Từ thành Điện Hải...

Thứ Năm, 27/01/2022, 14:04

Càng gần đến Tết Nguyên đán, tiết trời miền Trung bỗng thay đổi kỳ diệu. Nắng vàng rót mật như cố xua tan đi chút giá lạnh của ngày đông còn sót lại để kịp đón một mùa xuân ấm áp đã cận kề. Khẽ chạm tay vào những cỗ súng thần công trên thành Điện Hải, bỗng nhiên tôi có cảm giác từ thân súng đang tỏa ra hơi nóng lạ thường.

Và, cây đa cổ thụ xòe tán lá xanh che kín một khoảng trời ở cổng thành phía Đông, đón gió lồng lộng từ sông Hàn, tạo nên những âm thanh rì rào, xào xạc, như muốn reo vang mãi khúc ca bi tráng của cuộc chiến tranh vệ quốc, buổi đầu chống Pháp của quân và dân Đà Nẵng cách đây đã hơn 163 năm về trước…

Theo sử sách, vào năm Gia Long thứ 12, nhà vua cho xây đồn Điện Hải. Lúc đó, đồn đắp đất, gần bãi biển Đà Nẵng. Đến năm thứ 15, đồn được đổi tên là thành Điện Hải, và năm Thiệu trị thứ 7 thì cho xây dựng lại kiên cố hơn. Tuy nhiên, vào năm 1823, vua Minh Mạng cho dời thành Điện Hải về xây dựng ở vị trí cao ráo như ngày nay. Cuộc di dời và xây thành Điện Hải mới có hơn 5.000 dân Quảng Nam tham gia hàng tháng trời.

Từ thành Điện Hải... -0
Cổng thành Điện Hải phía Nam đã được trùng tu.

Tiến sĩ Sử học Lưu Anh Rô, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng cho biết, do thành Điện Hải được thiết kế theo kiểu Vauban "dễ thủ, khó công" nên một số tài liệu cho rằng, Oliver de Puymanel là người thiết kế thành. Nhưng thực ra, Puymanel chỉ phục vụ dưới trướng Nguyễn Phước Ánh (vua Gia Long) trong thời gian rất ngắn và chết vào cuối tháng 3/1799, khi mới 31 tuổi. Nói điều này để khẳng định, từ chỉ dụ của các vua Nguyễn, thành Điện Hải đã được xây nên bởi công sức của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng, dưới sự trông coi của các vị quan được giao thực hiện công việc lúc bấy giờ. Người Pháp gọi thành Điện Hải là "pháo đài phía Tây" để phân biệt với thành An Hải nằm đối diện ở bờ Đông sông Hàn…

Tiến sĩ Lưu Anh Rô nói rằng, trước khi giặc Pháp đổ bộ vào Đà Nẵng, các vua Nguyễn đã cho xây dựng nên một hệ thống phòng thủ theo hình vòng cung, bắt đầu từ Hải Vân quan đến "Hải Châu Ngũ Xã", vòng sang bờ Đông ra đến bán đảo Sơn Trà. Và thành Điện Hải là một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ này. Các vua Nguyễn đều coi trọng đất "yết hầu" Đà Nẵng nên cũng đã cho mua và đúc chuyển về các đồn, thành trong hệ thống phòng thủ hàng trăm súng thần công, trong đó có những cỗ súng lớn được đặt tên như Đại luân xa thảo nghịch tướng quân, Vũ công phá địch tướng quân…

Cũng theo Tiến sĩ Lưu Anh Rô, trong cuộc chiến tranh xâm lược của liên quân Pháp - Tây Ban Nha giai đoạn 1858-1860, sau khi đánh thành Điện Hải, liên quân này đã tịch thu tất cả súng thần công bằng đồng đưa về Pháp, chỉ để lại súng bằng gang và sắt, nhưng đóng đinh vào nòng, phá gãy trụ quay để chống tái sử dụng. Do vậy, những cỗ súng thần công còn sót lại được tìm thấy ngay trong lòng di tích thành Điện Hải được trưng bày hiện nay là một phần di sản vô giá; bởi chính những cỗ súng này là sự "hiện thân" của tinh thần bất khuất, quật cường của người Việt Nam trong buổi đầu chống giặc ngoại xâm…

Chọn Đà Nẵng để mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và bành trướng thế lực ra vùng Viễn Đông rộng lớn là âm mưu của thực dân Pháp.

Nhưng khi đặt chân đến đây, dù tàu to, súng lớn, song vấp phải sự phản công quyết liệt của quân và dân ta, hàng trăm tên lính xâm lược đã phải bỏ mạng. Nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng đã đồng lòng cùng vua tôi nhà Nguyễn, đặc biệt dưới sự chỉ huy của võ tướng Nguyễn Tri Phương, đã giam chân giặc trong một thời gian dài. Võ tướng Nguyễn Tri Phương bao vây quân giặc bằng thành lũy, còn nhân dân biến Đà Nẵng thành "vườn không, nhà trống" khiến quân giặc lâm cảnh khốn đốn. Cùng với đó, phải đối đầu với khí hậu khắc nghiệt và dịch bệnh, nên thực dân Pháp cay đắng rút quân, chấp nhận phá sản kế hoạch đánh chiếm Đà Nẵng và kinh đô Huế…

Từ thành Điện Hải... -0
Những cỗ súng thần công trưng bày ở di tích thành Điện Hải.

