lời ru gieo xuống cánh đồng/ Mẹ ơi, chiều nay có thêm con cò bằng bê tông dang cánh/ Giữa thửa ruộng nhà mình/ Nhưng nó chỉ đứng yên một chỗ/ Gió rất nhiều/ Nhưng không thể bay lên... Trong tầm tã đầy vơi/ Vẫn liêu xiêu dáng mẹ/ Mẹ bơ vơ trên thửa ruộng nhà mình/ Thửa ruộng bơ vơ trên cánh đồng làng mình/ Mẹ và những thân cò như mất tổ/ Ngoài kia/ Cửa làng rộng mở/ Người làng cứ lũ lượt ra đi/ Tháng tháng năm năm/ Khói trắng lại bay về/ Con cò không có bờ tre/ Nó bơ vơ tiếng mẹ” (Cánh cò chiều).
Ta thấy gì đây? Bê tông hóa nhân danh sự phát triển, thuốc bảo vệ thực vật nhân danh sự tăng trưởng, bỏ cánh đồng và việc nông trang nhân danh cuộc mưu sinh khắc nghiệt đã khiến bầu sinh quyển tự nhiên vốn dĩ của không gian làng bị tổn hại nghiêm trọng. Làng không còn là làng như nguyên bản nghìn năm nữa. Còn chăng, như một thứ gia tài được di truyền, chính là nỗi vất vả cực nhọc, là cái “phận đàn bà” đến lắm éo le của những người phụ nữ ở làng.
Người quê trong thơ Hải Thanh kể: “Đàn bà làng tôi/ Nhàu như câu chuyện cũ/ Những nỗi niềm chưa rõ họ tên/ Gửi vào lời ru đỡ lạnh/ Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần... Lấp lóa tháng ngày xanh/ Những người đàn bà của làng khăn gói ra đi/ Vội vàng như trốn vã/ Sau buốt giá/ Những đồng tiền sấp ngửa/ Có những đứa con mang họ mẹ/ Những xa xôi không hẹn ngày về” (Nỗi niềm hạt thóc).
Tuy nhiên, không phải bao giờ lời trong của người quê trong thơ Hải Thanh cũng toàn những buồn đau rưng rức đến thế, như thế. Nhiều khi nó chỉ là một nỗi buồn thoảng nhẹ, một niềm u hoài xao xuyến của kẻ lắm tơ vương với chốn xưa, cõi xưa, với trời trăng mây nước: “Ngơ ngẩn đường dâu về bãi mía/ Ai người trông lại nỗi mong ai/ Nghe đâu ồn ã ngày đương chợ/ Bông lúa lưng còng buổi sớm mai/ Miếu văn thuở ấy giờ đâu nhỉ/ Thành cổ u hoài theo gió mưa/ Phố đã chen chân vào mộng mị/ Một ánh trăng non lạc đáy hồ” (Chiều phủ Vĩnh). Và nữa: “Nhà máy dập dìu, sông Cánh còn tươi/ Đất Hương Canh mùa này như thiếu nước/ Những lò gốm từ lâu thôi rạo rực/ Bước người đi xa lắc đã ai về?/ Trên chuyến tàu thế kỷ cuối rặng tre/ Ga Hương Canh vẫn là ga thuở trước/ Lấp lóa những con đường thân thuộc/ Có ai buồn mua vại giữa đêm mưa?” (Ký ức ga Hương Canh).
Có thể nói, những địa danh trên đất cổ Vĩnh Phúc như phủ Vĩnh, Vĩnh Yên, Kim Long, ga Hương Canh, núi Đinh v.v... khi vào thơ Hải Thanh thì đều không chỉ là những địa danh đơn thuần, mà chúng đã là những cái tên, những ký hiệu chuyên chở âm vọng và hình ảnh dày dặn của quá vãng, chúng đặt ngày xưa với ngày nay vào một sự tương liên đủ để làm bật ra những câu thơ giàu sức gợi. Với cá nhân tôi, những câu như: “Phố đã chen chân vào mộng mị/ Một ánh trăng non lạc đáy hồ”, “Ngoài kia trăng vỡ như trêu chọc/ Gió thoảng qua cây lại ướt thềm”, hay: “Lấp lóa những con đường thân thuộc/ Có ai buồn mua vại giữa đêm mưa”, là những câu thơ như thế.
Nhà thơ Hải Thanh từng bộc bạch: “Suốt năm tháng dài, tôi cũng chỉ quẩn quanh ở làng. Trong không gian nhỏ hẹp ấy tôi luôn tự nhủ: đi đến tận cùng của làng này sẽ bước sang làng khác”. Nếu ta nhớ rằng ở các công trình nghiên cứu có tính chất kinh điển về làng xã và văn hóa làng xã Việt Nam của các học giả bậc thầy như Từ Chi, Nguyễn Hồng Phong, Phan Ngọc, Trần Đình Hượu v.v... thì làng chính là cái lõi của nước/quốc gia. Nước Việt Nam trong quá khứ chẳng qua là một tập hợp khổng lồ của những cái làng, những cái làng nối những cái làng.
Nên khi Hải Thanh nói ông đi đến tận cùng làng này để bước sang làng khác thì tức là cái kiến văn và sự tri nhận ấy đã đặt trong không gian của nước. Và, người quê trong thơ Hải Thanh đã tư duy về những vấn đề vượt quá tầm hạn hẹp của cái làng mình. Đây có lẽ chính là cơ sở để Hải Thanh có những câu, những bài thơ tưởng như “lạc quẻ” trong tập “Tự thanh 4”: “Những người mẹ của ta ơi/ Ai gọi đới?/ Người cười rạng như có ai nhớ đến mình/ Không nghe gì bão tố, không thấm gì lầm than/ Không kể chi bần hàn, không ngại gì đánh giặc/ Cứ cần mẫn gieo trồng trên cánh đồng nhiều thất bát/ Rồi, đội một mái đầu bạc/ Sống một miền cô đơn/ Người chỉ tự nhận mình/ Có đẻ ra người thật/ Nhưng tuyền là vong thân” (Những người mẹ).
Thơ Hải Thanh, có thể thấy qua tập “Tự thanh 4”, chưa phải thơ nghiêng về tìm kiếm những con đường độc đạo của sự cách tân, nhưng cũng không còn là thơ với tư cách sản phẩm của kiểu tư duy thơ truyền thống, cũ mòn. Dẫu sao chăng nữa, điểm khả thủ của thơ Hải Thanh không phải chỗ cũ hay mới, mà ở chỗ: nó là tiếng trong - chân thành và có tính khái quát, triết lý cao; buồn bã mà đôi khi vẫn thấp thoáng nét “uy-mua” - của một người quê về làng mình, về nước mình, về đời sống đương đại và những xoay vần không ngưng nghỉ của thời cuộc. Thơ của một người biết và cảm nhận rất bình thản những điều đang đợi tất cả chúng ta ở phía chân trời: “Đi thăm những nấm mộ/ Mới biết mình đang sống/ Hỏi: chúng tôi đang sống như thế nào?/ Những ngôi mộ đều trả lời: đang chết” (Thời đại).