Từ sáng tạo đến diễn giải
Có thể nói, về bản chất, sáng tạo và tiếp nhận văn chương là quá trình mang tính cá nhân. Cốt lõi của các quá trình này là việc tái tạo và diễn giải kinh nghiệm bản thân, dù nó không tách rời với tất cả yếu tố ngoại quan, chi phối sự sinh thành của bản thân hiện tượng nghệ thuật cũng như chủ thể sáng tạo - tiếp nhận.
Cái nhìn phổ quát là như vậy. Tuy nhiên, do sự khác nhau của các bối cảnh lịch sử - văn hóa - xã hội, sắc thái chủ quan có thể bị kìm hãm hoặc khuếch trương, nhằm cổ vũ cho những chuẩn mực, hệ giá trị có tính chủ đạo, trung tâm. Văn học trung đại, văn học sử thi cách mạng (1945 - 1975) là những minh chứng cụ thể cho động thái giảm trừ tính chủ thể, phát huy tính tập thể, cộng đồng, hướng đến các giá trị chung của thời đại. Sự khuếch trương bản sắc cá thể đã được định hình từ văn học tiền chiến, chỉ thực sự trở lại trong văn học Việt Nam từ sau 1975, đặc biệt từ sau Đổi mới 1986.
Trước khi nói về kinh nghiệm cá nhân trong sáng tạo và tiếp nhận văn học (sau 1975), thiết nghĩ, cần có cái nhìn hồi cố về chặng đường phía trước, nơi cá nhân tự hiến mình cho đoàn thể, hòa mình vào nhịp sống lớn lao của thời đại sử thi.
Kinh nghiệm thẩm mỹ của văn học sử thi cách mạng, ở bình diện chủ đạo, trung tâm, là kinh nghiệm tập thể. Xem xét những biểu hiện như tư tưởng, mục đích, nhiệm vụ, hình tượng, ngôn ngữ, giọng điệu, đặc trưng kiểu tư duy, phương pháp sáng tác… có thể nhận ra sự đồng quy của sáng tạo và tiếp nhận.
Chẳng hạn "Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong" (Cảm tưởng khi đọc thiên gia thi), Bác nhấn mạnh vào "chất thép" nghĩa là nhấn mạnh tính chiến đấu, tính Đảng, sắc thái tinh thần của văn chương nghệ thuật. Đặt ra yêu cầu, "Nhà thơ cũng phải biết xung phong" là xác lập phẩm chất, tư thế, nhiệm vụ của người sáng tạo. Sau này, năm 1951, trong thư gửi các họa sĩ, Bác Hồ nhắc lại điều này, có tính khái quát hơn: Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy.
"Đề cương Văn hóa Việt Nam" (1943) cũng xác lập những bình diện chủ đạo, căn cốt, có ý nghĩa định hướng cho nền văn hóa - văn học nghệ thuật Việt Nam (Dân tộc - Khoa học - Đại chúng). Những kinh nghiệm được xác lập từ trên ấy, mang tính tư tưởng hệ, đã định hình một nền văn nghệ tiên phong chống đế quốc, "xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta"… Ở đó, người sáng tạo và người tiếp nhận, cùng hướng đến những giá trị chung, cổ vũ tinh thần dân tộc, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
Vì có cùng hệ tư tưởng, hệ giá trị, thế giới quan, nên việc các nghệ sĩ - chiến sĩ của nền văn học sử thi cách mạng có cùng phương pháp sáng tác, bút pháp, phong cách, ngôn ngữ, giọng điệu, kiểu tư duy… là điều có thể hình dung được: "Hoan hô anh giải phóng quân/ Kính chào anh, con người đẹp nhất/ Lịch sử hôn anh chàng trai chân đất/ Sống hiên ngang, bất khuất trên đời ("Bài ca xuân 68" - Tố Hữu); Từ cái chết của anh trên đường băng Tân Sơn Nhất/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân ("Dáng đứng Việt Nam" - Lê Anh Xuân)…".
Trong một bài viết của mình, TS Chu Văn Sơn từng khái quát những điểm làm nên kinh nghiệm tập thể của văn học sử thi là: tư tưởng chủ đạo - "nỗi bằng an thời chiến", giọng điệu tráng ca, ngôn ngữ khắc tạc, cảm hứng lãng mạn lạc quan… Kinh nghiệm ấy, thực tế đã định hình diện mạo của cả chặng đường văn học, bao gồm sáng tạo - tiếp nhận và diễn giải văn chương nghệ thuật.
Sau năm 1975, những chuyển biến của lịch sử - xã hội đã mang đến một không gian văn hóa - văn học mới, gắn với những từ khóa quan trọng như: hòa bình, hậu chiến, đổi mới, cởi trói, thế sự, đời tư… Trong không gian ấy, sáng tạo - phân phối - tiếp nhận - diễn giải văn chương nghệ thuật dần phát huy tính tự chủ, tự do. Kinh nghiệm cá nhân trở thành tài sản, thành khế ước cho sự tồn tại và tham gia vào đời sống và văn học nghệ thuật. Nhu cầu được là chính mình, nhu cầu sống khác, nhìn khác, nghĩ khác, nói khác, viết khác, đọc khác, diễn giải khác… dần trở thành năng lượng cho mọi hoạt động của con người hậu chiến.