Nhưng để giữ di tích thành Điện Hải như hôm nay không phải dễ dàng gì! Ngày cuối năm, trò chuyện cùng tôi về việc trùng tu, tôn tạo di tích văn hóa - lịch sử ở Đà Nẵng, Nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Văn Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao (VHTT) Đà Nẵng, cố nén tiếng thở dài. Nhiều di tích, danh thắng quan trọng, như: Thành Điện Hải, Hải Vân quan, Ngũ Hành Sơn… bị xâm hại nhưng không được quan tâm. Riêng thành Điện Hải, tại khuôn viên di tích này, sau khi di dời Xí nghiệp dược thì cho xây lên công trình Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng. Còn vùng lõi của di tích cũng bị xâm phạm nghiêm trọng bởi nhà dân và cơ quan nhà nước. "Đà Nẵng nằm trên "Con đường di sản miền Trung", nhưng không giống như Quảng Nam, hay Thừa Thiên-Huế; mãi đến năm 2016, Đà Nẵng vẫn chưa có một di tích quốc gia đặc biệt, trong khi di tích thành Điện Hải rất xứng đáng được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.

Theo lời ông Hùng, trên các diễn đàn, nghị trường HĐND, ông luôn tìm cách đưa vấn đề trùng tu di tích thành Điện Hải ra thảo luận. "Tôi nói thành Điện Hải là một di sản văn hóa vô cùng quan trọng, là "bàn thờ" của Đà Nẵng, cho nên việc bảo tồn, trùng tu di tích này là thể hiện đạo lý đối với tiền nhân. Còn lấy đất thiêng để xây công trình, nhà cửa sẽ mang tiếng xấu muôn đời! Nói một lần chưa xong thì nói nhiều lần!".

Rất may, cuối cùng đề nghị của ông Hùng cũng được lãnh đạo Đà Nẵng đồng ý và "phát súng" đầu tiên là giải tỏa tòa nhà Trung tâm Thể thao người cao tuổi, Câu lạc bộ Thái Phiên. Tiếp theo là "chặn đứng" ý đồ xây dựng Trung tâm lưu trữ thành phố - một công trình dự kiến có với mức đầu tư đến 60 tỷ đồng, rồi bãi đỗ xe.

"Cùng với sự đồng tình của lãnh đạo thành phố, 80 hộ dân có nhà cửa xâm lấn vùng lõi di tích cũng đồng lòng làm theo, di dời đến nơi ở mới. Ngay sau khi lấy lại được mặt bằng, Sở VHTT nhanh chóng bắt tay khôi phục, tu bổ lại di tích thành Điện Hải; mở rộng không gian phía ngoài thành để trồng cây, làm vườn dạo… Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã cử đoàn vào kiểm tra và rất hài lòng nên cùng Bộ VH,TT&DL trình Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định công nhận thành Điện Hải là Di tích quốc gia đặc biệt vào cuối tháng 12/2017. Đây là di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên của Đà Nẵng!

Thả bước tản bộ quanh di tích thành Điện Hải trong một không gian yên ắng của ngày cuối năm khiến tôi cảm nhận rõ tiếng rì rào, xào xạc từ tàng lá của cây đa cổ thụ ở cổng thành phía Đông khi đón gió thổi về từ sông Hàn. Cỏ mọc chen hoa quanh chân tường thành, dọc theo những cỗ súng thần công trưng bày; khoảnh đất góc trái nội thành vẫn "án ngự" chiếc máy bay trực thăng là hiện vật chiến tranh. Đặc biệt, sau lưng bức tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương vẫn sừng sững Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng… Cho nên, dù đã có được thông tin mới nhất từ Sở VHTT Đà Nẵng về việc trùng tu thành Điện Hải giai đoạn 2, với mức đầu tư 84,3 tỷ đồng; trong đó có việc dời Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng cùng các hiện vật về tòa nhà 42 Bạch Đằng; phục dựng lại kỳ đài, cổng thành 2 phía đông - tây; phục dựng nhà để súng thần công; tôn tạo tượng đài danh tướng Nguyễn Tri Phương… nhưng trong tôi vẫn "bùng lên" mong ước dự án sớm tiến hành.

Và điều quan trọng nữa, như một thông điệp cho bài viết nhỏ này, đó là di tích liên quan đến buổi đầu kháng Pháp ở Đà Nẵng, không chỉ thành Điện Hải mà còn là các nghĩa trang Phước Ninh, Hòa Vang - nơi chôn cất hàng nghìn nghĩa sĩ, nghĩa dân vị quốc vong thân; là nghĩa địa quân viễn chinh Pháp - Tây Ban Nha, nằm ở bán đảo Sơn Trà, là Hải Vân quan trên đường thiên lý Bắc - Nam. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã sáng suốt có quyết định dừng đấu giá lô đất "kim cương" cạnh di tích nghĩa trang Phước Ninh; đồng thời, chủ trương tôn tạo, mở rộng các di tích nghĩa trang… Những việc làm tích cực đó đã mở thêm sản phẩm mới cho du lịch Đà Nẵng; trong một tương lai gần, du khách đến Đà Nẵng ngoài trải nghiệm loại hình du lịch sông, biển, còn được đi tham quan, thăm viếng các di tích ghi lại dấu ấn buổi đầu đánh thực dân Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam…

Long Vân
.
.