Cái khác ấy, dĩ nhiên không phải đột khởi, mà đã có một mạch nguồn âm thầm từ trước đó, sâu xa hơn từ văn học tiền chiến, thậm chí là từ mẫu hình con người "Nhà Nho tài tử" trong văn học thời trung đại. Giờ đây, trong không khí hậu chiến, đổi mới, những tác phẩm như: "Hai người trở lại trung đoàn" (Thái Bá Lợi), "Miền cháy" (Nguyễn Minh Châu), "Nắng đồng bằng" (Chu Lai), "Có một đêm như thế" (Phạm Thị Minh Thư), "Tản mạn thời tôi sống" (Nguyễn Trọng Tạo), "Lối nhỏ" (Dư Thị Hoàn), "Tướng về hưu", "Không có vua" (Nguyễn Huy Thiệp), "Nỗi buồn chiến tranh" (Bảo Ninh), "Mùa hoa cải bên sông", "Sự mất ngủ của lửa" (Nguyễn Quang Thiều), "Sự tích những ngày đẹp trời" (Hòa Vang)… cho đến sau nữa trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái, Đặng Thân, Đoàn Minh Phượng, Nguyễn Ngọc Tư; thơ Mai Văn Phấn, Trương Đăng Dung… đã từng bước chứng thực cho những trải nghiệm cá nhân về thực tại và văn chương nghệ thuật.
Những cá thể khác nhau, những khác nhau trong cùng một cá thể, đã hiện diện, làm thành nét sinh động của đời sống văn chương nghệ thuật. Nguyễn Minh Châu sau 1975 (Miền cháy) khác với chính ông trước 1975 (Dấu chân người lính); chiến tranh trong cái nhìn của Bảo Ninh cũng khác của Nguyễn Minh Châu, và khác với thế hệ nhà văn viết trong thời chiến. Cái nhìn của giới trẻ (8x, 9x…) về chiến tranh lại cũng mang những dấu ấn thế hệ khác với các nhà văn bậc cha chú. Họ, những người trẻ, không có kinh nghiệm thực tế về chiến tranh, nên chiến tranh là một tưởng tượng, một hình dung mang đầy dấu ấn cá nhân (Đinh Phương - "Đợi đến lượt"; Huỳnh Trọng Khang - "Mộ phần tuổi trẻ"; Nguyễn Thị Kim Hòa - "Đỉnh khói"; Trịnh Sơn - "Sóng gió Ô Cấp"…).
Văn học sau 1975 đã mở rộng chủ đề, cảm hứng, xoáy sâu vào những diễn biến tinh thần của con người thế sự, những câu chuyện đời tư, những vận động sâu kín mà phức tạp của xã hội hậu chiến. Chiến tranh được bổ sung nhiều điểm nhìn, gần và thực hơn. Cùng với đó, vấn đề nhân tính, đạo đức, đô thị, nông thôn, thị trường, giới, bản sắc cá nhân, bản sắc dân tộc, sinh thái môi trường, nhu cầu mưu sinh và tiếp cận các hệ giá trị nhân bản phổ quát… dần được văn chương đương đại chú ý. Không có quy chuẩn, định thức nào cho những trải nghiệm của nhà văn. Họ viết bằng những gì đã thấm thía, đã đào luyện từ quá trình quan sát, sống trải của mình.
Đô thị trong tác phẩm của Đỗ Phấn khác hẳn với đô thị trong cái nhìn của Nguyễn Huy Thiệp, lại cũng khác so với các tác giả trẻ - cư dân đô thị sau này (Hạnh Nguyên - "Những thiếu thời lơ lửng", Nguyễn Hải Nhật Huy - "Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới", Nguyễn Dương Quỳnh - "Thăm thẳm mùa hè", Nhật Phi - "Người ngủ thuê"…). Kinh nghiệm văn hóa vùng cao phía Bắc đã mang lại cảm hứng cho Đỗ Bích Thúy viết "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá", "Chúa Đất", "Tôi đã trở về trên núi cao". Nguyễn Ngọc Tư lại khác, văn chương của chị man mác những ngậm ngùi phiêu dạt của phận người trên sông nước Lục Châu ("Cánh đồng bất tận", "Sông", "Biên sử nước"…).
Kinh nghiệm cá nhân trong sáng tạo văn chương không chỉ là sự tri nhận và biểu đạt thực tại - viết cái gì, mà còn là viết như thế nào? Thực tế, điểm làm nên sự khác biệt của những cá tính nghệ thuật, nằm phần lớn ở cách thức biểu đạt hơn là ở nội dung biểu đạt. Nguyễn Huy Thiệp thực hành một lối viết lạnh lùng, tàn nhẫn đến cay nghiệt, nhưng cũng chính trong những trang văn của ông khi viết về phụ nữ, thiên nhiên, ta lại bắt gặp những thương yêu, da diết, đầy nương náu. Lối tự sự huyễn mị, u uẩn trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương chứng thực cho thế giới tinh thần nhà văn, vốn hình thành trong thăm thẳm tưởng tượng, trong cái nhìn kì bí, nghịch dị, lập thể về cõi đời - cõi người.
Trong tiếp nhận và diễn giải văn chương, kinh nghiệm cá nhân chi phối phần lớn đến lựa chọn tác phẩm của công chúng đương đại. Thị trường văn học vận hành theo thị hiếu người tiêu dùng, đáp ứng tối đa những nhu cầu thưởng thức văn chương nghệ thuật, từ cao cấp tinh hoa đến phổ thông đại chúng. Cũng là một văn bản văn học, nhưng, với mỗi người đọc khác nhau, họ sẽ có những trải nghiệm khác nhau, tùy thuộc vào kinh nghiệm cá nhân của họ. Điều đó tiếp sức cho đời sống của tác phẩm. Vẫn sẽ có những điểm tương đồng, trùng nhập trong diễn giải văn chương, nhưng, sức sống của văn học luôn mở về phía khác, nơi kinh nghiệm cá thể trở thành hạt nhân cho sự tồn tại của chính văn chương, và rộng hơn, nó biểu đạt sự tồn tại của con người - những bản thể khác biệt, không thể quy đồng, không lặp lại.